Lay Động Thế Giới Qua Sự Cầu Nguyện – Chương 30

Share

30NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ MẤT ĐƯỢC

 

Những lời cầu nguyện hiệp với ý muốn Đức Chúa Trời không hề mất đi. Ngài ghi nhớ chúng để một ngày kia Ngài sẽ trả lời. Ngài sẽ ban thưởng đầy đủ cho những ai mà lời cầu nguyện đã giúp toàn thắng trong cuộc chiến thuộc linh và mở cửa cho công việc vĩ đại của Đức Chúa Trời trên đất.

Khải 8:1-5 là biểu tượng của lời tiên tri sinh động về cách mọi lời cầu nguyện chưa được nhậm một ngày kia sẽ được trả lời. Có sự yên lặng trên trời khoảng nửa giờ, như thể cả thiên đàng đang bàng hoàng chờ đợi khi thấy trước những gì sắp xảy ra. Một thiên sứ đến gần với một lư hương bằng vàng dùng để dâng hương có mùi thơm. “Đoạn, một vị thiên sứ khác đến, đứng bên bàn thờ, cầm lư hương vàng và đựng nhiều hương, để dâng hương ấy trên bàn thờ bằng vàng ở trước ngôi với các lời cầu nguyện của mọi thánh đồ. Khói hương từ tay thiên sứ bay lên trước mặt Đức Chúa Trời, với những lời cầu nguyện của các thánh đồ. Thiên sứ lấy lư hương, dùng lửa nơi bàn thờ bỏ đầy vào, rồi quăng xuống đất: Liền có sấm sét, các tiếng chớp nhoáng và động đất” (Khải 8:3-5).

Bạn có hiểu được hình ảnh này không? Hương có mùi thơm có thể chỉ về sự cầu thay của Đấng Christ, đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha, nơi Ngài hằng cầu thay (Rô 8:34). Sự cầu thay đầy mùi thơm của Ngài thêm vào các lời cầu nguyện của con cái Đức Chúa Trời để Nước Ngài mau đến và ý Ngài được nên trên đất. Lửa từ bàn thờ chỉ về quyền phép mạnh mẽ của Đức Thánh Linh, thêm vào những lời kết hợp của Chúa Jêsus và các thánh đồ và tất cả sẽ được tuôn đổ trên đất.

Ngay sau đó là 7 tiếng kèn như các chương tiếp theo của sách Khải huyền đã sơ lược. Những sự bày tỏ đáng sợ này của quyền năng Đức Chúa Trời được thể hiện đầy kịch tính để ý Chúa trên đất mau hoàn tất và Sa-tan sớm hoàn toàn đại bại. Những lời cầu nguyện nào được lưu trữ trên thiên đàng? Đó là những lời cầu nguyện không bao giờ có thể mất được. Nhiều thánh đồ có nhiều lời cầu nguyện thuộc loại này được cất giữ trong các kho báu trên trời. Bạn có không?

Khi biết rõ mình đang cầu nguyện theo ý muốn Đức Chúa Trời thì đức tin chúng ta thêm vững mạnh. Đa-ni-ên đã ghi lại khi ông biết được thời gian dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày và nhận ra thời điểm người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem đang đến gần thì ông đã khẩn cấp tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời: “Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khẩn nguyện, nài xin với sự kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm” (9:3).

Rồi Đa-ni-ên phác họa cho chúng ta việc ông cầu thay với dân sự mình (xem Đa 9:4-23). Lời cầu nguyện này quyền năng đến mức Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ trưởng Giáp-ri-ên trực tiếp gặp ông để chuyển sự đáp lời của Ngài. Dù không còn sống để chứng kiến lời cầu xin của mình được nhậm (vì lời này được nhậm một thời gian ngắn sau khi ông qua đời) thì lời cầu nguyện của Đa-ni-ên không chết, lời đó không hề mất đi vì là cầu xin phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời.

Những lời cầu nguyện “luôn luôn”

Có một số lời cầu nguyện chúng ta có thể biết chắc là luôn luôn theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Một trong số lời cầu nguyện quyền năng nhất mà Chúa Jêsus đã dạy chúng ta là: “Xin ý Cha được nên”. Lời cầu nguyện này thật luôn thích hợp ngay cả khi chúng ta không biết cầu nguyện ra sao cho một tình huống cụ thể. Tôi đã thấy được trong chiến trận cầu nguyện rằng các lời này là một vũ khí quyền năng đánh bại Sa-tan.

“Chúc phước”. Trong khi đây là lời cầu nguyện tổng quát, có thể vừa sâu nhiệm, vừa nhấn mạnh. Điều này bày tỏ tấm lòng của Đức Chúa Trời – Đấng nôn nả mong mỏi chúc phước cho mọi người. Các nhu cầu có thể khác nhau nhưng một hình thức chúc phước nào đó là lời giải đáp cho mọi nhu cầu.

Mục sư Harry Woods – giám đốc OMS tại Trung Hoa đã ở lại Bắc Kinh thêm một thời gian sau khi chính quyền cộng sản tiếp quản để cùng dự phần với Hội thánh Trung Hoa. Tuy nhiên, đến lúc cảm nhận sự có mặt của mình đang trở nên một cớ khó xử cho họ, ông đã xin xuất cảnh. Ông được cán bộ chất vấn với vẻ như miễn cưỡng để cho ông đi. Mục sư Woods nói: “Tôi yêu Trung Hoa. Tôi cầu nguyện cho Trung Hoa và chủ tịch Mao mỗi ngày”. Họ hỏi vặn: “Ông đã cầu nguyện những gì?”. Mục sư trả lời: “Tôi cầu xin Đức Chúa Trời chúc phước cho Chủ tịch và ban cho ông sự khôn ngoan để cai trị quốc gia to lớn này”. Mục sư Woods được phép rời Trung Quốc.

Có những lời cầu nguyện “luôn luôn” khác nữa, như là: “Lạy Chúa, xin hãy hành động”, “Lạy Chúa, xin bày tỏ chính mình Ngài ra cho họ”, “Lạy Chúa, xin tuôn đổ Thánh Linh Ngài xuống”, “Lạy Chúa Jêsus, xin mau đến”. Dựa trên cả khúc Kinh Thánh, một số lời cầu nguyện luôn luôn theo ý muốn Đức Chúa Trời.

Lời cầu nguyện cho việc xây dựng Hội thánh của Đấng Christ. Chúa Jêsus phán: “Ta sẽ lập Hội thánh Ta” (Mat 16:18). Đức Chúa Trời luôn ao ước lập Hội thánh Ngài, tuy có lẽ không phải lúc nào cũng là thời điểm của Ngài để thành lập hội chúng địa phương ở một thành phố hay một khu vực nào đó. Các khía cạnh tiêu biểu “luôn luôn” bao gồm cả việc mở cộng đồng mới cho tín hữu, các hội chúng đang tồn tại được tăng trưởng, chức vụ cho các nhóm đặc biệt (thiếu nhi, thanh niên, gia đình, những ai không có nhà thờ, người nghèo,…) được phước, Hội thánh hiệp nhất, lòng sốt sắn và khải tượng gia tăng để làm chứng và chinh phục linh hồn tội nhân, sự dâng 1/10 và tận hiến, việc môn đồ hóa các tín hữu, tinh thần cầu nguyện gia tăng và việc xây nền bằng đạo thật.

Lời cầu nguyện cho sự phấn hưng Hội thánh. “Chúa há chẳng khứng làm cho chúng tôi sống lại, hầu cho dân chúng vui vẻ nơi Ngài sao?” (Thi 85:6). “Đấng cao cả ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là thánh, có phán như vầy: Ta ngự trên nơi cao và thánh, với người có lòng ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của kẻ khiêm nhường và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn: (Ês 57:15). “Ta vì cớ Si-ôn sẽ chẳng làm thinh, vì cớ Giê-ru-sa-lem sẽ chẳng an nghỉ, cho đến chừng nào sự công bình nó rực rỡ như sự sáng và sự cứu rỗi nó chói lòa như ngọn đèn” (Ês 62:1). “Hỡi Giê-ru-sa-lem, ta đã đặt các vọng canh trên thành ngươi; cả ngày và đêm chúng nó chẳng hề im lặng. Hỡi các ngươi là kẻ nhắc nhở Đức Giê-hô-va, chớ có nghỉ ngơi chút nào. Đừng để Ngài an nghỉ cho đến chừng nào đã lập lại Giê-ru-sa-lem và dùng nó làm sự ngợi khen trong cả đất!” (Ês 62:6-7). Các khía cạnh tiêu biểu “luôn luôn” bao gồm sự nhận biết mới mẻ và tôn kính Đức Chúa Trời, một sự đói khát của dân sự Đức Chúa Trời để thấy Ngài hành động trong quyền phép, sự giàu có mới mẻ (sự sống, xức dầu, phước hạnh và quyền năng) trong các buổi nhóm chung, bằng cớ mới về sự ăn năn (hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời; xin Ngài tha thứ và thực hiện các bồi hoàn) và sự phục hưng (địa phương, vùng hay cả nước).

