CHƯƠNG 17
UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CẦN THUẬN PHỤC UY QUYỀN
Kinh Thánh: I Sa-mu-ên 24:1-6; 26:7-12; II Sa-mu-ên 1:5-15; 2:1; 4:5 – 5:3; 6:16-23; 7:18; 15:19-20, 24-26; 16:5-14; 19:9-15
Trong Cựu Ước, Đa-vít là vị vua thứ hai được Đức Chúa Trời chỉ định. Trước Đa-vít là Sau-lơ, là người cũng được Đức Chúa Trời chỉ định. Đa-vít là uy quyền mới được Đức Chúa Trời chỉ định; ông là người hiện tại được Đức Chúa Trời xức dầu. Sau-lơ là uy quyền bị thay thế; ông là người trước kia được Đức Chúa Trời xức dầu. Linh của Đức Chúa Trời đã lìa Sau-lơ, nhưng ông vẫn ở trên ngai. Đa-vít đã được chỉ định làm vua rồi, nhưng Sau-lơ không chịu bước xuống. Đa-vít nên làm gì? Ở đây chúng ta thấy thế nào Đa-vít thuận phục uy quyền và thế nào ông không xây dựng uy quyền riêng của mình. Đa-vít là một người theo lòng của Đức Chúa Trời. Ông có thể là một uy quyền đại diện vì ông là một người chân thành thuận phục uy quyền.
CHỜ ĐỢI ĐỨC CHÚA TRỜI THIẾT LẬP UY QUYỀN
I Sa-mu-ên chương 24 kể cho chúng ta một câu chuyện trong đồng vắng Ên-ghê-đi. Sau-lơ đang rượt đuổi Đa-vít. Khi Đa-vít ẩn nấp trong hang, thì Sau-lơ đi vào ngay trong hang ấy để đi vệ sinh. Đa-vít nấp trong hang cùng. Ông cắt đứt chéo áo của Sau-lơ, nhưng sau đó lại tự trách mình (c. 4b-5). Lương tâm của ông rất mềm mại và bén nhạy. I Sa-mu-ên chương 26 cho chúng ta biết một cơ hội khác Đa-vít có thể giết Sau-lơ (c. 12a). Đa-vít cắt chéo áo ngoài của Sau-lơ và lấy vật sở hữu của ông. Điều này có thể được dùng làm bằng cớ rất tốt để ông khoe khoang với Sau-lơ (c. 17-20). Nhưng [hành động] đó lẽ ra là phương cách của luật sư chứ không phải của Cơ Đốc Nhân. Luật sư chỉ quan tâm đến lý lẽ và bằng chứng. Nhưng Cơ Đốc Nhân thì quan tâm đến cảm giác chứ không quan tâm đến lý lẽ. Người ấy quan tâm đến sự kiện chứ không quan tâm đến bằng chứng. Đa-vít có cảm nhận và cảm xúc của một Cơ Đốc Nhân. Đó là lý do tại sao ông tự trách mình sau khi cắt chéo áo choàng của Sau-lơ. Chúng ta phải là những người chỉ quan tâm đến những sự kiện trước mặt Chúa; chúng ta không làm chính trị. Chúng ta không nên chỉ lưu ý đến các thủ tục. Tại Thượng Hải lẫn Phúc Châu, tôi đều thấy những anh em chỉ quan tâm đến các thủ tục và bằng chứng. Nhưng tại đây có một người tự trách mình sau khi chỉ cắt đi chéo áo ngoài của Sau-lơ. Cơ Đốc Nhân là người quan tâm đến cảm giác bên trong chứ không quan tâm đến bằng chứng để chứng minh. Những người trong thế gian quan tâm đến bằng chứng để chứng minh. Một người có thể cắt đi chéo áo của người khác, có thể lấy đi cây giáo với bình nước của họ và có thể khoe khoang về điều đó, nhưng lòng người ấy sẽ lên án người ấy. Đa-vít là một người có thể thuận phục uy quyền. Ông không lật đổ uy quyền của Sau-lơ. Thay vào đó, ông chờ đợi Đức Chúa Trời thiết lập uy quyền của mình. Ông có khả năng chờ đợi; ông không cố “giúp” Đức Chúa Trời bằng cách làm cho Sau-lơ mau chết. Một uy quyền đại diện phải học tập không thiết lập uy quyền riêng của mình, nhưng xây dựng uy quyền của những người ở trên mình.
