“Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ cũng hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu. Hãy thổi kèn trong Si-ôn; hãy định sự kiêng ăn, gọi một hội đồng trọng thể!” (Giô-ên 2:12,15)
Trong Ma-thi-ơ 6:1-18, Chúa Giê-su cho biết KHI LÀM NHỮNG ĐIỀU SAU ĐÂY, thì phải làm như sau:
2 Vì thế, khi con làm việc từ thiện, đừng thổi kèn trước mặt thiên hạ như phường đạo đức giả thường làm trong hội đường và ngoài phố để được người ta khen ngợi.
5 “Khi các con cầu nguyện, đừng như bọn đạo đức giả;
16 “Khi các con kiêng ăn, đừng để mặt mày bơ phờ như phường đạo đức giả, vì họ làm mặt buồn để người ta thấy họ kiêng ăn.
Khi Chúa Giê-su nói “Khi các con” có nghĩa là khi nào làm việc từ thiện, khi nào cầu nguyện, hay khi nào kiêng ăn thì đừng làm những việc như sau. Kiêng ăn là công việc bình thường của người Y-sơ-ra-ên từ Cựu Ước đến Tân Ước và chúng ta là người Y-sơ-ra-ên thuộc linh. Như thế, có nghiã là ngày nay tín đồ Cơ đốc phải xem việc kiêng ăn là chuyện bình thường và thói quen tốt cần có như làm việc thiện và cầu nguyện.
Trong Ma-thi-ơ 9:14,15 tường thuật: ‘14 Các môn đệ của Giăng đến hỏi Ngài: “Tại sao chúng tôi và người Pha-ri-si kiêng ăn, còn môn đệ của Thầy không kiêng ăn?”15 Đức Giê-su đáp: “Các chàng phụ rể không thể buồn rầu đang khi chàng rể còn ở với mình. Khi chàng rể bị đem đi khỏi, lúc bấy giờ họ mới kiêng ăn”.’
Ý của Chúa Giê-su trả lời cho câu hỏi trên là vì Ngài còn ở thế gian với môn đồ của Ngài, nên họ không cần phải kiêng ăn, nhưng sau khi Chúa Giê-su thăng thiêng thì họ mới kiêng ăn. Tuy nhiên, khi đối diện với đứa trai bị quỷ ám, họ không đuổi được, các môn đồ Chúa Giê-su hỏi Ngài chỉ cách cho họ đuổi quỷ và Ngài trả lời họ trong Ma-thi-ơ 17:21 là “Những loài quỷ này chỉ trừ được bằng sự cầu nguyện và kiêng ăn.” Điều này cho chúng ta thấy rõ, kiêng ăn là điều ai là môn đệ của Ngài đều phải làm.
Vậy, nếu không kiềm chế sự ăn uống sẽ có tai hại gì? Và sự kiêng ăn đem đến ích lợi gì?
1. Không kìm chế ăn uống sẽ có nhiều hậu quả tai hại
– A-đam và Ê-va vì ăn trái cây Chúa cấm, họ mất vườn Ê-đen, con cái giết nhau, tội lỗi vào trong thế gian.
– Ê-sau vì tham ăn mà bán quyền trưởng nam và mất phước hạnh, sau này ăn năn thì đã muộn (Sáng thế 25:29-34; Hê-bơ-rơ 12:16,17)
– Thành Sô-đôm vì ăn uống phè phỡn, bỏ thức ăn thừa mứa không giúp đỡ những người nghèo nàn, khốn khổ nên bị hủy diệt (Ê-xê-chi-ên 16:49,50)
Dân Y-sa-ra-ên thèm ăn thịt cá, dưa hành củ kiệu, họ kêu xin Chúa cho thịt. Khi Chúa cho chim cúc, họ tham ăn nên có nhiều người chết trong ngày đó và không được vào đất hứa.
Dân số 11:32-34 “ 32 Dân sự đứng dậy lượm chim cút suốt ngày và đêm hôm đó cùng trọn ngày hôm sau, mỗi người đều lượm thịt, người ít nhất cũng lượm được cả ngàn lít. Người ta căng chim cút ra phơi khắp chung quanh trại quân. 33 Nhưng khi ăn, thịt chim mới vào đến răng, chưa kịp nhai thì CHÚA nổi thịnh nộ hình phạt dân sự bằng một tai ách rất nặng. 34 Địa điểm này được gọi là Kíp-rốt Ha-tha-va, Nghĩa là mồ chôn dục vọng vì là nơi chôn xác của những người tham ăn.”
– Vua Bên-xát-xa vì thích ăn uống, ông thiết đãi 1000 đại thần, khi thấm rượu ông sai đem những ly và chén vàng trong đền thờ Giê-ru-sa-lem dùng, ngay đêm ấy ông bị ám sát chết (Đa-ni-ên 5).
2. Kiêng ăn có ích lợi gì?
A-đam đầu tiên thất bại trước ma quỉ chỉ vì ăn. Chúa Giê-su là A-đam thứ hai đến thế gian thử thách đầu tiên trước khi thi hành chức vụ là kiêng ăn 40 ngày. Cám dỗ mà Satan cám dỗ Ngài đầu tiên là hoá đá thành bánh để ăn. Chúa Giê-su đã đắc thắng cái ăn và Ngài đầy dẫy quyền năng Đức Thánh Linh (Lu-ca 4:1-14).
a. Kiêng ăn làm mạnh mẻ đời sống tâm linh
Kiêng ăn không phải là phương cách làm để nhận sự cứu rỗi hay để được Chúa chấp nhận mình. Chúng ta được Chúa cứu, tiếp nhận và nhận tất cả tặng phẩm từ thiên đàng qua Chúa Giê-su là nhờ ân điển bởi đức tin mà được.
Kiêng ăn là gạt bỏ thức ăn hay nhịn ăn một hoặc nhiều buổi ăn và thức ăn. Vì con người xác thịt chúng ta có nhiều sự đòi hỏi và ham muốn. “tâm linh thì mong muốn nhưng thể xác lại yếu đuối” (Ma-thi-ơ 26:41). Kiêng ăn là không chú ý đến những điều thuộc thể, những điều của thế gian là những điều quấy nhiểu cản trở chúng ta đến gần với Chúa. Chúng ta chú trọng đến sự đói khát tâm linh, đói khát sự công chính của Ngài (Ma-thi-ơ 5:6). Chúng ta hạ mình ăn năn mọi tội lỗi, muốn Chúa thay đổi con người bên trong để dẫn đến sự biến đổi bên ngoài. Khi con người bên trong biến đổi thì con người bên ngoài và hoàn cảnh sẽ biến đổi. Chúng ta xác định là mình cần Chúa và lệ thuộc vào Ngài. Chúng ta muốn sống trong sự hướng dẫn của Chúa và được sử dụng cho mục đích cao cả của Ngài.
b. Kiêng ăn bẻ gảy ách và xiềng xích
“Sự kiêng ăn mà Ta chọn lựa, há chẳng phải là bẻ (mở ra, không cho chặn lại, bẻ gãy) những xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gãy mọi ách, hay sao?” I-sa 58:6
Nước Giu-đa bị 3 nước hùng mạnh bao vây tấn công, tưởng như hoàn toàn bị diệt. Vua Giê-hô-sa-phát kêu gọi cả nước hiệp lại kiêng ăn. Chúa ban cho họ đắc thắng vẻ vang, mà không cần ra trận tốn sức, ngoài ra họ còn thu nhặt ba ngày mới hết chiến lợi phẩm của kẻ thù (2Sử ký 20).
3. Kiêng ăn khai phóng sự dư dật tài chánh, không còn sống trong thiếu thốn, xấu hổ và đắc thắng tiêu diệt mọi kẻ thù.
Giô-ên 2:12-20 12 CHÚA phán: “Ngay giờ này, Các con hãy dốc lòng trở về cùng Ta, Hãy kiêng ăn, khóc lóc, và đấm ngực kêu van. 13 Hãy xé luôn cả lòng các con, Đừng chỉ xé áo mà thôi.” Hãy trở về với CHÚA, Đức Chúa Trời của ông bà, Vì Ngài nhân từ, thương xót, Chậm giận, kiên định trong tình yêu thương, Và vui lòng đổi ý, không giáng tai họa. 14 Biết đâu Ngài sẽ nghĩ lại và đổi ý, Để lại phúc lành theo sau Ngài: Lễ ngũ cốc và rượu Để dâng lên CHÚA, Đức Chúa Trời của ông bà. 15 Hãy thổi tù và tại Si-ôn, Hãy rao truyền sự kiêng ăn, Hãy loan báo buổi họp trọng thể!… 18 Bấy giờ CHÚA tỏ lòng nhiệt thành đối với đất mình, Và thương xót dân mình. 19 CHÚA đáp lời dân Ngài: Này, Ta ban cho các con lúa mì, rượu mới, và dầu; Các con sẽ no nê thỏa thích. Ta sẽ không bao giờ để các con Phải chịu sỉ nhục giữa các dân các nước nữa. 20 Quân thù phương bắc, Ta sẽ đẩy xa khỏi các con, Đuổi chúng đến vùng đất khô cằn hoang vắng. Tiền quân của chúng sẽ sa xuống biển đông, Hậu quân của chúng sẽ sa xuống biển tây.
Kinh Thánh cho biết mỗi khi dân Y-sa-ra-ên hạ mình tìm kiếm Chúa là họ kiêng ăn cầu nguyện.
4. Kiêng ăn giúp chúng ta đầy dẫy quyền năng của Thánh Linh, đắc thắng quyền lực của satan
Chúa Giê-su dạy trong Ma-thi-ơ 17:21 “Những loài quỷ này chỉ trừ được bằng sự cầu nguyện và kiêng ăn.” Nghiã là có những nan đề lớn, sự tấn công mạnh từ ma quỷ, chúng ta cần bước vào sự kiêng ăn để chống cự lại chúng.
Thẩm phán đoạn 19 và 20 câu chuyện người chi phái Bên-gia-min hảm hiếp người vợ bé của người Lê-vi, cả nước họp lại đánh người Bên-gia-min nhưng không thắng cho đến khi họ kiêng ăn cầu nguyện.
Khi Chúa Giê-su chịu Báp-tem, Ngài đầy dẫy Thánh Linh. Nhưng sau khi kiêng ăn 40 ngày, Ngài đầy dẫy quyền năng Đức Thánh Linh. “1 Đức Giê-su đầy dẫy Thánh Linh, từ sông Giô-đanh trở về và được Đức Thánh Linh đưa vào đồng hoang. 14 Đức Giê-su đầy quyền năng của Đức Thánh Linh, trở về Ga-li-lê. Tiếng đồn về Ngài lan khắp các vùng lân cận (Lu-ca 4:1,14).
Môi-se, vua Đa-vít, Giô-sép, Đa-ni-ên, hoàng hậu Ê-xơ-tê, các môn đệ Chúa Giê-su và nhiều nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh là những con người giàu có, khôn ngoan, có danh tiếng, thành công và đắc thắng thế giới tối tăm vì họ kiêng ăn tìm kiếm Chúa.
5. Kiêng ăn nghe tiếng Chúa, mở cánh cửa cho tương lai: chổ sản sinh khải tượng và sứ mạng
Khi Sứ đồ Phê-rơ kiêng ăn, Chúa bày tỏ khải tượng vô cùng lớn lao là sự cứu rỗi không chỉ dành cho người Do thái mà cho tất cả mọi người trên thế giới (Công vụ 10;11).
Phao-lô kiêng ăn uống 3 ngày 3 đêm Chúa sai A-na-nia đến bày tỏ sứ mạng cho ông phải làm gì trong tương lai (Công vụ 9:1-17).
Hội Thánh An-ti-ốt trong khi kiêng ăn thờ phượng Đức Thánh Linh bày tỏ ý định và sứ mạng là Ngài sai Ba-na-ba và Phao-lô đi truyền giáo (Công vụ 13:1-3).
Kiêng ăn là một trong cách rất quan trọng áp dụng kỷ luật và khắc phục thân thể (1Cô-rinh-tô 9:27), không cho thân thể chìu theo sự đòi hỏi của xác thịt, nhưng phải bắt nó vâng phục Chúa, khiến tâm linh chúng ta nhạy bén với những điều thuộc linh và tiếng Chúa.
6. Kiêng ăn với sự cầu thay sẽ thay đổi ý định Chúa, người đáng bị chết nhưng được sống
Khi Giô-na rao giảng về sự án phạt Ngài sẽ giáng trên thành Ni-ni-ve vì họ phạm tội. Nghe Giô-na giảng họ ăn năn rồi kiêng ăn trở về cùng Chúa Ngài thay đổi không giáng tai họa cho họ (Giô-na 3)
Khi dân Y-sa-ra-ên nổi loạn cùng Chúa, và Ngài muốn tiêu diệt họ, và Ngài cũng muốn giết A-rôn là người xui dân Y-sơ-ra-ên phạm tội. Nhưng Môi-se kiêng ăn 40 ngày và 40 đêm cầu thay và Đức Chúa Trời đổi ý định, Ngài tha thứ cho họ (Phục truyền 9:11-20)
7. Kiêng ăn thay đổi hoàn cảnh, được nâng lên chức vụ cao – trổi hơn người khác gấp 10 lần
Vua Ma-na-se là vị vua gian ác bị bắt làm tù binh, họ cột vua bằng xích đồng và móc mũi vua dẫn về Baby-lôn. Trong lúc hoạn nạn, ông kiêng ăn hạ thật thấp tìm kiếm Chúa. Từ người tù binh Chúa khiến ông được trở về Giê-ru-sa-lem làm vua (2Sử ký 33:1-13).
Đa-ni-ên và 3 người bạn kiêng ăn những thức ăn ngon của vua, họ ăn rau và nước lả trong 10 ngày. Chúa khiến họ trở nên khôn ngoan, được ân huệ trước quan và vua. Vua Nê-bu-cát-nết-xa sau khi thử họ thấy Đa-ni-ên và 3 người bạn này khôn ngoan gấp 10 lần hơn bất cứ pháp sư và thuật sĩ trong toàn đế quốc. Một năm sau họ được thăng tiến, Đa-ni-ên làm thủ tướng còn 3 người bạn ông làm tổng trưởng.
8. Kiêng ăn thay đổi lịch sử, thay đổi chiếu chỉ vua, từ bị xử tử mất của cải; đổi sang kẻ thù bị tiêu diệt và có nhiều của cải
Trong sách Ê-xơ-tê, có Ha-man là người gian ác tìm cách diệt chủng dân Giu-đa vì ông ghét Mạc-đô-chê. Hoàng hậu Ê-xơ-tê kêu gọi cả nước kiêng ăn cầu nguyện, họ không ăn uống trong suốt 3 ngày 3 đêm. Sau khi kiêng ăn xong, Chúa lật ngược tình thế, dân Giu-đa thoát khỏi họa diệt chủng. Họ tiêu diệt kẻ thù mình, chiếm lấy tài sản của kẻ thù và trở nên thịnh vượng. Ha-man bị treo trên cây gỗ mà chính ông dự định treo Mạc-đô-chê, và Mạc-đô-chê từ người gát cổng được Vua cho làm tể tướng. Tài sản của Ha-man được giao cho Ê-xơ-tê; dân Giu-đa trước đây bị áp bức, bây giờ được tôn trọng vinh hiển. Ngày nay dân Do Thái vẫn còn giử lễ Phu-rim mỗi năm kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi sự diệt chủng và ban phước cho họ.
9. Cách kiêng ăn
a. Kiêng ăn ngắn hạn
Nhịn một buổi ăn, nhịn từ sáng đến chiều. Một tuần một lần hay một tháng một lần, tùy lòng mình định hay do nơi Đức Thánh Linh dẫn dắt.
b. Kiêng ăn dài hạn và trọn thời gian.
Sự kiêng ăn dài hạn và trọn thời gian (không ăn hay không ăn và uống dài hạn) đòi hỏi sự khôn ngoan và mặc khải từ Chúa. Muốn kiêng ăn dài hạng phải kiêng ăn ngắn hạn trước để bao tử quen làm việc. Sau khi kiêng ăn xong nên ăn những thức ăn lỏng cho bao tử dễ tiêu hoá như: cháo…, giúp bao tử làm nhẹ và từ từ việc sau thời gian nghỉ.
Mỗi người tùy theo sự hướng dẫn của Chúa, lượng đức tin của mình, khả năng sức khỏe của mình (nên gặp bác sĩ trước khi có những ngày kiêng ăn lớn từ 10 ngày trở đi).
c. Các ngày kiêng ăn trong Kinh Thánh:
40 ngày không ăn uống như Môi-se (đừng làm nếu Chúa không bày tỏ chính xác).
40 ngày uống nước, như Chúa Giê-su.
21 Ngày kiêng ăn theo cách của Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 10). Mang tính cách cuộc chiến thuộc linh.
3 ngày không ăn uống như Ê-xơ-tê (đừng làm nếu không có sức khỏe tốt và không được Đức Thánh Linh dẫn dắt).
10 ngày ăn rau uống nước lạnh. Kiêng ăn cách của Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 1).
1 ngày như Vua Giê-hô-sa-phát kêu gọi hiệp một kiêng ăn toàn quốc.
d. Kiêng ăn chỉ uống chất lỏng hay ăn những thức ăn nhẹ.
Nếu phải làm việc bạn có thể kiêng ăn đến trưa hoặc đến buổi chiều. Tuỳ sức khoẻ và sự hướng dẫn của Chúa. Điều quan trọng là trong suốt thời gian kiêng mình để hết lòng tìm kiếm Chúa.
Uống sữa, sữa đậu nành, uống nước trái cây hoặc rau cải. Uống ngũ cốc được xay mịn pha nước nóng, súp… Ăn các loại hạt dinh dưỡng xay mịn như: Chia seeds.
Tránh uống những thứ có chất chua nhiều acid như nước chanh…
e. Những điều cần làm khi kiêng ăn
Khi kiêng ăn bạn sẽ bị cám dỗ như Chúa Giê-su, bạn sẽ đối diện với sự thèm muốn thức ăn, bạn sẽ có những người quan trọng mời bạn dự tiệc. Nhưng bạn phải dứt khoát là tôi muốn biệt riêng thì giờ này với Chúa. Xin Đức Thánh Linh giúp mình làm trọn sự kiêng ăn.
Xin Chúa bày tỏ những tội lỗi, sự yếu đuối, giải hoà với những người làm mình tổn thương. Xin Đức Thánh Linh giúp sức để thay đổi hầu sống đẹp lòng Chúa hơn.
Dành thời giờ đọc và suy ngẫm Kinh Thánh, cầu nguyện và thờ phượng Chúa. Nếu không biết đàn hoặc hát thì mở nhạc nghe.
Cầu nguyện sau đó im lặng lắng nghe sự bày tỏ của Chúa về những điều Chúa muốn mình làm và sau đó ghi xuống tập.
Kiêng ăn cầu nguyện là điều bình thường trong suốt Kinh Thánh. Chính Chúa Giê-su đã làm gương, và dạy chúng ta phải làm gì khi kiêng ăn. Sau khi Chúa Giê-su thăng thiên các môn đệ Chúa vẫn làm tiếp tục làm điều này. Muốn trở thành người dũng sĩ và người làm việc vĩ đại của Đức Chúa Trời, chúng ta cần có tâm linh mạnh mẻ là người có kỷ luật thuộc linh. Kiêng ăn cầu nguyện, hạ mình tìm kiếm Chúa phải là điều bình thường đối với Cơ-đốc nhân. Đây là một trong phương pháp quan trọng giúp chúng ta kỷ luật con người xác thịt, để sống giống Chúa Giê-su và mặc lấy quyền phép để hầu việc Ngài.
Kinh Thánh cho chúng ta biết có những anh hùng đức tin, họ kiêng ăn vì đất nước dân tộc mình, vì những linh hồn hư mất, vì muốn dự phần cho chương trình của Đức Chúa Trời. Họ khao khát được biết ý Chúa để hầu việc Ngài như Đa-vít, Mạc-đô-chê, Đa-ni-ên, Môi-se, Ê-xơ-tê, các muốn đồ và sứ đồ như Phê-rơ, Phao-lô… Ước mong chúng ta có nhiều người tham gia kiêng ăn để đến gần Chúa nhạy bén với tiếng Ngài, và được Chúa dùng mình cho mục đích cao cả là cho Hội Thánh mình, nước Việt Nam và cho vương quốc Ngài. A-men.
Mục sư Trương Hoài Phong