Giáng Sinh Và Mẫu Số Vâng Phục Vì Yêu Và Tận Hiến

Share

Vâng phục Chúa là một trong những điều kiện quan trọng nhất để Đức Chúa Trời xây dựng, bảo vệ, trao sứ mạng và thẩm quyền phục vụ cho người muốn trở nên môn đồ của Chúa Giê-xu. 

Vâng phục Chúa là một ống dẫn để xuyên qua đó Chúa tuôn đổ mọi phước lành, năng lực, ơn quyền, ân tứ và sự khôn ngoan của Ngài vào đời sống của chúng ta, gia đình, hội thánh và đất nước

Không vâng phục Chúa khiến A-đam và E-va phạm tội đưa đến hậu quả là loài người chúng ta sống dưới quyền lực của tội lỗi, sự chết và Sa-tan.

Không vâng phục Chúa là đặt Chúa vào chỗ phải rút mọi sự tốt lành Ngài đã ban ra khỏi đời sống của chúng ta, gia đình, hội thánh và đất nước; chưa kể đến sự đoán phạt của Ngài.

Cơ đốc nhân vâng phục Chúa không vì tư duy sợ hãi thần linh trừng phạt, không vì xem vâng phục chỉ là một phương tiện để nhận ơn phước, cũng không vì phải cố ghép mình trong một hệ thống giáo luật tôn giáo.

Chúng ta vâng phục Chúa vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Ba Ngôi Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 1:26-27, BTTHĐ 2010) và vì Chúa Giê-xu là nguồn sự sống và sự sáng của chúng ta (Giăng 1:1-4). Đó là sự vâng phục theo lẽ tự nhiên và bản chất nguyên thủy của con người chúng ta. Vì mỗi người chúng ta là một chi thể trong thân thể của Chúa Giê-xu (1 Cô-rinh-tô 12:12-27) nên sự vâng phục trong Chúa của chúng ta vận hành như là sự vâng phục của chi thể đối với thân thể. Vì bản chất của Chúa là tình yêu thương tận hiến (1 Giăng 4:7-10) nên sự vâng phục Chúa luôn luôn phản ảnh tình yêu và sự từ bỏ chính mình cho tình yêu.

“Vâng phục vì yêu và tận hiến” như vậy là mẫu số chung của những con người mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi trực tiếp dự phần với sự Giáng Sinh của Chúa Giê-xu. Họ là chính Ngôi Hai Đức Chúa Trời, Ma-ri, Giô-sép và các nhà thông thái.

1. Ngôi Hai Đức Chúa Trời – Chúa Giê-xu

Điều gì sẽ xảy ra nếu Ngôi Hai Đức Chúa Trời không vâng phục chương trình cứu chuộc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời? Điều gì xảy ra nếu Chúa Giê-xu không đến thế gian, sống trọn vẹn là một con người sống để chia xẻ Tin Lành cho con người, và sau cùng chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta? Sẽ không có sự cứu chuộc khỏi tội lỗi và án phạt đời đời. Sẽ không một ai được giải phóng khỏi quyền lực của tội lỗi, sự chết và ma quỷ. Sẽ không có lời hứa về nước Đức Chúa Trời và sự sống vĩnh phúc.

Dĩ nhiên điều “nếu” này không bao giờ xảy ra. Vì Chúa Giê-xu đã yêu chúng ta bằng một tình yêu tha thứ và có quyền năng biến đổi vô biên để Ngài có thể vâng phục một chương trình mà không một ai có thể làm được (Giăng 3:16; 5:13):

6 Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời, 
Nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời. Là điều nên nắm giữ;

7 Ngài đã từ bỏ chính mình, Mang lấy hình đầy tớ, Và trở nên giống như loài người.

8 Ngài đã hiện ra như một người, Tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, Thậm chí chết trên cây thập tự

— Phi-líp 2:6-8 (BTTHĐ 2010).

Vì yêu mỗi người chúng ta, Chúa Giê-xu đã không nắm giữ “sự bình đẳng với Đức Chúa Trời.” Ngài “từ bỏ chính mình” để hòa mình “trở nên giống như loài người”“tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, Thậm chí chết trên cây thập tự” để chết thay và ban sự sống đời đời vĩnh phúc cho con người tội lỗi chúng ta.

Chúa Giê-xu vâng phục chương trình cứu chuộc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời vì Ngài yêu thương con người bằng một tình yêu tuyệt đối và siêu nhiên. Tình yêu đó khiến Ngài “từ bỏ chính mình” (địa vị Ngôi Hai) để giáng sinh “hòa mình” với nhân loại tội lỗi và “hạ mình” chết trên thập tự giá để làm trọn chương trình cứu chuộc. Ngài đặt nên một mẫu số thuộc linh “vâng phục vì yêu và tận hiến” cho những người được Đức Chúa Trời mời gọi dự phần với sự giáng sinh của Ngài là Ma-ri, Giô-sép và các nhà thông thái.

2. Ma-ri

Là một thiếu nữ, đặc biệt là đã đính hôn với Giô-sép, nhưng thiên sứ đến báo cho cô biết là cô sẽ có thai bởi quyền năng của Đức Thánh Linh để Chúa Giê-xu nhập thể làm người (Lu-ca 1:26-38). Đây là một tin “dữ” cho cô vì trong suốt lịch sử dân Y-sơ-ra-ên chưa hề có việc Đức Chúa Trời làm phép lạ cho một người nữ không có ăn ở với một người nam mà có thai. Theo phong tục từ ngàn xưa của dân Do Thái, cô có thể bị ném đá trước cửa nhà của cha mẹ cô (Lê-vi Ký 20:10, Phục Truyền 22:20-21) và điều tốt nhất trong con mắt con người của cô là sẽ bị Giô-sép từ hôn. Việc Giô-sép phải suy nghĩ làm sao có cách để vừa có thể từ hôn vừa giải cứu cô khỏi bị sĩ nhục cho thấy là mọi người, trong đó có Giô-sép, không tin rằng cô có thai là bởi quyền năng của Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 1:19).

Ma-ri không thể nào không thấy trước được điều này. Nhưng cô trả lời với thiên sứ một cách mạnh mẽ: “Tôi đây là tớ gái của Chúa. Xin điều ấy xảy đến cho tôi như lời ngài truyền!” (Lu-ca 1:38a).

Với một tấm lòng kính yêu tôn thờ Chúa trên hết (Phục Truyền 6:4-5), Ma-ri có thể vâng phục Chúa đến mức sẵn sàng để mất đi hôn ước với Giô-sép và chính sự sống của cô.

3. Giô-sép

Trong sự sĩ nhục và đau đớn của một người hôn phu, thay vì đứng lên kêu gọi đám đông ném đá Ma-ri, Giô-sép lại suy nghĩ cách vừa có thể từ hôn vừa giải cứu cô. Ở đây cho thấy bản tính yêu thương, tha thứ và cứu chuộc của Đức Chúa Trời ở trong con người của Giô-sép.

Sau khi thiên sứ báo mộng giải thích cho ông thì ông hết lòng vâng phục, cưới Ma-ri làm vợ (Ma-thi-ơ 1:19-25). Đức Chúa Trời đã dùng hai vợ chồng họ để nuôi dưỡng Cứu Chúa của dân Do Thái và loài người nhưng không ai (ngoại trừ gia đình Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bết) biết sự thật vinh quang này để vui mừng và tôn trọng họ. Giô-sép và Ma-ri trở thành đối tượng bị xã hội sĩ nhục oan ức hầu như là suốt đời vì cớ Ma-ri có con trai đầu lòng mà Giô-sép không phải là người cha!

Cũng như Ma-ri, Giô-sép có một tấm lòng kính yêu tôn thờ Chúa trên hết (Phục Truyền 6:4-5) và tấm lòng này bao phủ lên tình yêu Giô-sép dành cho Ma-ri theo mẫu mực tình yêu tha thứ và cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Vì thế cũng như Ma-ri, mẫu số “vâng phục vì yêu và tận hiến” của Chúa Giê-xu có thể vận hành ban sức sống có ơn quyền để Giô-sép có thể sống vâng phục, bỏ mình, hạ mình và quên mình trong quyết định đón Ma-ri về làm vợ “nhưng không ăn ở với nàng cho đến khi nàng sinh một con trai và đặt tên là JÊSUS.” (Ma-thi-ơ 2:24-25)

 4. Những nhà thông thái.

Chữ “nhà thông thái” được dịch ra từ chữ “μαγοι” trong nguyên bản Ma-thi-ơ tiếng Hy-lạp. 

Chữ “μαγοι” này thường được dùng cho những nhà chiêm tinh hay thuật sĩ trong vùng Trung Đông và Á Châu có tiếp giáp với nền văn minh Hy-lạp. Mục đích và năng quyền cao nhất của các “μαγοι” là nhìn biết được những khải thị của thần linh đặc biệt qua việc xem sao trên trời và cầu nguyện. Những “μαγοι” này là những thầy tu cao cấp của những tôn giáo ở phương đông thời đó!

Tin lành Chúa Giê-xu giáng sinh phải được bày tỏ cho những người thuộc về tuyển dân Do Thái của Đức Chúa Trời. Tin lành đó cũng phải được bày tỏ cho những người ngoại là những người không thuộc về tuyển dân Do Thái vì họ cũng được dựng nên theo ảnh tượng của Ngài (Sáng Thế 1:26-27).

Chúa dò xét, biết rõ những người ngoại dù không biết Ngài nhưng có lòng kính sợ và tìm cầu chân thần và chân lý, “Kìa con mắt của Đức Giê-hô-va đoái xem những người kính sợ Ngài, Và những người hi vọng nơi lòng nhân từ Ngài.” (Thi Thiên 33:18a). Ngài giúp cho họ tìm đến Ngài, “Vì mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian để giúp sức cho người nào trọn lòng đối với Ngài.” (2 Sử Ký 16:9a).

Thời đó ở phương Đông có biết bao nhiêu thuật sĩ nhưng Chúa chỉ ban cho những nhà thông thái trong Ma-thi-ơ 2 một vì sao sáng mà chỉ có họ mới thấy và hiểu được ý nghĩa. Thế là họ đi khoảng 600 – 900 cây số đường bộ từ phương Đông (một vùng ở I-rắc) đến Giê-ru-sa-lem. Đó là một hành trình đầy gian khổ, nguy hiểm và cái chết. Đến Giê-ru-sa-lem, họ tìm gặp và hỏi Hê-rốt Đại Đế về “vua dân Do Thái vừa sinh tại đâu” (2:1-2).

Hê-rốt là một ông vua hết sức gian ác. Để bảo vệ vương quyền của mình, ông đã lần lượt giết mẹ của bà hoàng phi thứ hai, bà hoàng phi này, rồi sau đó giết luôn cả người con trai của bà mà ông đã chọn làm Thái Tử kế vị ông. Cho nên không có gì lạ khi mà Hê-rốt có kế hoạch giết hết những người có liên hệ với vấn đề “vua dân Do Thái vừa sinh.”

Sau khi được các thầy thông giáo và các thầy tế lễ cả cho biết Bết-lê-hem là nơi Chúa giáng sinh, vua Hê-rốt giả vờ kêu các nhà thông thái đi đến Bết-le-hem để tìm gặp hài nhi Giê-xu và báo lại cho y để y cũng đến thờ lạy Chúa giáng sinh – nhưng thật ra là để tìm giết hài nhi giáng sinh, gia đình của hài nhi và cả các nhà thông thái (2:3-9,12).

Việc Hê-rốt Đại Đế tiếp những nhà thông thái cho thấy là họ phải có địa vị rất cao cả về tôn giáo lẫn xã hội. Điều rất đáng suy gẫm là họ đã không hề thất vọng khi gặp hài nhi Giê-xu, người sẽ là “vua dân Do Thái” đang nằm trong máng cỏ với cha mẹ là Ma-ri và Giô-sép nghèo hèn! Họ thờ lạy và dâng ba lễ vật cao quý mang tính tiên tri mà có thể là họ không hiểu vào lúc đó: vàng là lễ vật dâng cho vua, là địa vị của Chúa Giê-xu; nhũ hương ám chỉ địa vị thầy tế lễ và vai trò là của lễ hy sinh của Ngài; một dược dùng để ướp xác nói đến sự hy sinh của Ngài trên thập giá (2:10-11)

