CHƯƠNG III
CÁC KHUYẾT ĐIỂM QUÁ KHỨ
[bs-quote quote=”Ồ Đức Chúa Trời tôi! Tôi hổ ngươi thẹn mặt, chẳng dám ngước mặt lên Ngài… Hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! Sau những điều đó, chúng tôi sẽ nói làm sao?” style=”style-19″ align=”center” author_job=”Ê-xơ-ra 9:6,10″][/bs-quote]
GIẢNG MỖI CHÚA NHẬT, ban tiệc thánh theo qui tắc, thỉnh thoảng đi thăm viếng những ai yêu cầu, dự các cuộc nhóm họp tôn giáo, – chúng tôi e sợ rằng chừng đó tóm tắt đời sống và chức vụ của muôn vàn Mục sư, Truyền đạo, theo chức nghiệp vốn là kẻ chăn bầy của Đấng Christ. Thi hành chức vụ 30, 40 hoặc 50 năm, thường cũng chẳng có kết quả nhiều hơn chừng đó. Bao nhiêu bài giảng, bao nhiêu báp-têm, bao nhiêu bí tích, bao nhiêu cuộc viếng thăm, bao nhiêu buổi nhóm họp đủ loại, – đối với nhiều người, đó là tất cả biên niên sử của Mục sư, Truyền đạo, tất cả hồ sơ của chi hội, TẤT CẢ cuộc đời phục vụ! Quyển sổ ấy không thể ghi chép những linh hồn nào đã được cứu!
Muôn vàn người đã hư mất dưới chức vụ Mục sư, Truyền đạo dường ấy; chỉ có ngày phán xét mới tỏ ra đã có tới một linh hồn được cứu chăng. Có thể có học thức, song không có “cái lưỡi của người được dạy dỗ (hoặc: Người học thức) hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi” (Êsai 50:4). Có thể có khôn ngoan, song chắc không pahri sự “khôn ngoan có tài được linh hồn người ta” (Châm ngôn 11:30). Thậm chí có thể có âm thanh của Tin Lành, song dường như chẳng có tin tức, vui mừng chi hết; Tin Lành không từ môi miệng nhiệt thành vang dội vào lỗ tai sửng sốt, như là sứ điệp sự sống đời đời – “Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phước” (I Tim 1:11). Người ta sống đó, nhưng Mục sư, Truyền đạo không hề hỏi họ rằng họ đã được tái sanh chưa? Người ta lâm bịnh, mời Mục sư, Truyền đạo đến, và trên giường chết, họ được ông cầu nguyện cho như cấp giấy thông hành vào Thiên đàng. Người ta qua đời, và được an táng tại nơi đã an táng hết thảy tổ tiên mình. Trong tang lễ của họ, có cầu nguyện và tỏ niềm cung kính hợp thức đối với thi hài họ; song linh hồn họ đi thẳng đến toà phán xét, không được ai nghĩ tới, không được ai lo tới. Chẳng một ai, kể cả Mục sư, Truyền đạo là người hứa nguyện canh giữ họ, đã nói với họ: “Bạn sẵn sàng chưa?” Hoặc đã cảnh cáo họ hãy “tránh khỏi cơn giận ngày sau” (Ma-thi-ơ 3:7).
Lời mô tả trên đây há chẳng quá thiết thực đối với nhiều khu vực và nhiều vị Mục sư, Truyền đạo? chúng tôi không tức giận hoặc khinh dể mà nói; song chúng tôi long trọng và nhiệt thành hỏi câu ấy. Cần trả lời. Nếu có lúc nào phải “cẩn thận dò xét lòng mình” và thành thật nhìn nhận mình không trung tín, thì chính là lúc nầy, lúc Đức Chúa Trời thăm viếng chúng ta vừa bằng sự phán xét, vừa bằng lòng thương xót. Chúng tôi nói với niềm nhân ái huynh đệ; chắc câu đáp lại sẽ chẳng do giận dữ và cay đắng. Nếu lời mô tả nầy là đúng, xin hỏi có tội lỗi nào trong các Mục sư, Truyền đạo và tín hữu? Cảnh hoang vu thiêng liêng đang lan tràn rộng lớn biết bao! Trong trường hợp ấy, chắc có một điều gì sai hỏng nặng nề; một điều đòi hỏi mỗi vị Mục sư, Truyền đạo phải long trọng tự xét mình; một điều đòi hỏi phải ăn năn sâu xa.
Chức vụ không kết quả là một thảm kịch
Đồng ruộng đã cày và gieo giống nhưng không kết quả! Máy móc luôn luôn chạy, song hết thảy chẳng sản xuất được mảy may! Lưới thả xuống biển và căng rộng, mà chẳng có cá nào bị mắc! Cứ như vậy trải qua bao nhiêu năm, cho đến suốt đời! Kỳ lạ thay! Nhưng thật vậy. Trong vấn đề nầy, chẳng có gì tưởng tượng hoặc phóng đại. Hãy hỏi một số Mục sư, Truyền đạo, xem các vị ấy có thể đưa ra bản phúc trình nào khác chăng? Các vị ấy có thể nói đến những bài đã giảng song không thể nói đến những bài giảng được phước. Có thể nói đến những diễn văn được ngưỡng mộ và ngợi khen, song không thể nói đến những diễn văn đã được Đức Thánh Linh làm cho hữu hiệu. Có thể nói cho anh em biết bao nhiêu người đã chịu báp-têm, bao nhiêu người được dự Tiệc Thánh, song không thể kể ra những linh hồn đã được tỉnh thức, hối cải, chín mùi trong ân điển. Có thể kể ra mình đã ban bao nhiêu bí tích, song không thể nói chừng nào trong số đó đã là “thì giờ tươi mới” hoặc thì giờ tỉnh thức. Có thể nói bao nhiêu trường hợp sửa trị đã qua tay mình và áp dụng như thế nào; song không thể thông báo hoặc có trường hợp nào đã đưa tới kết quả, là “buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 7:10) vì cớ tội lỗi chăng, hoặc mấy kẻ tự nhận ăn năn và nhờ sự sửa trị ấy mà được tha thứ có chứng tỏ là được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi” (I Cô-rinh-tô 6:11) chăng. Các vị ấy không hề nghĩ tới một kết quả như vậy!
Các vị ấy có thể nói bao nhiêu người học trường Chúa nhật, và giáo sư có những khả năng gì; song lại chẳng biết trong số con trẻ quí báu mà mình đã hứa nguyện nuôi nấng linh hồn, có bao nhiêu em đang tìm kiếm Chúa; và cũng không thể nói rằng giáo sư của chúng có phải người tin kính và hay cầu nguyện chăng. Các vị ấy có thể nói cho bạn biết dân số giáo khu, tổng số tín hữu, hoặc tình hình vật chất của bầy chiên; song không thể tự nhận là nói lên được tình trạng thiêng liêng của họ, nào có bao nhiêu người vùng dậy từ trong giấc ngủ như chết, nào có bao nhiêu người theo Đức Chúa Trời với tư cách con cái yêu dấu của Ngài. Có lẽ các vị ấy cho điều tra như thế là táo bạo và tự phụ, nếu chẳng phải là cuồng tín. Tuy nhiên, các vị ấy đã thề trước mặt loài người và thiên sứ mình rằng sẽ canh giữ linh hồn họ với tư cách những kẻ phải phúc trình! Song, than ôi! Các bài giảng, bí tích, trường học có ích lợi gì nếu bao nhiêu linh hồn bị bỏ mặc cho hư mất, nếu người ta không còn thấy đạo sống động, nếu ai nấy chẳng tìm kiếm Đức Thánh Linh, nếu bỏ mặc người ta lớn lên rồi chết, không ai thương xót, cảnh cáo và cầu nguyện cho?
Để Đức Chúa Trời được vinh hiển và loài người được lợi ích
Thời xưa, tình trạng chẳng phải như trên kia. Tổ phụ chúng ta đã thật tỉnh thức và giảng dạy để cứu được linh hồn. Họ cầu xin và mong chờ ơn phước. Đức Chúa Trời cũng chẳng từ chối ban ơn phước cho họ. Ngài ban phước cho họ khiến được nhiều người quay trở về sự công bình. Đời sống họ ghi chép những công khó đầy thành quả. Ta được bổ sức tươi mới biết bao nhờ cuộc đời những kẻ sống cho Đức Chúa Trời được vinh hiển và cho nhiều linh hồn được lợi ích. Trong lịch sử họ có một điều gì bắt buộc chúng ta cảm thấy rằng họ là tôi tớ Đấng Christ, – là những người canh giữ thật!
