Hãy Dẫn Dắt, Đừng Nên Khống Chế

Share

II Ti 2:24-25, I Phi 5:3, Lu 22:24-27

Một cám dỗ lớn đối với các mục sư là tạo nên luật lệ để khống chế dân sự mình. Điều này thường xảy ra vì cảm giác bất an, thiếu hiểu biết hoặc thiếu kiên nhẫn đối với tiến trình thuộc linh của họ.

Một số Hội Thánh thường đặt ra qui luật này, qui luật nọ trên một tình huống nào đó. Chẳng hạn, “Các sinh viên không được phép ..(thế này) hoặc (thế nọ) …” Đó là một thứ qui luật hay luật pháp trong Hội Thánh.

Phương sách này sẽ chẳng làm thay đổi được ai. Nếu phải rập khuôn theo luật lệ, thì họ đang bước đi theo sự công bình của quí vị chớ không phải của chính họ. 

Điều này có khuynh hướng phát sinh ra những kẻ rập khuôn hay hoặc những người nổi loạn, chớ chẳng thay đổi được bề trong của con người. Tước đi quyền chọn lựa chính là đoạt mất sự tự nguyện thuận phục Đức Chúa Trời. Viết cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao lô nói ông không muốn áp đặt luật lệ lên đức tin của họ! 

Thiếp lập luật lệ chỉ khiến cho càng có khuynh hướng phá đổ cách mãnh liệt.

Công việc của người chăn bầy là “Khải đạo bằng sự khôn ngoan” để nêu ra những hậu quả của những hành động thiếu khôn ngoan. Đại loại hãy nói như vầy, “Có lẽ anh chị em cũng khá mạnh mẽ để chịu nổi sự cám dỗ, thử thách này, tuy nhiên hậu quả của việc làm ấy sẽ đặt một tiền lệ cho những anh chị em yếu đuối.”

Dân sự dường như thích đáp ứng với một lời khuyên của quí vị qua sự khôn ngoan. Chúa Jêsus đã trở thành sự ‘Khôn ngoan’ đối với tôi trước khi thành ‘Chúa’. Khi nhận biết sự khôn sáng của Ngài vượt xa sự hiểu biết của mình, tôi bèn sấp mình trước uy quyền Chủ tể của Ngài.

Bao lâu quí vị muốn thiết lập luật lệ, dân sự có khuynh hướng muốn phá đổ, bởi vì cái bản chất tội lỗi vốn ở trong chúng ta. Luật pháp khiến cho tội lỗi thêm nhiều.” Rô 7:6-9. 

Tốt hơn là hãy nói, “Đây là một việc làm tốt.” Hoặc, “..nên xem đây là một chỉ dẫn hay lời góp ý.” Giao ước mới là “sự giáo huấn” được xức dầu đem lại sự thay đổi bên trong, trong khi Giao ước Cũ là ‘luật pháp’ – làm đi! Nếu không thì liệu hồn! Chúng ta phải dạy thế nào để gặt hái sự đáp ứng từ trong lòng của dân sự. Để rồi lời lẽ và sự khôn ngoan sẽ ghi tạc trong tâm khảm họ.

Luật pháp chỉ sinh ra một kẻ rập khuông hay là một kẻ nổi loạn.

Trẻ em đến độ tuổi nào đó thì cần luật pháp, nhưng một khi đã đến tuổi thiếu niên, chuẩn bị làm người lớn, thì điều này cần thay đổi. Quí vị phải buông chúng ra, thường là khá miễn cưỡng. Chúng phải tự tìm ra nền tảng công bình cho chính mình. Cho đến thời điểm thì chúng vẫn được che chắn an toàn trong tay quí vị. Khi chúng thoát khỏi sự công bình áp đặt của cha mẹ, quí vị thường phải trải qua một cơn chấn động nào đó. Đôi khi phải để chúng làm những điều mà mình không thích. Dầu vậy, cần phải cho phép sự thay đổi hệ trọng này xảy ra, (bởi ân điển, để Đức Chúa Trời sẽ ban cho theo từng hoàn cảnh, và cầu nguyện rất nhiều). Nếu không chịu buông ra, quí vị chỉ tạo ra một phiên bản rập khuôn hoặc một kẻ nổi loạn.

Điều này cũng áp dụng cho Hội Thánh. Nếu áp dụng luật pháp, quí vị sẽ tạo nên một loại Hội Thánh rập khuôn mà bề ngoài xem có vẻ tiến bộ nhưng thực chất bên trong lại xa cách với khuôn mẫu của Chúa Cứu Thế.

Giao ước Mới đề cao sự thay đổi nội tại.

Nhiều năm trước, tôi được đọc lá thơ của một người tin kính Chúa đã giúp ích tôi rất nhiều. (Những lá thư ấy đã được xuất bản sau khi ông qua đời.) Ông nhận được một một bức thư phàn nàn về những điều đáng chê trách mà Cơ-đốc nhân thực hành do giữ theo lối sống Cơ-đốc chân chính.

Câu trả lời của người tin kính Chúa ấy là “nhiều lần tôi cũng đã xem xét những sự bất nhất này và tìm kiếm Chúa để có câu giải đáp”. Tôi tin cách tốt nhất để hành sử là:

1. Tra cứu Thánh kinh để tôi biết cách sống công chính trước mặt Đức Chúa Trời.

2. Bởi sức Chúa tôi hết lòng sống theo Lời Ngài.

3. Dạy dỗ người khác sống theo Lời Ngài.

4. Để chính Đức Chúa Trời tác động Lời Ngài vào đời sống của dân sự.

Nếu làm nhiều hơn thế, bằng cách đưa vào một bộ luật luân lý hay luật pháp, chẳng hạn, ‘Đây là chân lý mà Hội Thánh tin,’ thì rốt cuộc sẽ làm hạn hẹp chân lý, kết quả đem lại chỉ là bè phái chia rẽ và nô lệ.

Con đường ân điển bao gồm đức nhẫn nhịn. Một mục sư nóng tính có khuynh hướng đặt ra luật lệ, nhưng một người chăn nhân từ và kiên nhẫn sẽ cứ đi với bầy của mình qua hoang mạc trong tiến trình thay đổi chậm chạp. Người chăn cần đồng hóa với bầy chiên trong quá trình này, thừa nhận mình cũng có những sai lầm cần thay đổi.

Quí vị và dân sự mình đang cùng đi với nhau. Quí vị không cỡi trên họ bèn là dẫn dắt họ. Hãy nhớ lại Môi-se đã đi vào hoang mạc trước con dân Israel. Điều này khiến ông có đủ phẩm chất để sau này dẫn dắt họ qua cuộc hành trình gian nan vào đất hứa.

Nguyên tắc Giao ước Mới này được áp dụng cho mọi chức vụ, không chỉ dành cho quí mục sư, sẽ giúp quí vị trở thành một người cha, người mẹ kiên nhẫn, khôn ngoan và hiểu biết trong Chúa.

Một cái tôi khiến khống chế người khác.

Chúng ta phải tác động trên tấm lòng cách liên tục, như thế sự biến đổi nội tâm sẽ nảy sinh ra sự thay đổi bề ngoài. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ thất bại trong công tác và nhiều khi phải thất vọng nhiều trong chức vụ.

Trong trường hợp hạn hữu, hành động này đi quá xa có thể bao gồm tinh thần khống chế và phù thuật. Đây là chỗ mà cái tôi của người lãnh đạo ấy phải khống chế. Một mục sư mạnh mẽ đứng một mình không có một nhóm vây quanh dễ rơi vào nhược điểm này hơn. Ông có thể trở thành người câu nệ luật pháp và kiểm soát người khác.

Tôi nhớ một tín hữu nọ rất mê ti vi, lúc nào cũng thấy anh ngồi trước màn hình. Có một người anh em khác trong Hội Thánh rất nóng nảy muốn thấy anh bạn trẻ này tiến bộ trong Chúa nên đã đến nhà anh ta đem cái ti vi đi. Thay vào đó sắp đặt cho anh ta học Kinh Thánh. Như đã đoán trước, điều này chẳng thay đổi được anh ta bởi vì không có sự xác tín và thay đổi nội tâm. Trong khoảng một tháng xem ra có vẻ thay đổi, nhưng chẳng bao lâu anh ta trở lại mê đắm cái ti vi. Thật ra, còn tệ hại hơn trước.

Hãy tin tưởng những người mình dẫn dắt có những thiên hướng tối ưu

Quí vị phải để cho Đức Chúa Trời hành động trong con người trong khi giúp đỡ và cầu nguyện cho anh chị em ấy. Một khi người ấy chịu thay đổi, thì chính anh chị em ất sẽ xử lý cái bên ngoài (ti vi). 

Trước khi khải đạo, quí vị thưởng phải chuẩn bị họ cho những gì mình sắp chia sẻ. Quí vị có thể hỏi, “Anh (chị) có muốn thay đổi không? Anh (chị) đã chuẩn bị cho những thay đổi trong cuộc đời chưa? Anh (chị) muốn được hoàn toàn thay đổi chứ?” Có khát vọng thay đổi hay không? Nếu có, khi ấy bạn có thể làm việc với họ.

Thẩm quyền tin kính không phải là sự khống chế

Có lẽ quí vị sẽ hỏi, “Ông bảo là không nên có luật lệ, thế nhưng về thẩm quyền lãnh đạo trong Hội Thánh thì sao? Làm thế nào để thực thi quyền này?”

Thẩm quyền và kỷ luật thì buộc phải có, nhưng không cần có luật pháp. Thẩm quyền không phải là sự ‘khống chế’. Thẩm quyền là một chiếc áo choàng hay là ân tứ từ Đức Chúa Trời và nó nhận lấy năng quyền thuộc linh qua từng trải và sự khôn ngoan. Đức Chúa Trời đề cao nguyên tắc thẩm quyền. Nếu Ngài không làm thế ắt chúng ta phải điên đảo mất.

Thẩm quyền là một đề tài lớn, mà tôi không muốn mở rộng ở đây.

 

Nguồn: John Walton, Khôn Ngoan Thực Tiễn. Người dịch: Thiên Hựu (2005)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan