Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.
– Rô-ma 12:18
“Hòa thuận” là: ở trạng thái sống chung êm ấm, không xích mích, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, tập thể”; đồng nghĩa với “thuận hoà”. Trong Kinh Thánh tiếng Anh, người ta dùng chữ “peace”, có nghĩa là “bình an”, “bình yên”, “hòa hợp” trong quan hệ giữa người với người. Như vậy, sống hòa thuận, cũng có nghĩa là sống bình an, hòa hợp, hài hòa với mọi người! Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sống hòa thuận với mọi người. Chính sứ-đồ Phao-lô đã kinh nghiệm được điều này, và ông đã nói trong Rô-ma 12:18a, “Nếu có thể được”, vì không phải lúc nào cũng làm được. Sứ đồ Phao-lô đã trải qua những sự bắt bớ, ném đá, đánh đập, bỏ tù… cho dù không biết bao nhiêu việc lành ông đã làm trong khi đi rao giảng Tin Lành. Có lúc ông tưởng chừng mất mạng, nhưng ông vẫn cố gắng hết mình tha thứ, để có sự hòa thuận, bình an mà tiếp tực thi hành Đại Mạng Lệnh Chúa Giê-xu đã giao phó.
Đối với chính chúng ta, nếu muốn hòa thuận với người khác thì chúng ta cần phải hòa thuận (bình an) với chính mình. Khi chúng ta cay đắng, càu nhàu, buồn phiền, bất an trong lòng thì khó mà có thể hòa thuận với người khác. Sứ đồ Phao-lô khuyên rằng, “phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác” (Ê-phê-sô 4:31); và vua Đa-vít khích lệ rằng, “Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may mắn trong con đường mình, hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác. Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận hoảng; Chớ phiền lòng, vì điều đó chỉ gây ra việc ác” (Thi-thiên 37:7-8).
Đối với những người khó tánh, nói nhiều, không muốn nghe chỉ muốn nói, hay tranh luận thì chúng ta không nên phàn nàn và đoán xét họ, như lời sứ-đồ Phao-lô nhắc nhở, “Vậy hỡi người kia, ngươi là ai mặc lòng, hễ đoán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi đoán xét họ, ngươi cũng lên án cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi đoán xét họ, mà cũng làm các việc như họ” (Rô-ma 2:1). Ngược lại, chúng ta hãy có lòng thương xót để có thể thông cảm, chấp nhận người đó giống như Chúa chấp nhận mọi người; vì mọi người có những cá tánh khác nhau. Người xưa có câu, “Cha mẹ sanh con, nhưng trời sanh tánh”; cho nên tánh tình thì khó thay đổi và chúng ta “Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót” (Lu-ca 6:36); “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, Chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ” (Thi-thiên 103:8). Giống như hai vợ chồng khi về sống chung thì mới biết có những khác biệt, họ phải chấp nhận những cá tánh đó, để có sự hòa thuận trong gia đình. Có những người vì một chuyện gì đó xảy ra trong cuộc đời và làm cho họ có những thái độ khác thường, nghi ngờ, khó chịu… Chúng ta cũng cần tìm hiểu để cảm thông và chấp nhận họ; “Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục” (Cô-lô-se 3:12). Nếu chúng ta là những người được ơn trong lời nói thì chúng ta có thể khuyên người đó, chỉ cho người đó thấy được điều sai cần chỉnh sửa.
Đối với những người gây tổn thương chúng ta, thì chúng ta có thể tìm hiểu nguyên nhân tại sao họ làm như vậy, để có thể tha thứ và đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho họ thay đổi, có thể hòa thuận lại với chúng ta. Có nhiều khi, Chúa cho chúng ta gặp những người này để dạy chúng ta bài học gì đó, có thể là bài học “chịu đựng”, “nhịn nhục”, “tha thứ”, cho chúng ta có kinh nghiệm để có thể nâng đỡ những người khác khi bị tổn thương, và qua những điều này thì đức tin chúng ta được lớn mạnh hơn. Chúng ta nên cầu nguyện xin Chúa thêm sức, bày tỏ ý Ngài chúng ta điều gì, và xin Ngài cho chúng ta có lòng thương xót và tha thứ, để có thể hòa thuận lại với họ. “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32); “Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền rủa” (Rô-ma 12:14).
Thật vậy, đôi khi, chúng ta làm lành, nhưng lại bị khổ nạn nhiều hơn, như người xưa có câu, “làm ơn mắc oán”, “cây muốn lặng, mà gió thổi không ngừng.” Cho dù, chúng ta cố gắng làm mọi thứ để có thể để được bình an với người khác, nhưng có lúc sự nó sẽ không xảy ra; bởi vì sự hòa thuận phụ thuộc vào thái độ và phản ứng của cả hai bên. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, Chúa Giê-xu là “…Chúa Bình An” (Ê-sai 9:5), và “bình an” cũng là 1 trong 9 trái thánh linh như được nói trong Ga-la-ti 5:22. Như vậy, nếu chúng ta thực sự là những người theo Chúa Giê-xu, thì chúng ta phải hết sức mình mà sống bình an với mọi người. Sức người có hạn, cho nên chúng ta cần cầu xin sức Chúa giúp chúng ta có sự bình an của Ngài, để chúng ta bình an với chính mình và bình an với mọi người, vì “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 4:7). “Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn” (Cô-lô-se 3:15). Đây là nguồn bình an mà chúng ta cần có để sống bình an, hòa thuận với mọi người trong thế gian đầy những tranh chấp, bất an! Nguyện xin Chúa thêm sức cho chúng con có thể tha thứ, thương xót, nhân từ, thông cảm, giúp đỡ, cầu thay cho anh chị em chúng con cũng như chính chúng con phải hết sức sống hòa thuận với nhau, như vậy thì chúng con mới có thể làm sáng Danh Chúa và rao giảng Tin Lành cách vui mừng, bình an cho mọi người chung quanh! Amen!
Nếu ta có thể, hãy hòa thuận,
Tất cả với nhau, hiệp một lòng,
Tha thứ, nhân từ, thường giúp đỡ,
Nương nhờ sức thánh, mãi cậy trông!
Bình an từ Chúa, là miên viễn,
Ban xuống cho ta, tràn ngập lòng,
Hãy sống để Danh Ngài vinh hiển,
Anh em hòa thuận, cùng cảm thông!
(Nguồn: vietchristian.com)