Chúng ta được giục lòng biết bao khi đọc tiểu sử Baxter và công tác của ông tại Kidderminster! Long trọng biết bao khi ta nghe nói đến Venn và sự giảng dạy của ông. Có lời chép rằng người ta “té xuống trước mặt ông như vôi ngâm nước!” Trong công tác đầy ơn phước của người Đức Chúa Trời, là Whitefield có tinh thần sứ đồ, há chẳng có nhiều điều làm cho chúng ta phải hạ mình xuống cũng như khuyến khích ta, sao? Về Tanner, người đã nhờ chức vụ của Whitefield mà tỉnh thức, có lời chép rằng “ít khi ông giảng một bài luống công”. Về Berridge và Hicks, có lời chép rằng trong khi lưu hành truyền đạo ở khắp nước Anh, hai ông đã được Đức Chúa Trời ban phước tỉnh thức bốn ngàn người trong một năm. Ôi! Xin cho lại có những ngày như vậy! Ôi! Xin cho lại có một ngày của Whitefield!
Có người đã viết như thế này: “Ngôn ngữ mà chúng ta quen dùng là: Phải sử dụng phương tiện, còn kết quả cứ giao phó cho Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể dùng phương tiện để làm nhiều hơn. Đó là bổn phận của ta, và sau khi làm như vậy, cứ giao phần còn lại cho Đức Chúa Trời, là Đấng an bài mọi sự”. Ngôn ngữ ấy kêu lắm, vì nó dường như là nhìn nhận chính chúng ta chẳng ra chi hết, và có mùi đầu phục quyền cao cả của Đức Chúa Trời. Nhưng chỉ là tiếng kêu trống rỗng chớ chẳng có thực chất gì. Ấy vì dầu có chân lý in rõ trên mặt nó, song ở gốc rễ nó lại có sự giả dối. Nói đầu phục quyền cao cả của Đức Chúa Trời là một việc, song thật đầu phục quyền ấy là một việc khác hẳn.
Đầu phục thì phải có từ bỏ
Nếu thật đầu phục quyền sử dụng cao cả của Đức Chúa Trời, tất nhiên bao giờ cũng phải sâu xa từ bỏ ý riêng trong vấn đề liên hệ. Vả, không bao giờ thể hiện được sự từ bỏ ý riêng như vậy nếu linh hồn chưa trải qua những cuộc luyện tập rất khắc khổ, gay go, có tánh chất nội tại và làm cho ta hạ mình sâu xa. Vậy, đang khi lặng lẽ thoả mẫn vì dùng phương pháp mà không đạt tới mục đích bởi không phải chịu luyện tập nhọc nhằn ở nội tâm và hạ mình sâu xa như đã nói đến trên đây mà lại tưởng rằng mình giao phó sự việc cho Đức Chúa Trời điều dụng, ấy là ta tự dối gạt, và lẽ thật trong vấn đề nầy chẳng ở nơi ta.
“Không! Nếu thật dâng cái chi cho Đức Chúa Trời, thì phải gồm ý rằng ý chí, – thật ra chính là tấm lòng, – đã đặt vào cái đó. Vả, nếu tấm lòng thật đặt vào sự cứu rỗi tội nhân như mục tiêu phải đạt tới bằng phương diện mình sử dụng ắt ta không thể nào từ bỏ mục tiêu ấy mà lại chẳng thấy lòng mình bị cáo giác nghiêm khắc và đau đớn thấm thía (như đã nhận xét trước đây) vì không chịu từ bỏ ý chí. Vậy, nếu chúng ta có thể lặng lẽ thoả mãn dùng phương pháp cứu linh hồn mà không thấy lin hồn nào nhờ đó được cứu, chính là vì ta không từ bỏ ý chí, nghĩa là chẳng thật phó nộp mình cho Đức Chúa Trời trong công việc ấy.
Sự thực là ý chí – tức tấm lòng; – chưa bao giờ đặt vào mục tiêu đó; nếu đã đặt vào, nó không thể nào từ bỏ mục tiêu ấy mà lại không bị tan vỡ vì chẳng chịu hi sinh.
“Khi chúng ta có thể thảo mãn vì dùng phương pháp mà không đạt tới mục đích, lại nói ra dường như đã tự đặt mình dưới quyền sử dụng của Chúa, là ta dùng sự thật để che đậy sự dối. Đó cũng đúng như bọn theo hình thức tôn giáo đã làm: họ cứ giữ hình thức và làm phận sự mà chẳng đi xa hơn, mặc dầu tự biết mình không nhờ đó mà được cứu; khi được cảnh cáo về hiểm hoạ của mình và được thành khẩn khuyên nài hết lòng tìm kiếm Chúa, họ trả lời bằng cách bảo chúng ta rằng họ tự biết mình phải ăn năn và tin, song họ không thể tự mình làm việc nào trong hai việc ấy, và phải chờ đợi cho đến khi được Đức Chúa Trời ban ân điển để làm như vậy. Vả, đây là một sự thật, đã được suy xét tuyệt đối; nhưng phần đông chúng ta có thể thấy rằng mình đã dùng nó như một sự dối để che đậy và bào chữa tấm lòng giả trá. Ta có thể nhận thấy ngay rằng nếu lòng họ thật đặt vào sự cứu rỗi, thì trong trường hợp chưa đạt tới mục đích ấy, họ không thể nào thoả mãn. Niềm thoả mãn của họ là kết quả không do tấm lòng đầu phục Đức Chúa Trời, mà thật do tấm lòng hờ hững đối với sự cứu rỗi của chính linh hồn mình.
Lấy sự thật che đậy sự dối
“Đối với chúng ta, là Mục sư, Truyền đạo, cũng y như vậy: Nếu chúng ta có thể thoả mãn vì dùng phương pháp cứu linh hồn mà không thấy linh hồn nào thật được cứu, hoặc chính mình không tan nát cõi lòng vì cảnh tượng ấy, song đồng thời lại bình tĩnh nói là giao phó kết quả cho Đức Chúa Trời, là ta đang dùng sự thật để che đậy và bào chữa sự dối đó; ấy vì khả năng chúng ta giao phó vấn đề như vậy chẳng phải như ta tưởng tượng, kết quả do tấm lòng đầu phục Đức Chúa Trời đâu, mà là do tấm lòng hờ hững với sự cứu rỗi của những linh hồn mình phụ trách. Quả thật không phải vậy; nếu tấm lòng thật đặt vào mục tiêu dường ấy, nó phải đạt tới mục tiêu, hoặc tan vỡ vì không đạt tới”.
Đấng cứu rỗi linh hồn chúng ta đã dạy ta phải khóc lóc vì những ai chưa được cứu rỗi. Lạy Chúa, xin đặt trong chúng tôi tâm trí trước kia đã ở trong Ngài. Xin cho chúng tôi nước mắt của Ngài để khóc lóc; ấy vì, lạy Chúa, đối với kẻ đồng loại, lòng chúng tôi rất cứng cỏi! Chúng tôi có thể thấy hàng ngàn người hư mất chung quanh mình, song vẫn ngủ ngon, chẳng hề nhúc nhích; chúng tôi không hề sợ hãi vì thấy khải tượng án phạt kinh khiếp giáng trên họ; tiếng kêu từ linh hồn hư mất của họ phát ra chẳng hề dời đổi sự bình an chúng tôi ra cay đắng.
Gia đình, học đường, chi hội của chúng ta ấy là chưa nói rộng đến các thành phố, xử sở và thế giới của chúng ta, đáng phải làm cho ta quì gối cầu nguyện hằng ngày; bỏi vì sự hư mất dầu là của một linh hồn thôi,cũng khủng khiếp vượt quá mọi ý niệm. Mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa hề nghĩ đến một linh hồn phải chịu đau đớn đời đời trong hoả ngục thể nào ư? Lạy Chúa, xin cho chúng tôi có lòng thương xót! “Mầu nhiệm thay! Linh hồn và số phận đời đời của một người tuỳ thuộc tiếng nói của một người khác”.