31. Tại Sao Người Ta Thấy Kinh Thánh Khó Hiểu
Những người đã quen thuộc với các sự kiện (trong Kinh Thánh) sẽ không hề phủ nhận việc nhiều người thấy Kinh Thánh là khó hiểu. Những lời chứng về những khó khăn gặp phải lúc đọc Kinh Thánh có quá nhiều và rộng khắp để có thể bị bỏ qua cách khinh suất.
Trong kinh nghiệm con người thường có một sự phức tạp của nhiều nguyên nhân thay vì một nguyên nhân cho mọi sự việc, và nó cũng tương tự như thế khi chúng ta gặp khó khăn với Kinh Thánh. Ðối với vấn đề tại sao Kinh Thánh khó hiểu không thể trả lời đột xuất, bất cẩn được, câu trả lời nhanh nhảu chắc chắn là một câu trả lời sai. Vấn đề thì phức tạp, và vì lý do này, nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đơn nhất sẽ làm cho chúng ta thất vọng.
Bất chấp điều này, tôi mạo muội đề ra một câu trả lời ngắn gọn, và dù nó không phải là toàn bộ lời đáp, nhưng nó cũng là một phần chính yếu và có lẽ chứa đựng bên trong nó hầu hết mọi lời đáp cho vấn đề có liên quan và rất phức tạp này. Tôi tin rằng chúng ta thấy Kinh Thánh khó hiểu là vì chúng ta cố đọc nó như là chúng ta đọc những quyển sách khác, mà Kinh Thánh lại là một quyển sách không giống với bất kỳ quyển sách nào.
Kinh Thánh không gởi cho một ai đó bất kỳ. Sứ điệp của nó hướng về một số ít người được chọn. Bất luận việc những người ít ỏi này được Ðức Chúa Trời lựa chọn bằng một hành động chọn lựa tối cao hay được chọn vì họ đáp ứng được những điều kiện chuẩn nào đó, tôi để cho mỗi người tự quyết định, như là anh ta có thể làm điều đó, biết rõ rằng quyết định của anh ta sẽ được lựa chọn tùy vào những niềm tin căn bản của mình về những vấn đề đại loại như sự tiền định, ý chí tự do, những mạng lệnh đời đời và những giáo lý liên quan khác. Nhưng bất cứ điều gì có thể đã diễn ra trong cõi đời đời, rõ ràng nó là điều diễn ra trong thời gian: Một số người tin và một số thì không; một số dễ tiếp thu cách đạo đức và một số thì không; một số có năng lực thuộc linh, một số thì không. Chính những người làm, là, và có điều đó là những người Kinh Thánh hướng đến. Những người không làm, không là và không có sẽ đọc nó mà không thấy ý nghĩa gì.
Tại điểm này, tôi biết một số độc giả sẽ có sự phản đối gay gắt, và lý do thì cũng không khó để tìm ra. Cơ Ðốc giáo ngày nay lấy con người làm trung tâm, chứ không phải Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời bị buộc phải chờ đợi những ý tưởng bất chợt của con người cách kiên nhẫn. Hình ảnh phổ biến của Ðức Chúa Trời hiện nay là hình ảnh của một người Cha bị rối trí, đang tranh đấu trong nỗi tuyệt vọng của một cõi lòng tan vỡ để làm cho mọi người tiếp nhận một Cứu Chúa mà họ thấy không cần thiết và cũng chẳng mấy thích thú gì. Ðể thuyết phục những linh hồn tự mãn này đáp ứng lại những lời đề nghị rộng rãi của mình, Ðức Chúa Trời sẽ làm hầu như bất cứ điều gì, kể cả những phương pháp của nghệ thuật bán hàng và Ngài hạ cố mà nói với họ cách thân mật nhất có thể tưởng tượng ra được. Quan điểm này dĩ nhiên là một loại chủ nghĩa lãng mạn tôn giáo, trong khi nó thường dùng những khái niệm có tính chất tôn cao và đôi lúc dùng những khái niệm gây lúng túng trong việc ngợi khen Ðức Chúa Trời, nó thành công trong việc biến con người thành ngôi sao của buổi diễn.
Quan điểm cho rằng Kinh Thánh được dành cho mọi người đã gây nên sự nhầm lẫn cả trong và ngoài Hội Thánh. Nỗ lực áp dụng sự dạy dỗ của Bài Giảng Trên Núi cho thế giới chưa được tái sanh là một ví dụ cho điều này. Các phiên tòa của luật lệ và sức mạnh quân sự của trần gian được đề xuất để đi kèm với những sự dạy dỗ của Ðấng Christ là điều hoàn toàn không thể làm được. Trích dẫn Lời của Ðấng Christ như là kim chỉ nam cho các cảnh sát, các quan tòa, và các tướng lĩnh là hoàn toàn hiểu lầm những Lời đó và cho thấy toàn bộ sự thiếu hiểu biết những mục đích của sự khải thị thánh. Những Lời đầy ân sủng của Ðấng Christ là dành cho những con trai và con gái của ân điển, không phải cho các dân tộc ngoại bang, những người chọn biểu tượng cho mình là hình ảnh của sư tử, đại bàng, rồng hay gấu.
Ðức Chúa Trời không chỉ dành Lời của lẽ thật của Ngài cho những người có thể tiếp nhận nó, mà Ngài thật sự còn che đậy ý nghĩa của Lời ấy trước mắt những người không thể tiếp nhận nó. Diễn giả dùng các câu chuyện để làm sáng tỏ lẽ thật; còn Chúa chúng ta thường dùng chúng để làm cho lẽ thật trở nên hơi khó hiểu. Các ví dụ của Ðức Chúa Jêsus là cái hoàn toàn trái ngược với “thí dụ minh họa” hiện đại, vốn có nghĩa là soi sáng (làm sáng tỏ); các ví dụ là những câu nói “tối nghĩa” và Ðấng Christ đã khẳng định rằng Ngài đôi lúc dùng chúng để các môn đồ mình có thể hiểu còn kẻ thù mình thì không (xem trong Ma-thi-ơ 13:10-17). Giống như trụ lửa ban ánh sáng cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng là đám mây và bóng tối bao phủ dân Ai Cập, Lời của Chúa chúng ta chiếu sáng trong lòng của dân sự Ngài, nhưng vẫn để những kẻ vô tín kiêu ngạo trong sự tối tăm của bóng đêm đạo đức.
Quyền năng cứu chuộc của Lời Chúa được dành sẵn cho những ai đã được định trước. Bí mật của Ðức Chúa Trời thuộc về họ, là những người kính sợ Ngài. Một tấm lòng không ăn năn sẽ thấy Kinh Thánh chỉ là một bộ xương của những sự kiện mà không hề có da thịt, sự sống hay hơi thở. Shakepeare có thể được nhiều người yêu thích mà không hề có sự ăn năn; chúng ta có thể hiểu Plato mà không hề tin lời nào ông nói; nhưng sự ăn năn và khiêm nhường cùng với đức tin và sự vâng lời là rất cần thiết cho việc hiểu Kinh Thánh cách đúng đắn.
Trong những khía cạnh tự nhiên, đức tin theo sau bằng chứng, và hoàn toàn không thể có đức tin nếu không có bằng chứng; nhưng trong lĩnh vực tâm linh, đức tin đi trước sự thấu hiểu; nó không hề đi sau. Một con người tự nhiên phải biết thì mới tin được. Còn đức tin đưa đến sự cứu rỗi không phải là một kết luận rút ra từ bằng chứng; nó là điều thuộc về lĩnh vực đạo đức, một cái gì đó thuộc về tâm linh, một sự ban cho siêu nhiên từ Ðức Chúa Jêsus Christ, một món quà thực sự của Ðức Chúa Trời.
Ðức tin đưa đến sự cứu rỗi được xây dựng trên Thân Vị của Ðấng Christ, ngay lập tức nó dẫn đến sự gắn bó chặt chẽ của toàn bộ tạo vật với Ðấng Christ, một việc hoàn toàn không thể làm được đối với con người tự nhiên. Tin một cách đúng đắn cũng giống như một phép lạ về sự sống lại từ cõi chết của La-xa-rơ ngay khi Ðấng Christ truyền phán.
Kinh Thánh là một cuốn sách siêu nhiên và chỉ có thể được hiểu bởi sự giúp đỡ siêu nhiên.