Bất cứ ai đã nhóm lại với hội thánh trong một thời gian dù là ngắn hay dài đều có lần nghe lời kêu gọi trong 1 Phi-e-rơ 3:15: “Nhưng hãy tôn cao Đấng Christ là thánh, là Chúa trong lòng anh em. Luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hi vọng trong anh em, nhưng phải ôn tồn và trân trọng.”
Sẵn sàng chia sẻ tin lành là gì? Sẵn sàng về những gì? Điều thường đến trong tâm trí chúng ta là huấn luyện chứng đạo, được trang bị, học những cách đặc biệt để truyền đạt câu chuyện Chúa Giê-su, tập làm chứng về câu chuyện đức tin của chúng ta và rất nhiều những điều quan trọng khác. Những điều này là rất cần, nhưng không phải là những điều đáng ngạc nhiên.
Điều đáng ngạc nhiên cho nhiều người sống theo Chúa Giê-su là có nhiều mặt chuẩn bị thường bị quên mất.
Khi huấn luyện các nhân sự lãnh đạo, mục sư và tín hữu khắp nơi trên thế giới, tôi biết ra là ngoài những kỹ năng chứng đạo có những điều nền tảng chúng ta cần chuẩn bị. Tôi kể ra ở đây bảy cách chuẩn bị chúng ta để trở nên một người Chúa có thể dùng để chia sẻ tin lành.
1. Đi Sát Và Mật Thiết Với Chúa Giê-su.
Thật khó mà dẩn dắt người khác đến chỗ mà chúng ta không thể đến được. Nếu chúng ta muốn chiếu sáng ánh sáng của Chúa Giê-su, hãy bỏ ra thời giờ để ở trong sự hiện diện của Đấng là ánh sáng của thế gian. Hãy ngồi dưới chân Ngài. Hãy biệt riêng thời giờ tương giao với Chúa của quý vị. Hãy thật gần gũi Chúa Giê-su đến mức mà những người cách xa Ngài có thể thấy rằng quý vị đang ở cùng với Đấng mà chúng ta yêu kính hơn tất cả mọi sự khác.
2. Học Đáp Ứng Cao Độ Với Đức Thánh Linh.
Chúa đang phán dạy, nhiều hơn là chúng ta nhận ra. Thánh Linh của Đức Chúa Trời Hằng Sống đang ngự trong chúng ta nếu chúng ta là người sống theo Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế. Hãy lắng nghe. Hãy cầu xin sự soi dẩn. Và hãy đáp ứng khi Thánh Linh kêu gọi cách êm dịu hay lớn tiếng, gián tiếp hay trực tiếp. Hãy làm điều này trong mọi mặt của đời sống của chúng ta để cho khi Ngài phán hãy sẻ chia tình yêu và sứ điệp của Chúa Giê-su, thì lòng của chúng ta đáp ứng một cách tự nhiên.
3. Hãy Cầu Nguyện Thường Xuyên Và Với Lòng Đầy Dẫy Đức Tin.
Chúng ta được kêu gọi vào một cuộc thám hiểm cầu nguyện không thôi (1 Tê-sa-lô-ni ca 5:17). Vợ tôi, Sherry, là người đã dạy tôi về vẻ đẹp và quyền năng của sự cầu nguyện, nói thế này, “Không phải là chúng ta phải cầu nguyện liên miên, mà chúng ta trở nên cầu nguyện không thôi.” Khi chúng ta nói chuyện với Đấng Sáng Tạo và cũng là người yêu của linh hồn chúng ta, chúng ta nhận quyền năng, khải tượng, sự khôn ngoan và sự dẫn đường đến sự chia sẻ tin lành của Chúa Giê-su. Hãy để ra những thời giờ riêng biệt để cầu nguyện mỗi ngày – điều này dường như trở thành một nghệ thuật hay lãnh vực đã bị bỏ quên. Hơn nữa, sự cầu nguyện tự phát trong suốt trọn ngày của chúng ta, một mình hay với những người khác.
4. Dầm Thấm Mình Vào Kinh Thánh Và Sống Theo Những Gì Kinh Thánh Dạy.
Đây là trọng tâm của làm chứng có gốc rể trong Lời Chúa. Câu chuyện của Chúa Cứu Thế được tường thuật trong những trang Kinh Thánh. Con đường cho chúng ta và những ai đến đặt đức tin trong Chúa Giê-su nằm trong những trang sách Cựu Ước và Tân Ước. Chúng ta phải là những người tin rằng Kinh Thánh là thật, là người đọc và học một cách trung tín và là người sẵn lòng uốn những tấm lòng và đời sống cứng cỏi của mình trở nên vâng phục dưới sự dạy dỗ của Kinh Thánh, cho dù nó thật khó khăn và nghịch lại với văn hóa chính mạch.
5. Dốc Lòng Sống Trong Sự Thánh Khiết Và Ăn Năn Khi Sa Ngã Phạm Tội.
Là một người mới tin, quà tặng tốt nhất mà bất cứ ai có thể cho tôi là cuốn Kinh Thánh đầu tiên của tôi. Tôi được bảo rằng, “Bạn là một Cơ đốc nhân cho nên bạn phải đọc cuốn này.” Họ thêm, “Đây là Lời của Đức Chúa Trời và là lẽ thật.” Thế nên tôi đọc. Rồi tôi được bảo rằng thật tốt để nhớ thuộc lòng những phần lớn của sách. Tôi bắt đầu với thư Phi-e-rơ 1, một cuốn sách thực tế và quyền năng.
Khi tôi đang học thuộc lòng 1 Phi-e-rơ 1, tôi đọc đến những chữ này, hay đúng hơn là những chữ này động chạm đến tôi:
14 Như con cái biết vâng lời, anh em đừng chiều theo những dục vọng lúc trước, khi anh em còn mê muội.15 Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn nết ở của mình, 16 vì có lời chép: “Các con phải thánh, vì Ta là thánh.”
~ 1 Phi-e-rơ 1:14–16
Tôi học đề tài nên thánh và đọc một cuốn sách nhỏ của Jerry Bridges có tựa đề, Theo Đuổi Sự Thánh Khiết. Nó làm tan vỡ tôi trong một cách thật đẹp. Tôi tin rằng một trong những cách tốt nhất chúng ta có thể chuẩn bị chia xẽ câu chuyện kỳ diệu của Chúa Giê-su bằng cách theo đuổi sự thánh khiết, nhận biết rằng chúng ta bất toàn và hạ mình từ bỏ những sự yếu đuối và nổi loạn của mình.
6. Xây Dựng Một Tình Bạn Yêu Thương Và Gần Gũi Với Những Người Bên Ngoài Gia Đình Của Chúa.
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng chúng ta phải kinh ngạc mà biết rằng nhiều Cơ đốc nhân (kể cả đặc biệt một số Mục sư) có rất ít tình bạn thân mật và sâu nhiệm với những người xa cách Chúa Giê-su. Đây là lúc chúng ta hãy bớt đi thời giờ trong nhà thờ và trong những nhóm bạn tín hữu để có thêm thời giờ làm những người bạn mới với những người cần khám phá ân sủng kỳ diệu của Đức Chúa Trời.
7. Hãy Thoải Mái Nói Rằng, “Tôi Không Biết.”
Một vài người cảm thấy cách tốt nhất để chia sẻ đức tin là làm chắc chắn rằng chúng ta có câu trả lời cho mọi sự. Những người khác được thuyết phục rằng họ cần những câu trả lời đánh bại những người bạn không tin và đập tan họ với những lý luận ưu việt. Tôi là một người cổ vũ cho sự phải lẽ và tin rằng chúng ta cần sẵn sàng trình bày đức tin của chúng ta. Tôi cũng là một người tin vào biện giáo học và chúng ta phải khôn ngoan học biết cách truyền thông những câu trả lời thông minh cho những câu hỏi mà người ta hỏi.
Nhưng cũng tốt để nói, “Tôi không biết” khi đối diện với một câu hỏi thật sự sâu nhiệm. Bạn có thể tiếp tục bằng cách nói rằng, “Có thể là chúng ta cùng nghiên cứu đề tài này.” Hạ mình sẽ có kết quả trên đường dài. Tôi sống theo Chúa Giê-su trong suốt bốn thập niên và là một Mục sư trong hơn ba thập niên. Vẫn còn có nhiều điều tôi không biết, không thể gói gọn vào một câu trả lời trong 60 giây và vẫn phải tự tìm hiểu. Khi tôi nhìn nhận điều này với những người hỏi những câu hỏi về đức tin Cơ đốc, nó làm câu chuyện được cởi mở ra. Nó dẩn đến một cuộc đối thoại hơn là một cuộc tranh luận hay đấu khẩu.
Tôi bỏ nhiều thời giờ tự do của tôi để huấn luyện cho người ta biết cách chia sẻ đức tin của họ. Trong tiến trình này, tôi giúp họ truyền đạt những lời chứng cá nhân, chia sẻ câu chuyện của Chúa Giê-su, có những câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng và tất cả những điều bình thường của sự chuẩn bị cho họ làm điều mà tôi gọi là Làm Chứng Tự Phát.
Những điều này hết sức quan trọng. Nếu bạn thêm vào bảy điều tôi kể ra ở trên, bạn sẽ làm tốt sự chuẩn bị để chia sẻ đức tin của bạn một cách tự nhiên và kết quả.
Ánh Dương
(Lược dịch theo: christianitytoday.com)