Tôi nhớ lần đầu tiên bước vào một hội thánh với mục đích tìm chỗ thờ phượng lâu dài. Tiếng nhạc ồn ào, hội chúng rất đông và bầu không khí thật là mời gọi. Nó không giống như là bất cứ một hội thánh nào mà tôi đã từng đến khi còn nhỏ, và ở đó người ta rất là tốt với tôi. “Đây là một chỗ tuyệt vời,” tôi nhớ đã thầm nghĩ như vậy. Tôi nhớ cái cảm giác mà tôi chưa hề gặp được ở một nơi khác: sự tiếp đón.
Nhưng câu chuyện không chấm dứt tại đó. Không. Cũng mau chóng như là khi tôi bước vào một bầu không khí chấp nhận và đón tiếp, dòng cảm nhận bắt đầu thay đổi thật nhanh, vì tôi gặp một bài giảng làm cho tôi có cảm tưởng như là bị tát vào mặt. Không phải vì vị Mục sư ân tứ giảng sai hay thô lỗ, nhưng vì ông đang nói cho tôi biết về chính mình tôi mà tôi đã không muốn nghe. Vị Mục sư này đang giảng những điều từ trong Kinh Thánh nghịch lại với cách mà tôi đang sống. Ông giảng những điều tôi đã không muốn nghe. Ông nói về những việc làm tôi bùng nổ lên sự bào chữa cho tôi.
Nhưng thử đoán xem? Lời giảng của ông có cái độ làm khó chịu cho tôi trong lúc đó bao nhiêu thì nó cũng nói lên chính xác về điều tôi cần bấy nhiêu. Cái dạng làm khó chịu này là điều mà tất cả chúng ta cần kinh nghiệm. Để chúng ta được nhắc nhỡ về một đời sống đã được sống bên ngoài “con đường hẹp” theo xác thịt và tư dục, và đây không phải làm một đời sống mà Chúa định cho chúng ta.
Hãy tưởng tượng với tôi trong một giây. Nếu tôi bước vào trong hội thánh đó, chỉ để nhận lấy một sứ điệp “làm cho thoải mái”, chấp nhận và cho phép mọi sự tôi đang dính dáng đến bởi vì người Mục sư giảng đã không dám động đến một ai đó hay không dám làm lỡ cơ hội để người ta dâng một phần mười; thì làm sao mà tôi có thể được thay đổi? Tôi sẽ chẳng thay đổi gì hết. Tôi sẽ rời hội thánh đó mà không có một chút nào nhận biết rằng lối sống hiện nay của tôi đang dẩn đưa tôi xuống con đường của sự hư không! Điều tôi đã cảm nhận được khiến tôi ăn năn, và sự ăn năn đó đã đem tôi đến gần với một đời sống phản ảnh Chúa Giê-su.
Kinh Thánh nói rất rõ là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su sẽ mang đến một đời sống mới, một kinh nghiệm mà nó đặt đời sống cũ của chúng ta ra sau chúng ta (Cô-lô-se 3:3-14). Nếu đời sống của bạn vẫn như cũ sau khi bạn tuyên bố rằng bạn đã gặp gỡ Chúa Giê-su, có thật là bạn đã gặp Ngài không?
Hội thánh không phải là để làm cho chúng ta luôn luôn cảm thấy mình tốt. Thực sự là khi so với trước khi bước vào trong nơi nhóm thờ phượng thì những khi tôi bước ra về thường là những khi tôi cảm biết sâu xa hơn sự tan vỡ của mình. Tôi rời đi với hy vọng, nhưng đó không có nghĩa là tôi vui vẻ với những gì tôi phải hy sinh để có thể nhóm lại thờ phượng. Có nhiều khi chúng ta thấy những mục sư giảng những sứ điệp trình bày Chúa Giê-su không hơn gì những người chuyên nghiệp với công việc là làm sao cho bạn có điều bạn đang tìm kiếm. Bạn biết đó là những gì:
- Giê-su sẽ cung ứng tài chánh cho…
- Giê-su sẽ ban phước…
- Giê-su sẽ chữa lành….
- Giê-su sẽ cho có người yêu…
- Giê-su sẽ cho được lên chức…
… Trừ khi Ngài không cho.
Bạn có thấy tôi đang đi đến đâu với sự chia sẻ này? Chúa Giê-su có thể cung ứng tất cả những thứ mà tôi mới kể ra ở trên không?
Vâng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Ngài sẽ phải làm như vậy. Và không phải là công việc của người Mục sư để hứa những điều mà Kinh Thánh không hứa, đặc biệt là khi hứa cung cấp theo cách mà bạn và tôi đặc biệt đòi hỏi. Đức Chúa Trời sẽ vì lợi ích thật của chúng ta mà thường làm trái lại với những mong muốn riêng tư của chúng ta. Phải là ý định của Ngài, chứ không phải là ý định của chúng ta. Hội thánh không được thiết kế chỉ để làm “thoải mái,” nhưng thay vì vậy, làm cho phải đối diện với tội lỗi và tuôn tràn hy vọng.
Chắc chắn là một hội thánh làm cho “thoải mái” sẽ thu hút những người có tiếng tăm, rất nhiều người đến nhóm lại, và có tiền dâng rất cao mỗi tuần. Nhưng những điều đó không có nghĩa là hội thánh đó là đúng trong Chúa. Không có nghĩa là đúng với lời Chúa trong Kinh Thánh. Và không có nghĩa là những gì một người đang làm ở trong hội thánh đó được Chúa ban phước!
Hội thánh có thể làm cho cảm thấy thoải mái không? Dĩ nhiên. Nhưng phải hơn xa mức độ đó. Mục đích của hội thánh không phải là làm cho người ta thấy tốt và thoải mái, nhưng để làm sáng danh Chúa Giê-su qua sự thờ phượng và dạy dỗ Lời Chúa. Sẽ có những lúc của sự cảm nhận tốt đẹp thoải mái. Nhưng sẽ có những lúc của sự bắt phục và hy sinh mà không nghi ngờ gì là để đem lại những thay đổi lớn cho đời sống. Điều này thì không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng chắc chắn là đáng phải có.
Nếu dân Ta, là dân được gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta và từ bỏ con đường gian ác, thì từ trên trời Ta sẽ lắng nghe, tha thứ tội lỗi họ và chữa lành đất nước họ.
— 2 Sử Ký 7:14
Nếu Hội thánh không bao giờ kêu gọi con người từ bỏ những con đường ích kỷ, thì Hội thánh có ích chi? Tôi sẽ chọn một Hội thánh theo Chúa Giê-su hơn là một hội thánh làm cho thoải mái trong suốt cả tuần lễ.
Ngọc Nga
(Lược dịch theo: outreachmagazine.com)