5. Cẩn Thận Với Hình Thức Máy Móc
Yếu tính của tôn giáo thật là tính tự giác, sự cảm động tối cao, không giới hạn của Chúa Thánh Linh bên trên và trong một tâm linh tự do của những người đã được cứu. Ðiều này, trải qua nhiều năm của lịch sử loài người, đã là dấu xác nhận tiêu chuẩn của tính ưu tú thuộc linh, bằng chứng của sự thực hữu trong một thế giới ảo.
Khi tôn giáo đánh mất đặc tính thiêng liêng của nó và chỉ còn cái hình thức (bên ngoài), tính tự giác này cũng bị mất luôn, và từ chỗ của nó xuất hiện các tiền lệ, khuôn phép, hệ thống – và hình thức máy móc.
Ðằng sau cái thói quen máy móc đó là niềm tin cho rằng cái thuộc linh có thể được tổ chức, sắp xếp. Rồi hình thức máy móc đó được đưa vào tôn giáo với những ý tưởng khác hẳn ba điều: Những con số, các bảng thống kê, các quy luật của thói quen, và những cái khác thuộc về tự nhiên, thuộc về con người. Và sự chết dần chết mòn luôn luôn theo sau nó.
Hiện nay, các bản lập trình (danh sách v.v… – file-card) là một công cụ nhỏ bé vô hại và là một thứ rất hữu dụng cho vài mục đích. Nó thật tuyệt cho việc ghi nhận sự hiện diện của các học viên lớp Trường Chúa Nhật, và một danh sách ghi địa chỉ có thể khó mà xoay xở được nếu không có nó. Nó tốt khi ở đúng vị trí của mình và nếu ra khỏi đó, nó trở nên một vật làm chết người. Mối hiểm họa của nó đến từ một xu thế phổ biến của con người là tin tưởng chắc chắn vào sự giúp đỡ từ bên ngoài để giải quyết những điều bên trong.
Khi những hình thức máy móc bắt đầu chi phối đời sống Cơ Ðốc nhân, ngay tập tức nó trở thành một điều phiền toái và một tai họa. Khi nó thoát ra khỏi tủ đựng hồ sơ và đi vào lòng con người, điều bất hạnh sẽ đổ ập lên chúng ta; ngoại trừ một cuộc cách mạng thuộc linh bên trong, không có thứ gì có thể giải phóng nạn nhân khỏi định mệnh của mình.
Ðây là cách mà những hình thức máy móc hành động khi nó xâm nhập vào đời sống Cơ Ðốc nhân và bắt đầu tạo nên những thói quen tinh thần: Nó chia Kinh Thánh ra thành nhiều phần tương thích với những ngày trong năm, và buộc Cơ Ðốc nhân phải đọc theo quy tắc (nhất định). Bất luận việc Thánh Linh cố phán với người đó như thế nào, anh ta cứ tiếp tục đọc chỗ tấm card đó bảo, anh ta nghiêm túc hoàn tất nó mỗi ngày.
Mỗi thánh nhân được Thánh Linh dẫn dắt biết rằng có những lúc ông được sự thôi thúc từ bên trong để đọc một đoạn nào đó, hay ngay cả chỉ có một câu thôi, và trong nhiều ngày ông vật lộn với Chúa cho đến khi một lẽ thật nào đó thực thi công việc của nó trong ông. Bỏ phân đoạn Thánh Linh thôi thúc đọc mà lại đi theo một lịch đọc được sắp đặt trước đối với ông là điều hoàn toàn không thể thực hiện được. Ông ở trong tay tự do của Thánh Linh, và thực tại đang hiện ra trước mắt ông là tan vỡ, hạ mình xuống, hướng lên cao, đến sự tự do và vui mừng. Nhưng chỉ có linh hồn tự do mới có thể biết sự vinh hiển của điều này. Một tấm lòng bị trói buộc bởi hệ thống sẽ mãi mãi là một người lạ đối với điều này.
Người nô lệ của hình thức máy móc sẽ sớm nhận ra rằng những lời cầu nguyện của mình mất đi sự tự do và trở nên ít có tính tự giác hơn, ít hiệu quả hơn. Anh ta sẽ thấy chính mình quan tâm đến những vấn đề mà lẽ ra anh ta không cần quan tâm đến – anh ta đã giành bao nhiêu thời gian cầu nguyện ngày hôm qua, liệu anh đã, hay chưa trình dâng hết mọi chi tiết trong danh sách cầu nguyện của mình trong ngày, liệu anh ta sẽ thức sớm như anh đã thường làm hay sẽ thức khuya trong sự cầu nguyện. Thật rõ ràng là cái lịch đó xua đuổi Thánh Linh và mặt đồng hồ đã che giấu mặt của Ðức Chúa Trời. Lời cầu nguyện kết thúc là hơi thở tự do của linh hồn đã được giải thoát, và trở thành một nhiệm vụ đã được hoàn tất. Và ngay cả trong những hoàn cảnh như thế, anh ta cũng thành công trong việc biến lời cầu nguyện của mình thành một cái gì đó, anh vẫn còn phải gánh chịu những mất mát bi thảm và đang mang vác trên linh hồn mình một cái ách, là cái mà Ðấng Christ đã chết để giải phóng anh.
Mục sư/truyền đạo cũng vậy, phải cảnh giác, kẻo ông ta cũng trở thành nạn nhân của hình thức máy móc. Nhìn từ bên ngoài vào, lập nên một hệ thống những bài giảng, đánh dấu những giáo lý của Thánh Kinh như một nông dân phân chia cánh đồng của mình, dành một số thời gian nào đó trong năm cho những bài giảng về các lẽ thật Kinh Thánh khác nhau để rồi đến cuối khoảng thời gian đó có thể gợi nhớ, tóm tắt lại từng cái một trông có vẻ là một ý tưởng tốt. Về mặt lý thuyết mà nói, điều này có vẻ tốt, nhưng nó sẽ giết chết bất cứ ai đi theo nó, và cũng giết hại cả Hội Thánh luôn; và một đặc trưng của loại chết chóc này là cái mà cả mục sư/truyền đạo cũng như dân sự đều không hề biết rằng nó đã đến.
Những ai có trách nhiệm trong các hoạt động của Hội Thánh và những nhân sự Tin Lành phải cảnh giác với cái bẫy của hình thức máy móc này. Nó là một thứ giết người và nó hành động để dập tắt sự vận hành tự nhiên của Thánh Linh. Không ai cần phải chết, không ai cần phải nói dối trong lời cầu nguyện kiên nhẫn và đau khổ trong sự hiện diện của Ðức Chúa Trời trong khi Thánh Linh truyền đạt ý muốn tể trị của Ngài cho tấm lòng tin cậy của người đó. Với tinh thần máy móc sẽ không có sự khải thị của Ðức Chúa Trời, cao sâu và kỳ diệu; không có sự phơi bày gây căm phẫn về sự không thánh sạch bên trong; không có sự đau đớn của than lửa đỏ nơi đầu môi.
Sự vinh hiển của Phúc Âm chính là sự tự do của nó. Những người Pha-ri-si, là những nô lệ, căm ghét Ðấng Christ vì Ngài tự do. Trận chiến giành sự tự do thuộc linh đã không chấm dứt khi Chúa chúng ta sống lại từ cõi chết. Nó vẫn tiếp diễn, và trong một tình trạng bi đát, những đứa con của sự tự do đang đánh mất nó. Những người hiểu biết nhiều hơn đang từ bỏ những tự do của họ với chỉ một cuộc tranh chiến chiếu lệ. Họ thấy việc làm theo một tấm card xem ra dễ hơn là cứ tiếp tục cầu nguyện cho đến khi đạt được sự khai sáng thuộc linh và sự tin chắc mang tính tiên tri bên trong.
Ðó sẽ thực sự là nguyên nhân để than khóc tại Si-ôn khi mà chủng tộc của những con người tự do chết dần trong Hội Thánh và công việc của Ðức Chúa Trời lại được trao phó hoàn toàn cho những tay làm chương trình.