Lời cầu nguyện cho các con gặt trong mùa gặt của Đức Chúa Trời. “Vậy. Hãy cầu xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình”(Mat 9:28). Các khía cạnh tiêu biểu “luôn luôn” bao gồm lời kêu gọi rõ ràng của Đức Chúa Trời đến với thanh niên và các người khác, sự đào tạo các nhân sự phục vụ được Đức Chúa Trời kêu gọi và sự hướng dẫn của Ngài trên các nhân sự về nơi công tác hầu việc Chúa.

Lời cầu nguyện cho mùa gặt. “Song Ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng đã vàng sẵn cho mùa gặt” (Gi 4:35). Các khía cạnh tiêu biểu “luôn luôn” bao gồm sự phân phát Kinh Thánh, chứng đạo đơn, truyền giảng qua đài phát thanh và truyền hình, truyền giảng của nhiều nhóm khác nhau (thanh niên, sinh viên, tù nhân, quân đội, các nhóm tôn giáo khác như Do Thái giáo, Hồi giáo và Ấn giáo), các nhóm truyền giảng Phúc âm, chứng đạo do các nhân sự, chăm sóc sau truyền giảng, các tội nhân bị cáo trách về tội lỗi mình và các tân tín hữu có khả năng hiểu Phúc âm đầy đủ.

Lời cầu nguyện cho một người được cứu. Bạn luôn ở trong ý muốn Chúa khi cầu nguyện cho một linh hồn được cứu. Chúa Jêsus đã ban chính mình Ngài làm giá cứu chuộc mọi người (I Ti 2:5-6). Bất cứ ai khát đều có thể đến (Khải 22:17). Các khía cạnh tiêu biểu “luôn luôn” bao gồm Đức Thánh Linh cáo trách về tội lỗi, soi dẫn để người ta hiểu được Phúc âm, Đức Chúa Trời khải thị về tình yêu của Ngài, giải phóng con người khỏi ách trói buộc của Sa-tan, ban sự đầu phục ân điển, và đảm bảo chắc chắn về sự cứu rỗi.

Lời cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban phước cho một dân tộc. “Hãy cầu Ta, Ta sẽ ban cho con cái ngoại bang làm cơ nghiệp và các đầu cùng đất làm của cải” (Thi 2:8). Hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn một dân tộc đặc biệt để bạn chịu trách nhiệm cầu nguyện cho. Tôi nhớ rất rõ mẹ tôi đã đổ nước mắt mỗi lần bà nhắc đến Trung Hoa trong các buổi cầu nguyện hằng ngày. Tôi tin rằng mùa gặt vừa qua ở Trung Hoa là một phần sự đáp lời cầu nguyện cho bà và tương tự cho nhiều người đang có gánh nặng cầu nguyện như vậy. Các khía cạnh tiêu biểu “luôn luôn” bao gồm sự chúc phước cho dân tộc đó và các nhà lãnh đạo của họ (khôn ngoan và trung thực), đầy đủ lương thực và nhà ở cho họ, sự xức dầu và kết quả của Đức Chúa Trời cho các nhân sự giảng Phúc âm, sự củng cố và chúc phước trên Hội thánh, sự bành trướng của Phúc âm và dân sự có thêm tự do để nghe Phúc âm.

Lời cầu nguyện để ngăn chặn và đánh bại Sa-tan. “Hãy chống cự nó” (I Phi 5:9). “Vì chúng ta đánh trận chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối này, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy…Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin” (Êphe 6:12, 18). Chúng ta cần liên tục cầu nguyện để các mưu kế của Sa-tan bị đánh bại, Sa-tan bị quở trách, sự tối tăm của nó được cất bỏ, các xiềng xích tội lỗi của Sa-tan và các thói quen xấu được bẻ gãy, các cửa bị Sa-tan đóng sẽ mở toang, các tà linh nó được đẩy lùi, các nô lệ của Sa-tan được giải phóng.

Những lời cầu nguyện dựa vào ý chỉ của Đức Chúa Trời

Một số lời cầu nguyện có thể hoặc không thể hiệp với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Bạn hoàn toàn tùy thuộc Thánh Linh hướng dẫn khi cầu nguyện cho những điều này và phải luôn kêu cầu: “Nếu Cha muốn”. Bạn có mọi quyền để dạn dĩ trong các lời mình nài xin, bền đổ trong lời cầu nguyện và lặp lại sự công bố các lời hứa của Đức Chúa Trời. Hãy tiếp tục cầu nguyện cho đến khi bạn nhận được lời đáp từ Đức Chúa Trời nếu Ngài không hướng dẫn bạn ngưng lời cầu xin cụ thể đó. Ngài có thể làm điều này bằng cách cất đi sự ao ước và quan tâm của bạn hoặc ban cho bạn sự ngăn trở trong lòng rằng đây không phải là ý Chúa. Song cho đến lúc Ngài làm như vậy, hãy tiếp tục cầu khẩn bằng đức tin.

Lời cầu nguyện xin ban phước thuộc thể. “Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những ai xin Ngài sao?” (Mat 7:11). Đức Chúa Trời yêu con người đến nỗi Ngài thật vui sướng khi trợ giúp họ. Ngài không sẵn sàng ban các phước hạnh thuộc thể chỉ duy nhất khi phải sửa phạt tội lỗi họ, hoặc khi cần kỷ luật các con cái Ngài, hay khi thấy theo sự khôn ngoan vô tận của Đức Chúa Trời rằng các phước hạnh như vậy không phải là điều tốt nhất vào thời điểm đó.

Đôi khi ân phước cụ thể đang cầu xin dễ có khuynh hướng khiến người nhận xao lãng về thuộc linh hoặc lên mình kiêu ngạo tưởng mình giỏi xoay trở mà không cần có Đức Chúa Trời. Hoặc Đức Chúa Trời có thể sắp sẵn điều tốt hơn cho người cho hay một thời điểm thích hợp hơn để ban ơn cụ thể đó. Đức Chúa Trời có thể bày tỏ tình yêu cao cả nhất không phải bằng sự ban cho theo đúng cách bạn cầu xin vì đường lối Ngài cao sâu hơn đường lối của bạn.

Lời cầu nguyện xin cất đi các thử thách và khó khăn. Các thử thách có thể là nguồn phước thuộc linh lớn cho bạn và có thể dẫn đến phần thưởng vĩ đại đời đời (I Phi 1:6-7). Sự gian khổ hiện tại có thể dọn đường cho vinh hiển đời đời (IICô 4:17). “Vả, tôi tưởng rằng các sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” trên thiên đàng (Rô 8:18).

Giống như việc làm khó nhọc có ích cho sức khỏe thể chất của một người bình thường, vì vậy các áp lực, nan đề và thử thách có thể làm tăng cơ bắp thuộc linh, sức sống tâm linh của bạn, đức tin, sự kiên nhẫn và các chuẩn mực thuộc linh của bạn. “ Nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. Vả, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn” (Rô 5:3-5). “Vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” (Gia 1:3-4). Đức Chúa Trời không sẵn lòng đem sự đau đớn và buồn rầu đến cho loài người đâu (Ca 3:32-33). Ngài đau đớn khi thấy bất cứ người nào chịu thương khó nhưng Ngài để cho điều đó xảy ra vì lợi ích đời đời của chúng ta. Vì lẽ đó, tác giả Thi thiên có thể viết: “Trước khi chưa bị hoạn nạn thì tôi lầm lạc; nhưng bây giờ tôi gìn giữ lời Chúa …Tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải, hầu cho học theo luật của Chúa” (Thi 119:67,71).

Lời cầu xin chữa lành. Ý muốn chung của Đức Chúa Trời cho nhân loại là sự khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần, song không phải hoàn cảnh nào Ngài cũng luôn muốn chữa lành. Ân điển của Đức Chúa Trời được đặt sẵn trong các gen và nhiễm sắc thể của chúng ta. Ngài không hề vui sướng trong bất cứ đau khổ nào dù đó là bệnh tật, bạo hành, sự bắt bớ hay cướp đoạt. Ngài vui lòng khi loài người tìm cách khám phá các nguyên lý y tế giải phẫu đem lại lợi ích cho cuộc sống. Chúng ta cần dạn dĩ vững vàng trong lời cầu nguyện xin Chúa chữa lành thể xác, tình cảm và linh hồn cho mình và người khác. Chúng ta có mọi quyền để nài xin các lời hứa của Đức Chúa Trời trong sự bền đổ thánh cho đến khi Ngài xem xét hoặc cho biết Ngài không muốn chữa lành. Chắc chắn Chúa sẽ vui lòng khi đức tin xin được chữa lành trong chúng ta càng mạnh mẽ hơn nữa.

Sự chữa lành thiên thượng trên sự đau đớn về tinh thần và thể xác thường thấy trong các công trường truyền giáo. Đấng Christ phải chứng tỏ Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống hay đáp lời cầu xin trái với các thần giả dối bất năng của ngoại giáo. Việc đáp lời cầu nguyện làm sáng danh Đấng Christ. Là người chia sẻ ánh sáng đầy đủ của Phúc âm, có thể chúng ta không cần nhiều bằng cớ hiển nhiên của sự siêu nhiên. Mặt khác, Đức Chúa Trời ngày nay vẫn y nguyên như Ngài đã là trong quá khứ hoặc sẽ là trong tương lai (Hê 13:8). Điều này có nghĩa Ngài vẫn là Đấng khôn ngoan, thương xót, yêu mến, quyền năng và sẵn sàng đáp lời cầu xin.

Có những cơ hội mà thương khó có thể đem phước hạnh đến cho người chịu và cho kẻ quan sát ân điển Chúa ban cho người chịu khổ đó. Đôi khi Đức Chúa Trời cho phép bệnh tật đến vì qua đó, Ngài sẽ được vinh hiển (Gi 11:4).

Đa số các nhà phê bình Kinh Thánh tin rằng cái dằm trong thể xác Phao-lô (IICô 12:7-10) là một chứng bệnh về thể lý, nhất là bệnh đau mắt. Thật lý thú khi do chính căn bệnh đó, Phao-lô có thể lập Hội thánh tại Ga-la-ti (Gal 4:13). Các Cơ đốc nhân tại đây yêu mến ông đến nỗi ước ao có thể vui mừng móc chính con mắt mình mà đem tặng cho ông (4:14-15). Phao-lô cầu xin sự chữa lành không chỉ một lần mà ba lần. Ông có quyền nài xin cho đến khi Đức Chúa Trời chữa lành hoặc khước từ. Cuối cùng, Ngài khước từ lời cầu xin đó như II Cô 12:8-10 đã giải thích.

Lời cầu nguyện xin kéo dài mạng sống. Đôi khi Đức Chúa Trời thật sự đáp lời chúng ta cầu xin, ngay cả khi điều đó không là ý muốn trọn vẹn của Ngài nhằm dạy chúng ta một bài học giá trị. Như vua Ê-xê-chia có lẽ đã kiên trì nài xin Chúa cứu mình khỏi chết (Ês 38:1-6). “Trong lúc ấy; Ê-xê-chia bị đau hầu chết; người cầu nguyện Đức Gê-hô-va, Ngài phán cùng người và ban cho người một dấu lạ. Nhưng Ê-xê-chia chẳng báo đáp ơn Chúa mà người đã lãnh, vì lòng người tự cao; bèn có cơn thạnh nộ của Chúa nổi lên cùng người, cùng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem (IISử 32:24-25). Đức Chúa Trời đã gia thêm sự sống cho vua 15 năm. Trong các năm được gia thêm đó, con trai vua là Ma-na-se đã ra đời.

Khi kế vị Ê-xê-chia, Ma-na-se hoàn toàn đi ngược lại vua cha. Ông đã làm cho dân tộc bị rủa sả qua việc buôn bán các hình tượng và trở nên nổi tiếng vì sự làm đổ máu và hung tàn của mình. Nước Giu-đa bị huỷ phá dưới sự cai trị của ông. “Tai họa này hẳn xảy đến cho Giu-đa bởi mạng lệnh của Đức Giê-hô-va, đặng cất nước Giu-đa khỏi trước mặt mình, vì cớ các tội lỗi của Ma-na-se theo các điều người đã làm” (II Vua 24:3). Dường như thật tốt đẹp biết bao khi vua Ê-xê-chia đã không cố nài xin cho được sống lâu hơn nữa.

Tự nhiên, mỗi chúng ta đều muốn sống lâu trên đất. Cũng vậy, có vài tình huống cho thấy Đức Chúa Trời muốn kéo dài sự sống (như bậc cha mẹ của các con trẻ, các Cơ-đốc nhân ở cương vị lãnh đạo chủ chốt,…). Nếu Chúa không ngăn, chúng ta dễ cảm thấy tự do nài xin Ngài kéo tuổi thọ của các tôi tớ Ngài. Song, chúng ta phải luôn nài xin ý Ngài được nên trên mọi ý khác.

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan