Đối Phó Với Cơn Giận… Theo Cách Của Chúa

Share

Chúng ta đều từng kinh nghiệm sự tức giận, vào một vài thời điểm trong cuộc đời chúng ta, và nó có thể là một nan đề thực tế. Mặc dù thoạt đầu nó trông có vẻ là cảm xúc vô hại, nó có thể nhanh chóng trở thành điều nguy hại khó mà kiểm soát.

Nhưng với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta có thể học để đối phó với cảm xúc của chúng ta và bước đi trong sự bình an của Chúa

Tôi thừa nhận, cách đây nhiều năm tôi rất thường làm và nói bất cứ điều gì tôi cảm thấy thích. Tôi là một người có một cá tính mạnh mẽ, vì vậy nếu bạn nói điều gì đó khiến tôi khó chịu, rất có thể tôi sẽ cho bạn biết về điều đó.

Cảm ơn Chúa, qua nhiều năm tháng Chúa đã thay đổi tôi bằng lời của Ngài và giúp tôi bắt đầu kiểm soát cảm xúc của mình bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.

Tôi đã học được cách để tự kiểm soát bản thân, nghĩa là tôi không luôn nói ra mọi điều mà tôi cảm thấy muốn nói. Bây giờ, nó là sự tự do.

Trong quá trình đó, Chúa cũng đã giúp tôi hiểu rằng bản thân sự tức giận là không sai…

Tức giận có phải là tội lỗi?

Tôi không bao giờ quên vào một buổi sáng cách đây khoảng 25 năm. Tôi đang chuẩn bị đi thuyết giảng cho một hội nghị giới nữ tại nhà thờ của tôi ở St. Louis khi chồng tôi Dave và tôi có một cuộc tranh luận. Tôi thừa nhận, tôi đã thật sự phát điên!

Tôi tiếp tục nghĩ với những ý nghĩ giận giữ và cảm giác tức giận. Đến khi sự giận giữ của tôi biến thành cảm giác tội lỗi và tôi nghĩ, Làm sao tôi có thể đi đến hội thánh và nói với người khác cách để sống theo Kinh Thánh nếu tôi không thể kiểm soát cơn giận của mình?

Cảm xúc tội lỗi không những tiếp tục mà chúng còn gia tăng. Khi áp lực gia tăng, tôi gần như điên cuồng, đột nhiên Chúa phán với tấm lòng tôi:

“Tức giận không phải là tội lỗi- chính những gì con làm với nó sẽ trở thành tội lỗi.”

Khi anh em nóng giận thì đừng phạm tội; đừng căm giận cho đến lúc mặt trời lặn, đừng tạo một cơ hội nào cho ma quỷ. (Ê-phê-sô 4:26-27), và tôi đột nhiên nhìn thấy câu Kinh Thánh này theo một cách khác với trước đây.

Kinh Thánh dạy, khi nóng giận, thì đừng phạm tội, đừng bao giờ để cơn thịnh nộ của bạn [sự bực tức, giận dữ hoặc phẫn nộ của bạn] kéo dài cho đến khi mặt trời lặn. Không để cho có không gian hay chỗ đứng [như vậy] cho ma quỷ [không cho nó có cơ hội].

Câu này không nói, “Đừng tức giận” hoặc “Nếu bạn tức giận”. Nó nói, “Khi [bạn] tức giận”.

Tất cả chúng ta sẽ có nhiều lúc tức giận, nhưng cảm giác tức giận không phải là nan đề. Nan đề đến từ lúc chúng ta hành động dựa trên những xúc cảm đó.

Có nhiều lúc, tôi thật sự ước một vài cảm xúc của mình sẽ biến mất, nhưng thường thì chúng không mất đi. Tôi đã học được rằng Chúa không cần thay đổi chúng, nhưng Chúa sẽ thay đổi tôi để cho tôi có thể trở nên một người mạnh mẽ hơn chúng.

Chúng ta cần giữ liên hệ với cảm xúc của mình và có trách nhiệm với chúng, nhưng chúng ta không thể chấp nhận cho chúng điều khiển chúng ta.

Đối phó với cơn tức giận khi nó khởi phát.

Một số người đã khó chịu quá lâu đến mức họ không còn nhận thấy mình đang tức giận nữa.

Trong nhiều năm, tôi tức giận về việc bị cha của mình xâm phạm khi tôi còn nhỏ (LND: khi còn nhỏ bà bị cha xâm phạm tình dục), nhưng tôi thậm chí không ý thức được rằng tôi đã rất tức giận về điều đó.

Mặc dầu tôi đã cố gắng trở thành một Cơ đốc nhân yêu thương, tôi đã tức giận, khắc nghiệt và khó khăn. Tôi yêu Chúa, nhưng tôi không đủ nghiêm túc để nói với Ngài,” Con muốn làm mọi điều theo cách của Ngài và Con cần sự giúp đỡ của Ngài.”

Châm ngôn 16:32 nói rằng, Người chậm giận thắng hơn dũng sĩ, Và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành.

Một người cai trị lòng mình thể hiện sự tự chủ. Sự tự chủ là một bông trái của Thánh Linh được ban cho chúng ta để giúp chúng ta kiểm soát bản thân.

Nghĩa là khi chúng ta cảm xúc theo một cách nào đó, chúng ta có thể chọn không hành động theo nó nếu chúng ta biết điều đó nghịch lại với Lời Chúa.

Bây giờ thật quan trọng phải hiểu rằng nếu bạn để cảm xúc của bạn- đặt biệt là sự tức giận- trở thành cơn thịnh nộ, thì bạn có thể không có khả năng điều khiển bản thân (đọc Ê-phê-sô 4:27)

Đó là lý do tại sao rất quan trọng để chúng ta học cách để nhận ra dấu hiệu cảnh báo (và dừng nó lại) khi những cảm giác đó mới bắt đầu.

Đó là một buổi sáng khi tôi đọc Ê-phê-sô 4, tôi nhận ra rằng Chúa nói có một cách để giận giữ và không phạm tội- có một cách để đưa ra quyết định về những gì chúng ta sẽ làm với cơn giận của mình trước khi nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Và Ngài cho chúng ta lời khuyên trong Lời Chúa về việc thực hiện điều đó.

Làm sao để bình tĩnh, bình tâm và tự chủ.

II Cô-rinh-tô 10:5 hướng dẫn chúng ta bắt mọi tư tưởng phải vâng phục Đấng Christ trước khi nó trở thành đồn lũy trong tâm trí mình. Nói cách khác, chúng ta có thể lựa chọn điều chúng ta sẽ nghĩ và sống trong đó.

Chúng ta có thể tiếp tục đổ thêm lửa vào cảm xúc tức giận của mình bằng những suy nghĩ sai lầm… hoặc chúng ta có thể vững lập trường, với sự giúp đỡ của Chúa, khước từ việc để cho vấn đề vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Vậy, khi chúng ta cảm thấy bản thân bực bội, bạn càng nhanh chóng nói “Không!” với những ý nghĩ và những cảm xúc đó càng tốt. Thay vì để sự bực tức điều khiển bạn, bạn có thể cầu nguyện như vầy:

“Chúa ơi, xin giúp con. Con biết sự bực tức sẽ không đem con đến bất kỳ nơi đâu. Người này làm tổn thương cảm xúc của con và điều này là sai. Nhưng con sẽ không hành động dựa trên điều này. Bởi Ân điển và sức mạnh của Ngài, con sẽ kiểm soát bản thân, và con tin Ngài chăm sóc con trong hoàn cảnh này.”

Tôi muốn khích lệ bạn tha thứ cho những người làm tổn thương bạn. Hãy trút bỏ mọi cảm xúc tức giận mà bạn đang nắm giữ và đặt những hoàn cảnh đó vào tay Chúa.

Chúng ta có thể tin Ngài là Đấng bào chữa của chúng ta. Chúa lớn hơn mọi cảm xúc và Ngài đã ban cho chúng ta quyền tự chủ vì vậy chúng ta có thể bước đi trong sự bình an và kinh nghiệm tình yêu hoàn hảo của Ngài khi chúng ta cần nhất.

 

 

An Nhiên

(Lược dịch theo: joycemeyer.org)

Pauline Joyce Meyer là một tác giả, diễn giả về Cơ đốc có sức lôi cuốn người Mỹ và là chủ tịch của Joyce Meyer Ministries.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan