Sự Kêu Gọi, Sứ Mạng, Ân Tứ, Sự Xức Dầu Và Chức Vụ

Share

Suốt Kinh Thánh, chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Trời kêu gọi những con người khác nhau cho sứ mạng mà Ngài muốn họ thực thi cho thế hệ họ đang sống và ảnh hưởng cho những thế hệ sau. Thí dụ:

Chúa gọi Nô-ê đóng tàu cứu gia đình mình để duy trì dòng dõi con người vì Ngài sẽ giáng cơn Đại hồng thủy để hủy diệt mọi sinh vật trên đất.

Chúa gọi Giô-sép đem đại gia đình của ông vào Ai-cập để cứu họ thoát nạn đói vì hạn hán và từ đó Ngài có thể dùng Môi-se làm thành lời Ngài hứa với Áp-ra-ham là đem dòng dõi của Áp-ra-ham vào đất hứa.

Khi dân Y-sơ-ra-ên ở Ai Cập bị Vua Pha-ra-ôn bắt làm nô-lệ, trong sự lao khổ cùng cực họ kêu cầu Chúa, thì Chúa gọi Môi-se với sứ mạng là đem dân Ngài thoát khỏi ách nô lệ để họ thờ phượng Ngài và dẫn họ đến đất hứa.

Đức Chúa Trời có chương trình Ngài hoạch định cho nhiều thế hệ và Ngài muốn chúng ta dự phần với chương trình của Ngài. Nhìn theo con mắt của con người chúng ta kế hoạch Chúa dành cho chúng ta dường như bất khả thi, rất khó hiểu và rất khó tin. Nhưng bởi vì đó là sự kêu gọi của Chúa và kế hoạch của Ngài cho nên nó là chương trình bình an và thịnh vượng, chứ không phải là tai họa và chúng ta sẽ thấy một tương lai đầy hy vọng (Giê-rê-mi 29:11). Bài viết này giúp chúng ta khám phá và xác định chúng ta là ai và Đức Chúa Trời giúp đỡ chúng ta, trang bị và đồng hành với chúng ta thế nào khi Ngài ban cho chúng ta những sứ mạng.

1. Tôi là ai? Lý lịch Tôi là gì?

Lý lịch nói đến chúng ta là ai? Con cái của ai? Vị trí, địa vị, công dân của một quốc gia, nơi sinh trưởng và sinh sống, tính cách, chức vụ, chức năng và nghề nghiệp? Lý lịch là Cơ-đốc nhân của chúng ta rất quan trọng vì nó nói đến vị trí chúng ta là Con Đức Chúa Trời. Ngài bảo vệ, chu cấp, ban uy quyền cho chúng ta trên đất, phù hộ và đồng hành với chúng ta. Lý lịch chúng ta có thể nói như sau:

  • Tôi được quyền làm con Đức Chúa Trời (Giăng 1:12) là công dân, đại sứ của thiên đàng trên đất, chức tế lễ nhà vua, đang đồng ngự với Đấng Christ ở các nơi cao trên trời (Phi-líp 3:20; 1 Phi-e-rơ 2:9; 2 Cô-rinh-tô 5:20 ; Ê-phê-sô 2:6). Đây là những địa vị rất quan trọng, quan trọng hơn cả địa vị là đại sứ Mỹ đến các quốc gia khác để đại diện cho Tổng Thống và đất nước Mỹ mà gặp và làm việc với những người lãnh đạo các quốc gia này.
  • Chúa yêu tôi và không gì thay đổi và tách tôi khỏi tình yêu Ngài. Không ai có thể nghịch lại và thắng hơn tôi khi Chúa yêu tôi và hằng ở với tôi (Giăng 3:16; 1Giăng 4:10; Rô-ma 8:31-39).
  • Tôi yêu Chúa, tôn trọng và yêu mọi người. Tôi được sinh ra để được yêu và bày tỏ tình yêu Chúa cho mọi người dù họ là kẻ thù nghịch tôi (Lu-ca 10:27).
  • Đấng trong tôi lớn hơn các thần trong thế gian (1Giăng 4:4). Do đó, tôi có thẩm quyền trên quyền lực Satan và nó không thể làm gì hại được tôi (Thánh thi 91; Lu-ca 10:19). 
  • Tôi là quản gia nước trời. Chúa giao tôi các ta-lâng, tài năng, nguồn tài nguyên, sự xức dầu và chức vụ để phục vụ Ngài, đem Tin Lành giảng khắp đất, khiến muôn dân làm môn đồ Chúa Giê-su (Lu-ca 12:42-48; Ma-thi-ơ 28:19,20). 
  • Tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban thêm năng lực cho tôi. Chúa ban tôi khả năng làm những việc phi thường và siêu nhiên ngoài sự tưởng tượng của tôi (Phi-líp 4:13; Ê-phê-sô 3:20).
  • Chúa có thể ban cho tôi đủ mọi phúc lành thiêng liêng, cùng tất cả sự khôn ngoan thông sáng. Qua Đấng Christ tôi là người giàu có và Ngài dành dành sẳn cơ nghiệp cho tôi (Ê-phê-sô 1:8,11; 2 Cô-rinh-tô 9:8)
  • Thân xác tôi sinh ra trên đất, nhưng được tái sanh bởi Thánh Linh, tôi chỉ tạm trú ở thế gian, nhưng không thuộc thế gian. Tôi thuộc Đức Chúa Trời và thiên đàng là quê hương tôi sẽ sống mãi mãi (Giăng 17:14-16; Hê-bơ-rơ 11:13-15).

2. Chúa kêu gọi, chọn tôi và có kế hoạch cho tôi

Không phải chúng ta chọn Chúa, nhưng chính Ngài đã chọn chúng ta từ buổi sáng thế và Ngài sai phái chúng ta theo ý định Ngài, để chúng ta ra đi đạt nhiều thành quả và bông trái của chúng ta tồn tại mãi (Ê-phê-sô 1:4; Giăng 15:16). Chúa đã gọi Môi-se, Đa-vít, Ê-sai, Giê-rê-mi, Các môn đồ, Phao-lô v.v… Thì Ngài cũng đang gọi và chọn chúng ta, nếu chúng ta đáp ứng sự kêu gọi của Ngài.

Chúa phán với dân Y-sơ-ra-ên trong Giê-rê-mi 29:11, đang lúc họ bị lưu đài không nơi định cư chắc chắc, không có hy vọng nơi tương lai cho họ và gia đình của họ. Tương lai của họ tối tăm và mờ mịt. “CHÚA phán: “Vì chính Ta biết rõ chương trình Ta hoạch định cho các ngươi. Ta có chương trình bình an thịnh vượng cho các ngươi, chứ không phải tai họa. Ta sẽ ban cho các ngươi một tương lai đầy hy vọng”. 

Chúa không chỉ có kế hoạch tuyệt vời cho họ mà Ngài còn cho biết kế hoặch của Ngài lớn ngoài sự tưởng tượng và suy đoán của họ, và đường lối hay là cách Ngài thực thi cho họ cũng thế nó chênh lệnh như trời và đất. Chúa phán, 

8 “Vì ý tưởng Ta không phải là ý tưởng các ngươi, Đường lối các ngươi chẳng phải là đường lối Ta,” CHÚA tuyên bố như vậy. 9 “Vì trời cao hơn đất bao nhiêu; Thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi; Ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi bấy nhiêu”

Ê-sai 55: 8,9

Đồng thời Chúa cũng xác quyết rằng Ngài là Đấng đã bắt đầu làm một việc tốt lành trong họ cũng sẽ hoàn thành việc sai phái họ (Phi-líp 1:6).

Làm sao biết kế hoặch của Chúa cho cuộc đời chúng ta? 

  • Cầu xin, tìm kiếm Chúa và ý Chúa

Sau khi Chúa phán với Y-sơ-ra-ên trong Giê-rê-mi 29:11, Ngài đã chỉ cho chúng ta phương cách để biết kế hoạch của Ngài cho chúng ta trong câu 12 và 13 là chúng ta cần phải xin Ngài và tìm kiếm Ngài.

12 Khi các ngươi kêu cầu Ta, khi các ngươi đến với Ta và nài khẩn Ta, Ta sẽ nhậm lời các ngươi. 13 Các ngươi sẽ tìm kiếm Ta và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng.

Đây cũng là điều duy nhất mà Đa-vít ước ao và cầu xin trong Thi thiên 27:4,5:

Tôi đã xin CHÚA một điều, Là điều tôi sẽ tìm kiếm. Ấy là tôi được ở trong nhà CHÚA; Đến suốt đời, Để chiêm ngưỡng sự tốt đẹp của CHÚA; Và cầu hỏi trong đền thờ Ngài.

  • Dâng chính mình cho Chúa và thay đổi tư duy mình

Phao-lô, sau khi được Chúa mở mắt để khám phá sự kêu gọi và bước đi trong sứ mạng Chúa ban sai, ông đã khuyên lơn, nài xin tín hữu Hội Thánh Rô-ma là “hãy dâng hiến chính mình như những sinh tế sống, thánh khiết, đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng hợp lẽ của anh chị em”. Ông nói tiếp là “Đừng rập khuôn theo đời này (đừng bắt chước hay đừng lập khuôn sống như người thế gian), nhưng hãy được biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí (thay đổi có cái nhìn đúng), để thử nghiệm (phân biệt, nhận ra, khám phá) cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời” đã dành sắn cho mình (Rô-ma 12:1,2)

3. Chúa có sứ mạng cho tôi

  • Sứ mạng chung: Giảng Tin Lành và môn đồ hóa.

Chúa Giê-su gọi các môn đệ: “Hãy theo Ta, Ta sẽ khiến các người trở nên tay đánh lưới cứu người” (Mác 1:17). Trước khi thăng thiên về trời Ngài cũng bảo họ: “Hãy đi khắp thế giới, truyền giảng Phúc Âm cho mọi người” (Mác 16: 15). Chúa Giê-su trao cho họ Đại Sứ Mạng là hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ Ngài (Ma-thi-ơ 28:19,20).

  • Sứ mạng riêng:

Chúa có sứ mạng riêng cho từng người. Ngài ban cho chúng ta những đặc ân, cơ hội, tài năng, ân tứ, năng quyền, tài nguyên, sự xức dầu và nhân sự vv để giúp chúng ta. 

Ngoài chúng ta và những người được Ngài ban cho sứ mạng này, không ai có thể tự ý và sức riêng của mình mà hoàn thành sứ mạng này được. 

Vì sự kêu gọi của Chúa rất đặc thù, khác thường và đầy thử thách vv nên có nhiều người nhìn vào sức riêng và khả năng hạn hẹp của mình mà dễ dàng khước từ tiếng gọi của Chúa. 

Sau khi chúng ta đáp ứng sự kêu gọi của Chúa, thì Ngài sẽ trang bị và rèn thử chúng ta trong một thời gian dài để đời sống, tâm linh và khả năng của chúng ta đạt đến mức trưởng thành và phù hợp với sứ mạng Ngài gọi. 

Chúng ta hãy xem những người Chúa gọi, chọn và thời gian họ trả giá như sau:

  • Nô-ê, ông già 480 tuổi: Đóng tàu và giảng Tin Lành. Mất 480 năm trang bị cho 120 năm hoàn thành sứ mạng.
  • Môi-se, ông già cà lăm 80 tuổi: Kẻ giết người bỏ trốn. Chúa giao sứ mạng kêu vua Pha-ra-ôn thả cho dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai-cập để thờ phượng Chúa. Mất 80 năm trang bị cho 40 năm chức vụ.
  • Đa-vít, cậu bé 17 tuổi: Chúa gọi chiếm tất cả đất hứa mà Chúa hứa cho dòng dõi Áp-ra-ham và làm vua chăn dắt dân Chúa. Mất 37 năm trang bị cho 40 năm làm vua.
  • Giăng Báp-tít: Người quái gở mặc áo da lạc đà, ăn châu chấu, cào cào và mật ong, làm người dọn đường cho Chúa Giê-su. Mất 30 năm trang bị cho 2 năm chức vụ.
  • Chúa Giê-su: Con Đức Chúa Trời trở thành con người thợ mộc được kêu gọi làm Đấng Mê-si. Mất 30 năm trang bị cho 3.5 năm chức vụ.
  • Giê-rê-mi: Cậu bé không biết ăn nói, Chúa sai nói tiên tri cho các vua, các bậc lãnh đạo quốc gia và dân chúng.
  • Phê-rơ: Người đánh cá kém học thức, cảm xúc bất thường, giảng Tin Lành cho người Do Thái.
  • Phao-lô: Người chống đối đạo Chúa, bắt bớ Hội Thánh, được kêu gọi giảng Tin Lành cho dân ngoại.

Chúa Giê-su khẳng định trong Giăng 15:16, “chính Ta đã chọn các con và sai phái các con”. Sứ mạng Chúa sai luôn kèm theo sự nguy hiểm, tùy mức độ lớn lao của sứ mạng. Sứ mạng càng cao thì trọng trách gánh nặng và mức độ nguy hiểm càng cao. Chúa Giê-su báo trước sư nguy hiểm như sau:

16 Nầy, Ta sai các con đi như đàn chiên giữa muông sói. Vì thế,hãy khôn khéo như rắn và đơn sơ như chim bồ câu. 17 Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các con cho các hội đồng và đánh đòn các con tại các hội đường. 18 Các con sẽ bị điệu đến trước mặt các thống đốc và vua chúa vì cớ Ta, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại quốc

Ma-thi-ơ 10: 16-18

Có những lúc có những sự bắt bớ này là do Chúa muốn chúng ta làm chứng cho những kẻ bắt bớ và những nhà cầm quyền. Tuy nhiên, đừng sợ, người đi trong sứ mệnh có sự bảo vệ chu cấp và an toàn vì Chúa đồng hành với chúng ta. 

Rời bỏ sự kêu gọi hay sứ mạng sẽ không an toàn cho mình, gia đình và sự nghiệp. Giô-na không vâng lời Chúa đi Ni-ni-ve, ông trốn đi Ta-rê-si, nên đem họa vào thân. Tàu bị bão, tất cả hàng hóa của những người đi chung trên tàu phải ném xuống biển, mọi người trên tàu xém mất mạng. Còn Giô-na thì bị ném xuống biển và nằm trong bụng cá. 

Vì thế, những ai có người thân là vợ chồng, con cái được Chúa gọi cho sứ mạng thì hãy để người đó đi theo sự kêu gọi của Chúa, nếu chúng ta cố giữ họ thì người được gọi, chúng ta, gia đình và tài sản chúng ta sẽ có thể gặp nhiều khốn đốn.

Sự kêu gọi và sứ mạng rất quan trọng. Chúa muốn hình thành con người của sứ mạng hơn là sứ mạng. Người của sứ mạng phải đeo đuổi hoàn thành sứ mạng. Phải ưu tiên mối quan hệ với Chúa, đồng thời phải quan tâm cho gia đình mình và những người chung quanh. Có những khi Chúa thử chúng ta vâng lời đi theo sứ mạng hay làm vui lòng gia đình mình. Khi Chúa gọi Gia-cơ, con Xê-bê-đê, và Giăng, em người, cả hai đang vá lưới trong thuyền với cha mình. “Hai người lập tức bỏ thuyền và từ giã cha mình, đi theo Ngài” (Ma-thi-ơ 4:21,22). Chúa có phần thưởng cho người vâng lời đi theo sứ mạng. Chúa Giê-su phán, 

29 Và ai từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, ruộng đất vì cớ danh ta sẽ được nhận gấp trăm lần hơn và thừa hưởng sự sống vĩnh phúc. 30 Nhưng nhiều người đang đứng đầu sẽ trở nên cuối, và những người cuối trở nên đầu.

Ma-thi-ơ 19:29,30

Người coi thường và dùng mọi điều Chúa ban cho để thi sứ mạng vào những điều tham dục và tội lỗi sẽ như Sam-sôn. Dù ông có sức mạnh, chức vụ và sự xức dầu, nhưng ông vẫn trở nên mù quáng, say mê Đa-li-la là một người đàn bà độc ác đến từ kẻ thù nghịch của dân Y-sơ-ra-ên là dân Phi-lít-tin bán đứng ông. Kết quả là ông bị chết (dù ông chết trong sự ăn năn và được Chúa phục hồi sức mạnh để giết kẻ thù, Các Quan Xét 16) và sau đó dân chúa vẫn bị dân Phi-li-tin tiếp tục áp bức. 

Không làm đúng sứ mạng và không hết lòng làm sẽ bị Chúa loại và Ngài chọn người khác thế như Chúa đã loại vua Sau-lơ và thay bằng Đa-vít.

Dù chưa có sứ mạng hay chưa biết về sứ mạng, nhưng khi sống kính yêu và trung tín phục vụ Chúa thì Chúa sẽ mở mắt chúng ta và trao sứ mạng cho chúng ta. Sau khi chúng ta tiếp nhận sứ mạng Chúa trao, Ngài sẽ dùng một thời gian thử thách rèn luyện chúng ta cho sứ mạng. Bước đầu tiên và nền tảng của sứ mạng là phục vụ dân Chúa qua sự phục vụ người đi trước như Giô-suê phục vụ dân Chúa qua sự phục vụ Môi-se, Đa-vít phục vụ dân Chúa qua sự phục vụ Vua Sau-lơ, tiên tri Ê-li-sê phục vụ tiên tri Ê-li. Rồi khi đến thời điểm của Ngài, Ngài sẽ ban cho chức vụ như Giô-suê thay thế Môi-se, Đa-vít thay Sau-lơ và Ê-li-sê thay Ê-li.

Vì vậy đừng bao giờ tự tìm kiếm chức vụ hay vị trí. Hãy để cho Chúa rèn luyện. Hãy phục vụ người đi trước trong sứ mạng. Hãy để Chúa và hội thánh là thân thể của Chúa cất nhắc mình vào chức vụ.

4. Chúa ban ân tứ và khả năng cho tôi

Khi chúng ta đáp ứng sự kêu gọi của Chúa, thì Ngài sẽ ban ân tứ, tài năng, tài nguyên và những người cộng tác vv để chúng ta phục vụ sứ mạng Ngài kêu gọi chúng ta. Đức Thánh Linh sẽ ban chúng ta các ân tứ khác nhau để phục vụ cho mọi người. Do đó hãy khám phá những ân tứ và tài năng Chúa ban cho mình là gì và phục vụ xuất sắc nhũng ơn Chúa ban.

4 Có nhiều ân tứ khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều công việc khác nhau nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng làm mọi sự trong mọi người.

1 Cô-rinh-tô 12:4-6

Khi Chúa ban ân tứ và những tài năng, thì chúng ta phải tận tâm, hăng hái sử dụng những gì Chúa ban với lượng đức tin mình có. Phao-lô dạy trong Rô-ma 12:6-8:

6 Ta được ân tứ khác nhau theo ân sủng Chúa; ai được ân nói tiên tri, hãy nói theo lượng đức tin; 7 ai phục vụ, hãy tận tâm phục vụ; ai dạy dỗ hãy chăm mà dạy dỗ; 8 ai được ân khích lệ, hãy khích lệ anh chị em; ai được ân ban phát hãy rộng rãi ban phát; ai được ân lãnh đạo, hãy chuyên cần lãnh đạo; ai làm việc từ thiện, hãy hăng hái mà làm. 

Ân tứ và tài năng là Chúa ban cho chúng ta để phục vụ người khác, không phải để khoe khoang, tìm lợi ích và vinh hiển cho mình. Chúa muốn chúng ta là người quản trị ân tứ để qua chúng ta mọi người ca ngợi Chúa.

10 Mỗi một người nên dùng ân tứ đã nhận lãnh để phục vụ người khác, như một người quản trị giỏi, khéo quản trị ân sủng khác nhau của Đức Chúa Trời. 11 Nếu có ai giảng luận thì hãy giảng như nói ra lời của Đức Chúa Trời; nếu có ai phục vụ, hãy phục vụ bằng sức mạnh Chúa ban, để trong mọi sự Đức Chúa Trời được ca ngợi qua Chúa Cứu Thế Giê-su. Vinh quang và quyền năng thuộc về Ngài đời đời. A-men

1 Phi-e-rơ 4: 10-11

5. Chúa xức dầu cho tôi

Bất cứ những ai được Chúa kêu gọi phải đối diện kẻ thù vĩ đại là Satan. Sứ đồ Phao-lô đã khẳng định cuộc chiến thuộc linh này trong (Ê-phê-sô 6:12).

Vì chúng ta chiến đấu, không phải với người phàm, nhưng chống lại những kẻ lãnh đạo, giới thẩm quyền, và những bậc quyền thế của thế giới tối tăm này cùng những thần linh gian ác trên các tầng trời.

Môi-se đối diện với Vua Pha-ra-ôn, Giô-suê với Giê-ri-cô, Đa-vít với Gô-li-át. Chúa Giê-su đối diện với Satan và những cám dỗ cực kỳ xảo quyệt của nó. Do đó chúng ta cần sự xức dầu để chiến thắng chúng. 

Sự xức dầu theo tiếng Hebrew là “masach” nghĩa là xức, thoa lên, làm dính vào, xức lên đầu hay thân thể. Từ gốc của chữ Mê-si.

Sự xức dầu có thể được dùng cho việc biệt riêng hay thánh hóa trên con người hay đồ vật. Khi một người được xức dầu là “Đức Chúa Trời tác động qua con người xác thịt để họ làm điều mà con người xác thịt không thể làm được”. Người được Thánh Linh xức dầu sẽ trở nên con người khác, họ sẽ làm chuyện lớn và vĩ đại ngoài sức con người. Thí dụ: Khi bàn thờ được xức dầu sẽ được thánh hóa. Làm như thế trong 7 ngày, sau đó bàn thờ sẽ trở nên rất thánh và bất cứ cái gì đụng đến bàn thờ đều trở nên thánh (Xuất 29:37). Khi Thần Chúa xức dầu tác động trên Sam-sôn với một hàm lừa ông giết 1000 người (Các quan xét 15:15). Sau khi Đa-vít được xức dầu, cậu bé chăn chiên chưa hề ra chiến trận có thể giết tên khổng lồ Gô-lí-át là người thạo chinh chiến từ bé (1Sa-mu-ên 17)

Có sự nhầm lẫn ngày nay về sự xức dầu và ân tứ hay tài năng. Con người không thể tạo ra sự xức dầu. Người có tài năng chưa hẳn có sự xức dầu. Tài năng có thể luyện tập, sự xức dầu do Chúa ban. Tài năng có thể tạo ra một số kết quả ấn tượng và sự được ngưỡng mộ. Nhưng nó không có thẩm quyền biến đổi và không làm ma quỷ run sợ. Tài ăn nói có thể khiến người khác bị thuyết phục nhưng không thay đổi được đời sống của họ. Có nhiều người đánh đàn rất hay làm êm tai hay êm lòng người nghe nhưng chỉ có một người được Chúa xức dầu đánh đàn như Đa-vít có khả năng đuổi ác thần ra khỏi vua Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 15:14-23), và chỉ có người khảy đàn được ơn Chúa mới giúp tiên tri Ê-li-sê nói tiên tri (2 Các Vua 3:15) 

Có bằng cấp không có nghĩa là có được xức dầu. Chúa Giê-su năm 12 tuổi, Ngài hiểu biết Kinh Thánh như một người có bằng tiến sĩ thần học, nhưng 18 năm sau khi đến 30 tuổi Ngài được Đức Thánh Linh xức dầu.

Sự xức dầu có mức độ chênh lệnh. Sau-lơ và Đa-vít cùng được tiên tri Sa-mu-ên xức dầu làm vua. Vua Sau-lơ được xức dầu trước Đa-vít, ông cao lớn từng trải chiến trận hơn nhưng chỉ giết hàng ngàn binh sĩ, Đa-vít mới ra trận nhưng giết hàng vạn. Tiên tri Ê-li-sê được xức dầu gấp đôi tiên tri Ê-li dù bắt đầu chức vụ sau. Trung tín trong sự xức dầu và các ân tứ đã có sẽ dẫn đến sức dầu cao hơn và chức vụ cao hơn. Phi-e-rơ và Giăng chữa lành người bại tại cửa đẹp, nhưng sau đó, bóng của sứ đồ Phi-e-rơ chữa lành người bệnh, người bại và người quỷ ám (Công vụ 2 và 5).

Ngày xưa người ta dùng trái ô-liu là trái chát và đắng không thể ăn sống được (nếu muốn ăn phải ngâm muối hay dấm v.v…), còn hạt thì rất cứng. Người ta dùng cối đá để ép trái ô-liu ra dầu. Sự xức dầu đến từ chỗ bị nghiền nát qua hoàn cảnh, nan đề, con người, nơi chốn và những người Chúa dùng dạy dỗ và rèn luyện chúng ta. Sự xức dầu tuôn đổ qua vác thập tự theo Chúa Giê-su và đồng chết và sống với Ngài. Chúng ta muốn sự xức dầu, nhưng nhiều người không sẵn sàng chịu trả giá để nhận sự xức dầu. 

Sự xức dầu luôn luôn dùng để đối diện nan đề và kẻ thù để chữa lành, giải phóng và cứu chữa người khác (Lu-ca 4:18,19). Sự xức dầu càng cao, nan đề càng nhiều, kẻ thù càng đông và mạnh. Đa-vít đã giải thích quá trình như sau trong Thi thiên 23:5,6:

5 Ngài bầy tiệc đãi tôi; Trước mặt kẻ thù nghịch tôi, Ngài xức dầu trên đầu tôi, Chén tôi đầy tràn. 6 Thật vậy, trọn đời tôi. Phúc lành và tình yêu thương sẽ theo tôi. Tôi sẽ ở trong nhà CHÚA, Đến muôn đời.

Có kẻ thù mới có đãi tiệc, có xức dầu rồi đến phúc lành, tình yêu và ở trong nhà Chúa. 

Dù người xức dầu sẳn sàng, nhưng có những người chung quanh chưa sẳn sàng thì không làm gì được. Phải cầu nguyện chờ và trang bị những nhân sự của mình. Thông thường Chúa dùng những người bất tài và bình thường chung quanh chúng ta để giúp chúng ta. Như Ngài dùng những người du đãng và nợ nần đi theo Đa-vít và họ sau này trở thành những chiến binh và tướng lĩnh giúp đỡ Đa-vít lên ngôi vua.

Người có sứ mạng được xức dầu do quá trình sống theo Chúa của mình, nhưng cũng có thể tiếp nhận sự xức dầu từ di sản do phục vụ người lãnh đạo hay cha mẹ thuộc linh. Chúng ta có thể thấy điều này trong trường họp của Giô-suê phục vụ người lãnh đạo mình là Môi-se. 

Giô-suê con trai của Nun được đầy dẫy thần trí khôn ngoan, vì Môi-se có đặt tay trên ông. Như vậy toàn dân Y-sơ-ra-ên vâng phục Giô-suê và làm theo điều CHÚA đã truyền dạy Môi-se.

Phục truyền 34:9

Ê-li-sê phục vụ tiên tri Ê-li là vị tiên tri khó tánh, Ê-li đã ngăn Ê-li-sê và không cho theo mình nhiều lần, nhưng tiên tri Ê-li-sê nhất định bám theo Ê-li-sê để nhận sự chuyển giao sức dầu. 

Các môn đệ đi theo Chúa Giê-su và Ngài cho họ biết họ cũng sẽ làm những việc Ngài làm, và còn làm những việc vĩ đại hơn nữa (Giăng 14:12). Điều này đã xảy ra sau khi Thánh Linh tuôn đổ trên những con người chờ đợi nơi phòng cao. 

6. Chúa trang bị và trui rèn cho tôi 

Khi một người được Chúa gọi, Ngài sẽ cho họ một chỗ và những con người để trang bị và trui rèn họ, rồi sau cùng Ngài mới đưa họ đến những chỗ và những nhóm người mà Ngài muốn dùng họ phục vụ. Đây là “trường” đào tạo và trui rèn những con người cho sứ mạng. Nhưng điều rất đáng tiếc là rất nhiều người đã bỏ cuộc, như người Y-sơ-ra-ên không được vào đất hứa và đã chết trong đồng vắng “Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn” (Ma-thi-ơ 22:14). Chúng ta hãy xem những thí dụ sau:

  • Môi-se học khôn ngoan trong cung điện, sau đó vào đồng vắng học kinh nghiệm với Giê-trô học cách chăn chiên, biết địa thế và thời tiết trong đồng vắng để sau này dẫn dân sự vào đồng vắng và phục vụ họ. 
  • Giô-suê học với Môi-se trong đồng vắng. Học đức tin, khôn ngoan, lãnh đạo, học đánh trận để chiếm đất hứa và lãnh đạo dân sự trong đất hứa.
  • Giô-sép qua Ai-cập học kinh tế với Phô-ti-pha khi làm nô lệ, học làm quan khi trong tù, sau đó phục vụ cung vua với chức vụ tể tướng.
  • Đa-vít học chăn chiên, giết sư tử và gấu ngoài đồng. Ông học đánh trận, học chỉ huy quân đội, học trong triều đình của vua Sau-lơ về cách cai trị quốc gia dù Sau-lơ ganh ghét và muốn giết ông. Chúa dùng những điều này để một phần nào trang bị cho Đa-vít làm vua sau này.
  • Ê-li-sê đeo đuổi học tiên tri nơi Ê-li, rữa tay phục vụ để thành tiên tri Chúa dùng để phán với Y-sơ-ra-ên và Giu-đa 
  • Các môn đệ rời gia đình theo học nơi Chúa Giê-su, họ đi từ làng này sang làng khác để trở thành sứ đồ phục vụ ở những nơi Chúa sai đi.

Nhiều người muốn chức vụ, muốn đứng giảng ở đám đông, nhưng không thích nơi Chúa luyện tập, trui rèn và không chịu học hỏi vâng phục người Chúa dùng dạy dỗ và rèn luyện chúng ta. Nhiều người muốn thành công nhanh, nhưng không chịu trãi nghiệm quá trình rèn tập của Chúa. Hãy nhận biết và quý trọng sự trui rèn và luyện tập vì chúng sẽ giúp chúng ta chiến thắng ma quỷ và nhận cơ nghiệp Chúa dành cho mình.

7. Chúa có chức vụ cho tôi

Trung tín trong những ân tứ, tài năng, tài nguyên Chúa ban, những gì Chúa gọi chúng ta làm, đồng thời vâng phục người lãnh đạo thì Chúa sẽ nâng cấp và giao cho chúng ta ân tứ quyền năng hơn và chức vụ cao hơn. Ân tứ năng quyền hơn và chức vụ cao hơn đều phải trải qua sự cam kết, trung tín, trung thành và vâng phục tuyệt đối. Chúa Giê-su phán, 

10 Ai trung tín trong việc nhỏ cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất chính trong việc nhỏ cũng bất chính trong việc lớn… 12 Nếu các con không trung tín về của cải của người khác, thì ai dám giao cho các con của cải thuộc phần các con?

Lu-ca 16:10,12

Có nhiều tiên tri trong thời Ê-li, nhưng Ê-li đầy ơn nhất. Sau đó thì chức vụ của tiên tri Ê-li-sê thì gấp đôi tiên tri Ê-li vì ông trung thành với Ê-li là người lãnh đạo mình, phục vụ từ những chi tiết nhỏ như lấy nước rửa tay cho Ê-li. Hãy học bắt chước thầy mình và học giống Chúa.

Nói đến chức vụ là nói đến những người trưởng thành, có chiều sâu của trái thánh linh để bao phủ sự thi hành các ân tứ thánh linh, được xức dầu và có kinh nghiệm để huấn luyện, trang bị, gây dựng môn đồ để làm trưởng thành những người mà Chúa trao cho mình. Phao-lô giải thích như sau trong Ê-phê-sô 4:11-13

11 Chính Ngài cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm truyền giáo, một số làm mục sư và giáo sư, 12 nhằm mục đích trang bị các thánh đồ cho công tác phục vụ, gây dựng Thân Thể Chúa Cứu Thế, 13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt đến sự hợp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con của Đức Chúa Trời, đến mức trưởng thành, đến tầm thước vóc dáng đầy trọn của Chúa Cứu Thế.

Có 5 mục vụ do Chúa Giê-su ban: Sứ đồ, tiên tri, nhà truyền giáo, mục sư và giáo sư. Ngoài ra, có những chức vụ hay lãnh đạo dựa theo ân tứ mục vụ như sau: Chữa bệnh, giải cứu, giúp đỡ, phục vụ, thờ phượng, thương xót cứu tế, ban cho, quản trị/lãnh đạo, dạy dỗ/tổ tế bào/thiếu nhi, nấu ăn, tiếp tân, tiếp đón khách, chứng đạo, cố vấn/khích lệ an ủi, chăm sóc vv

Ân tứ khác chức vụ. Đa-vít giết Gô-li-át trong 1 ngày, nhưng tốn 20 năm sau mới làm vua. Đa-vít trước khi làm vua, ông cần đào tạo những nhân sự có tài năng, trung thành sống chết với ông. Chúng ta cần nối kết đúng người để kết quả trong chức vụ. Do đó chúng ta phải cẩn thận tránh xa các mối quan hệ hủy phá chức vụ như là quan hệ giữa Đa-li-la với Sam-sôn, quan hệ giữa các cận thần là những bạn trẻ của Vua Rô-bô-am, các tiên tri giả và Giê-sa-bên của Vua A-háp.

Chúa ban chúng ta chức vụ với mục đích sử dụng chức vụ đó để phục vụ Chúa theo ý Ngài, phục vụ hội thánh là thân thể của Chúa Giê-su, phục vụ người khác hay thế hệ mình và chuẩn bị cho thế hệ tiếp nối. Do đó, chúng ta tuyệt đối đừng để cho ma quỷ hay sự nổi tiếng trong con mắt của con người thế gian cấy vào lòng chúng ta sự ganh tị, nhưng hãy mong người khác thành công hơn mình. Chúng ta có thể ganh đua để chức vụ của mình tiến bộ nhưng không ganh tị. Tấm lòng quan trọng hơn bằng cấp, tài năng và kinh nghiệm hiểu biết. Phẩm tính quan trọng hơn chức vụ và ân tứ đặc biệt là tính vâng phục Chúa trên hết mọi sự, mọi người và mọi hoàn cảnh.

Hãy cẩn thận không để bị ô uế. Thất bại trước sự cám dỗ sẽ phá hủy chức vụ. Dựa theo Cựu Ước, chức thầy tế lễ và người Lê-vi khi bị ô uế sẽ không được phục vụ trong đền thờ. Những chức vụ bị ô uế như Vua Sau-lơ, Vua Sa-lô-môn, Sam-sôn, Hê-li và các người con, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và nhiều người khác nữa. Họ đánh mất mất chức vụ và không thể chuyển giao cho thế hệ nối tiếp. Vua Đa-vít phạm tội, sau khi bị tiên tri Na-than cảnh cáo ông ăn năn, được Chúa phục hồi, nhưng phải trả một giá rất đắt. Do đó, đừng để “Con ruồi chết làm hư lọ dầu thơm, Một chút điên dại làm tổn hại sự khôn ngoan và danh giá” (Truyền đạo 10:1). “Sống Đạo trong sạch, không ô uế trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta,.. và giữ mình khỏi bị thế gian làm hoen ố” (Gia-cơ 1:27).

Kết

Đức Chúa Trời có kế hoạch cho nhiều thế hệ và lâu dài đến đời đời. Ngài muốn chúng ta dự phần và đồng công với Ngài. Kế hoạch này rất lớn lao ngoài sự suy tưởng của chúng ta, vì qua chúng ta Chúa làm cho thế giới được phước và được giải cứu khỏi quyền lực Satan. Khi Chúa kêu gọi ai, người đáp ứng sự kêu gọi cho sứ mạng sẽ được Chúa ban ân tứ, tài năng, tài khéo, tài nguyên, sự khôn ngoan và sự xức dầu. Đời sống người đó có trái thánh linh càng ngày càng đầy trọn và trở nên một nguồn phước cho nhiều người khác. 

Đức Chúa Trời có chương trình đặt họ vào một số nơi và đem những người đến để đào tạo, trang bị và trui rèn họ, giúp họ trở thành người thích hợp với sứ mạng và sự kêu gọi. Rồi sau đó Chúa mới ban cho họ chức vụ. Mục đích của chức vụ đó là để thi hành sứ mạng. Sứ mạng nào cũng bao gồm sự đào tạo và trang bị cho thế hệ nối tiếp. 

Chúa đồng hành cùng chúng ta và ban những dấu lạ kèm theo trong những bước đường thi hành sứ mạng như Mác đã ký thuật trong Mác 16:20: 

Còn các môn đệ Ngài ra đi truyền giảng khắp nơi, Chúa cùng làm việc với họ và xác chứng lời họ bằng nhiều dấu lạ kèm theo.

Chúng ta hãy xây dựng những phẩm tánh kính sợ Chúa, khao khát biết Chúa nhiều hơn, thanh liêm, nhu mì, khiêm nhường, trung thành với lãnh đạo, tận tụy và trả giá cho chức vụ vv… Sự vâng phục và kiên nhẫn vượt qua mọi thử thách và tổn thương là cớ để Chúa giữ chức vụ của chúng ta được lâu bền và là nền tảng để Chúa nâng chúng ta cao hơn trong mọi sự.

Những ân tứ, tài năng, tài nguyên, chức danh v.v.. mà Chúa ban để chúng ta phục vụ kể trên chỉ là điều tạm trên đất. Vì “các việc nói tiên tri rồi sẽ hết, những ân tứ nói tiếng lạ cũng sẽ ngưng, tri thức cũng sẽ hết” (1 Cô-rinh-tô 13:8). Do đó, chúng ta hãy đầu tư cho cõi vĩnh hằng, đừng bị dục vọng và vinh hoa thuộc linh làm cho phân tâm, mù lòa. Đừng bị ma quỷ lừa dối trở nên tự kiêu về những thành đạt có được như: có chức vụ đầy quyền năng, có nhiều ân tứ lớn lạ, có cơ sở và hệ thống tổ chức hoành tráng và có chức danh được nhiều người tôn trọng… Nhưng hãy ý thức rằng,

Thế gian cùng với dục vọng của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý định của Đức Chúa Trời tồn tại đến đời đời 

1 Giăng 2:17

 

Người Dọn Đường

(Các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan