Ngôn Ngữ Thánh Linh: Bằng Cớ Khởi Đầu Của Việc Đầy Dẫy Thánh Linh

Share

Chương 3

Bằng Cớ Khởi Đầu Của Việc Đầy Dẫy Thánh Linh

 

Nếu bạn nghiên cứu sách Công vụ các sứ đồ, bạn sẽ thấy khi các tín hữu đầy dẫy Thánh Linh, họ bắt đầu nói tiếng lạ. Từ điểm này chúng ta có thể kết luận rằng tiếng lạ là bằng cớ khởi đầu của phép báp-tem trong Thánh Linh. Dĩ nhiên, có những bằng cớ khác nhau theo sau nữa. Nhưng đây là bằng cớ hay dấu lạ khởi đầu mà một người nhận sự đầy dẫy Thánh Linh.

Sự Tuôn Đổ Đầu Tiên

Nào chúng ta hãy xem qua sách Công vụ và nghiên cứu năm trường hợp Kinh Thánh ghi lại rằng các tín hữu được đầy dẫy Thánh Linh. Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi, “Chúng ta thấy có bao nhiêu lần việc nói tiếng lạ là bằng cớ khởi đầu của việc đầy dẫy Thánh Linh?

Chúng ta hãy bắt đầu vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi Đức Thánh Linh lần đầu tiên được đổ xuống trên Hội Thánh.

CÔNG VỤ 2:1-4

Đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ Chúa tập họp tại một chỗ. Thình lình có tiếng động từ trời như tiếng gió thổi mạnh, đầy cả nhà môn đồ ngồi. Có những lưỡi như lửa xuất hiện, rải ra và đậu trên mỗi người. Tất cả đều đầy dẫy Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác theo như Thánh Linh cho họ nói.”

Hãy lưu ý điều gì xảy ra lúc các môn đồ thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh: Họ “…khởi sự nói tiếng lạ theo như Đức Thánh Linh cho họ nói” (câu 4). Bây giờ, nếu điều đó xảy ra chỉ một lần, chúng ta có thể nghĩ, Ồ, đó chỉ là một hiện tượng lạ xảy ra vào giai đoạn đầu khi Đức Thánh Linh đổ trên Hội Thánh. Nhưng rồi bạn sẽ thấy, hiện tượng lạ này không chỉ xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần mà thôi.

Sau Khi Phi-líp Giảng Chúa Cứu Thế Cho Người Samari

Chúng ta hãy đọc tiếp Công vụ 8 và sẽ thấy điều gì xảy ra sau khi nhà truyền giảng Phi-líp giúp đỡ dân chúng thành Samari:

CÔNG VỤ 8: 5-8, 12, 14-17

Phi-líp xuống một thành phố miền Sa-ma-ri, truyền giảng Chúa Cứu Thế cho dân chúng. Đoàn dân đông rất chú ý đến lời Phi-líp giảng vì mọi người đều nghe ông giảng và thấy các dấu lạ ông làm. Nhiều tà linh hét lên mà xuất khỏi những người bị ám. Nhiều người bại liệt và què quặt được chữa lành, nên thành phố tràn ngập niềm vui. Nhưng khi nghe Phi-líp truyền giảng Phúc Âm về Nước Đức Chúa Trời và danh Chúa Cứu Thế Jêsus thì họ tin nhận và chịu phép báp-tem, cả nam lẫn nữ. Nghe tin dân chúng Sa-ma-ri đã tiếp nhận Đạo Chúa, các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem liền sai Phierơ và Giăng xuống thăm. Đến nơi, hai ông cầu nguyện cho các tín hữu nhận lãnh Thánh Linh, vì Thánh Linh chưa giáng xuống trên người nào cả; họ chỉ mới chịu phép báp-tem nhân danh Chúa Jêsus mà thôi. Rồi hai ông đặt tay trên các tín hữu thì họ đều nhận lãnh Thánh Linh.”

Một số người nói, “Trong đoạn này đâu có nói những người Sa-ma-ri nói tiếng lạ, nên chắc hẳn là một người có thể nhận sự đầy dẫy Thánh Linh mà không cần nói tiếng lạ.”

Nhưng ai mà tuyên bố như thế thì không nghiên cứu kỹ Kinh Thánh hay lịch sử Hội Thánh. Trước hết, một người nghiên cứu lịch sử Hội Thánh sẽ biết các tổ phụ Hội Thánh đầu tiên đồng ý rằng những tín hữu Sa-ma-ri đã nói tiếng lạ. Thứ hai, nếu bạn đọc tiếp trong chương 8, bạn sẽ thấy một điều gì đó rất ý nghĩa về một người tên là Si-môn.

Trước đây ông được gọi là “thuật sĩ Si-môn,” Si-môn đã tin nơi Chúa dưới chức vụ của Phi-líp tại Sa-ma-ri và đã được báp-tem trong nước. Chúng ta hãy xem những gì xảy ra kế tiếp.

CÔNG VỤ 8:18-19

Si-môn nhận thấy hễ các sứ đồ đặt tay trên ai thì Thánh Linh được ban cho người ấy, liền dâng tiền bạc cho họ và yêu cầu: Xin quý ông cho tôi quyền uy này để tôi đặt tay trên ai thì người đó cũng nhận được Thánh Linh!”

Nếu nói tiếng lạ không đi kèm với phép báp-tem trong Thánh Linh, thì làm sao Si-môn biết những người Sa-ma-ri nhận Thánh Linh? Không thể được. Si-môn đã THẤY một điều gì đó. Câu 18 nói, “Si-môn nhận thấy hễ các sứ đồ đặt tay trên ai thì Thánh Linh được ban cho họ và yêu cầu”. Phải có một bằng cớ bên ngoài đập vào mắt của Si-môn để ông biết rằng những người này đã được đầy dẫy Thánh Linh.

Vâng, Si-môn chắc hẳn đã không thấy Thánh Linh. Đức Thánh Linh là một hữu thể thần linh, mắt thường không thể thấy được. Nhưng nếu không có một biểu hiện siêu nhiên nào đập vào mắt ông, Si-môn chắc hẳn không thể biết các tín hữu này nhận Thánh Linh.

Một Mục Sư đã nói với tôi, “Có thể những người Sa-ma-ri được đầy dẫy sự vui mừng. Đó có thể là những gì Si-môn thấy.”

Nhưng điều đó không thể là câu trả lời được, bởi vì Si-môn đã chứng kiến sự vui mừng bày tỏ khi những người Sa-ma-ri vừa mới tin Chúa. Hãy nhớ câu 8 nói, “Có sự vui mừng lớn trong thành đó”.

Vậy thì bạn nghĩ điều gì xảy ra trong trường hợp này? Điều hợp lý nhất để kết luận là Si-môn đã thấy cùng một điều đã xảy ra trong Công vụ đoạn 2 khi mà 120 môn đồ đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ. Công vụ 2:6 nói, “Khi tiếng động vang ra [120 tín hữu đang nói tiếng lạ], một đoàn dân đông đảo tụ tập lại …” Rồi Phierơ đứng lên giảng cho họ và nói, “…Hãy nhận lãnh lời hứa của Cha mà “Ngài…nhận lãnh Thánh Linh ra như quý vị đang nghe thấy” (Công vụ 2:33). Hãy lưu ý những người này thấy nghe.

Những người nhóm hiệp vào ngày lễ Ngũ Tuần đã thấy và nghe 120 môn đồ mới được đầy dẫy Thánh Linh nói tiếng lạ. Rõ ràng là Si-môn đã thấy điều tương tự.

Các tổ phụ Hội Thánh đầu tiên đều đồng ý những người Sa-ma-ri nói tiếng lạ. Và một chỗ khác trong Tân Ước nói những tín hữu nói tiếng lạ khi họ được đầy dẫy Thánh Linh. Nên từ tất cả những bằng cớ này, việc nói tiếng lạ là dấu lạ thuyết phục Si-môn rằng những người Sa-ma-ri đã nhận Thánh Linh.

Hãy lưu ý những gì Si-môn đã làm khi ông thấy hiện tượng lạ này: Ông đưa tiền cho Phierơ và Giăng bởi vì ông muốn có cùng một quyền năng để giúp cho người khác nhận Thánh Linh.

Một số người nói, “Si-môn tìm cách mua Thánh Linh. Không phải, ông không có cố mua Thánh Linh. Ông cố mua uy quyền hay quyền năng để đặt tay trên người khác để họ nhận Thánh Linh.

Liệu thuật sĩ Si-môn đã cố mua quyền năng để cho dân chúng một điều đó nếu ông không biết người ta có nhận được điều gì hay không? Liệu ông có cố mua một điều gì đó nếu không có sự biểu lộ siêu nhiên nào liên hệ đến kinh nghiệm này? Bất cứ người nào đủ lý trí đều kết luận rằng câu trả lời là không phải vậy.

Si-môn đã đưa tiền cho Phierơ và Giăng, rồi nói, “Xin hãy cho tôi quyền năng này để tôi có thể đặt tay trên người ta và nhìn thấy họ nhận Thánh Linh.”

CÔNG VỤ 8:20-21

“Phê-rơ đáp: Bạc của anh cũng hãy hư vong với anh! Vì anh tưởng có thể lấy tiền bạc mà mua ân tứ của Đức Chúa Trời! Anh chẳng được dự phần hoặc hưởng điều gì trong chức vụ này, vì lòng anh không ngay thẳng trước Đức Chúa Trời.”

Một học giả Hy-lạp đã chỉ ra rằng từ gốc Hy-lạp được dịch “chức vụ” trong câu 21 cũng là cùng một từ được dịch là “lời nói” trong Công vụ 2:4, “Tất cả đều đầy dẫy Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác theo như Thánh Linh cho họ nói.”

Vì thế khi Phierơ nói, “Ngươi không có phần gì trong chức vụ này” là ý ông muốn nói, “Ngươi không có phần gì trong lời nói siêu nhiên này, tức là nói tiếng lạ.” Điều này chứng tỏ rằng những người Sa-ma-ri này nói tiếng lạ khi họ được đầy dẫy Thánh Linh.

Saulơ Thành Tạt-sơ

Bây giờ chúng ta hãy xem trong Công vụ 9 về những gì xảy ra cho Sau-lơ thành Tạt-sơ, sau đó được gọi là Phao-lô, ngay khi ông được cứu và sau đó lại nhận Thánh Linh trong một kinh nghiệm khác nữa.

Sau-lơ đang đến gần thành Đa-mách cầm những lá thư trao quyền cho ông để bỏ tù bất cứ người nào được gọi là Cơ Đốc Nhân. Thình lình ánh sáng chiếu quanh ông, chói sáng như mặt trời ban trưa, và ông té xuống đất, bị ánh sáng làm cho mù mắt.

CÔNG VỤ 9:4-6

“Ông té xuống đất, và nghe có tiếng gọi mình: Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bắt bớ Ta? Ông thưa: Lạy Chúa, Ngài là ai? Ta chính là Jêsus mà ngươi đang bắt bớ! Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào trong thành phố, ngươi sẽ được chỉ bảo những điều phải làm.”

Như chúng ta đã bàn trước đó, Sau-lơ đã được thay đổi tức thì khi ông thấy Chúa Jêsus trong khải tượng và gọi Chúa Jêsus là Chúa. Sau này sứ đồ Phao-lô nhớ lại kinh nghiệm này khi ông viết cho những người Rô-ma: “Vì nếu miệng ngươi xưng nhận Đức Jêsus là Chúa và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” (Rôma 10:9).

Vì thế, chúng ta biết rằng trên đường đến Đa-mách, Sau-lơ của thành Tạt-sơ được tái sanh. Ông xưng nhận bằng môi miệng rằng Chúa Jêsus là Chúa, và ông tin Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Jêsus từ kẻ chết sống lại. Nói cho cùng, Phao-lô đang trên đường đến Đa-mách, đang nói chuyện với Chúa Cứu Thế phục sinh.

Trong câu 6, Phao-lô hỏi, “Lạy Chúa, Ngài muốn con làm gì?”

Chúa Jêsus trả lời, “Hãy đứng dậy vào trong thành, người ta sẽ nói cho ngươi điều phải làm.”

Chúng ta hãy đọc thêm để tìm hiểu điều gì xảy ra sau khi Chúa Jêsus bảo Anania trong khải tượng hãy đến đặt tay trên Sau-lơ để Sau-lơ được sáng mắt và được đầy dẫy Thánh Linh.

CÔNG VỤ 9:10-12, 17-18

“Tại Đa-mách, có một môn đệ của Chúa tên là A-na-nia. Trong khải tượng, Chúa gọi: “A-na-nia!” Ông thưa: “Lạy Chúa, có con đây!” Chúa bảo: “Con hãy đứng dậy đến Phố Thẳng, tìm trong nhà Giu-đa một người tên Sau-lơ quê ở Tạt-sơ, vì người đang cầu nguyện và đã thấy trong khải tượng một người tên A-na-nia bước vào đặt tay trên mình để được sáng mắt lại.” A-na-nia ra đi, bước vào nhà ấy, đặt tay trên Sau-lơ mà bảo: “Anh Sau-lơ! Chúa đã sai tôi đến, chính Đức Jêsus đã hiện ra với anh trên con đường anh đi đến đây, để anh được sáng mắt lại và đầy dẫy Thánh Linh!” Lập tức, có vật gì như vảy cá rơi ra khỏi mắt Sau-lơ nên ông thấy được. Ông liền đứng dậy, chịu phép báp-tem.”

Hãy lưu ý đoạn này không nói gì về việc Phao-lô nói tiếng lạ. Tuy nhiên, sau này chúng ta đọc Phao-lô nói, “Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời tôi nói tiếng lạ nhiều hơn hết thảy anh em” (1 Côrinhtô 14:18).

Bạn nghĩ Phao-lô nói tiếng lạ khi nào? Kết luận hợp lý là Phao-lô nói tiếng lạ khi ông được đầy dẫy Thánh Linh – như 120 môn đồ đã nói vào ngày lễ Ngũ Tuần.

Cọt Nây và Nhà Của Ông

Mười năm sau ngày lễ Ngũ Tuần, gia đình Cọt-nây, một người La-mã tin kính, đã được cứu và được đầy dẫy Thánh Linh.

Một ngày nọ Cọt-nây cầu nguyện thì thiên sứ hiện ra với ông và bảo ông hãy sai người đến Gióp-bê để tìm nhà thợ thuộc da là Si-môn tìm một người tên là Phierơ. Trong lúc ở Gióp-bê, Phierơ đã lên mái nhà cầu nguyện. Trong suốt thời gian cầu nguyện Phi-e-rơ ngất trí và thấy khải tượng. (Ngất trí là một loại khải tượng mà trong đó các giác quan vật lý của một người bị kiềm chế khi người đó nhận khải thị của Đức Chúa Trời.)

Trong khải tượng, Phierơ thấy một tấm khăn chéo từ trời thả xuống có bốn góc. Và trong cái khăn đó có đủ loại thú, cả thú sạch lẫn thú không sạch.

CÔNG VỤ 10:13-15

“Rồi một tiếng nói bảo ông: Phierơ, hãy đứng dậy làm thịt mà ăn! Nhưng Phierơ thưa: Lạy Chúa! Không được đâu! Con chẳng bao giờ ăn vật gì ô uế hoặc không tinh sạch. Tiếng ấy lại bảo: Đừng coi những vật Đức Chúa Trời đã thanh tẩy là ô uế!”

Những người Do Thái cho những người ngoại bang là ô uế nên họ không có giao du với dân ngoại. Nhưng Đức Chúa Trời đang chuẩn bị Phierơ cho những gì ông sắp chứng kiến: Phúc Âm được giảng ra cho dân ngoại. Đó là điều Chúa muốn nói khi Ngài nói trong khải tượng, “…Điều gì Đức Chúa Trời đã thanh tẩy, ngươi không gọi là ô uế.”

Trong khi Phierơ ngẫm nghĩ về ý nghĩa của khải tượng này, Thánh Linh nói với ông rằng có ba người đến để gặp ông và ông phải đi với họ. Vì thế Phierơ cùng với ba người đến nhà Cọt-nây, cùng với một số anh em Do Thái. Khi họ đến, Phierơ giảng Phúc Âm cho Cọt-nây và cả nhà ông.

CÔNG VỤ 10:44-46

“Phierơ còn đang nói, Thánh Linh đã giáng xuống trên tất cả những người nghe sứ điệp ấy. Các tín hữu Do Thái tháp tùng Phierơ đều kinh ngạc vì ân tứ Thánh Linh cũng đổ xuống trên người ngoại quốc nữa, vì họ cũng nghe những người ấy nói các tiếng lạ và ca tụng Đức Chúa Trời.”

Những tín hữu tin Chúa này ngạc nhiên vì Đức Thánh Linh đã đổ trên dân ngoại. Bạn thấy đó, cho tới lúc này, Hội Thánh này là hội thánh Do Thái rất nghiêm khắc. Các tín hữu Do Thái này nghĩ rằng không phải ai cũng có thể nhận Giao Ước Mới, ngoại trừ người Do Thái.

Nên điều gì đã thuyết phục các anh em Do Thái đang có mặt ở đó là cánh cửa cứu rỗi đã mở ra cho dân ngoại? Làm sao họ biết những người này đã nhận Thánh Linh? Câu 46 cho chúng ta biết: “Họ nói tiếng lạ và ngợi khen Đức Chúa Trời..” Nghe những tín hữu ngoại bang nói tiếng lạ là điều đã thuyết phục các anh em Do Thái rằng Cọt-nây và gia đình của ông đã nhận Thánh Linh như họ nhận.

Các Môn Đồ Tại Ê-phê-sô

Trường hợp sau cùng Kinh Thánh ghi lại, nơi các tín hữu nhận Thánh Linh được tìm thấy trong Công vụ 19. Biến cố này tại thành Ê-phê-sô xảy ra khoảng 20 năm sau ngày lễ Ngũ Tuần.

CÔNG VỤ 19:1-2

“Khi A-bô-lô ở Cô-rinh-tô, Phao-lô theo con đường xuyên nội địa đến Ê-phê-sô. Gặp một số môn đệ tại đây, ông hỏi họ: Khi anh em tin đã nhận lãnh được Thánh Linh chưa? Họ đáp: Chúng tôi cũng chưa nghe nói có Thánh Linh nào cả!”

Những tín hữu này là những người bước đi trong ánh sáng họ đã nhận. Họ chưa nghe nói có một Đức Thánh Linh cho đến khi họ gặp Phao-lô.

CÔNG VỤ 19:3-4

“Ông hỏi: Vậy anh em chịu phép báp-tem nào? Họ đáp: Phép báp-tem của Giăng. Phao-lô nói: Giăng làm phép báp-tem ăn năn tội, nhưng ông đã bảo dân chúng phải tin Đấng đến sau mình, nghĩa là tin Đức Jêsus.”

Bạn thấy đó, Giăng báp-tít làm báp-tem trong nước, dạy dân chúng tin nơi Đấng đến sau ông. Nhưng các tín hữu Do Thái này sống tại thành Ê-phê-sô, tọa lạc tại Tiểu Á, và họ không biết những gì đã xảy ra trước đây tại Y-sơ-ra-ên.

CÔNG VỤ 19:5-6

“Nghe vậy, họ đều chịu báp-tem nhân danh Chúa Jêsus. Khi Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Linh giáng xuống trên các môn đệ đó, họ nói các tiếng lạ và lời tiên tri.”

Điều gì xảy ra lúc Đức Thánh Linh đến trên các tín hữu này? “…Họ nói tiếng lạ và nói tiên tri.”

Trong Công 2 sự đầy dẫy Thánh Linh được kèm theo sự xuất hiện của một cơn gió thổi ào ào và lưỡi bằng lửa. Không có một trường hợp nào khác mà trong đó các tín hữu nhận báp-tem trong Thánh Linh chúng ta đọc thấy có những biểu lộ này. Chẳng hạn, trong Công 10, các tín hữu này ngợi khen Chúa sau khi nhận Thánh Linh, và chúng ta vừa thấy trong Công 19, các tín hữu nói tiên tri.

Đôi khi một số tín hữu nhận một điều gì khác ngoài tiếng lạ khi họ được đầy dẫy Thánh Linh, nhưng hãy nhớ tiếng lạ luôn luôn đến trước. Kinh Thánh không nói họ nói tiên tri rồi mới nói tiếng lạ. Mà Kinh Thánh nói họ nói tiếng lạ và nói tiên tri!

Chúng ta đừng trông mong điều gì khác khi chúng ta nhận Thánh Linh lần đầu tiên hơn là điều Lời Chúa dạy. Nếu có một ân tứ thuộc linh nào khác thêm vào việc nói tiếng lạ thì cũng tốt, nhưng những biểu lộ khác có thể theo sau phép báp-tem trong Thánh Linh hoặc không có biểu lộ nào khác cả.

Trái lại, trong số ba trường hợp được ghi lại trong sách Công vụ nói các tín hữu nhận Thánh Linh, Kinh Thánh nói rõ ràng rằng các tín hữu này đều nói tiếng lạ. Ba trường hợp này xảy ra trong thời gian 20 năm giữa ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2) và lúc Phao-lô gặp các tín hữu người Ê-phê-sô (Công vụ 19). Do đó, phần lớn bằng cớ khởi đầu của kinh nghiệm này chính là nói tiếng lạ. Còn hai trường hợp kia, Kinh Thánh nói các tín hữu nói tiếng lạ, như chúng ta đã nói đến rồi.

Nên tôi tin thật không ngoa khi nói rằng chúng ta đã chứng minh cách quả quyết là năm trường hợp được ghi lại trong sách Công vụ, các tín hữu được đầy dẫy Thánh Linh đều kinh nghiệm bằng cớ khởi đầu là nói tiếng lạ. Điều này dẫn chúng ta đến việc tin rằng bất cứ ai ngày nay muốn được đầy dẫy Thánh Linh cũng sẽ nói tiếng lạ thôi.

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan