Cách Tôi Đến Chỗ Nhận Diện Mình Với Ghi-đê-ôn Đầy Nghi Ngại.
Ngoại trừ được ghi chú, Kinh Thánh dùng trong bài viết là từ Bản Dịch 2011
Cách đây vài năm, trong một buổi tối tâm sự, chồng tôi và tôi nhận ra rằng mỗi khi chúng tôi cam kết làm một điều phục vụ cho Vương Quốc Chúa, chúng tôi cứ như là bị đóng cửa lại. Những ngày gần đến lúc công vụ là những ngày đầy những tai họa nhỏ. Các con bị bệnh. Chúng tôi bị bệnh. Xe bị hư. Hệ thống nước nóng bị trục trặc. Chứng mất ngủ của Jon nổi lên. Ngân sách gia đình bị thiếu hụt bất ngờ. Bao tử của tôi có triệu chứng. Và mọi người trong mạng lưới hỗ trợ của chúng tôi lại trong cùng một lúc không ở trong vùng. Đôi khi những sự cố này không phải là nhỏ, và sự khó khăn cứ tăng vọt lên.
Các bạn của chúng tôi cho rằng loạt biến cố dồn dập này là một trận tấn công thuộc linh. Nếu đúng như vậy, chúng tôi tự hỏi mục tiêu thật sự của sự tấn công này là gì? Có phải là ma quỷ đang cố ngăn cản chúng tôi hoàn tất công vụ đã sắp hoàn thành của mình không? Có phải là nó muốn đánh lạc hướng của chúng tôi, khiến cho chúng tôi không thể hoàn thành tốt đẹp, hay để cho chúng tôi sẽ không gắn bó với Chúa trong khi chúng tôi đang thi hành các công vụ? Hay là để làm chúng tôi mất tinh thần không thể nói “Vâng, Chúa ơi, có con đây” khi những sự cố này xảy ra?
Tối hôm đó, chúng tôi kết luận rằng nếu đây thật là chiến thuật của Sa-tan, nó có vẻ đạt được kết quả.
Có nhiều lý do khiến cho công vụ nước trời luôn bị vây quanh bởi những khó khăn riêng tư. Nhưng trong tuần đó, Chúa ghi khắc một lý do riêng biệt cho tôi, và đó là lý do tôi cần thấy hơn hết.
Rất ngắn sau buổi tối tâm sự, tôi đọc 2 Cô-rinh-tô 12. Tôi cảm nhận như là Chúa đã trao nó đến cho tôi bằng một con chim bồ câu đưa thư. Trong đoạn này, Phao-lô mô tả không phải là Kẻ Thù nhưng chính là ý định của Chúa cho phép những khó khăn bao quanh công vụ phục vụ nước trời. Phao-lô khám phá rằng Chúa cho phép những rắc rối như vậy nhằm mục đích “để giữ tôi khỏi lên mình kiêu ngạo” (c.7). Trong lúc cái “dằm” bí ẩn có thể là công việc của Kẻ Thù (ông gọi đó là một sứ giả của Sa-tan), Đức Chúa Trời đã chuyển đổi mục đích nguyên thủy của nó. Ngài dùng nó cho mục đích của Ngài, có nghĩa là để cứu Phao-lô khỏi sự kiêu ngạo. Sự thiếu hụt hay không đạt tiêu chuẩn xảy ra trong mục vụ của tôi luôn đem đến tác dụng làm cho tôi trở nên khiêm nhường.
Nhưng sự khó khăn của Phao-lô có hai mục đích chồng chéo với nhau. Chúa không chỉ dùng nó để hoạt động bên trong Phao-lô, Ngài cũng dùng nó để vận hành xuyên qua ông. Chúa Giê-su nói với ông: “Ân sủng của Ta đã đủ cho ngươi rồi, vì quyền năng của Ta được thể hiện trọn vẹn trong sự yếu đuối” (c.9). Điều trở ngại của Phao-lô lót đường cho cách quyền năng của Chúa có thể vận hành, một cách toàn vẹn qua cuộc đời của ông.
Vậy nên những rắc rối cá nhân của chúng ta có thể làm thành hai điều. Nó phá tan sự kiêu ngạo trong chúng ta, và để cho Chúa bày tỏ quyền năng của Ngài. Trong cả hai cách, nó phá vỡ cái ý nghĩ cho rằng phục vụ Chúa thì tất cả mọi sự là do từ chúng ta.
Thực ra, Phao-lô không phải là người đầu tiên khám phá ra những lẽ thật này. Kinh Thánh Cựu Ước tràn ngập những con người được Chúa vận hành một cách đầy quyền năng trong sự yếu đuối của họ: Áp-ra-ham không có con nối dõi, Giô-sép bị bán đi, Môi-se là người cà lăm, Đa-vít là đứa trẻ chăn chiên – danh sách này cứ dài ra và dài ra mãi.
Nhưng người mà tôi thích là Ghi-đê-ôn, kẻ nghi ngại. Tôi thấy tôi có phần với tính nghi ngại của ông khi Chúa kêu gọi ông. Câu chuyện của ông, trong Các Quan Xét 6-8, có lẽ là một hình ảnh minh họa rõ ràng nhất cho thấy quyền năng Chúa trong sự yếu đuối của chúng ta. Kinh Thánh Tân Ước nói về Ghi-đê-ôn như là một người được Chúa “chuyển yếu thành mạnh” (Hê-bơ-rơ 11.32-34). Trong câu chuyện của ông, tôi thấy cả hai vai trò của sự yếu đuối: sự yếu đuối làm nên chỗ trống cho quyền năng Chúa, và sự yếu đuối cầm giữ lại sự kiêu ngạo.
Sự Yếu Đuối Của Chúng Ta Là Khán Đài Của Chúa
Cũng như Phao-lô mô tả sự khó khăn của ông như là cái dằm trong thịt, Ghi-đê-ôn đang sống trong vòng người Y-sơ-ra-ên đang chịu đựng điều mà Cựu Ước nói đến như là những cái dằm trong hông của họ (Dân Số 33.55; Các Quan Xét 2.3). Cái dằm của họ là sự xách nhiễu của người Ca-na-an. Khi chúng ta gặp Ghi-đê-ôn, dân sự của ông đang tuyệt vọng sau 7 năm bị người Ma-đi-an tấn công tiêu diệt mùa màng họ.
Câu chuyện của Ghi-đê-ôn bắt đầu với cái hầm ép nho, nơi ông đang đập lúc mạch để lẩn trốn kẻ thù. Thiên sứ của Chúa hiện đến với ông và nói, “Này, CHÚA ở với ngươi, hỡi người chiến sĩ anh dũng.” Có thật là vậy không? Người “dũng sĩ” đang trốn chui trốn nhũi – một hành động chẳng có một chút can đảm. Câu trả lời của Ghi-đê-ôn thật là thẳng thắn một cách kinh ngạc: “Xin thứ tội cho con, Chúa ơi, nếu CHÚA ở với chúng con, tại sao chúng con phải ra nông nỗi nầy?” (Các Quan Xét 6.13). Thường thì đây cũng là câu hỏi đầu tiên của chúng ta. Làm sao mà sự hiện diện của Chúa và sự khó khăn của tôi có thể xảy ra cùng lúc?
Ghi-đê-ôn vất vả tìm kiếm sự hài hòa giữa những hoạt động của Chúa trong quá khứ với sự im lặng của Ngài trong hiện tại: “Thưa Ngài, nếu CHÚA ở với chúng con, tại sao chúng con phải ra nông nỗi nầy? Nào những việc lạ lùng mà các tổ tiên chúng con thường kể lại cho chúng con nghe đâu rồi? Họ bảo rằng, ‘CHÚA há chẳng đã đem các người lên khỏi đất Ai-cập hay sao? Nhưng bây giờ CHÚA đã bỏ chúng con và phó chúng con vào tay dân Mi-đi-an.”” (c.13). Tại đây chúng ta thấy ra là Ghi-đê-ôn đang nói với Chúa. “CHÚA quay qua ông và phán với ông, “Hãy đi, dùng sức ngươi sẵn có mà giải thoát dân I-sơ-ra-ên khỏi tay dân Mi-đi-an. Há chẳng phải Ta sai ngươi đó sao?” (c.14)
Câu hỏi của Chúa – “Há chẳng phải Ta sai ngươi đó sao?” – vọng lại câu hỏi mà Ghi-đê-ôn vừa hỏi Ngài: “CHÚA há chẳng đã đem chúng ta ra khỏi đất Ai Cập hay sao?” Cả hai câu hỏi đều bắt đầu với cùng với chữ “halo” là một giới từ trong tiếng Hê-bơ-rơ. Đó là một chữ dùng để mở đầu một câu hỏi mà người hỏi giả định rằng câu trả lời sẽ là “vâng.”
