9 SỰ CẦU NGUYỆN CÓ THỂ BAN CHO BẠN QUYỀN XÂM NHẬP BẤT CỨ NƠI NÀO
Cầu nguyện có thể lập tức mở lối cho bạn vào bất kỳ căn nhà, bệnh viện, văn phóng chính phủ, tòa án nào ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Giống như khoảng cách không thể cản trở lời cầu nguyện, thì cũng không có bảng hiệu “cấm vào” hay bức tường nào có thể ngăn bạn có mặt hay giữ tay bạn lại trong sự cầu nguyện.
Qua lời cầu nguyện, bạn có thể làm vững tay của bác sĩ phẫu thuật đang căng thẳng khi giải phẫu cho người thân yêu hay bạn của bạn. Qua lời cầu nguyện, sự hiện diện vô hình của bạn có thể ở cùng người thân yêu đó trong suốt cuộc giải phẫu.
Khi Mục Sư Bud Robinson gần như tử thương, treo lơ lửng vài ngày giữa sự sống và các chết tại một bệnh viện ở San Fracisco, ông đã trải qua một sự đau đớn kinh khiếp ở chân. Hội nghị các người hầu việc Chúa của giáo phái ông được kêu gọi để cầu nguyện. Họ tạm dừng chương trình, quì gối xuống như một nhóm và dốc lòng cầu nguyện tha thiết cho ông. Ngay lúc đó, cơn đau của ông chấm dứt. Hai ngày sau ông bất tỉnh trong một lúc và có sự hiện thấy đáng kinh ngạc về thiên đàng. Thật thú vị, khi trò chuyện với Chúa Jêsus trong khải tượng, ông nhìn thấy hai vị Mục Sư đứng bên ông. Cả hai đều là người bạn thân nhất đang ở Los Angeles và cầu thay cho ông vào đúng thời điểm ấy! Tuy thể xác cách xa nhiều dặm, nhưng qua sự cầu nguyện họ đang ở bên cạnh ông!
Hiện diện trong Thánh Linh
Phao-lô, sứ đồ của sự cầu nguyện, đã liên tục cầu thay cho các tín hữu mới và các Hội Thánh mà ông đã thành lập ở nhiều nơi khắp trên thế giới thời Tân Ước. Quả thật, sự cầu nguyện của ông thực hữu và tha thiết đến mức ông tin rằng thân tuy xa cách nhưng tâm linh ông vẫn ở với họ khi ông cầu nguyện. Vậy, há chẳng phải là điều Phao-lô muốn nói khi viết cho Hội Thánh ở Cô-rinh-tô rằng: “Vì anh em và lòng tôi được hiệp với quyền phép của Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta, nên tôi đã dường như có mặt ở đó” sao? (Icô 5:3-4). Hay Phao-lô đã không ngần ngại nói với họ rằng chính tâm linh ông, qua sự cầu nguyện, sẽ cùng hòa với họ khi họ xử lý một trường hợp về kỷ luật trong Hội Thánh (c.5). Phao-lô đã duy trì mối liên kết tâm linh qua sự cầu nguyện.
Rồi, Phao-lô lại viết những lời tương tự cho Hội Thánh Cô-lô-se: “Vì dẫu thân tôi xa cách nhưng tâm thần tôi vẫn ở cùng anh em, thấy trong anh em có sự thứ tự hẳn hoi và đức tin vững vàng đến Đấng Christ thể nào” (Côl 2:5). Hội Thánh đã sống động qua lời cầu nguyện của Phao-lô như thể ông đang có mặt ở đó với họ.
Có vài người không đến nhóm thờ phượng nhưng sau đó, lại nói đùa với Mục Sư rằng họ đã “có mặt ở đó trong tâm linh”. Kiểu nói như thể có thể xúc phạm Chúa. Những người khác có thể chân tình khi nói với người thân hoặc bạn bè vắng mặt rằng: “Chúng tôi sẽ có mặt với anh chị trong tâm linh”, nhưng điều đó chỉ có nghĩa là thỉnh thoảng tư tưởng họ sẽ ở với các vị đó. Phao-lô bày tỏ nhiều hơn là kiểu nói thông thường này. Ông đã yêu thương con cái Chúa ở thành Cô-lô-se, cùng hòa lòng với họ qua, dốc đổ cầu thay cho họ đạt đến trình độ thuộc linh là ông có thể hiện diện với họ qua sự cầu nguyện. Điều này thật đúng, dù trước đó ông chưa bao giờ ghé thăm thành Cô-lô-se! Sự hòa mình sâu sắc trong lời cầu nguyện như vậy thường ít thấy trong thời đại ngày nay. Nhưng điều đó có thể xảy ra cách vinh diệu, khi chúng ta bước đi cách gần gũi với Đức Chúa Trời.
Mở rộng sự hiện diện của bạn qua sự cầu nguyện
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra với bất cứ người cầu nguyện nào khi đạt được sự hiệp một trong tình yêu và khao khát thánh qua sự cầu thay lâu dài. Rồi Đức Chúa Trời sẽ ban cho người đó sự hiệp nhất đặc biệt hòa đồng tâm linh và thực sự “hiện diện qua sự cầu nguyện”.
Suốt khoảng 20 năm, bất cứ lúc nào tôi từ trường học, từ đoàn truyền giáo hoặc nghỉ phép từ Ấn Độ về nhà, dường như mỗi lần có buổi cầu nguyện gia đình, mẹ tôi thường tuôn lệ vì tình yêu mong ngóng khi bà cầu nguyện cho những cánh đồng truyền giáo, đặc biệt là cho Trung Hoa và Ấn Độ. Đó cũng là cách bà đã cầu thay cho tôi, và tôi tin rằng tinh thần cầu nguyện của bà đã thường xuyên ở bên tôi.
Vì vậy, Chúa đã kêu gọi bà cầu thay đúng vào những lúc tôi gặp nguy nan trong suốt thời gian hầu việc Chúa tại Ấn Độ, dù bà không hề biết tôi đang gặp rắc rối. Bà thật là một chiến sĩ cầu nguyện, đã hằng ngày để nhiều giờ cầu thay và thường kinh nghiệm sự mách bảo của Đức Thánh Linh. Qua lời cầu nguyện đồng công với tôi, bà đã đem Đấng Christ cho Ấn Độ!
Sự trung tín như thế dẫn đến nhiều cơ hội lớn để phục vụ Chúa. Qua cầu nguyện, bạn có thể bước vào phòng xử án và đặt tay mình lên vai quan tòa. Qua cầu nguyện, bạn có thể ngăn chặn tay của một tội phạm hay một kẻ khủng bố ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Qua cầu nguyện, bạn có thể đặt bàn tay hướng dẫn trên tay lái của một chiếc xe.
Nhưng bạn không thể chỉ để nửa phút cầu nguyện 1 tháng 1 lần cho một ai đó mà có được những hiệu quả như thế. Tấm lòng của bạn phải hòa quyện một nhịp với tấm lòng của Chúa Jêsus khi Ngài cầu thay. Tình yêu của bạn phải tuôn chảy hằng ngày với tình yêu của Đức Thánh Linh. Khi lòng bạn khao khát sâu xa và liên tục thi hành chức vụ cầu nguyện, khi bạn sống và cầu nguyện trong Thánh Linh, thì bạn thật sự trung chuyển phước hạnh của Đức Chúa Trời như thể bạn đang có mặt ở đó vậy.
Chắc hẳn bạn không thể đạt đến sự hiệp một trong tâm linh tình yêu thương và nhịp đập của con tim để chia sẻ sâu sắc chức vụ hầu việc Chúa với một số đông người. Nhưng bạn có thể chia sẻ với ít nhất là 1 hoặc vài người. Ít lâu, sau khi chúng tôi đến Ấn Độ thì vợ tôi là Betty nhận được thư của một giáo viên tiểu học ở Nam Phi. Bà viết: “Đã từ lâu tôi luôn mong mỏi trở thành một giáo sĩ, nhưng Đức Chúa Trời đã không cho phép. Khi tôi đọc tạp chí truyền giáo và nhìn thấy hình ảnh của ông bà, thì Đức Chúa Trời đã phán bảo tôi phải làm công tác truyền giáo qua ông bà”. Đó là sự kêu gọi của Chúa dành cho bà. Đức Chúa Trời đã dẫn dắt bạn đến với ai để trở thành một đối tác cầu nguyện qua sự cầu thay?
Ai đã bỏ qua cầu nguyện?
Khi mới cưới nhau, chúng tôi sống tạm ở nhà cha mẹ trước khi bắt đầu chức vụ chăn bầy ở một tiểu bang khác. Mỗi tuần một tối, cha mẹ tôi lái xe vài dặm đến một ngôi trường ở thôn quê, nơi cha tôi hướng dẫn một nhóm cầu nguyện và học Kinh Thánh. Một tối nọ, khi vợ chồng tôi ở nhà một mình, quỳ gối cầu nguyện, đột nhiên một linh cảm về mối nguy hiểm lớn tràn ngập lòng tôi. Tôi bắt đầu cầu khẩn sự thương xót của Đức Chúa Trời, giơ tay lên trong sự cầu nguyện thống hối. Tôi không biết sự nguy hiểm đó là gì và nghĩ chắc có một tên cướp đang ở bên ngoài cửa sổ. Trong 10 phút hoặc hơn, tôi chỉ có thể cầu xin huyết Chúa Jêsus bao phủ và công bố danh Ngài.
Sau đó gánh nặng được cất đi. Vợ tôi không hiểu điều gì đã xảy đến với tôi và nói rằng mặt tôi đã tái nhợt như tờ giấy. Cô hỏi tôi nghĩ xem điều đó là gì. Tôi đáp mình không rõ, chỉ biết chắc rằng Chúa đã giải cứu tôi khỏi một mối nguy lớn nào đó.
Khoảng 20 phút sau, có tiếng gõ cửa phòng ngủ của chúng tôi. Đó là mẹ tôi. Lời nói đầu tiên của bà đã xác định linh cảm của tôi trước đó: “Ôi Wesley, Đức Chúa Trời đã rất thương xót bố mẹ tối nay! Đang trên đường về nhà, ánh đèn pha của một chiếc xe đã làm lóa mắt bố mẹ. Với tốc độ cao chiếc xe đó lao thẳng về phía bố mẹ. Vào khoảnh khắc cuối cùng nó lệch đi và lướt qua khỏi bố mẹ trong gang tấc. Khi nó đã vượt qua rồi, bố mẹ nhận thấy rằng mình đang đi nhầm phía bên trái đường!”
Hãy giải thích điều này theo ý bạn. Có lẽ bàn tay cầu nguyện đã bẻ tay lái của chiếc xe đang phóng nhanh, khiến nó lệch hướng để tránh kịp một sự va chạm mạnh. Có lẽ tôi đã chạm đến ngôi thiên đàng và Chúa đã sai một thiên sứ đến can thiệp đúng lúc. Tôi không rõ. Nhưng đây là điều tôi biết: Đức Chúa Trời đã thức tỉnh chúng tôi để cầu thay vào đúng thời điểm nguy hiểm đó, hầu cho cha mẹ tôi có thể phục vụ Chúa thêm nhiều năm nữa. Từ đó trở đi, khi tôi nghe rằng một đầy tớ quý mến của Chúa bị chết vì tai nạn, thì tôi tự hỏi: “Ai đã bỏ qua sự cầu nguyện?”
Đặc ân đáng kinh ngạc này
Có một thực tế thiêng liêng không mô tả được trong sự cầu nguyện. Chúng ta chỉ mới bắt đầu học ABC trong sự cầu thay. Thật khó mà hiểu được làm một thầy tế lễ nhà vua cho Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì (I Phie 2:9; Khải 1:6), là người đồng cầu thay với Đấng Christ. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một đặc ân đáng kinh ngạc của việc trải rộng tình yêu, ảnh hưởng và sự hiện diện của mình qua việc cầu nguyện. Đây không phải là chủ nghĩa cuồng tín thần bí. Những người được nói đến trong chương này chẳng phải là các siêu thánh không tưởng, chỉ có một huyền thoại. Họ đều là những người bình thường, ở trên đất này và là những người cầu thay vĩ đại.
Chúng ta không nên tạo sự vui thú trên những điều hão huyền hoặc ngoạn mục. Song cũng chẳng nên bỏ qua đặc ân kỳ diệu Chúa ban. Quyền năng của cầu nguyện vẫn chưa được nhiều con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời hiểu biết và khai thác cách rộng rãi. Chúng ta sống khá thấp so với công suất thuộc linh, các đặc ân và quyền làm con cái Đức Chúa Trời của mình!
“Chúng ta khá nhìn biết Đức Giê-hô-va; chúng ta khá gắng sức nhìn biết Ngài. Sự hiện diện ra của Ngài là chắc chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai” (Ô-sê 6:3). “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quý hơn hết, Ngài là Chúa tôi … cho đến nỗi tôi được biết Ngài và quyền phép sự sống lại của Ngài” (Phil 3:8, 10).
Sự khao khát sâu xa nhất của bạn là gì? Sự mong mỏi thuộc linh của bạn đang ở mức nào? Có phải sự đói khát cháy bỏng của bạn là nhận biết Đấng Christ rõ hơn, kinh nghiệm tính kín nhiệm thiêng liêng của sự hiện diện Ngài, của quyền phép Ngài, sự thông công và đắc thắng với Ngài khi bạn cùng cầu thay với Ngài không? Thật vậy, bạn sẽ bắt đầu hoàn thành vai trò làm nàng dâu và chức thầy tế lễ nhà vua và người cùng cầu thay của Ngài.