Sự Dạy Dỗ Về Ân Điển Toàn Vẹn Của Joseph Prince Có Phù Hợp Với Kinh Thánh Không?

Share

Vì đã có một làn sóng các bài báo chống lại sự giảng dạy và nhà thờ “siêu ân điển” trong nhiều năm qua, tôi đã quyết định đọc một quyển sách chính yếu của tác giả Joseph Prince, là người mà nhiều người xem như là ông tổ của thể loại giảng dạy này.   

Tôi đã đọc quyển sách Destined to Reign [Tạm dịch: Được Định Để Cai Trị] của Prince vào tuần trước với ý nghĩ rằng tôi sẽ tự mình khám phá ra điều ông ta thật sự đã dạy là gì. Một nữa số Cơ-Đốc nhân mà tôi biết đã đọc quyển sách này yêu thích nó, và nữa còn lại thì nghĩ rằng nó là tà giáo, vì vậy tôi khá quan tâm đến nội dung của quyển sách bởi vì tôi chưa bao giờ thấy những Cơ-Đốc nhân trưởng thành biết Lời của Chúa lại bị chia rẽ giống như vậy kể từ lúc khởi đầu của giáo lý Lời Đức Tin của Kenneth E. Hagin và Kenneth Copeland trong những năm 1970 và 80.

Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã bắt đầu đọc quyển sách với một cái nhìn nghi ngờ bởi vì trong 35 năm qua, tôi đã chứng kiến một số kết quả thảm khốc của nhiều loại Cơ-Đốc giáo “siêu ân điển”. Trước sự ngạc nhiên của tôi, tôi thật sự thích quyển sách, và kết quả là tôi sẽ thực hiện một số điều chỉnh trong cách trình bày Phúc Âm của mình.

Điều này không có nghĩa là không có một số vấn đề thần học mà tôi sẽ đề cập đến.  Prince đã phạm phải sai lầm tương tự hàng ngàn người đã mắc phải trước anh ấy: Họ nghĩ ra một hệ thống thần học nào đó mà họ cảm thấy thoải mái (anh ấy là một nhà giải kinh cổ điển “một khi đã được cứu thì luôn được cứu”) và sau đó suy diễn từng đoạn Kinh Thánh bằng lăng kính thiên vị của họ buộc Kinh Thánh phải phù hợp với cách giải thích của họ.  Nhiều người mắc sai lầm khi muốn đặt Đức Chúa Trời vào một chiếc hộp thần học nào đó, dẫn đến những tuyên bố chung chung không phải lúc nào cũng dễ dàng được chứng minh là đúng.   

Điều tuyệt nhất của quyển Được Định Để Cai Trị và thần học của Prince đó là tôn cao Đấng Christ và đặt Đấng Christ làm trung tâm.  Niềm đam mê chính của Prince không phải là ân điển mà là Chúa Giê-xu, là chỗ mà cả Hội Thánh cần phải trở nên nhưng thường thì không trở nên như vậy.  (Prince tin rằng ân điển và thân vị của Đấng Christ là giống nhau.) 

Bất chấp những sai sót của nó, tôi thật sự sẽ giới thiệu quyển sách cho một số Cơ-Đốc nhân để nhất định phải tránh khỏi một cái bẫy của nghi lễ hình thức, trong đó họ cố gắng tìm kiếm ân huệ của Đức Chúa Trời bằng sức riêng và yêu thích những việc họ làm thay vì nhờ công lao của Đấng Christ. Có đủ nội dung hay trong quyển sách này cho những người mới tin và đang đấu tranh với mặc cảm tội lỗi để có được nền tảng tốt — nếu quyển sách này được kết hợp với những quyển sách và giáo lý khác để mang lại sự cân bằng.

Điều có lẽ đang xảy ra với Prince là điều đã xảy ra với nhiều diễn giả nổi tiếng, là những người khởi xướng cho xu hướng nào đó. Những người giảng dạy khác đọc nội dung của họ và đem đến chỗ cực đoan, dạy những điều mà người sáng lập không bao giờ có ý định như vậy.  Tôi không có ấn tượng rằng Prince tin vào ân điển rẻ tiền hoặc một người thật sự hiểu tấm lòng và sự giảng dạy của Prince sẽ lao vào tội lỗi— nhưng có những nơi chắc chắn rằng những người chưa được trang bị kỹ lưỡng về thần học sẽ dễ dàng đưa sự giảng dạy của anh ấy đi quá xa và rao giảng một sứ điệp ân điển rẻ tiền hoặc siêu ân điển. Prince nói rõ rằng anh ấy ghét tội lỗi và cũng rao giảng từ Cựu Ước để tôn cao Đấng Christ.

Sau đây là một số mối bận tâm của tôi về quyển sách. (Vì bài viết này không phải là luận thuyết học thuật, nên tôi không trích dẫn số trang chính xác trong các tuyên bố của Prince — bạn chỉ cần đọc toàn bộ quyển sách.)  

1. Prince Đưa Ra Các Tuyên Bố Và Cố Gượng Ép Để Làm Cho Kinh Thánh Phù Hợp Với Hệ Thống Của Mình

Ví dụ, anh ấy nói rằng không cần thiết phải xưng tội của chúng ta và các thư tín của Phao-lô không bao giờ đưa ra ví dụ về một tín đồ xưng nhận tội lỗi. Anh ấy nói điều này vì anh ấy tin rằng tất cả tội lỗi của chúng ta cả quá khứ và tương lai, đã được tha thứ (đây là điều mà tôi đồng ý về nguyên tắc) và rằng chúng ta chỉ nên trung thực với Chúa và nói với Ngài về những thất bại của chúng ta. Nhưng Prince nói rằng việc nói với Chúa về những tội lỗi của chúng ta không giống như việc xưng tội để được tha thứ. Đối với tôi thì đây là một cách chơi chữ dễ thương vì dù sao nói với Chúa về tội lỗi của chúng ta cũng sẽ dẫn đến việc xưng tội.

Thử thách mà tôi gặp phải với sự dạy dỗ này là trong 1 Giăng 1:9, Giăng dạy chúng ta phải xưng nhận tội lỗi của mình. Mặc dù Prince thừa nhận rằng câu Kinh Thánh này bác bỏ sự dạy dỗ của anh ấy về ân điển toàn vẹn, nhưng anh ấy đã cố để khỏa lấp bằng cách nói câu Kinh Thánh này được viết cho những người trí huệ giáo trong Hội Thánh – anh ấy nói điều này mà không có bất cứ một trích dẫn nào, nguồn nào hay bất cứ một bằng chứng lịch sử nào. Tôi phản bác điều này vì văn mạch của 1 Giăng đang viết cho những tín hữu. Giăng gọi họ là “những người con yêu dấu” của mình trong 1 Giăng 2:1 (NIV). Ngoài ra, hãy nhớ rằng ban đầu sách này không có chương hoặc câu; do đó, “các con” trong 1 Giăng 2:1 được kết nối với chương đầu tiên của sách.

Mặc dù sứ đồ Giăng đã đề cập đến trí huệ giáo trong thư tín này khi ông nói về nhân tính của Đấng Christ trong 1 Giăng 1:1 và 4:2-3 và sự kiện Chúa Giê-xu đến trong xác thịt — một sự thật mà những người theo trí huệ giáo bác bỏ vì họ tin rằng Chúa Giê-xu chỉ đến như một tâm linh vì họ tin rằng lĩnh vực xác thịt là gian ác nhưng những người nhận bức thư này không phải là những người theo trí huệ giáo mà là những tín hữu chân chính đang được cảnh báo chống lại thuyết trí huệ giáo.

Hơn nữa, nếu 1 Giăng 1:9 được viết cho những người không tin, tại sao Giăng lại bảo họ xưng nhận tội lỗi của họ? Một người không tin Chúa không thể kể lại và xưng nhận hết tất cả những điều họ đã từng phạm. Khi tôi đến với Đấng Christ, tôi đã không xưng nhận từng tội lỗi của mình trong suốt 19 năm trước. Tôi chỉ dâng tấm lòng của tôi cho Đấng Christ và cầu xin Ngài tha thứ cho tôi vì tôi là một tội nhân.  Khi một người đến với Đấng Christ, họ không được yêu cầu phải xưng nhận tội lỗi của mình nhưng phải tiếp nhận Chúa Giê-xu là Chúa. (Rô-ma 10:9-10; Công vụ 16:31). Chỉ một Cơ-Đốc nhân mới có thể nhớ và xưng nhận những tội lỗi cá nhân của họ khi họ phạm phải. 

Hơn nữa, Gia-cơ 5:16 cũng dạy các tín hữu phải xưng nhận tội lỗi của mình. Cuối cùng, Phao-lô ám chỉ sự xưng nhận tội lỗi trong 2 Cô-rinh-tô 7:9-11 khi ông khuyến khích Hội Thánh Cô-rinh-tô ăn năn và có “đau buồn theo ý Đức Chúa Trời”.

2. Prince Đặt Nền Thần Học Của Anh Ấy Chỉ Dựa Vào Các Thư Tín Của Phao-lô

Tôi thấy thật thú vị khi Prince nói rằng anh ấy chỉ giảng phúc âm mà Phao-lô giảng.  Mặc dù tôi ngưỡng mộ Phao-lô, nhưng Prince phải cẩn thận với những tuyên bố như thế này bởi vì anh ấy có thể tạo cảm giác rằng các sách khác của Tân Ước không được hà hơi hoặc thậm chí không phải là kinh điển.  (Ngay cả những người theo trí huệ giáo cũng chỉ trích dẫn từ Phao-lô và bỏ qua các thư tín khác cũng như Cựu Ước.)

Prince dường như chỉ thỉnh thoảng trích dẫn các sách Phúc Âm, điều này khiến tôi có ấn tượng rằng anh ấy có lẽ tin rằng phần lớn sự dạy dỗ trong các sách Phúc Âm không liên quan đến thời đại Hội Thánh vì được viết trước sự Phục Sinh. Điều này cho phép Prince (và những người theo hyperdispensationalists [Tạm dịch: thuyết phân kỳ]) tránh phải đối diện với mạng lệnh dành cho các tín hữu là vác thập tự giá của họ (Mác 8: 34-36) và những phần Kinh Thánh khác đòi hỏi sự kết ước cao.

Tôi tin rằng bất kỳ giáo sư nào được kêu gọi để rao giảng như sứ đồ Phao-lô phải giảng toàn bộ ý định của Đức Chúa Trời (Công vụ 20:27), nghĩa là họ cần phải bao gồm đồng đều các sách Phúc Âm và các thư tín của Giăng, Giu-đe, Phi-e-rơ và Gia-cơ cũng như sách Hê-bơ-rơ và Cựu ước.

3. Prince Không Xác Định Rõ Ràng Vai Trò Của Luật Pháp Của Chúa

Prince dạy rằng Luật Cựu Ước không còn cần thiết cho Hội Thánh nữa, và đưa ra một sự phân đôi giữa hai giao ước. anh ấy thậm chí không thừa nhận sự cần thiết của luật đạo đức của Đức Chúa Trời (Mười Điều Răn), ngoại trừ việc cho chúng ta thấy chúng ta tội lỗi và hư mất như thế nào.

Sự thách thức đối với quan điểm này của Prince là sứ đồ Phao-lô bảo chúng ta phải biết Cựu Ước để chúng ta không đặt lòng mình vào những điều xấu xa và tội lỗi như dân tộc Do Thái đã làm (1 Côr 10:6). Theo Phao-lô, luật đạo đức vẫn cần thiết để giữ cho Hội Thánh được nề nếp.

Prince nói rằng không có chỗ cho việc rao giảng luật của Đức Chúa Trời trong Hội Thánh và rằng Đức Chúa Trời chỉ ban phước cho sứ điệp của ân điển. Tuy nhiên, lịch sử của Hội Thánh không ủng hộ điều này. Charles Finney có lẽ là nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ, và ông thường xuyên rao giảng luật đạo đức của Đức Chúa Trời để khiến mọi người nhận ra tội lỗi và sau đó sử dụng Phúc Âm để cứu và thánh hóa họ. Ông rao giảng luật pháp của Đức Chúa Trời cho cả thánh nhân lẫn tội nhân. Bạn cũng có thể thêm vào Jonathan Edwards, ông với tư cách là một nhà thuyết giáo quyền năng đã sử dụng luật pháp của Đức Chúa Trời trong các sứ điệp của mình.

Prince chắc chắn sẽ nói rằng những người này đã rao giảng pha trộn giữa luật pháp và ân điển.  Tuy nhiên, kết quả của các chức vụ của họ cho thấy rằng công việc và sứ điệp của họ đã được Đức Chúa Trời ban phước rất nhiều và có kết quả trong lịch sử của Hội Thánh.  Cá nhân tôi thường xuyên giảng dạy về luật pháp của Đức Chúa Trời trong Hội Thánh với hiệu quả và kết quả tuyệt vời. Prince có lẽ sẽ nói rằng tôi rao giảng pha trộn giữa luật pháp với ân điển — nhưng nếu tôi đứng cùng một hội với Finney và Edwards, là những người đã sử dụng luật đạo đức làm tiêu chuẩn để đem đến chỗ nhận biết tội lỗi, tôi sẽ mĩm cười đáp lại lời chỉ trích của Prince! 

Tôi tin rằng luật đạo đức vẫn còn cần thiết, còn nếu không sẽ không có sự kết án về tội lỗi, một tiêu chuẩn về sự công chính sẽ sụp đổ theo đặc điểm của nền văn hóa xung quanh.  Hơn thế nữa, luật đạo đức đã được lặp lại trong Tân Ước, ngay cả Phao-lô trong Ê-phê-sô 4-6, ông đã bảo Hội Thánh không được trộm cắp, không tham lam, không phạm tội tà dâm, không thờ thần tượng và hiếu kính cha, mẹ của họ. Hơn nữa, tất cả các tác giả Tân Ước đều dùng Mười Điều Răn làm tiêu chuẩn về sự thánh khiết cho Hội Thánh vì nó phản ánh bản chất và đặc tính của Đức Chúa Trời.

Ngay cả khi Chúa Giê-xu ban cho các môn đồ của Ngài một điều răn mới là phải yêu thương nhau (Giăng 13:34), thì Ngài vẫn sử dụng tình yêu thương như một luật để bắt buộc Hội Thánh phải tuân giữ như một tiêu chuẩn sống — đây là điều mà Phao-lô lặp lại trong Rô-ma 13:8-10.

 Vì vậy, Prince đã gộp luật đạo đức (Mười Điều Răn) với luật nghi lễ của Đức Chúa Trời và nói rằng cả hai đều đã bị loại bỏ và không liên quan gì đến Hội Thánh. Điều mà ông ta không nhận ra là mỗi khi Phao-lô đề cập đến luật pháp (trong Ga-la-ti, Rô-ma, Hê-bơ-rơ và Cô-lô-se), bối cảnh luôn là cắt bì, dâng sinh tế và việc tuân thủ ngày Sa-bát và các ngày thánh. Do đó, Phao-lô chủ yếu đề cập đến các khía cạnh nghi lễ của luật pháp, không phải Mười Điều Răn.

Prince đưa ra sự kiện rằng Phao-lô gọi Mười Điều Răn là “phục vụ cho sự chết” trong 2 Cô-rinh-tô 3:7 (KJV). Tuy nhiên, tôi sẽ phản đối điều này, Phao-lô và các tác giả Tân Ước khác vẫn tiếp tục sử dụng Mười Điều Răn làm tiêu chuẩn đạo đức cho Hội Thánh. Việc phục vụ cho sự chết liên quan đến thực tế là không có Chúa Giê-xu Christ, tất cả chúng ta đều có tội trước mặt Đức Chúa Trời – tất cả chúng ta đều đồng ý điểm này. Ga-la-ti 3:24 gọi luật pháp là thầy giáo dẫn chúng ta đến với Đấng Christ; do đó, Mười Điều Răn là một tiêu chuẩn của sự thánh khiết đem đến thuyết phục về tội lỗi và dẫn chúng ta đến việc phụ thuộc vào ân điển của Đấng Christ để làm trọn luật pháp. Rô-ma 8:4 dạy chúng ta rõ ràng rằng Đức Thánh Linh ban quyền năng để chúng ta làm trọn những yêu cầu công chính của luật pháp; do đó, các tiêu chuẩn của nó vẫn là một yêu cầu đối với sự thánh khiết. Hơn nữa, sức mạnh của tội lỗi là luật pháp (1 Cô-rinh-tô 15:56).

Nhưng quan điểm của Tân Ước là Chúa Giê-xu ban cho chúng ta quyền năng để sống công chính nhờ Thánh Linh của Ngài. Đó không chỉ là sự công bình được kể cho từ Đấng Christ mà không có nghĩa vụ nào đối với chúng ta. Khi chúng ta vi phạm Mười Điều Răn, đó vẫn là điều mà các tín hữu chúng ta cần phải ăn năn và xưng tội với Chúa để được tha thứ.

Tôi đồng ý với Prince rằng chúng ta cần phải tập trung vào Đấng Christ và ý thức về Đấng Christ để chiến thắng tội lỗi và rằng chúng ta chỉ có thể có đức tin và ân điển để bước đi trong sự đắc thắng thông qua việc được kể là công chính bởi sự công chính của Đấng Christ — chứ không phải bởi sức riêng của chúng ta. Nhưng tôi cho rằng Mười Điều Răn vẫn cần thiết như là tiêu chuẩn của chúng ta về cách Chúa Giê-xu muốn chúng ta sống theo quyền năng và ân điển của Ngài. Luật pháp không cứu được chúng ta. Nhưng luật pháp nhắc nhở chúng ta về tội lỗi của chúng ta và với tư cách là một thầy giáo, luật pháp dẫn chúng ta đến việc chỉ lệ thuộc vào Đấng Christ.

Tóm lại điểm này, tôi không đồng ý với Prince khi anh ấy nói rằng chúng ta không cần luật pháp để điều chỉnh hành vi của chúng ta – chúng ta chỉ cần ân điển, anh ấy nói – bởi vì, theo quan điểm của tôi, ân sủng sử dụng tiêu chuẩn của luật đạo đức, đây là điều mà được lặp đi lặp lại trong Tân Ước.

4. Prince Tin Rằng “Một Khi Đã Được Cứu, Thì Luôn Luôn Được Cứu.”

Prince tin rằng một khi một người tiếp nhận Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa thì họ không bao giờ có thể đánh mất sự cứu rỗi của mình. (Một số người biết đây là giáo lý về sự bảo đảm đời đời.) Thách thức mà tôi có đối với điều này đó là nó thất bại trong việc giải thích những phần Kinh Thánh riêng lẻ không đồng ý với hệ thống cụ thể này.

Ví dụ, Hê-bơ-rơ 6:1-8 và 10:24-29 dạy rõ ràng rằng một người sau khi đã nhận biết được chân lý về sự cứu rỗi của Đấng Christ, có thể sa ngã và đánh mất sự cứu rỗi của họ. 2 Phi-e-rơ 2:20-22 và Gia-cơ 5:19-20 nói rõ ràng rằng một người tin Chúa có thể bị sa ngã và một lần nữa bị gọi là tội nhân mà cần phải được phục hồi. Có rất nhiều phần Kinh Thánh khác mà tôi có thể trích dẫn nhưng vì cớ thời gian tôi không liệt kê ở bài viết này.

Tôi cảm thấy thoải mái hơn với sự hiểu biết của thời Cải Chánh về sự cứu rỗi rằng mọi người có thể kinh nghiệm những kết quả của sự cứu rỗi trong khi chưa bao giờ được chọn từ “trước buổi sáng thế” (Ê-phê-sô 1: 4), trong trường hợp này họ sẽ không ở trong Thân Thể của Đấng Christ bởi vì họ chưa bao giờ là một phần của nó để bắt đầu. (1 Giăng 2:19 dường như dạy chúng ta giáo lý về sự kiên trì của các thánh đồ.) Đây là chỗ duy nhất mà tôi thấy đầy đủ để giải quyết một cách hiệu quả câu hỏi hóc búa trong Kinh Thánh dường như dạy cả về sự bảo đảm đời đời và một tín đồ có thể sa ngã.  Tôi đứng vào vị trí giống như sứ đồ Phi-e-rơ: Tôi có thể nghĩ rằng mình đã được cứu, nhưng tôi phải cố gắng bước theo sự kêu gọi và sự chọn lựa của mình (2 Phi-e-rơ 1:10).

5. Prince Dạy Rằng Đức Chúa Trời Không Thể Nổi Giận Hoặc Trừng Phạt Đối Với Cơ-Đốc Nhân

Prince nói rằng Đức Chúa Trời không bao giờ còn giận các Cơ-Đốc nhân nữa. Nhưng còn lời khuyên trong Ê-phê-sô 4 để không làm buồn Đức Thánh Linh thì sao? (Trong Ê-phê-sô 4:30, đau buồn có nghĩa là “gây ra nỗi buồn và sự đau khổ lớn”, giống như gây ra sự tức giận). Thậm chí còn quyết liệt hơn nữa là lời cảnh báo của Phao-lô trong Ê-phê-sô 5:6 chống lại việc sống một cuộc đời trái với đạo đức khiến Đức Chúa Trời giận dữ đối với kẻ không vâng lời. 

Bối cảnh rõ ràng ở đây đó là lời cảnh cáo dành cho những người không vâng lời, mà thư tín này được viết cho Hội Thánh Ê-phê-sô; do đó, Đức Chúa Trời có thể nổi cơn thịnh nộ đối với Cơ-Đốc nhân.

Còn tội lỗi dẫn đến sự chết được đề cập trong 1 Giăng 5:16 thì sao? Liệu điều này ám chỉ đến cái chết về thể xác hay thuộc linh đã được tranh luận trong nhiều thế kỷ; tuy nhiên, điểm chính là một tín hữu có thể phạm tội nặng đến mức có thể dẫn đến sự chết. (Tôi tin rằng nó đề cập đến cái chết thể xác, đối chiếu với 1 Cô-rinh-tô 11:30 và 1 Cô-rinh-tô 5: 1-6, chỗ mà Phao-lô muốn phó một người cho Sa-tan để hủy hoại phần xác của anh ta vì anh ta ngủ với vợ kế của cha mình.)

Cuối cùng, Prince giải thích như thế nào về những lời của Chúa Giê-xu đối với bảy Hội Thánh tại Tiểu Á trong Khải Huyền 2-3?  Trong những lá thư này, Chúa Giê-xu không chỉ trừng phạt mà còn đe dọa loại bỏ toàn bộ Hội Thánh ra khỏi thành phố của họ trừ khi họ ăn năn (Khải huyền 2: 5). Trong Khải Huyền 2:16, Chúa Giê-xu bảo Hội Thánh Bẹt-găm hãy ăn năn vì Ngài sẽ đến và chiến đấu chống lại một số người trong Hội Thánh của họ. Trong Khải Huyền 2:22-23, Chúa Giê-xu nói với những người đang chịu ảnh hưởng của Giê-sa-bên rằng Ngài sẽ giết họ nếu họ không ăn năn.  Cuối cùng, Chúa Giê-xu nói với Hội Thánh Lao-đi-xê rằng Ngài sắp nôn họ ra khỏi miệng Ngài (Khải huyền 3: 15-16), Quả thật, những lời mạnh mẽ không phù hợp với thần học của Joseph Prince.

6. Prince Nói Rằng Đức Chúa Trời Không Trừng Phạt Một Quốc Gia Nào Vì Cớ Thập Tự Giá

Prince dạy rằng Đức Chúa Trời đã không xét xử Sô-đôm cho đến khi Lót ra khỏi đó, do đó, Đức Chúa Trời sẽ không xét xử bất kỳ quốc gia nào có mà sự hiện diện của tín đồ trong đó. Điều mà Prince không nhận ra là Cựu Ước chứa đầy những minh họa trong đó Đức Chúa Trời phán xét các quốc gia Y-sơ-ra-ên và Giu-đa bằng cách tước quyền thừa kế của họ mặc dù còn sót lại những người tin. (Hãy xem, ví dụ, Ê-sai 6:13.)

Hơn nữa, trong Ma-thi-ơ 11:20-24, Chúa Giê-xu nói về sự phán xét mang tính tập thể đến các thành phố và thị trấn vì họ đã từ chối Ngài.  Rõ ràng là rất khó để chứng minh một cách chủ quan giai đoạn hậu Kinh Thánh nếu Đức Chúa Trời đã phán xét các quốc gia và đế chế sau thập tự giá, vì Đức Chúa Trời thường sử dụng quân đội của các quốc gia khác, thiên tai và sự ngu ngốc của chính họ để hạ những dân tộc và quốc gia xuống. Hơn nữa, Đức Chúa Trời đã phán xét quốc gia của người Do Thái và Giê-ru-sa-lem vì đã từ chối Chúa Giê-xu Christ vào năm 70 sau Công Nguyên, khi quân đội La Mã cướp phá Giê-ru-sa-lem và phá hủy đền thờ của người Do Thái, như điều mà Chúa Giê-xu nói trước sẽ xảy ra trong vòng một thế hệ (Ma-thi-ơ 24: 34; Lu-ca 21:20) mặc dù điều này đã gần 40 năm sau khi Chúa Phục sinh.

7. Prince Giảng Một Phúc Âm Cá Nhân Mà Không Kết Nối Với Mạng Lệnh Văn Hóa Trong Sáng Thế Ký 1:28

Có lẽ một trong những sai sót lớn nhất trong học thuyết ân điển cấp tiến của Prince là niềm tin theo thuyết miễn trừ tiền định (dispensational) của anh ấy không cho phép anh ấy kết nối Phúc Âm với mạng lệnh văn hóa trong Sáng thế ký 1:28. Những tín hữu nắm lấy mạng lệnh văn hóa nguyên thủy mà Đức Chúa Trời ban cho nhân loại qua A-đam và Ê-va (và được xác nhận lại với Nô-ê sau Đại Hồng Thủy trong Sáng thế ký 9:1-2) nhận thức rằng chúng ta cần luật đạo đức và luật dân sự để hiểu cách môn đệ hóa một quốc gia (Ma-thi-ơ 28:19).  Mười Điều Răn không chỉ là những mạng lệnh riêng lẻ về lòng sùng kính và sự thánh khiết nhưng chủ yếu được ban cho như một cơ cấu tập thể để môn đệ hóa quốc gia Y-sơ-ra-ên đang phát triển (Xuất 20:1-2). 1 Ti-mô-thê 1:8-11 ám chỉ đến thực tế chung của luật pháp khi nói rằng luật pháp không được ban cho người công chính mà dành cho người bất chính.  (Chỉ có một người công chính trên trái đất không cần luật pháp để biết cách trở nên thánh khiết — Chúa Giê-xu!) Sự kiện Phao-lô giải quyết việc buôn bán nô lệ và bắt cóc tống tiền cho thấy rằng ông cũng đang đối phó với tội lỗi chung của một hệ thống chứ không chỉ tội lỗi cá nhân trong phân đoạn này.

Kết Luận

Mặc dù tôi nghĩ quyển sách của Prince có nhiều hiểu biết sâu sắc và đáng để đọc, nhưng tôi lo ngại rằng nhiều người sẽ đẩy các tác phẩm của anh ấy đến mức cực đoan và quan điểm về ân điển toàn vẹn của anh ấy có thể khiến mọi người chỉ tìm kiếm Chúa Giê-xu mà không tuân theo những điều đơn giản và hiển nhiên như kết ước đi đến một Hội Thánh địa phương, dâng phần mười và bước đi trong tình yêu thương. (Mặc dù Prince thúc đẩy việc đi nhóm lại và dâng hiến, nhưng về nguyên tắc thần học của anh ấy thì có thể khiến dễ dàng loại bỏ những sự thực hành này.)   Prince dường như cũng chống lại kỷ luật thuộc linh của sự kiêng ăn.  Mặc dù tôi hiểu quan điểm của anh ấy trong vấn đề này, nhưng tôi vẫn tin rằng việc kiêng ăn rất quan trọng để thực hành, mặc dù kiêng ăn không phải để được cứu rỗi. Việc không kết nối sự giảng dạy của mình với mạng lệnh văn hóa trong Sáng thế ký 1:28 cũng đặt Prince vào một nền tảng sai lầm và có thể khiến một người ngắt kết nối Phúc Âm khỏi vương quốc của Đức Chúa Trời, do đó dẫn đến tự đặt mình làm trung tâm và tự kiêu quá đáng. (Sứ điệp vương quốc kết nối các cá nhân được chuộc với trách nhiệm của việc hợp tác với nhau để phục vụ cộng đồng của họ.)

Bất chấp tất cả những điều này, nó có thể là một quyển sách tuyệt vời cho một số tín đồ mới – mặc dù tôi tin rằng trẻ nhỏ và những Cơ-Đốc nhân mới cần được dạy về Mười Điều Răn như một tiêu chuẩn đạo đức trong Hội Thánh và thế giới — và đặc biệt là cho những người thường xuyên mặc cảm với tội lỗi và sự định tội. Nếu ân điển toàn vẹn được giảng dạy trong bối cảnh sứ điệp về vương quốc của Đức Chúa Trời để mang lại sự cân bằng cho nó, thì đó có thể là một sự dạy dỗ tuyệt vời để nâng đỡ và biến đổi cuộc sống cá nhân, là những người có thể biến đổi các quốc gia.

 

Barnabars Huỳnh

(Lược dịch theo: charismamag.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan