Hãy Yêu Quý Các Mục Sư (Không Hoàn Hảo) Của Chúng Ta

Share

Vui mừng đời đời trong Jêsus Christ

Gần như cả đời tôi, các mục sư của tôi đều lớn tuổi hơn tôi — họ là những người rất lớn tuổi. Điều nầy chẳng làm tôi thấy ngại gì cả. Từ khi còn nhỏ, rồi đến tuổi thiếu niên, sau đó trở thành một phụ nữ trẻ tuổi tìm cách lớn lên ở trong Đấng Christ, tôi đón nhận thẩm quyền và sự khôn ngoan của các mục sư lớn tuổi hơn mình. Nhưng bây giờ tôi đã ở độ tuổi trung niên, tôi bắt đầu để ý một điều: những người Chúa gọi làm người chăn bầy đều là những bạn trạc tuổi mình hoặc nhỏ hơn mình.

Khi tôi bắt đầu để ý đến xu hướng nầy, tôi phản ứng bằng cách cười nhẹ rằng: Vậy thì mình nghĩ lớn lên có nghĩa là sẽ lớn tuổi hơn các mục sư. Nhưng càng sống lâu chừng nào thì tôi thấy mình hoặc là người trạc tuổi hoặc là người chị lớn tuổi hơn các mục sư của mình ở trong Đấng Christ, tôi đã đối diện với những cám dỗ về sự kiêu ngạo rất khó hiểu.

Tất nhiên, những cám dỗ liên quan đến thẩm quyền của mục sư không phải là điều duy nhất xảy ra với tôi. Một vài người trong chúng ta chắc hẳn phải đã có những lúc khó khăn hơn với một mục sư lớn tuổi hơn, hoặc một mục sư mới về, hoặc một mục sư thiếu kinh nghiệm, hoặc một mục sư có quá nhiều kinh nghiệm. Đối với hết thảy chúng ta là những người còn sống trước giai đoạn trời mới đất mới, thì thẩm quyển — ngay cả thẩm quyền được Chúa ban đi nữa — đều khiến chúng ta nổi cáu.

Tuy nhiên, trong thư tín của sứ đồ Phao-lô gửi cho Hội thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca, ông đưa ra một thái độ khác xa với việc nổi cáu để đối diện với thẩm quyền của mục sư như sau:

Thưa anh em, chúng tôi xin anh em hãy kính trọng những người đang làm việc vất vả giữa anh em, là những người vì Chúa mà hướng dẫn và khuyên bảo anh em. Hãy lấy lòng yêu thương mà tôn kính họ vì công việc họ làm (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12-13)

Cơ Đốc nhân nên đối đãi với các mục sư của họ như thế nào? Kính trọng họ. Yêu thương họ. Tôn kính họ. Với những điều nầy, chúng ta hãy suy xét ba cạm bẫy cần tránh khi đối đãi với các mục sư của mình, hầu cho chúng ta biết bày tỏ sự kính trọng đúng đắn khi lấy lòng yêu thương mà tôn kính họ.

Từ bỏ những kỳ vọng siêu phàm

Trước hết, đừng để những mong đợi siêu phàm nào đó thay thế cho sự nhiệt tình. Khi chúng ta bước vào bất kỳ buổi nhóm nào cùng với dân sự của Đức Chúa Trời, cho dù đó là buổi nhóm đông người vào ngày Chúa Nhật, hay buổi nhóm ít người vào tối thứ Tư, hay trao đổi một kèm một cùng với mục sư, chúng ta thường dẫn theo những mong đợi. Những kỳ vọng ấy là đúng và tốt đẹp nếu chúng thuận theo những gì Kinh Thánh dạy. Chúng ta nên kỳ vọng các mục sư của mình sẽ dẫn chúng ta bước vào sự thờ phượng Chúa, bắt chước theo tâm tánh của Đấng Christ, và dạy dỗ chúng ta theo Lời Chúa, chứ không phải theo ý riêng của thế gian.

“Kính trọng các mục sư của mình có nghĩa là từ bỏ những kỳ vọng siêu phàm và thay thế bằng sự sốt sắng”.

Nhưng khi chúng ta kỳ vọng các mục sư phải cư xử hoặc quyết định thế nào đó cho vừa ý hoặc phù hợp với lộ trình của mình, thì chúng ta sẽ mất đi lòng sốt sắng khi dự phần thờ phượng Chúa với hội chúng của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ thấy một kỳ vọng không được đáp ứng ở một lĩnh vực nào đó sẽ mau chóng trở thành rất nhiều kỳ vọng dành cho mục sư và việc làm của họ ở những khía cạnh khác. Khi mục sư không đáp ứng được kỳ vọng trong lĩnh vực tâm vấn, thì kỳ vọng nầy sẽ nhân lên bội phần thành rất nhiều kỳ vọng đặt ra cho những uỷ ban mà họ đang ưu tiên và ngay cả ngày nghỉ của họ cũng bị cho vào mục nghi vấn nữa.

Kính trọng mục sư của chúng ta có nghĩa là từ bỏ những kỳ vọng siêu phàm và thay thế bằng sự sốt sắng trong mọi việc Đức Chúa Trời làm — trên đời sống của các mục sư và đời sống của chính chúng ta — bởi công tác siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng ta một cách bất ngờ khi chúng ta từ bỏ những kỳ vọng riêng của mình, đón nhận các mục sư là những người được Chúa tạo nên — tuy họ không hoàn hảo và vẫn còn phải tăng trưởng, nhưng họ được chỉ định làm mục sư vì ích lợi của chúng ta.

Dập tắt tinh thần công tố viên

Thứ hai, chớ để tinh thần chỉ trích thay thế tư tưởng phê bình. Một nghĩa vụ quan trọng và nghiêm túc mà Hội thánh nào cũng phải có giống như các tín hữu ở thành Bê-rê “đều sẵn lòng chịu lấy đạo”, nhưng “cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công-vụ 17:11). Sự sốt sắng tiếp nhận Lời Chúa của họ không giảm đi vào các ngày trong tuần.

Đáng tiếc thay, một vài người trong chúng ta là người học Lời Chúa nghĩ rằng chúng ta đã có vốn liếng thần học rồi, nên phản ứng của chúng ta thường nghiêng về tra xét và ít khi tiếp nhận. Thay vì giống như các tín hữu ở thành Bê-rê là những người được học biết và vui mừng giữ lấy Lời Chúa để xét lời giản có thật chăng, thì chúng ta trở thành hạng người quá mẩn cảm giống như mấy chiếc xe kêu lên inh ỏi trong khi người khác chỉ đi ngang qua và chưa chạm vào.

Khi các mục sư của chúng ta thi hành thẩm quyền qua việc dạy dỗ Lời Chúa, và ngay cả khi họ khuyên răn chúng ta, thì chúng ta nên có thái độ theo thứ tự là tiếp nhận rồi tra xét Lời Chúa. Nếu sau khi tra xét Lời Chúa xong, mà chúng ta nghĩ mục sư nào đó không vận dụng đúng Lời Chúa, thì chúng ta cần phải gặp người đó trong tình yêu thương và khiêm nhường đưa ra vấn đề. Nhưng nếu mục sư đó đã vận dụng đúng Lời Chúa — nếu mục sư đã trình bày Lời Chúa cách trung tín, ngay cả khi chưa thực sự hoàn hảo — thì chúng ta cần phải cầu xin Đức Chúa Trời giúp chúng ta dập tắt tinh thần công tố viên của mình và “đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em” (Gia-cơ 1:21).

Từ bỏ những đoán xét mập mờ

Sau cùng, đừng để sự đoán xét thiếu tình yêu thương thay thế lòng yêu thương chân thành. Trong một xã hội đã bị phân cực của ngày hôm nay, sự đa nghi của những kẻ không thuộc về “chi phái” của chúng ta đang có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng sự nghi ngờ ấy trở nên nghiêm trọng hơn khi nhắm vào những người có thẩm quyền. Nhiều người ngày hôm nay đang đề cao tư cách đạo đức và những chi tiết khác để nghi ngờ ai đó có “thẩm quyền” với động cơ xấu xa. Có nhiều trường hợp như thế ở khắp trên mạng nói về tình trạng lạm dụng quyền lực, tạo ra thêm lý do chính đáng để nghi ngờ. Khi chúng ta để cho những trường hợp ấy và các câu chuyện ở khắp nơi tô thắm góc nhìn của mình, rồi sự nghi ngờ sanh ra với cái mác của sự khôn ngoan. Nhưng sự nghi ngờ không giống với sự phân biện thánh.

Sự nghi ngờ, giống như sự cay đắng xấu xa, là một bầy với nhau. Một khi đã đâm rễ thì rất khó để bứng gốc. Sự nghi ngờ nói với chúng ta về động cơ của người khác là rất xấu, còn chúng ta (và những ai thuộc về chi phái của chúng ta) thì trong sạch. Sự nghi ngờ nói các mục sư của chúng ta chẳng khác gì các mục sư nổi tiếng ngoài kia đã bị bắt quả tang về những vụ bê bối nào đó. Sự nghi ngờ nói các mục sư của chúng ta chỉ quan tâm đến mục vụ của họ mà thôi — họ không thực sự yêu thương chúng ta đâu. Sự nghi ngờ làm cho những điều nhỏ nhặt chưa hoàn hảo nào đó (mục sư nào cũng có!) trở thành bằng chứng gây ra các vụ bê bối đạo đức nghiêm trọng. Tệ hơn hết là sự nghi ngờ khiến chúng ta đứng vào vị trí của Đức Chúa Trời, đoán xét tùy tiện những đối tượng mà chúng ta cần phải kính trọng bằng tình yêu thương.

Đừng hiểu sai ý tôi — Đức Chúa Trời đã phán rất rõ là các mục sư phải có phẩm chất tốt (1 Ti-mô-thê 3:1-7). “Người giám mục làm kẻ quản lý nhà Đức Chúa Trời thì phải cho không chỗ trách được” (Tít 1:7). Nhưng sự nghi ngờ thường rất hay trong việc thuyết phục chúng ta có thể nhìn thấy điều ác ở trong lòng của các mục sư đó.

Hãy tôn kính họ

Chúng ta sẽ không tôn kính các mục sư của mình trong tình yêu thương nếu chúng ta vẫn còn những kỳ vọng siêu phàm, hoặc là tinh thần chỉ trích đầu độc khả năng tiếp nhận sự dạy dỗ của chúng ta, hoặc là sự nghi ngờ làm cho chúng ta thiếu tình yêu thương, đoán xét phẩm chất của họ một cách tùy tiện.

“Thẩm quyền của mục sư là vì ích lợi của chúng ta, bất luận những câu chuyện ngoài kia có thuyết phục hay không”.

Giải pháp cho vấn đề gồm có ba điều: ăn năn, tin cậy Chúa và cầu nguyện. Hãy có thái độ ăn năn tội lỗi về thái độ của chúng ta đối với các mục sư. Hãy tin cậy đường lối của Đức Chúa Trời là tốt lành, vì thẩm quyền của mục sư là vì ích lợi của chúng ta, bất luận những câu chuyện ngoài kia có thuyết phục hay không. Hãy cầu nguyện cho các mục sư thường xuyên — mà không thấy khó chịu hay phô trương. Hãy xin Chúa làm nhiều việc lành ở trên đời sống các mục sư của chúng ta: để biến đổi họ càng trở nên giống như ảnh tượng của Đấng Christ, để họ có sự khiêm nhường và không bị hoen ố bởi thế gian, để họ làm mọi việc bằng quyền phép của Đức Thánh Linh.

Chẳng có cách nào tốt hơn để kính trọng các mục sư của chúng ta trong tình yêu thương bằng việc cầu thay cho họ ở trước mặt Đức Chúa Trời. Lời cầu thay của chúng ta dành cho các mục sư ở trước mặt Chúa sẽ bắt đầu làm mềm mại tấm lòng của chúng ta, để yêu thương họ như Chúa yêu họ, để lời nói và cách cư xử của chúng ta sẽ càng thêm bày tỏ sự kính trọng dành cho họ.

 

Góc nhìn của Desiring God

(Nguồn: https://tienphong.org/hay-yeu-quy-cac-muc-su-cua-ban/)


Desiring God bắt đầu từ năm 1994 khi John Piper giao lại mục vụ ghi âm cho trợ lý của ông là Jon Bloom. Từ những băng đĩa và một vài quyển sách của John Piper, mà Desiring God đã trở thành một mục vụ quốc tế ở trên mạng điện tử với hơn 12,000 tài liệu miễn phí và có khoảng 3,5 triệu người truy cập mỗi tháng. Hôm nay, John Piper vẫn là giáo sư lãnh đạo mục vụ nầy.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan