Đã bao giờ bạn từng bước vào một nơi mà người ta đang kể một câu chuyện nữa chừng không? Một số chi tiết để có thể hiểu được tình tiết của câu chuyện đã bị bỏ qua. Paul Harvey đã tạo nên một sự nghiệp khi có ý tưởng kể về “phần còn lại của câu chuyện” với những người nghe đài phát thanh của ông. Vào năm 1976, Harvey cung cấp cho thính giả của ông những hiểu biết bị lãng quên hoặc những sự kiện ít được biết đến về nhiều chủ đề khác nhau với một yếu tố chính, thường là tên của một cá nhân được giữ kín cho đến cuối chương trình phát sóng. Ông ấy luôn luôn kết thúc bằng những từ, “Và bây giờ các bạn biết được phần còn lại của câu chuyện rồi.” Hầu hết những Cơ-Đốc nhân dành nhiều thời gian đọc trong Tân Ước hơn là đọc trong Cựu Ước. Bởi việc chỉ đọc một phần tư quyển Kinh Thánh, chúng ta đã bỏ lỡ “phần còn lại của câu chuyện.” Chúng ta không thể thật sự đánh giá cao Tân Ước mà thiếu sự hiểu biết về Cựu Ước.
Mối bận tâm của chúng ta với một phần của Kinh Thánh, và sự lơ là của chúng ta đối với phần còn lại, được đưa ra ánh sáng qua cách trình bày phúc âm của chúng ta. Lịch sử của quốc gia Israel là vô cùng quan trọng trong Kinh Thánh nhưng đã bị loại bỏ khỏi các cuộc trò chuyện về rao giảng phúc âm của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta loại bỏ ba phần tư Kinh Thánh hiện đại của chúng ta. Tôi cũng đã phạm tội trong nhiều năm qua vì sự bỏ sót này.
Có một lần nọ, việc trình bày phúc âm của tôi bắt đầu với sự sáng tạo trong Sáng Thế ký 1, sau đó chuyển sang sự sa ngã trong Sáng Thế ký 3, và đi thẳng đến Tân Ước với sự giáng sinh của Đấng Christ. Nhưng những điều liên quan đến hình phạt cho tội lỗi đang lan tràn trong nhân loại trong ngày Nô-ê trong Sáng thế ký 7, việc làm tản lạc để trở thành các quốc gia vì cớ xây dựng một tòa tháp ở Babylon để trở nên giống như Đức Chúa Trời, sự kêu gọi và giao ước với Áp-ra-ham để khiến ông thành cha của đất nước Israel (đây là câu trả lời của Chúa với tội lỗi A-đam), nhân vật Môi-se giống như người cứu tinh mà Đức Chúa Trời dùng để giải phóng dân sự khỏi sự cầm buộc của Ai Cập, sự ban cho luật pháp và các kỳ lễ như một sự báo trước về Đấng Mê-si-a (Những điều Môi-se không có khả năng làm để đưa dân chúng vào miền đất hứa, thì Đấng Mê-si sẽ làm), các chiến dịch của Giô-suê để giành lấy miền đất hứa, việc xây dựng Đền thờ như một lời nhắc nhở về lời hứa của Đức Chúa Trời để cư ngụ giữa dân của Ngài, sự cầm buộc của người Babylon như sự phán xét cho sự nổi loạn của các quốc gia, các nhà tiên tri đã cảnh báo và khuyến khích dân sự quay trở lại với Đức Chúa Trời và sự im lặng sau sách Malachi trong 400 năm thiết lập tiền đề cho Giăng Báp-tít kêu la trong hoang mạc giống như nhân vật Ê-li đã được hứa từ những ngày xưa? Nếu không có điều nào trong số những điều này quan trọng đối với sự cứu rỗi, tại sao lại Chúa lại dành 3/4 trong số Kinh thánh để ghi lại lịch sử của nó?
Tôi không đề nghị rằng mọi bài thuyết giảng phúc âm phải dẫn người nghe đi qua toàn bộ tường thuật của Kinh thánh, vì nhiều trường hợp chúng ta chỉ có một khoản thời gian ngắn để giải thích phúc âm. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu biết cách nào mà Đức Chúa trời đã đưa dân sự của Ngài ra khỏi cảnh tù đày để Ngài có thể ở với họ. Các học giả Kinh Thánh B.T. Arnold và B.E. Beyer đã viết rằng, “Mục đích cho cuộc di cư ra khỏi Ai Cập là để Đức Chúa Trời có thể cư ngụ giữa dân sự của Ngài.” Sự xuất hiện vinh quang của Đức Chúa Trời vào đền tạm mới được xây dựng tạo thành cao trào của sách Xuất Ai Cập (40:34). Bởi việc phớt lờ Cựu Ước, chúng ta đã bỏ lỡ bức tranh về cách Đức Chúa Trời cứu chuộc để cai trị và trị vì con dân của Ngài.
Khi chúng ta tìm hiểu về một khái niệm Kinh thánh, thì quy trình tiêu chuẩn đó là xem xét trường hợp đầu tiên xảy ra của khái niệm bạn đang nghiên cứu. Những người đọc Kinh Thánh được giới thiệu lần đầu tiên về Đức Chúa Trời trị vì như một vị vua là ở đâu? Bạn có thể nghĩ về triều đại của vua Đa-vít hoặc con trai của ông là Sa-lô-môn. Một số người khác thì nghĩ đến việc tái xây dựng lại Đền thờ trong thời của Nê-hê-mi. Cả hai câu trả lời này đều đúng. Vương quốc của Đức Chúa Trời không phải là một địa phương chúng ta đi vào, mà là Đức Chúa Trời hành động giữa dân sự của Ngài.
Thật ra, lần đầu tiên trong Kinh Thánh đề cập đến vương quốc Đức Chúa Trời là trong bối cảnh cuộc di cư ra khỏi Ai Cập. Dân sự đã được giải thoát khỏi ách nô lệ thông qua những công việc dấu kỳ và phép lạ của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Môi-se đến gần Pha-ra-ôn với một yêu cầu để cho dân của Ngài ra đi. Trong suốt 10 tai họa, Đức Chúa Trời đã thể hiện quyền năng của Ngài đối với các tà thần và nữ tà thần của Ai Cập:
- Tai họa dòng sông máu đã đánh bại Khnum, thần sông Nile.
- Tai họa của ếch nhái đã đánh bại Heket, nữ thần ếch của Ai Cập.
- Tai họa muỗi đã đánh bại Aker, thần đất của Ai Cập.
- Tai họa ruồi đã đánh bại Khepri, thần bay của Ai Cập.
- Tai họa dịch bệnh trên gia súc đã đánh bại Hathor/Ptah, nữ thần Ai Cập liên quan đến bò đực và bò cái.
- Tai họa ung nhọt đã đánh bại Imhotep, vị thần chữa bệnh của Ai Cập.
- Tai họa mưa đá đã đánh bại Nut, vị thần bầu trời Ai Cập.
- Tai họa châu chấu đã đánh bại Renenutet, vị thần của mùa gặt.
- Tai họa bóng tối đã đánh bại Ra, thần mặt trời Ai Cập.
- Tai họa thứ mười là cuộc tấn công tàn khốc nhất so với những tai họa trước đó, vì nó đã xảy ra cho chính Pha-ra-ôn vì đứa con trai đầu lòng của ông ta đã chết.
Đó cũng là một sự báo trước về cái chết của con trai đầu lòng của Đức Chúa Trời những thế kỷ sau đó.
Chính Đức Chúa Trời, đã cho thấy Ngài ngự trị tối cao trên bất kỳ vị thần giả dối nào cố gắng xoắn ngôi Ngài.
Sự Xuất Hiện của Vương Quốc
Trong khi Sáng Thế ký ám chỉ đến khái niệm vương quốc, Xuất Ai Cập hét lên rõ ràng rằng,
“Đức Chúa Trời của Israel vượt trội hơn các vị thần của Ai Cập.” Khi Chúa giải phóng dân chúng khỏi ách trói buộc của Ai Cập và đưa họ vượt qua Biển Đỏ, Môi-se đã hát một bài hát ca ngợi Chúa trong Xuất Ai Cập 15 “Ngài đã ném xuống biển chiến xa và cả quân lực Pha-ra-ôn; Quan tướng ưu tú của người bị nhận chìm trong Biển Đỏ, Vực thẳm đã vùi lấp họ. Họ chìm xuống đáy biển sâu như một hòn đá. Lạy Đức Giê-hô-va! Tay phải Ngài rạng ngời quyền uy. Lạy Đức Giê-hô-va! Tay phải Ngài nghiền nát quân thù… Ngài đã đưa tay phải ra, đất đã nuốt lấy chúng. (Xuất 15:4–6, 12). Bài hát chiến thắng này kết thúc bằng việc thiết lập Đền thờ của Đức Chúa Trời kết nối với vương quốc của Ngài trị vì đời đời. Môi-se đã viết những lời đầu tiên về vương quốc của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. “Đức Giê-hô-va ôi! Ngài đem dân ấy vào, và cho họ cư ngụ trên núi cơ nghiệp Ngài, Tức là chỗ Ngài đã sắm sẵn để làm nơi ngự Ngài, Lạy Chúa! Đó là Đền Thánh mà tay Ngài đã lập. Đức Giê-hô-va sẽ trị vì đời đời, mãi mãi. (Xuất 15:17–18). Trị vì đời đời là tuyên bố vương quyền của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài. Dân sự sẽ không còn phục vụ cho Pha-ra-ôn của Ai Cập nữa. Giờ đây, Đức Chúa Trời chọn những người được tự do để thờ phượng và phục vụ Ngài.
“Sẽ cai trị” là một động từ chưa hoàn thành trong tiếng Hê-bơ-rơ, biểu thị rằng sẽ xảy ra trong tương lai nhưng nó phụ thuộc vào một số hành động hiện tại.” Một ví dụ về điều này trong tiếng Anh sẽ là, “Ăn một quả táo mỗi ngày sẽ giúp bác sĩ tránh xa bạn.” Tương lai chưa thành thực tế, nó phụ thuộc vào một hành động hiện tại. Bác sĩ tránh xa bạn hay không phụ thuộc vào việc bạn có ăn táo mỗi ngày hay không. Môi-se đang nói rằng họ đã quan sát hành động cứu rỗi kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Họ đã tận mắt chứng kiến vinh quang của Đức Chúa Trời với tư cách là Vua và giá trị của Ngài không được tìm thấy trong các cung điện, xe ngựa, vàng hoặc bạc. Cơ nghiệp của Ngài là quốc gia mà Ngài đã cứu. Với những gì họ quan sát được, họ có thể nói một cách chắc chắn, “Đức Chúa Trời đang trị vì ngày hôm nay và sẽ trị vì mãi mãi.”
Đáp ứng của họ với hành động cứu rỗi diệu kỳ của Đức Chúa Trời sẽ là vâng theo Lời của Ngài, đó là lý do tại sao điểm dừng chân kế tiếp trước Đất Hứa là một ngọn núi. Có phải sự tự do của họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập là kết quả của việc làm tốt của chính họ? Có phải Đức Chúa Trời đã giải cứu đất nước vì họ đã nỗ lực để giành lấy được nó? Có phải sự cứu chuộc của họ đã đến bởi vì họ sẽ trả lại cho Đức Chúa Trời vào một ngày nào đó? Không. Đức Chúa Trời đã giải phóng họ như là một minh chứng cho ân huệ không bởi do xứng đáng và không bởi do cố gắng giành lấy được.
Luật pháp không phải là điều kiện tiên quyết để được cứu chuộc; luật pháp được tặng như một món quà sau khi họ đã được giải phóng khỏi sự cai trị của Pha-ra-ôn. Đức Chúa Trời thiết lập vương quốc của Ngài bằng cách chứng minh sự uy nghiêm của Ngài và bằng cách giải thoát dân của Ngài khỏi cảnh nô lệ. Và dân sự của Ngài thể hiện lòng trung thành của họ bằng cách tuân theo các sắc lệnh của Ngài. Đó là một sự tuân thủ vui vẻ với các mạng lệnh của Đức Chúa Trời để đáp lại những gì Ngài đã làm cho họ.
Kinh Thánh ghi lại toàn bộ lịch sử dân sự của Đức Chúa Trời từ khi sinh ra trong Xuất Ai Cập 15 đến sự đổi mới trong tương lai của họ trong Khải huyền 15. Ở khoảng giữa là ngôn ngữ của vương quốc, một vương quốc chưa đến nhưng trong một khía cạnh thì đã xuất hiện rồi, ở một mức độ thì vương quốc của Đức Chúa Trời đang ở đây.
Hãy chú ý cách các tín hữu trong Khải Huyền hát cùng một bài ca của Môi-se: “Họ hát bài ca Môi-se, đầy tớ của Đức Chúa Trời, và bài ca Chiên Con rằng, ‘Lạy Đức Chúa Trời Toàn Năng, công việc của Ngài thật vĩ đại và diệu kỳ! Lạy Vua của muôn đời, đường lối của Ngài là công chính và chân thật! Lạy Chúa, ai sẽ không kính sợ Chúa, và không tôn vinh danh Ngài? Vì chỉ một mình Chúa là thánh. Mọi dân tộc sẽ đến Thờ phượng trước mặt Chúa, vì những việc công chính của Ngài đã được bày tỏ.’” (Khải Huyền 15:3–4). Theo một ý nghĩa nhất định, đỉnh cao phản chiếu sự khởi đầu. Tin tức tốt lành cho tất cả những ai bước theo Chúa Giê-xu là không cần phải chờ đợi để vào vương quốc Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã hướng dẫn các môn đồ của Ngài cách đây 2.000 năm rằng, “Trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời…” (Ma-thi-ơ 6:33). Sự chung cuộc của thời kỳ cuối cùng đã được khai mở vào thời điểm hiện tại. Toàn bộ sứ điệp trong Cựu Ước có thể được tóm tắt trong cụm từ: “Đức Chúa Trời của chúng ta trị vì đời đời.”
Barnabars Huỳnh
(Lược dịch theo: churchleaders.com)