KHÔNG NHỮNG LÀ SỰ LỰA CHỌN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI MÀ CÒN LÀ SỰ LỰA CHỌN CỦA HỘI THÁNH
Sách Sa-mu-ên thứ hai kể cho chúng ta về một người đến với Đa-vít và báo cáo mình đã giết chết Sau-lơ. Hắn nghĩ rằng mình sẽ được thưởng, nhưng thay vào đó, Đa-vít giết hắn. Người ấy sai trật vì đã phá hủy uy quyền của Đức Chúa Trời (1:10-15). Tuy hắn không sát hại Đa-vít, nhưng Đa-vít cảm thấy việc người ấy phá hủy uy quyền của Sau-lơ là điều sai trật. Ông phán xét bất cứ sự phá hủy uy quyền nào.
Sau khi Sau-lơ chết, Đa-vít hỏi Đức Chúa Trời mình nên đến thành phố nào. Khi ấy, cung điện ở tại Ghi-bê-a. Dân Y-sơ-ra-ên ai mà không biết đến Đa-vít? Ngay khi Đa-vít biết tin Sau-lơ chết, lẽ ra ông nên tiến vào thủ đô với binh lính của mình. Nói về mặt con người thì ông nên gấp rút đến Ghi-bê-a với quân đội của mình. Đó là cơ hội ngàn vàng. Làm sao ông có thể để lỡ cơ hội ấy? Theo lẽ thường thì ông nên lên Ghi-bê-a. Ông thuận phục cũng đã đủ rồi. Ai mà không biết Đa-vít là một chiến sĩ? Nhưng ông hành động thật lạ lùng. Ông cầu hỏi Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời truyền ông đến Hếp-rôn (II Sa-mu-ên 2:1). Hếp-rôn là một thành phố nhỏ và không quan trọng. Khi ấy, một số người từ Giu-đa đến xức dầu cho ông làm vua của Giu-đa. Điều này cho chúng ta thấy không tự mình cố chiếm đoạt uy quyền. Ông để tùy ý dân Đức Chúa Trời xức dầu cho ông (c. 4). Khi Sa-mu-ên xức dầu cho ông, đó là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời đã chọn ông. Khi dân chúng xức dầu cho ông, đó là dấu hiệu cho thấy dân của Đức Chúa Trời (một biểu tượng về Hội Thánh) đã chọn ông. Đa-vít không thể từ chối hay khước từ sự xức dầu của những người Giu-đa. Ông không thể nói rằng: “Nếu ta đã có sự xức dầu của Đức Chúa Trời rồi thì tại sao ta lại cần sự xức dầu của các ngươi?” Đức Chúa Trời xức dầu một người là một việc và dân của Ngài xức dầu một người là một việc khác. Uy quyền đại diện không những do Đức Chúa Trời lựa chọn mà còn do Hội Thánh lựa chọn nữa. Không ai có thể áp đặt uy quyền của mình trên người khác. Người ấy phải chờ đợi con cái của Đức Chúa Trời lựa chọn.
Đa-vít không lên Ghi-bê-a, mà chờ đợi dân của Đức Chúa Trời đến với ông tại Hếp-rôn. Ông chờ đợi trong bảy năm và sáu tháng. Bảy năm sáu tháng không phải là một quãng thời gian ngắn. Đa-vít hoàn toàn không vội vã. Tôi chưa từng thấy người nào đầy dẫy bản ngã và khao khát vinh quang cho chính mình lại được Đức Chúa Trời chọn lựa làm uy quyền đại diện. Đức Chúa Trời xức dầu Đa-vít không những để làm vua của Giu-đa mà còn làm vua của toàn thể quốc gia Y-sơ-ra-ên. Nhưng hễ dân của Đức Chúa Trời không công nhận ông thì ông không bước ra. Khi chỉ có nhà Giu-đa xức dầu cho ông, thì ông thỏa lòng chỉ làm vua của nhà Giu-đa. Ông hoàn toàn không vội vã. Ông có thể chờ đợi.
Sau bảy năm rưỡi, tất cả các chi phái của Y-sơ-ra-ên đều đến Hếp-rôn và nói với Đa-vít rằng: “Chúng tôi đây vốn là cốt nhục của vua. Ngay cả trước đây, khi Sau-lơ còn cai trị chúng tôi, chính vua đã dắt Y-sơ-ra-ên ra trận và đem họ về. Đức Giê-hô-va có phán cùng vua rằng: Ngươi sẽ chăn dân Y-sơ-ra-ên của Ta và làm người cai trị của Y-sơ-ra-ên” (5:1-2). Trước hết chi phái Giu-đa công nhận ông là vua tại Hếp-rôn. Sau bảy năm sáu tháng, trưởng lão các chi phái của Y-sơ-ra-ên xức dầu cho ông làm vua, rồi ông trị vì tại Giê-ru-sa-lem trong ba mươi ba năm. Nơi Đa-vít chúng ta thấy uy quyền không được chỉ định. Uy quyền ấy không được áp đặt trên người khác. Uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định và được con người xức dầu. Một uy quyền không tự công bố mình là vua và người ấy không chỉ được Đức Chúa Trời chỉ định để làm vua. Trước hết, người ấy được Đức Chúa Trời chọn, rồi được con người công nhận. Đa-vít là một vị vua thật. Trong Tân Ước, Đa-vít được gọi là “vua Đa-vít” (Ma-thi-ơ 1:6). Nhưng Sa-lô-môn thì không được gọi là một vị vua. Tân Ước công nhận quyền làm vua của Đa-vít cách đặc biệt vì ông không tin cậy nơi chính mình. Ông được Đức Chúa Trời xức dầu và ông chờ đợi sự xức dầu của dân Ngài, tức là Hội Thánh.
Không những chúng ta cần có sự xức dầu của Chúa mà cũng cần có sự xức dầu của Hội Thánh trước khi đảm nhiệm uy quyền giữa vòng con dân Ngài. Đa-vít chờ đợi từ tuổi ba mươi đến ba mươi bảy. Ông không nghi ngờ. Ông không nói: “Lỡ con dân Y-sơ-ra-ên không xức dầu cho ta thì sao?” Ông khiêm nhường ở dưới bàn tay của Đức Chúa Trời. Người nào biết Đức Chúa Trời đều có thể chờ đợi. Những người biết Đức Chúa Trời không cần nhấc một ngón tay lên để tự giúp mình. Nếu anh em ở trong tình trạng đúng đắn, thì không những Chúa sẽ công nhận anh em là người đại diện của Ngài, mà Hội Thánh cũng sẽ công nhận anh em là người đại diện của Đức Chúa Trời. Tôi hy vọng anh em không những được Đức Chúa Trời xức dầu mà cũng được Hội Thánh xức dầu nữa. Anh em đừng bao giờ tranh đấu bằng xác thịt mình hay cố nhấc ngón tay mình lên. Ở đây không có chỗ cho xác thịt. Không ai có thể đứng lên tuyên bố rằng: “Tôi là uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định. Tất cả anh em phải vâng phục tôi”. Trước hết chúng ta phải học tập để có một chức vụ thuộc linh trước mặt Chúa. Chúng ta phải chờ đợi thời điểm của Đức Chúa Trời rồi mới có thể hầu việc Ngài giữa vòng con dân Ngài.
LÀ MỘT UY QUYỀN THÌ CÀNG ỦNG HỘ UY QUYỀN
Đa-vít chờ đợi tại Hếp-rôn trong bảy năm rưỡi vì con của Sau-lơ là Ích-bô-sết tiếp tục làm vua tại Ma-ha-na-im sau khi Sau-lơ chết (II Sa-mu-ên 2:8-9). Về sau, Ích-bô-sết bị Ba-a-na và Rê-cáp ám sát. Họ mang đầu của Ích-bô-sết đến dâng cho Đa-vít tại Hếp-rôn và nghĩ rằng họ đem tin mừng đến cho Đa-vít. Nhưng Đa-vít xử tử họ (4:5-12). Ông đoán phạt những kẻ nổi loạn. Điều này cho thấy một người càng là uy quyền thì càng ủng hộ uy quyền. Chúng ta không thể xây dựng uy quyền của mình với giá phải trả là uy quyền của người khác. Một người càng ít tìm kiếm uy quyền thì Đức Chúa Trời càng ban cho người ấy uy quyền. Ngay giây phút nổi loạn chống lại uy quyền thì một người cần phải bị phán xét, bất kể người ấy có nổi loạn chống lại uy quyền của anh em hay không. Khi Đa-vít làm như vậy, ông được sự ủng hộ của dân Đức Chúa Trời. Do đó, II Sa-mu-ên chương 5 nói rằng mười một chi phái sai người đến tìm Đa-vít. Người biết uy quyền của Đức Chúa Trời thì thuận phục uy quyền. Người như vậy có đủ tư cách làm uy quyền. Anh em không nên xử lý bất cứ người nào chỉ vì người ấy đã xúc phạm đến uy quyền của anh em. Anh em phải chờ đợi con cái Đức Chúa Trời xức dầu cho anh em, mà anh em lại ngấm ngầm than phiền hay lằm bằm thì thật là sai trật.
KHÔNG CÓ UY QUYỀN TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI
II Sa-mu-ên chương 6 nói rằng khi Đa-vít rước rương chứng cớ (hòm giao ước) của Đức Chúa Trời trở về thành Đa-vít, ông hết sức nhảy múa trước rương chứng cớ. Đa-vít đã làm vua trên toàn quốc gia Y-sơ-ra-en rồi. Khi con gái của Sau-lơ là Mi-canh nhìn thấy việc ấy, thì nàng khinh thường Đa-vít (c. 14-16). Mi-canh nghĩ rằng vì Đa-vít là vua nên ông cần phải biệt riêng chính mình trước mặt dân Y-sơ-ra-ên. Tất nhiên, một vị vua không nên cuồng loạn là đúng. Nhưng Đa-vít không sai trật theo những gì ông nhận thấy. Ông nhận thấy rằng mình không có uy quyền trước mặt Đức Chúa Trời, mình thật thấp kém và vô dụng. Lỗi lầm của Mi-canh cũng là lỗi lầm của cha nàng. Sau-lơ giữ lại bò và chiên tốt nhất; ông không vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời và bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Nhưng ông cố giữ thể diện bằng cách yêu cầu Sa-mu-ên khen ngợi mình trước mặt dân Y-sơ-ra-ên (xin xem I Sa-mu-ên 15:1-30). Con đường Mi-canh đi khác với con đường của Đa-vít. Đức Chúa Trời vui lòng đối với Đa-vít và phán xét Mi-canh. Mi-canh không có con cho đến ngày nàng qua đời (II Sa-mu-ên 6:23). Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời làm cho một người như vậy tuyệt tự. Ngài không cho phép một người như vậy tiếp tục tiến lên.
Khi Đa-vít đến trước mặt Chúa, ông cảm thấy mình thấp kém như bất cứ người nào khác; ông không tự xem mình cao hơn những người khác. Một uy quyền của Đức Chúa Trời phải giữ một vị trí thấp hèn và khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời ngang hàng với mọi con dân của Đức Chúa Trời. Người ấy không nên tự tôn cao mình hay cố chống đỡ uy quyền của mình giữa vòng loài người. Trên ngai của mình, Đa-vít là vua, nhưng trước rương chứng cớ, ông cũng giống như mọi con dân Y-sơ-ra-ên. Họ đều là dân của Đức Chúa Trời và đều như nhau. Mi-canh muốn giữ lấy con đường của mình; nàng muốn Đa-vít làm một vị vua ngay cả trước mặt Đức Chúa Trời. Nàng không thể chịu nổi hành động của Đa-vít và nói với ông rằng: “Hôm nay vua Y-sơ-ra-ên làm cho mình được vinh dự thay!” (c. 20). Nhưng Đức Chúa Trời chấp nhận đường lối của Đa-vít và phán xét đường lối của Mi-canh. Khi Môi-se đến trước mặt Chúa, ông giống như dân Y-sơ-ra-ên. Khi Đa-vít đến trước mặt Chúa, ông cũng giống như dân Y-sơ-ra-ên. Có thể chúng ta là một uy quyền [đại diện] trong Hội Thánh, nhưng khi đến trước mặt Chúa, chúng ta giống như mọi người khác. Nền tảng và bí quyết của một uy quyền [đại diện] là giống như mọi anh em khi đến trước mặt Chúa.
KHÔNG Ý THỨC MÌNH LÀ MỘT NGƯỜI CÓ UY QUYỀN
Tôi đặc biệt thích một câu trong II Sa-mu-ên 7:18: “Vua Đa-vít bèn đi đến ngồi trước mặt Đức Giê-hô-va”. Khi ấy đền thờ chưa được xây dựng. Rương chứng cớ ở trong đền tạm và Đa-vít ngồi dưới sàng. Đức Chúa Trời lập một giao ước với Đa-vít và ông dâng lên một lời cầu nguyện tuyệt diệu. Ở đây chúng ta chạm đến một linh mềm mại, một linh nhạy cảm. Trước khi làm vua, Đa-vít là một chiến sĩ và không ai có thể đứng trước mặt ông. Bây giờ ông đã làm vua và quốc gia trở nên mạnh mẽ, ông đủ khiêm tốn để ngồi dưới đất bên cạnh rương chứng cớ. Đây là người giữ tấm lòng khiêm nhường của mình. Ông có thể cầu nguyện một cách rất đơn sơ. Đó là hình ảnh của một uy quyền đại diện.
Mi-canh được sinh ra trong cung điện, quan tâm đến vẻ tráng lệ và uy nghi, giống như cha của nàng. Nàng không nhận thức được sự khác biệt giữa việc được Chúa sai đi và việc bước vào sự hiện diện của Chúa. Khi một người được Chúa sai đi, người ấy có thể có một mức độ uy quyền nào đó trong lời nói và hành động thay mặt cho Đức Chúa Trời. Nhưng một khi bước vào sự hiện diện của Chúa thì người ấy phải ngã xuống dưới chân Ngài; người ấy phải biết mình là ai. Đa-vít thật sự là một vị vua được Chúa chỉ định; ông có được uy quyền do Đức Chúa Trời ban cho. Nếu chúng ta không kể đến Sau-lơ thì Đa-vít là vị vua đầu tiên được Đức Chúa Trời chỉ định. Đấng Christ không những là dòng dõi của Áp-ra-ham mà còn là dòng dõi của Đa-vít. Tên sau cùng được ghi chép trong Kinh Thánh là tên của Đa-vít (Khải Thị 22:16). Tuy nhiên, điều lạ lùng là dẫu Đa-vít làm vua, ông vẫn không ý thức việc mình là vua. Ông biết rằng theo mắt Chúa, ông không là gì cả. Nếu luôn luôn ý thức về uy quyền của mình thì một người không có đủ tư cách làm uy quyền. Một uy quyền phải học tập để tự biết chính mình. Một người càng làm uy quyền thì càng nên ít ý thức về uy quyền của mình. Uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời cần phải ở trong tình trạng phước hạnh là không ý thức về uy quyền của mình, tức là làm một uy quyền mà không biết mình có uy quyền.
KHÔNG CẦN CHỐNG ĐỠ UY QUYỀN CỦA MÌNH
II Sa-mu-ên chương 15 là một bản ký thuật về cuộc nổi loạn của Áp-sa-lôm. Đó là một cuộc nổi loạn hai mặt. Một mặt, đó là cuộc nổi loạn của một người con chống lại cha mình. Mặt khác, đó là cuộc nổi loạn của người dân chống lại vua mình. Đó là cuộc nổi loạn lớn nhất mà Đa-vít đã phải trải qua. Con của ông cầm đầu cuộc nổi loạn ấy. Khi ấy, ngày càng nhiều người đi theo Áp-sa-lôm và Đa-vít đã phải chạy khỏi thủ đô. Ông đang cần người đi theo. Y-tai người Ghi-tít muốn theo ông, nhưng Đa-vít có thể nói với Y-tai rằng: “Hãy trở lại, ở với vua” (c. 19). Đa-vít thật khiêm hòa. Linh của ông thật nhạy bén. Ông không nói: “Ta là vua, tất cả các ngươi hãy theo ta”. Thay vào đó, ông bảo Y-tai: “Ngươi có thể chọn lấy con đường của mình. Ta không có ý định kéo nhiều người vào nỗi thống khổ của ta. Cho dầu ngươi chọn đến với vua mới, đối với ta cũng không sao”. Ông đang ở giữa cơn hoạn nạn, nhưng vẫn không kéo người ta theo mình. Khi một người sống trong cung điện, thì không dễ gì biết được người ấy. Nhưng khi lâm vào hoạn nạn, thì bản tính thật của người ấy lộ ra. Ở đây, Đa-vít không hấp tấp hay bất cẩn. Ông vẫn khiêm nhường và thuận phục.
Sau khi qua khe Sết-rôn, ông chuẩn bị vào đồng vắng. Thầy tế lễ thượng phẩm Xa-đốc với tất cả các thầy tế lễ và người Lê-vi muốn đến với ông và họ mang rương chứng cớ theo mình. Nếu rương chứng cớ rời khỏi thành phố thì nhiều người Y-sơ-ra-ên sẽ theo nó. Xa-đốc và thái độ của những người Lê-vi đều đúng: Khi cuộc nổi loạn bùng nổ, họ phải chuyển rương chứng cớ đi [nơi khác]. Nhưng vào thời điểm ấy. Đa-vít không nói: “Như vậy tốt lắm. Đừng để rương chứng cớ lại với những kẻ nổi loạn”. Đa-vít nghĩ rằng nếu rương chứng cớ rời khỏi Giê-ru-sa-lem thì nhiều người dân Y-sơ-ra-ên sẽ lâm vào tình trạng rối loạn. Ông là người đạt đến mức độ cao nhất. Ông không cho phép rương chứng cớ đi với mình. Ông sẵn lòng cam chịu để Đức Chúa Trời xử lý. Thái độ của ông cũng giống như thái độ của Môi-se, là người hoàn toàn khiêm nhường dưới cánh tay quyền năng của Đức Chúa Trời. Cả hai đều đạt đến đỉnh cao mà những kẻ chống đối họ không thể sánh kịp. Đa-vít nói rằng nếu ông vẫn còn được ơn trước mặt Chúa thì Ngài sẽ mang ông trở về để nhìn thấy rương chứng cớ và nơi cư ngụ của Ngài. Nếu không còn được ơn trước mặt Chúa nữa thì cho dầu rương chứng cớ có theo ông cũng vô dụng. Vì vậy, ông khuyên thầy tế lễ Xa-đốc và những người Lê-vi khiêng rương chứng cớ trở về (c. 24-26). Điều này nói thì dễ nhưng làm thì khó. Không bao nhiêu người trốn khỏi Giê-ru-sa-lem và thành phố ấy đầy dẫy những kẻ nổi loạn. Bây giờ ông lại phải sai những người bạn tốt của mình ra đi. Linh của Đa-vít thuần khiết biết bao! Ông vẫn hạ mình một cách nhu mì trước mặt Chúa y như Môi-se vậy.
Trong câu 27, Đa-vít nói với Xa-đốc rằng vì ông là một thầy tế lễ và là một vị tiên kiến nên ông cần phải đi đầu trong việc đem các thầy tế lễ và rương chứng cớ trở về. Do lời nói ấy, cả nhóm [thầy tế lễ] trở về. Khi đọc phân đoạn này, chúng ta phải chạm đến linh của Đa-vít. Linh của ông nói rằng: “Tại sao tôi phải chiến đấu với những người khác? Tôi giữ được vương quyền hay không là việc của Đức Chúa Trời. Tôi không cần nhiều người đi theo mình và không cần rương chứng cớ tháp tùng tôi”. Ông nhận thức rằng làm một uy quyền là việc của Đức Chúa Trời và không ai cần duy trì uy quyền riêng của mình. Đa-vít đi lên núi Ô-li-ve, trùm đầu lại và vừa đi vừa khóc (c. 30). Ở đây thật sự là một người nhu mì và mềm mại! Đó là những gì Đa-vít đã làm khi bị xúc phạm. Ông đã không giữ lấy uy quyền của mình. Đó là thái độ đúng đắn của một uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định.
MỘT UY QUYỀN CẦN PHẢI CÓ KHẢ NĂNG CHẤP NHẬN SỰ XÚC PHẠM
Linh nổi loạn dễ lây lan. II Sa-mu-ên chương 16 thuật lại rằng Si-mê-i đi dọc theo đường. Hắn ném đá Đa-vít và rủa sả ông, nói rằng ông đã làm cho nhà Sau-lơ đổ máu. Thậm chí những người đi theo Đa-vít cũng khổ sở vì hắn. Không có gì phản sự thật hơn lời tố cáo của Si-mê-i. Nếu có một người chưa từng làm cho nhà của Sau-lơ đổ máu thì người đó là Đa-vít. Si-mê-i có thể nói rằng Đa-vít trị vị thay cho Sau-lơ và Đa-vít đã chạy để thoát thân. Nói như vậy không có gì sai trật cả. Nhưng nói Đa-vít làm đổ máu nhà Sau-lơ là một lời nói dối gớm ghiếc. Nhưng Đa-vít không tranh cải. Ông không tự biện minh hay phủ nhận gì cả. Đa-vít vẫn còn những dũng sĩ ở bên mình và đúng ra ông dễ dàng diệt trừ hắn, nhưng ông không làm vậy. Si-mê-i vừa đi vừa rủa sả. Thậm chí những người đi theo Đa-vít cũng không chịu nổi. Nhưng Đa-vít khuyên họ đừng giết [hắn]. Ông nói: “Hãy để cho ông ta yên và để ông ta nguyền rủa, vì Đức Giê-hô-va đã bảo ông ta làm như vậy” (c. 11). Ông thật sự là một người đã được phá vỡ và mềm mại. Ông đang học tập thuận phục một uy quyền cao hơn. Đa-vít nói rằng đó là Đức Chúa Trời bảo Si-mê-i nguyền rủa ông. Khi đọc phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta phải chạm đến linh của Đa-vít. Ông cô độc và bơ vơ. Ít nhất ông có thể trút sự bực dọc của mình trên Si-mê-i và tự thanh minh một ít. Tuy nhiên, ông là một người hoàn toàn thuận phục. Ông tuyệt đối thuận phục Đức Chúa Trời và chấp nhận mọi sự Đức Chúa Trời gây ra cho mình.
Anh chị em ơi, anh chị em phải nhận thức rằng uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định là người có thể chấp nhận những sự xúc phạm. Đó là người có thể bị xúc phạm. Nếu uy quyền mà anh em đã nhận được không chịu nổi những sự xúc phạm thì anh em không đủ tư cách làm một uy quyền. Đừng nghĩ rằng hễ có uy quyền thì anh em có thể hành động tùy thích. Chỉ những người đã học bài học vâng phục mới đủ tư cách làm uy quyền. Câu 13 nói rằng Si-mê-i tiếp tục nguyền rủa Đa-vít, nhưng Đa-vít thật sự là một người thuận phục. Chỉ có người như vậy mới đủ điều kiện làm một uy quyền [đại diện]. Đây là một người thật sự mềm mại trước mặt Chúa. Đa-vít và những người đi theo ông nghỉ mệt tại một nơi kia. Thậm chí trong khi Áp-sa-lôm nổi loạn. Đa-vít vẫn duy trì một thái độ chín chắn. Tuy ông là một người trong Cựu Ước, nhưng lại đầy dẫy ân điển của Tân Ước. Ông bị phá vỡ đến nỗi có thể có được một linh như vậy. Đó thật sự là một người đủ điều kiện để làm một uy quyền.
HỌC TẬP HẠ MÌNH DƯỚI BÀN TAY QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong II Sa-mu-ên chương 19, sau khi Áp-sa-lôm bị đánh bại và bị giết, dân Y-sơ-ra-ên nghe rằng Đa-vít đang ngồi tại cửa thành và họ đều bỏ chạy về nhà riêng của mình (c. 8). Đa-vít không trở về cung điện của mình với kèn trống. Áp-sa-lôm cũng đã được xức dầu để làm vua. Đó là lý do tại sao Đa-vít phải đợi. Mười một chi phái đến và yêu cầu ông trở về, nhưng chi phái Giu-đa lại không tới. Đa-vít sai người đi phục hồi chi phái Giu-đa (c. 9-12). Đa-vít thuộc về chi phái Giu-đa và đã bị chi phái ấy đánh đuổi. Đó là lý do tại sao ông phải chờ đợi dân chúng yêu cầu ông trở về. Ông là uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định, nhưng trong lúc bị thử nghiệm, ông học tập hạ mình xuống dưới bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời. Ông không cố gắng xây dựng uy quyền riêng của mình. Ông chấp nhận những sự sắp đặt trong hoàn cảnh và hạ mình dưới bàn tay đại năng của Đức Chúa Trời. Ông tuyệt nhiên không vội vã. Chính ông cũng là một chiến sĩ, nhưng ông không chiến đấu vì chính mình. Mọi trận chiến ông đã đánh đều vì dân của Chúa. Trước kia, dân của Đức Chúa Trời đã xức dầu cho ông làm vua. Để phục hồi quyền làm vua của mình thì ông phải chờ đợi dân của Đức Chúa Trời xức dầu cho mình một lần nữa.
Tất cả những người được Đức Chúa Trời dùng làm uy quyền cần phải có linh của Đa-vít. Chúng ta không nên nói bất cứ điều gì để tự biện hộ. Chúng ta không cần nói gì cả cho chính mình. Chúng ta không nên tự hành động. Thậm chí không cần nhấc lên một ngón tay nhỏ để chứng minh mình được Đức Chúa Trời chọn. Chúng ta cần phải tin cậy, chờ đợi và tự hạ mình xuống. Chúng ta phải chờ đợi thời điểm của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ hoàn thành những gì Ngài đã khởi công để hoàn thành. Càng thuận phục, chúng ta càng học tập để làm uy quyền. Chúng ta càng sấp mình trước mặt Chúa thì Đức Chúa Trời càng biện minh cho chúng ta. Còn nếu chúng ta cố gắng tự biện hộ, tranh đấu cho chính mình và than phiền, thì chúng ta sẽ phá hoại công việc của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải học tập tự hạ mình xuống dưới bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời. Càng cố gắng làm uy quyền trong chính mình thì chúng ta càng bước đi trên con đường sai trật. Con đường rất rõ ràng trước mặt chúng ta. Trong Cựu Ước, uy quyền lớn nhất là Môi-se, trong khi giữa vòng tất cả những vị vua thì uy quyền lớn nhất là Đa-vít. Cả hai đều cư xử như nhau trong khả năng của mình với tư cách là uy quyền đại diện. Chúng ta phải chạm đến linh của những người này rồi mới có thể duy trì uy quyền của Đức Chúa Trời.