Chồng tôi hay đùa rằng chúng tôi nên dịch chữ “halo” thành chữ “hello” trong tiếng Anh! Theo kiểu dịch như vậy thì Ghi-đê-ôn nói là “Chào Chúa?! CHÚA há chẳng đã đem các người lên khỏi đất Ai-cập hay sao?” Đúng, Ngài đã làm vậy. Và Chúa trả lời, “Chào con?! Há chẳng phải Ta sai ngươi đó sao?” Ghi-đê-ôn ơi. Đúng, Ta đang can thiệp. Ta chẳng hề bỏ các con đâu.
Ghi-đê-ôn không bị thuyết phục. Ông thưa: “Lạy Chúa, làm sao con có thể giải cứu Y-sơ-ra-ên được? Nầy, gia tộc con nghèo nhất trong bộ tộc Ma-na-se, và con lại là người nhỏ nhất trong gia đình.” Câu hỏi của Ghi-đê-ôn, “Làm sao con có thể giải cứu Y-sơ-ra-ên được?” có ý nói rằng, “Bằng vào điều gì mà con có thể giải cứu Y-sơ-ra-ên?” Đó là câu trả lời thẳng vào mạng lệnh của Chúa “Hãy dùng năng lực con có mà giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Mi-đi-an.” Theo văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ, ở đây có nghĩa là Chúa phán, “Hãy đi với năng lực của con,” và Ghi-đê-ôn thưa, “Với những gì?” Nói một cách khác, “Với năng lực gì? Tôi là kẻ hèn yếu nhất trong một chi phái hèn yếu nhất. Cái năng lực mà Chúa nói đến là năng lực gì?”
Chúa trả lời đơn giản, “Ta sẽ ở với ngươi, và ngươi sẽ đánh bại dân Mi-đi-an như đánh một người.” (c.16). Nói một cách khác, Chúa phán rằng: Đừng dựa vào chính ngươi, Ghi-đê-ôn. Hãy đo lường quyền năng của Ta. Hãy dùng bất cứ điều gì ngươi có, hãy đi với sức mạnh nhỏ bé mà ngươi có, và đem ngươi đến chiến trường. Ta sẽ ở đó.
Ghi-đê-ôn tiếp tục luồn lách với lòng không chắc chắn về lời phán của Chúa. Ông quyết định vâng phục Chúa và phá hủy đền thờ Ba-anh, nhưng vào nữa đêm, để không ai sẽ biết đó là ông. Sau đó ông kêu gọi Chúa với sự cầu nguyện “tấm lông chiên” (không bị sương đêm làm ướt, bị làm ướt dù không có sương đêm) để hai rồi ba lần biết chắc chắn rằng Chúa sẽ phải làm điều Ngài đã hứa. Dù vậy, sau cùng, Ghi-đê-ôn vâng phục. Ông triệu tập một đạo quân và giao chiến với người Mi-đi-an. Đức Chúa Trời đã dùng một ứng viên yếu kém nhất, kẻ yếu nhất trong số những kẻ yếu – để hoàn thành sự giải cứu dân Ngài.
Phần thứ nhứt của câu chuyện Ghi-đê-ôn dạy chúng ta hãy cẩn thận với sự cảm nhận không được an ninh của chúng ta. Chúng ta phải học đừng tin vào tiếng nói bảo rằng chúng ta không đủ sức để nhận sự phó thác mà Chúa ban cho mình. Khi chúng ta cảm thấy mình không có sức lực, khi bị thuyết phục rằng chúng ta chẳng còn gì để cống hiến, hãy nhớ là chúng ta luôn xứng đáng để chỉ đơn sơ vâng phục, để cho Chúa sai chúng ta đi đến bất cứ nơi nào. Nếu Ngài ở với chúng ta, đó là sức mạnh đủ cả. Nếu chúng ta bắt đầu đo lường về chúng ta, điều nguy hiểm là chúng ta sẽ không hành động, chúng ta sẽ không dám chịu rủi ro, hay chúng ta sẽ không bước đi. Chúng ta sẽ tính toán, kết luận rằng sự phó thác quá lớn, và không dám ra đi. Ghi-đê-ôn nhắc chúng ta, thay vì vậy, hãy đo lường Chúa. Nếu Ngài ở với chúng ta, chẳng có gì là đáng kể cho dù là chúng ta khởi đầu với sức lực nhỏ bé làm sao của chúng ta.
Tôi nghĩ đến buổi tối mà chồng tôi và tôi trên đường đi đến nơi ăn tối với một cặp vợ chồng chúng tôi đã gặp. Dù chúng tôi thấy là họ thật khó tính, họ lại có vẻ đói khát thuộc linh, và chúng tôi không muốn cầm giữ Lời Sự Sống dành cho họ, mặc dù chúng tôi vừa mới xong một trong những buổi đến nhà thương với đứa con mới sinh và chúng tôi thật là kiệt sức.
Trong xe, chúng tôi nhắc nhở mình rằng thân thể chúng tôi là những đền thờ của Đức Thánh Linh. Nếu chúng tôi có thể, chúng tôi sẽ không làm gì hơn là lôi kéo những đền thờ này đến một nơi có nhu cầu. Chỉ làm như vậy để cho Chúa có cơ hội làm một việc quyền năng qua chúng tôi. Nếu chúng tôi chỉ dựa vào sức riêng của mình trong buổi tối hôm đó, chúng tôi chắc là đã ở nhà rồi.
Sự Yếu Đuối Của Chúng Ta là Điều Giết Chết Lòng Kiêu Ngạo
Trong lúc Ghi-đê-ôn biết rõ sự yếu kém của chính mình, Y-sơ-ra-ên không hạ mình như vậy. Phần kế tiếp của câu chuyện Ghi-đê-ôn cho thấy Chúa dùng sự yếu kém để phá tan sự kiêu ngạo. Ghi-đê-ôn chiêu một một đạo quân 32.000 người. Cùng lúc đó, chúng ta được cho biết “Vả, dân Mi-đi-an, dân A-ma-léc, và các dân phương đông dựng trại trong thung lũng đông như cào cào; lạc đà của chúng đông vô số, chẳng khác gì cát nơi bờ biển.” (Các Quan Xét 7.12).
Nhưng Chúa phán với Ghi-đê-ôn, “Quân binh theo ngươi đông quá. Nếu Ta phó dân Mi-đi-an vào tay chúng, dân I-sơ-ra-ên sẽ tự phụ mà nói rằng, ‘Chính tay ta đã tự giải thoát lấy ta.” Bộ Ghi-đê-ôn có nhiều quân quá? Người ta không thể đếm được số lạc đà của quân thù! Nhưng Ghi-đê-ôn nghe theo Chúa và thực hiện liên tiếp hai thử đợt nghiệm để giảm bớt quân số. Trong hai đợt, ông cho 31.700 người trở về nhà – trên 90% quân số được cho về nhà.
Tại sao Chúa làm sút giảm “tài nguyên” của Ghi-đê-ôn một cách hết mức như vậy vào ngay trước khi trận chiến mở màn? Tại sao Ngài cắt bỏ đi thực lực của Y-sơ-ra-ên? Để cho Y-sơ-ra-ên đừng khoe mình. Hay là, theo lời của Phao-lô, để giữ cho họ khỏi kiêu ngạo. Với cách này, khi Ghi-đê-ôn phải đối diện với đạo quân có lạc đà vô số như cát biển với chỉ 300 quân, sẽ không nghi ngờ gì về sức mạnh của ai đã được bày tỏ ra.
Và sự bày tỏ sức mạnh này đem đến kết quả như thế đấy. Nhóm dũng sĩ nhỏ bé của Y-sơ-ra-ên đến gần trại quân Mi-đi-an, thổi kèn, vung đuốc ra, hô lớn tiếng, và rồi chỉ đơn giản nhìm xem quân Mi-đi-an quay gươm giết lẫn nhau và bắt đầu bỏ chạy. Chiến thắng này, “ngày của Mi-đi-an,” trở nên mẫu chữ ký của quyền năng Chúa thắn hơn mọi sự và giải cứu dân Ngài (Thi Thiên 83.9, Ê-sai 9.4,10.26).
Nếu cuộc đối thoại giữa Ghi-đê-ôn và thiên sứ dạy chúng ta hãy nghi ngờ về sự an ninh của chính mình, thì sự cắt giảm đạo quân của ông dạy chúng ta cẩn thận với sự kiêu ngạo của mình. Quá tự tin dường như là một vấn đề lớn đối với Chúa. Nó là điều phải mà bằng mọi giá phải tránh đi. Nó đưa ra một nguy hiểm trầm trọng cho linh hồn của chúng ta. Hãy nhìn vào những diễn tiến Chúa đem đến để giúp dân Chúa tránh được nó. Đạo quân của Ghi-đê-ôn bị cắt giảm gần hết. “Cái dằm” trong Phao-lô được cho phép hiện hữu. Chúa cho phép có những thách thức lớn trong đời sống của chúng ta, một giảm sút rất nhiều trong tài nguyên của chúng ta, là để cứu chúng ta khỏi sự kiêu ngạo.
Đây là điều tốt lành. Sự kiêu ngạo của chúng ta và tâm linh phê phán cùng đi với nó làm cản đường của công việc tốt lành của Chúa trong và qua chúng ta. Kiêu ngạo là tội lỗi, và nó có thể giết chết chúng ta. Khi chúng ta đối diện với những thời kỳ của sự mệt mỏi, yếu đuối, những đợt sút kém này đến những đợt sút kém khác, chúng ta có thể giả định rằng Chúa đang làm việc. Trên bảng của một hội thánh mà tôi lái xe qua có dòng chữ: “Khi chúng ta bị hạ xuống không còn gì, Chúa đang vận hành lên một điều nào đó.”
Sự kiêu Ngạo Của Sự Bất An Ninh
Khi nhìn vào câu chuyện của Ghi-đê-ôn, chúng ta khám phá rằng cả sự bất an ninh và sự tự hào là những dạng của sự kiêu ngạo trong đó cả hai phô bày ra tội lỗi của sự suy nghĩ cho rằng tất cả là do từ chúng ta. Sự bất an nói rằng, “Tất cả là do từ tôi, và vì tôi yếu, chắc chắn sẽ thất bại.” Tự hào nói rằng, “Tất cả là do từ tôi, và vì tôi mạnh, chắc chắn sẽ thắng.” Nhưng sự khiêm nhường nói: “Tất cả không là do từ tôi, hy vọng duy nhất của tôi là Đức Chúa Trời là mạnh mẽ.” Ơn sức Chúa là điều duy nhất làm nên mọi sự. Bà Ngài nói với chúng ta, cũng như với Ghi-đê-ôn: “Và này Ta ở với các ngươi luôn” (Ma-thi-ơ 28.20).
Chúng ta có nhiều lý do hơn nữa để tin Ngài,. “Chúa ở cùng chúng ta,” Em-ma-nu-ên, trở nên xác thịt. Chúa Giê-su đã bày tỏ cho chúng ta quyền năng của Chúa trong sự yếu đuối là ở mức tốt đẹp nhất. Không có trợ cụ hình ảnh nào tốt hơn là sự yếu đuối và quyền năng của Thập Giá.
Trong mấy năm qua, kinh nghiệm về mọi sự sụp đổ xung quanh mục vụ chỉ tăng tốc độ trong đời sống tôi. Với một túi đầy những bằng cấp thể thao liên trường trong túi và với lòng phục vụ hội thánh, tôi đã bỏ ra gần một thập niên qua cho mục vụ về nhu cầu dạy con cái đặc biệt, chống cự với chứng trong thân thể sinh ra những hạch hay kháng sinh chống lại chính thân thể (autoimmune disorder), và sống với một ngân sách gia đình eo hẹp trong lúc sự kêu gọi của chồng tôi là dạy trường Kinh Thánh và mở hội thánh. Nhiều giờ thức giấc của tôi là để suy tư đến những điều không hề có trong kế hoạch, những thứ có thể (vào ngày tệ hại nhất của tôi) giống như là lãng phí thời gian. Tôi nhận ra mình như Ghi-đê-ôn, nhìn thấy những tài nguyên mà mình dựa vào đang hao mòn đi trước mắt mình. Tôi thường cảm thấy như là đang nhìn xuống cái thung lũng có lạc đà vô số như cát bãi biển, với không có gì ngoại trừ 300 lính bộ binh của mình.
Trong khi tôi than tiếc những mất mát trong những biến cố này, tôi cũng thấy Chúa đang sửa lại mục đích nguyên thủy của chúng để làm sự tốt lành cho tôi. Sự yếu đuối đang làm gấp đôi công việc Chúa trong tôi. Chúa đang đánh hạ sự tự hào nguy hiểm đến đời sống của tôi. Và tôi nhìn xem Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài trong sự yếu kém của tôi.
Để đúc kết theo như lời của Phao-lô, tôi đang học để hòa mình với sự hoạt động ở mức năng lực bị mất dần đi, hoạt động với mức bị giới hạn nghiêm trọng, bởi vì khi tôi ở chỗ thấp hèn nhất của mình, công việc của Chúa vận hành qua tôi đang ở mức tốt nhất của nó. Sự yếu đuối của tôi là để cho Chúa có cơ hội bày tỏ và tuôn đổ ra ơn quyền của Ngài.
Chuyển Ngữ: Ánh Dương
(Nguồn: http://www.christianitytoday.com/ct/2016/may/why-god-lets-us-stay-weak.html)
Tác giả: Sarah Lebhar Hall, là Giáo Sư Kinh Thánh của Thần Học Viện Gordon-Conwell (Theological Seminary) và Trường Mục Vụ Ba Ngôi (Trinity School for Ministry)