Tất cả những điều xảy ra như trên cho thấy những nhà thông thái là những người có lòng khao khát chân lý và chân thần đến nỗi Chúa dựng lên một vì sao để mặc khải và dẫn đường cho họ tìm đến hài nhi Giê-xu. Họ sẵn sàng bỏ hết mọi sự, kể cả mạng sống của mình, để theo ánh sao tìm đến và tôn thờ hài nhi Giê-xu. Họ không sợ hãi khi hỏi Hê-rốt về “vua dân Do Thái mới sinh” trong khi Hê-rốt đang cai trị dân Do Thái nhưng hạ mình cung kính tôn thờ và dâng lễ vật cho hài nhi Giê-xu giáng sinh nằm trong máng cỏ. Mẫu số “vâng phục vì yêu và tận hiến” vẫn vận hành trong những con người chưa biết đến Đức Chúa Trời nhưng tận sâu thẳm trong linh thần của họ là lòng khao khát Ngài qua sự khao khát chân lý và chân thần.

KẾT

Thiếu tình yêu thương chứa đầy sự tha thứ và quyền năng biến đổi của Chúa thì chúng ta không thể vâng phục Ngài. Tin lành cho chúng ta là Đức Thánh Linh đang rải tình yêu 

thương của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta (Rô-ma 5:5). Hãy mở cửa vào những nơi sâu kín nhất trong lòng của chúng ta, đặc biệt là những nơi mà cho đến bây giờ chúng ta chưa để Ngài bước vào – để Ngài có thể tự do rải tình yêu thương đó vào tất cả những ngõ ngách của linh hồn chúng ta. Chỉ có tình yêu đó mới vận hành nên một linh thần có quyền năng vâng phục, “bỏ mình,” “hòa mình” và “quên mình” cho đời sống mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta sống.

Hãy tích cực tìm cầu ơn sức Chúa để chúng ta có thể làm điều mà Chúa Giê-xu dạy rất rõ ràng: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Lu-ca 9:24). Đây không phải là bỏ mình và quên mình theo cách tiêu cực lánh xa cuộc sống trong xã hội và thế gian như cách tu hành của nhiều tôn giáo của con người. Thập tự giá là đỉnh điểm sau cùng của đời sống trên thế gian của Chúa Giê-xu. Thập tự giá của chúng ta là đỉnh điểm sau cùng của đời sống mà Chúa kêu gọi chúng ta sống theo đó.

Càng tập chú vào đỉnh điểm sau cùng đó thì Đức Thánh Linh càng có sự tự do để dấy lên và vận hành mẫu số của Chúa Giê-xu “vâng phục vì yêu và tận hiến” trong mỗi sinh hoạt hàng ngày của đời sống của chúng ta.

Chúa ban cho người sống theo điều Ngài kêu gọi sự thịnh vượng (Lê-vi Ký 26:3-10; Phục Truyền 30:9-10), sự sống sung mãn (Lê-vi Ký 8:5; Phục Truyền 6:24; Ê-sai 48:18; Giăng 10:10b). Họ được Đức Chúa Trời lắng nghe (Giăng 9:31) vv.

Hãy sống với tình yêu thương và tận hiến theo mẫu mực của Chúa Giê-xu để được “sinh bởi Đức Chúa Trời” (1 Giăng 4:7-10) và đây là một phần của sự tái sinh bởi Đức Thánh Linh mà Chúa Giê-xu nói với Ni-cô-đem (Giăng 4:1-8). Di truyền thuộc linh DNA của Đức Chúa Trời trong người đó phục hồi ảnh tượng của Ngài trong họ (Sáng Thế 1:26-27); bởi đó Đức Thánh Linh làm nên những trái Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22) và ban các ân tứ thánh linh (1 Cô-rinh-tô 12:4-11) để họ sống trong sự vui mừng, bình an với quyền năng và thẩm quyền. Tất cả những phước hạnh này chan hòa với nhau để tạo nên sự trưởng thành thuộc linh (1 Cô-rinh-tô 13)

Hãy sống với những thách thức của mẫu số “vâng phục vì yêu và tận hiến” để trãi nghiệm một đời sống đắc thắng và tận hưởng Chúa.

 

Nguyễn Trọng

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan