Có người nói rằng: đời người là một chuỗi những ngày lễ hội. Đa số là những ngày dành để kỉ niệm và ghi nhớ. Ngày sinh, ngày cưới, ngày Tết, ngày giỗ kỵ là những lễ hội trong gia đình trong đó mọi người họp mặt, kỉ niệm, nhắc lại công ơn người đi trước hoặc chúc tụng nhau những điều hay đẹp. Đây là những dịp gặp gỡ trao đổi tâm tình với nhau, tạo thêm thân tình quý mến giữa thân tộc và bè bạn. Ngoài gia đình và bè bạn, ta còn những quan hệ với xã hội và đất nước. Những ngày lễ hội của dân tộc của đất nước cũng là những dịp kỉ niệm và ăn mừng hay ít ra ta cũng hưởng được ngày nghỉ. Những ngày lễ hội tôn giáo cũng xen kẽ vào những lễ hội gia đình và đất nước. Chính vì thế mà một người sống trong gia đình, trong xã hội và tôn giáo rất bận rộn với những lễ hội thông thường đã đành, nhiều khi còn các lễ hội bất ngờ như tang, hôn, tương tế nữa.
Trên thế giới có những lễ hội gần như khắp nơi đều tuân giữ, và nói theo kiểu kinh tế thị trường thì đó là những dịp kinh tế phát triển mạnh. Lễ kỉ niệm Chúa Giê-xu Giáng sinh là một điển hình.
Lễ Giáng sinh hay Noel, Christmas vào tháng 12 mỗi năm đã làm cho thị trường thế giới thay đổi hẳn, và các ngành ăn uống, may mặc, trang hoàng nhà cửa đều phát triển mạnh tuỳ theo mức kinh tế, và càng ngày càng gia tăng.
Người ta cũng nhân mùa Giáng sinh mà tổ chức nhiệu cuộc vui nhiều khi chẳng quan hệ gì đến Giáng sinh cả. Chính vì vậy mà nhiều người trên thế giới chỉ biết những cuộc vui này và những cảnh tưng bừng nhộn nhịp trong các cuộc vui đó chứ không thật sự hiểu rõ ý nghĩa của việc kỉ niệm Chúa Giê-xu Giáng sinh và quan hệ giữa cá nhân với Chúa Giê-xu là thế nào?
Nếu bảo một em bé trong một đô thị trên thế giới văn minh ngày nay mô tả Lễ Giáng sinh, Noel hay Christmas. Chắc chắn em ấy sẽ nghĩ ngay đến ông già Noel hay Santa Claus hoặc quà bên cây thông hoặc trong bí tất treo trên lò sưởi. Các em khác ngoài đô thị cũng có thể nói đặc điểm của Giáng sinh là kẹo, là hát, nhất là được nghỉ học.
Nếu hỏi một thanh niên hay thiếu nữ ngoài đường phố về Giáng sinh và ý nghĩa của nó, ta cũng có thể đoan chắc câu trả lời là: đó là dịp có nhiều cuộc vui, liên hoan và thường kéo dài suốt đêm, còn ý nghĩa của nó có thể là một ngày lễ hội vui của toàn thế giới.
Đó là ở đô thị. Nếu hỏi một người sống trong vùng quê nghèo nàn cũng câu hỏi về Giáng sinh và ý nghĩa, người ấy có thể lúng túng không biết phải trả lời thế nào, vì chỉ nghe nói về Giáng sinh, hay xem truyền hình, nhưng chẳng bao giờ tham dự cả.
Nhiều người vẫn đi nhà thờ, được nghe giảng về Chúa Giê-xu và rất hân hoan khi nhà thờ tưng bừng kỉ niệm Chúa vào đời. Những người ấy có thể tham gia vào ban hát, ban tổ chức, làm mọi công tác chuẩn bị cho mấy đêm lễ. Nhưng vẫn chưa thực sự hiểu rõ tại sao phải kỉ niệm Chúa Giáng sinh, và ý nghĩa Giáng sinh trực tiếp với mình là gì?
Người ta sở dĩ không trả lời rõ được về Giáng sinh và ý nghĩa của nó là vì chưa hiểu quan hệ giữa Giáng sinh và cứu rỗi.
Thật ra nếu ai trong đời chưa hiểu cứu rỗi là gì chắc chắn sẽ không biết ý nghĩa của Giáng sinh.
Một thiên sứ, cách đây 2015 năm, trong đêm Giáng sinh đầu tiên, đã loan một tin mừng, đó là: “Ta báo cho các anh một tin mừng, và sẽ là niềm vui lớn cho toàn thể nhân loại. Đó là hôm nay tại thành Đa-vít, Đấng Cứu Thế là Christ, là Chúa đã giáng sinh.”
Niềm vui lớn cho nhân loại là Chúa Cứu Thế đã Giáng sinh.
Chúa Cứu Thế là Đấng cứu rỗi nhân loại.
Nói như thế có nghĩa là nhân loại đang sống trong tuyệt vọng và đang trông chờ một đấng giải cứu. Tin Đấng giải cứu ấy xuất hiện phải là tin vui cho tất cả mọi người.
Nhiều người còn chưa hiểu nỗi tuyệt vọng của nhân loại là gì nữa. Dĩ nhiên một người không biết mình đang bị tù, thì chẳng bao giờ nghĩ rằng được tự do là hạnh phúc. Một người không ý thức được rằng mình đang sống trong đêm tối, thì chẳng thấy ánh sáng là cần và ra vùng ánh sáng là một đổi thay quan trọng. Một người không biết là mình đang mù lòa thì chẳng khi nào cho sáng mắt là niềm vui lớn nhất. Một người không biết rằng mình đang mắc bệnh nặng thì không thể quan niệm được niềm vui khi lành bệnh.
Nhận thức rằng mình đang sống trong tội ác và cần được giải cứu chính là điều quan trọng nhất giúp ta hiểu được ý nghĩa của Giáng sinh.
Nguyên ý niệm sống trong tội cũng làm cho nhiều người thắc mắc, vì không mấy ai trong đời này muốn nhận là mình đã phạm một tội lỗi nào. Vì nhận như thế rất tai hại. Có thể bị tù tội, bị án toà hoặc là bị mất việc làm, bị sỉ nhục v.v.
Nhưng sống trong tội khác hẳn với vi phạm luật pháp và bị tòa án buộc tội.
Sống trong tội là được sinh ra trong dòng giống loài người mà tổ tiên đã phạm tội, đã chống lại luật của Chúa và bị loại bỏ ra khỏi chỗ thánh khiết, toàn thiện của Chúa mà tiếp tục lầm lạc trong đời sống xa Chúa, xa chân lý và nguồn sống.
Sống trong tội là quen thuộc với lối sống hướng về những dục vọng xấu xa, cốt cho thỏa mãn ích kỷ cá nhân mà không cần hậu quả.
Sống trong tội là ưa thích những điều giả trá, tạm bợ, bề ngoài, mà không tìm đến sự thật, giá trị cao quý bên trong tâm hồn và vĩnh hằng.
Sống trong tội là không thờ kính Chúa mà đi thờ phượng thần tượng giả dối hay không tôn thờ ai cả.
Sống trong tội là bằng lòng với đời sống giả dối, không chân thành, không trung tín và đầy bất công bất nghĩa của mình và xã hội quanh mình.
Sống trong tội là đầy những tư tưởng độc ác, gian trá, phản nghịch, tham lam, ích kỷ, chỉ chờ dịp tiện thực hiện ra hành vi, và như vậy lúc nào cũng có động lực vi phạm pháp luật.
Một người sống trong tội ác, dù muốn hay không cũng đưa đến hậu quả là bị trừng p[hạt. Kinh-thánh cho biết rằng Thượng-đế thánh khiết, toàn thiện, toàn tri, toàn năng đã dành án phạt tội cho mỗi người, và sẵn sàng trừng phạt.
Nếu chỉ có vậy thì không ai cần quan tâm đến đạo Chúa làm gì, vì nếu Chúa chỉ sẵn sàng trừng phạt, thì ai có thể tiếp cận với Ngài được? Vì tất cả nhân loại đều đã phạm tội phản chống Ngài.
Đây là lúc mà lời rao của thiên sứ trong đêm Chúa Giê-xu giáng trần có ý nghĩa và đáng cho mọi người nhận như tin mừng cho chính mình.
Chúa Giê-xu giáng trần để cứu mọi người ra khỏi tội. Đây là tin mừng cho những người tù được tự do, những kẻ mù được sáng mắt, người sống trong đêm tối lần đầu thấy ánh sáng, những kẻ sống trong tội được tha tội và tái tạo.
“Vì Thượng đế thương nhân loại, đã ban cho con trai duy nhất của Ngài là Chúa Giê-xu xuống trần gian, để hễ ai tin nhận người Con ấy, không bị diệt vong mà được hưởng đời sống vĩnh hằng.”
Chúa Giáng sinh là một việc làm đầy tình thương của Thượng Đế để cứu vớt toàn thể nhân loại, để không ai bị Ngài trừng phạt, mà tất cả đều được cứu. Đó là định nghĩa đơn giản nhất về từ cứu rỗi.
Giáng sinh là Thượng đế đã làm công việc của Ngài để cứu nhân loại, vì nhân loại sống trong tội bất lực không thể tự cứu mình.
Thiên sứ loan báo tin mừng, loài người từ đó mở liên hoan ăn mừng, nhưng ăn mừng trong tù, trong cảnh mù loà, trong đêm dài đời người hoàn toàn vô nghĩa. Vì chỉ những ai được tự do, được sáng mắt, được ra khỏi vùng đêm tối mới xứng đáng liên hoan mà thôi. Những người khác, chưa biết tin mừng là gì, chưa hiểu Giáng sinh mang ý nghĩa nào, chưa mời Chúa Giáng sinh vào tâm hồn mình, khi mừng Giáng sinh sẽ không mảy may xúc động về việc Chúa vào đời, mà chỉ liên hoan ăn theo và vui về những giá trị tạm thời của một đêm liên hoan.
Cứu rỗi là điều mà mỗi người kỉ niệm Chúa Giáng sinh phải hiểu, như thế việc tham dự mới có ý nghĩa là niềm vui mới chân thật và giá trị.
Cứu rỗi là gì?
Cứu rỗi theo thần học có ba ý nghĩa:
1. Thứ nhất là được coi là công chính vô tội. Con người phạm tội đối với Chúa phải được giải cứu khỏi cuộc trừng phạt mà hệ thống pháp lý của Chúa đòi hỏi, để người ấy dạn dĩ tiến đến chỗ phục hòa với Chúa, nhưng phải thực hiện sao cho Thượng đế vẫn công chính khi Ngài đại xá và giải cứu. Máu hi sinh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá thay thế cho nhân loại đã làm thỏa mãn Thượng đế về giá mà nhân loại phải trả.
2. Thứ hai, cứu rỗi trong nghĩa thứ hai là cuộc đắc thắng tạm thời. Việc thắng tội ác và Sa-tan đã được hứa qua dòng dõi người nữ Ê-va và được hoàn tất qua cuộc chiến thắng tử thần của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đã sai Thánh Linh đến với người tin Chúa để người ấy tiếp tục thắng Sa-tan.
3. Sau cùng, đó là cuộc giải phóng cuối cùng và hạnh phúc vĩnh hằng, khi Chúa Giê-xu toàn thắng ma quỷ, cùng mọi liên minh của nó, đồng thời khiến người tin Chúa sống lại và đưa họ vào trời mới đất mới để sống vĩnh hằng.
Người tin Chúa Giê-xu Giáng sinh, hi sinh chuộc tội cho mình thì được tha tội, xưng là công chính vô tội và được Thánh Linh tái tạo, bảo vệ, ban an bình và bông trái thiện lành trong đức tính để sống xứng đáng là một người con của Chúa. Từ đó tiếp tục đắc thắng tội và chờ đợi ngày Chúa Giê-xu hoàn thành cuộc cứu rỗi toàn vẹn cho mình, là khi ở với Chúa vĩnh viễn.
Cứu rỗi trong ý nghĩa Việt ngữ:
Có người nói rằng: Mỗi người trên đời đều có một nhu cầu quan trọng nhất, đó là được Chúa cứu. Nói như thế ngụ ý rằng: nếu chưa được Chúa cứu ra khỏi hoàn cảnh tội lỗi, nghĩa là chưa được Chúa tha thứ tội ác, chưa được tái tạo để làm một người trong nhân loại mới, thì dù người ấy là ai, sở hữu những gì, cũng không đáng kể.
Trong ngôn ngữ Việt Nam có một từ diễn tả tình trạng được Chúa cứu đầy đủ nhất, đó là Cứu Rỗi. Trong các ngôn ngữ việc được Chúa ban ân điển, tha thứ tội phạm, cho từ cõi chết sang cõi vĩnh hằng đều gọi là: Cứu. Người ta có thể thêm: Cứu độ, Cứu chuộc, Cứu vớt. Nhưng chủ yếu vẫn chỉ là Cứu. Như cứu một người khỏi đám lửa cháy; cứu vớt một người chết đuối trong nước, cứu một người khỏi tai nạn hay khỏi một hoàn cảnh khó khăn.
Riêng trong Việt Ngữ, chữ Cứu được thêm chữ Rỗi.
Rỗi nghĩa là gì?
Theo Bộ tự điển Việt – Pháp Dictionaire Annamite – Francaise của J. F. MGenibrel, in tại Imprimerie De La Mission à Tân Định 1898 thì chữ Rỗi được giải nghĩa như sau:
Rỗi. 1. Salut, m. sauver, délivrer, a. Tirer d’embarras.
Rỗi linh hồn, Sauver son âme. Faire son salut.
Phần rỗi, le salut.
Phóng lịnh tiễn mà rỗi, Envoyer, tendre le sceptre, le bâton en signe de grace.
Xin rỗi cho nó, Sauver-le; Tirez-le d’embarras, de ce mauvais pas.
Truyền rỗi, Faire grace à un condamné.
Đặng rỗi, Pouvoir se sauver; Pouvoir sauver.
Việc rỗi linh hồn, S’occuper de son salut; Travailler à son salut.
2. Rỗi (T),Repos, loisir, m.
Rỗi việc, id. Lúc rỗi, Moment de repos, de loisir. Khi rỗi, id.
3. Tằm ăn rỗi (T), Les vers à soie mangent les feuilles entières du murier.
(T) là Tonkin ngày xưa dưới Pháp thuộc là Bắc Việt.
Theo Bộ Từ Điển Tiếng Việt 1992 của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam – Viện Ngôn Ngữ Học thì chữ Rỗi được giải nghĩa như sau:
Rỗi. 1. Ở trạng thái ít hoặc không làm việc phải làm. Tranh thủ lúc rỗi đọc truyện. Rỗi việc. Rỗi tay. Gửi quỹ tiết kiệm số tiền để rỗi.
2. (Linh hồn) được cứu vớt khỏi mọi ràng buộc tội lỗi, được giải thoát, theo quan niệm của một số tôn giáo. Tu cho được rỗi phần hồn. Cứu rỗi linh hồn.
Căn cứ vào những định nghĩa của các Bộ Từ Điển, ta có thể hiểu Cứu Rỗi trong Tiếng Việt là: Được cứu từ tối qua sáng, từ chết qua sống, được giải thoát khỏi cảnh lầm than, được an nghỉ trong an bình và không bao giờ phải rơi lại vào tình trạng cũ nữa.
Như thế từ Cứu Rỗi của Việt ngữ mang ý nghĩa được cứu hoàn toàn và dứt khoát ra khỏi một hoàn cảnh và được an nghỉ không còn lo sợ phải bị rơi trở lại hoàn cảnh đó.
Cứu Rỗi không phải chỉ là được giải thoát hay giải phóng khỏi một hoàn cảnh hay tình huống, nhưng còn là được đưa vào một hoàn cảnh mới, sung sướng hạnh phúc và được thỏa lòng.
Người tin Chúa là được Chúa cứu vớt từ cõi tối tăm, cõi chết, để vào cõi ánh sáng, cõi sống, cõi vĩnh hằng.
Rô-ma 6:22 ghi rằng:
Nhưng bây giờ anh em đã được giải phóng khỏi tội lỗi (đó là được cứu) và trở nên nô lệ của Đức Chúa Trời, thì kết quả mà anh em được là sự thánh hóa, và cuối cùng được sự sống đời đời (đó là được rỗi).
Sứ đồ Phao-lô trong Rô-ma chương 8 nói đến sự sống mới trong Thánh Linh, đó là phần Rỗi của những người đã tin Chúa và được cứu. Câu 4 đến 8 ghi:
“…để sự công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh. Thật thế, những ai sống theo xác thịt thì chú tâm vào những việc thuộc về xác thịt; còn những ai sống theo Thánh Linh thì chú tâm vào những việc thuộc Thánh Linh, Chú tâm vào xác thịt thì sinh ra sự chết, còn chú tâm về Thánh Linh sinh ra sự sống và bình an; vì tâm trí hướng về xác thịt thì thù nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không thuận phục luật pháp của Đức Chúa Trời; thực ra nó không có khả năng để thuận phục. Người nào sống theo xác thịt thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời. ”
Thưa quý vị và các bạn,
Giáng sinh chỉ có ý nghĩa đối với người tham dự kỉ niệm, khi người ấy biết cứu rỗi là gì và bằng lòng hạ mình tin nhận Chúa Giê-xu để được cứu rỗi. Nếu không, việc kỉ niệm dù linh đình đến đâu cũng vô nghĩa đối với người không bao giờ mời Chúa Giê-xu vào làm chủ tâm hồn và cuộc đời mình.
(Nguồn: Nguyễn Sinh – vietchristian.com)