Hãy Ăn Năn – Mạng Lệnh 2

Share

Mạng lịnh đầu tiên Chúa Jêsus đã đưa ra khi bắt đầu chức vụ công khai của Ngài là: “Hãy ăn năn”. Chúa đã truyền mạng lịnh này cho hết thảy kẻ nào biết lắng nghe. Đây là lời kêu gọi phải có sự thay đổi triệt để ở trước mặt Đức Chúa Trời và loài người.

Ăn năn nghĩa là gì?

   Có hai điều cho chúng ta thấy ăn năn là thay đổi tâm trí và tấm lòng chứ không chỉ thấy hối hận về tội lỗi hoặc một cải thiện về thói cư xử nào đó. Thứ nhất, ý nghĩa trong tiếng Hy lạp của từ “ăn năn” (μετανοέωmetanoeō) có khuynh hướng thế này. Trong từ này có hai phần: meta và noeō. Phần thứ hai (noeō) ám chỉ đến tâm trí và tư tưởng của tâm trí, nhận thức, khuynh hướng và mục đích của tâm trí. Phần thứ nhất (meta) là một tiền tố thường có nghĩa là di chuyển hoặc thay đổi. Như vậy, theo chức năng thông thường của tiền tố này,1 chúng ta có thể suy ra ý nghĩa căn bản của sự ăn năn là kinh nghiệm một sự thay đổi về nhận định, ý định và mục đích ở trong tâm trí.

   Một yếu tố khác chỉ ra ý nghĩa của “ăn năn” được chép ở trong Lu-ca 3:8 mô tả mối liên hệ giữa sự ăn năn và cách cư xử mới. Câu Kinh Thánh chép rằng: “hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn”. Sau đó, Kinh Thánh còn đưa ra những thí dụ nói lên sự kết quả như sau: Ai có hai áo, hãy lấy một cái cho người không có; và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy” (Lu-ca 3:11). Như vậy, ăn năn là một sự việc xảy ra trong lòng của chúng ta. Sự thay đổi này dẫn tới kết quả về cách cư xử mới. Ăn năn không phải là có những việc làm mới, mà là khi tấm lòng có sự thay đổi thì sẽ kết quả thành những việc làm mới. Chúa Jêsus truyền lệnh cho chúng ta phải kinh nghiệm sự biến đổi ở trong lòng.

Tội lỗi: Tấn công Đức Chúa Trời

   Vì sao? Chúa phán rằng chúng ta là tội nhân: “Ta không phải đến gọi kẻ công bình hối cải, song gọi kẻ có tội” (Lu-ca 5:32). Góc nhìn của Chúa Jêsus về tội lỗi là gì? Trong dụ ngôn người con trai hoang đàng, Chúa Jêsus mô tả tội lỗi của người con trai như thế này: “Cách ít ngày, người em tóm thâu hết, đi phương xa, ở đó, ăn chơi hoang đàng, tiêu sạch gia tài mình . . . với phường điếm đĩ” (Lu-ca 15:13, 30). Nhưng khi người con trai hoang đàng ăn năn thì Chúa phán rằng: “Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa” (Lu-ca 15:21). Do đó, một lối sống ăn chơi hoang đàng với phường điếm đĩ không chỉ làm hại bản thân; mà còn nghịch với trời – tức là Đức Chúa Trời. Đó là bản chất cốt yếu của tội lỗi. Đó là hành động công kích Đức Chúa Trời.

   Chúng ta thấy điều này lần nữa khi Chúa Jêsus dạy các môn đồ của Ngài cầu nguyện. Chúa dặn họ hãy cầu nguyện thế này: “Xin tha tội cho chúng con, vì chúng con cũng tha kẻ mắc lỗi với chúng con” (Lu-ca 11:4). Nói cách khác, những tội lỗi mà Đức Chúa Trời đã tha thứ được so sánh với những vi phạm mà người khác gây ra với chúng ta, đó là lỗi. Vì thế, Chúa Jêsus xem tội lỗi là sự bất kính với Đức Chúa Trời và khiến chúng ta trở thành kẻ mắc lỗi phải phục hồi lại sự bất kính Đức Chúa Trời mà chúng ta đã gây ra bằng lối cư xử hoặc thái độ xem thuờng Đức Chúa Trời. Sau đó, chúng ta sẽ thấy cái lỗi của chúng ta đã được chính Chúa Jêsus trả hết rồi (Mác 10:45). Nhưng nếu chúng ta muốn nhận được điều đó thì Chúa phán rằng chúng ta phải ăn năn.

   Ăn năn có nghĩa là kinh nghiệm sự thay đổi tâm trí để chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Trời là chân thật, tốt đẹp và xứng đáng để chúng ta ngợi khen và vâng phục. Tâm trí được thay đổi này cũng sẽ tiếp nhận Chúa Jêsus giống như vậy. Chúng ta biết điều này vì Chúa Jêsus phán rằng: “Ví bằng Đức Chúa Trời là Cha các ngươi thì các ngươi sẽ yêu ta, vì ta bởi Đức Chúa Trời mà ra và từ Ngài mà đến” (Giăng 8:42). Nhìn thấy Đức Chúa Trời bằng một tâm trí mới tức là nhìn thấy Chúa Jêsus bằng một tâm trí mới.

Cả thế giới cần sự ăn năn

   Không ai được miễn trừ khỏi mạng lịnh ăn năn của Chúa Jêsus. Chúa đã làm rõ điều này khi một nhóm người đến gặp Ngài để báo tin về hai tai họa. Những kẻ vô tội đã chết trong cuộc thảm sát của Phi-lát và tháp Si-lô-am rơi xuống (Lu-ca 13:1–4). Chúa Jêsus đã nhân dịp đó cảnh báo những kẻ báo tin rằng: “Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy” (Lu-ca 13:5). Nói cách khác, đừng nghĩ những tai họa xảy ra nghĩa là vài người có tội cần phải ăn năn và số khác không cần. Tất cả đều cần phải năn năn. Cũng như hết thảy mọi người cần phải sinh lại (Giăng 3:7), hết thảy đều phải ăn năn vì tất cả đều là tội nhân.

   Khi Chúa Jêsus phán rằng: “Ta không phải đến gọi kẻ công bình hối cải, song gọi kẻ có tội” (Lu-ca 5:32), Chúa không có ý phán rằng một vài người lương thiện không cần phải ăn năn. Chúa muốn phán rằng có vài người nghĩ rằng họ không cần làm vậy (Lu-ca 18:9), còn nhiều người khác đã ăn năn và được làm hòa với Đức Chúa Trời. Thí dụ, người trai trẻ giàu có “muốn xưng mình là công bình” (Lu-ca 10:29), trong khi “người thâu thuế . . . đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! . . . người này trở về nhà mình, được xưng công bình [bởi Đức Chúa Trời!]” (Lu-ca 18:13–14). (Tìm hiểu thêm Luke 18:9–15, xem Mạng lịnh 20).

Mạng lịnh này là cấp bách vì sự phán xét đang đến

   Vì thế, không ai được miễn trừ. Tất cả mọi người cần phải ăn năn. Đây là điều cấp bách. Chúa Jêsus phán rằng: “Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy”. Chúa muốn phán gì về sự hư mất? Ý Chúa phán là sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ trút xuống những kẻ không chịu ăn năn. “Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na!” (Ma-thi-ơ 12:41). Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, đang cảnh báo mọi người về sự phán xét sắp đến và cho người ta biết một lối thoát đó là nếu họ chịu ăn năn. Nếu chúng ta không chịu ăn năn, thì Chúa Jêsus có một sứ điệp dành cho chúng ta là: “Khốn nạn cho mầy” (Ma-thi-ơ 11:21).

   Đây là lý do vì sao mạng lịnh ăn năn của Ngài nằm trong sứ điệp trọng tâm về nước Đức Chúa Trời. Chúa đã dạy rằng nước Đức Chúa Trời mà dân sự mong chờ đang hiện hữu ở trong chức vụ của Ngài. “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin lành” (Mác 1:15). Phúc Âm – Tin lành – là sự cai trị của Đức Chúa Trời đã đến trong Chúa Jêsus để cứu tội nhân trước khi nước Đức Chúa Trời đến khi Chúa trở lại lần thứ hai để phán xét. Vậy, mạng lịnh ăn năn là ân điển được ban cho ngày hôm nay để làm sự tha thứ và là lời cảnh báo cách nhân từ cho người nào từ chối lời kêu gọi này sẽ hư mất ở trong sự phán xét của Đức Chúa Trời.

Từ thành Giê-ru-sa-lem cho đến các dân tộc

   Sau khi sống lại từ kẻ chết, Chúa Jêsus đã đảm bảo rằng các sứ đồ của Ngài sẽ tiếp tục kêu gọi cả thế giới ăn năn. Chúa phán: “Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 24:46–47). Vậy, mạng lịnh ăn năn của Chúa Jêsus đã đến trên các dân tộc. Chúng ta đã nghe thấy, cho dù chúng ta là ai và ở đâu đi chăng nữa, lời kêu gọi ấy. Đây là mạng lịnh của Chúa Jêsus cho từng linh hồn: Hãy ăn năn. Hãy thay đổi tấm lòng. Hãy thay thế tất cả nhận định, ý định và quan điểm bất kính Đức Chúa Trời lẫn coi thường Đấng Christ bằng những điều tôn quý Đức Chúa Trời lẫn tôn cao Đấng Christ.

Chú thích:

  1. Thí dụ, meta được dùng làm tiền tố trong mấy từ như metabainō (chuyển đổi hoặc thay đổi từ nơi chỗ này sang chỗ khác), metaballō (thay đổi cách suy nghĩ của một người), metagō (dẫn dắt hoặc đi từ chỗ này sang chỗ khác), metatithēmi (vận chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, đặt vào một một chỗ, di chuyển), metamorphoō (thay đổi thói cư xử với người khác, luôn có sự biến đổi), metastrephō (tạo nên một thay đổi về trạng thái hoặc điều kiện) và metaschematizō (thay đổi hình dạng của một vật nào đó, biến dạng, thay đổi) . . .

Nguồn:  https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan