Nuôi Dưỡng Thái Độ Kính Sợ Chúa

Share

Tôi lớn lên trong trại chăn nuôi của cha mẹ tôi ở tại Oklahoma, nơi bố tôi dành được sự kính trọng vì là một trong những người chăn nuôi giỏi nhất trong hạt. Không một ai có thể cưỡi ngựa giống như ông. Ông đã dạy bốn anh em tôi và tôi cách cưỡi những con ngựa chứng chưa được thuần hóa. Mặc dầu tôi đã học tập cách để cảm thấy yên tâm và được an toàn chung quanh những con ngựa lớn, bố vẫn dạy tôi phải luôn có sự tôn trọng đúng mực đối với chúng. Tôi biết rằng nếu tôi không cẩn thận chung quanh những con ngựa hoang khỏe mạnh của vùng Montana nầy, tôi có thể dễ dàng bị thương hoặc bị giết chết nếu làm một điều gì đó dại dột.

Là những cậu bé lớn lên trên nông trại, chúng tôi thường bơi lội trong các hồ và sông trong vùng. Một lần nọ, khi được sáu hoặc bảy tuổi, tôi đánh bạo bơi sâu ra giữa hồ, xa khỏi các anh em và bạn bè tôi. Thình lình tôi kiệt sức và bắt đầu chìm. Khi đã chìm xuống lần thứ ba, anh tôi và một trong những người bạn của anh đã kéo tôi lên khỏi nước và giúp tôi thở được trở lại. Đáng lẽ tôi đã bị chết chìm dễ dàng vào buổi chiều hôm đó rồi. Từ đó trở đi, tôi có một thái độ e dè khi bơi một mình trong chỗ nước sâu.

Khi còn là một thiếu niên, bố và cậu tôi dạy tôi cách lái ô tô. Tôi nhớ sự sung sướng rào rạt mà tôi có được khi ngồi vào sau tay lái, nhấn vào chân ga, và cảm nhận đưọc sức mạnh gia tăng đột ngột của nó hất tung tôi xuống con đường quê. Một lần nữa, bố mẹ tôi đã truyền thụ trong tôi một sự cẩn thận đúng mực, lần nầy đối với động cơ ô tô. Tôi có thể bị thương hoặc đã chết nếu hành động dại dột đằng sau tay lái của chiếc xe hơi đó.

Chúng ta tự nhiên có lòng sợ và tôn trọng những gì có sức mạnh lớn hoặc có thể làm thay đổi đời sống chúng ta trong giây lát. Chúng ta đối đãi với những điều nầy khác nhiều so với những vật thể hoặc những con người bình thường trong đời sống mình.

Còn đối với Chúa thì sao? Ngài là Đấng Tạo Hóa Tối Cao và là Đấng cầm quyền trên cả vũ trụ của chúng ta. Chúng ta mới chỉ nhìn biết một phần sức mạnh, sự thánh khiết và sự công bình của Ngài mà thôi. Chúng ta phải dành cho Ngài sự tôn kính đến mức độ nào?

Khi tôi đến gần một trong những con ngựa chưa được thuần hóa nầy, tôi hành xử thận trọng, tôi phải biết chắc con ngựa ấy biết rõ chỗ tôi đang đứng và điều tôi dự định làm. Khi tắm trong nơi nước sâu, tôi cẩn thận giữ những luật lệ an toàn trong việc bơi lội. Khi lái một chiếc xe, tôi tuân theo luật giao thông, kể cả các giới hạn về tốc độ. Tôi không bất cẩn hối hả lao vào đưòng xa lộ với tốc độ 100 dặm một giờ, bởi vì tôi biết rằng thời gian đối ứng và sự bất năng của tôi để điều khiển chiếc xe với tốc độ như thế có thể gây nên một tai nạn khủng khiếp. Những minh họa trên là những điều cho thấy sự thận trọng và kinh sợ mà tôi có đối với những thứ mạnh hơn tôi. Đó là một phần của ý nghĩa việc kính sợ Chúa.

Là Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Đức Chúa Trời giải phóng chúng ta khỏi tình trạng nô lệ. Chúng ta đã được mua chuộc bằng một giá cao, và bây giờ chúng ta thuộc về Ngài. I Côrinhtô 6:19-20 nhắc nhỡ chúng ta: “Anh em chẳng phải thuộc về chính mình. Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi”. Ngài đã mua chúng ta bằng chính huyết Ngài và bây giờ Ngài có toàn quyền trên chúng ta trong mối quan hệ yêu thương tốt đẹp.

“Tôi đã có một thái độ kính sợ đối với Chúa chưa?” Chắc chắn lòng bạn cảm kích khi ngắm xem trần nhà hùng vĩ của một ngôi nhà thờ lớn, khi nhìn vào các ngôi sao trên bầu trời ban đêm, hoặc khi bạn đứng dưới chân của một ngọn núi đỉnh phủ tuyết. Chúng ta lại càng phải cảm kích nhiều biết bao nhiêu bởi ý thức về sự kỳ diệu khi xem xét Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng hơn hàng trăm tỷ thiên hà bằng cách chỉ phán một lời thì chúng liền có!

“Tôi có ao ước muốn làm đẹp Chúa hơn là làm đẹp lòng loài người không?” Nếu bạn đã trả lời không là bạn hạ thấp Chúa ngang hàng với con người. Thế gian đánh giá cao diện mạo, của cải, và địa vị. Đức Chúa Trời quý trọng một tấm lòng ngay thẳng trước mặt Ngài. Bạn lắng nghe tiếng của phía nào? Nếu đối với bạn điều người khác suy nghĩ quan trọng hơn là điều Chúa nghĩ, điều đó nói gì về uy quyền và tầm quan trọng Ngài có trong đời sống bạn? 

Để dâng cho Chúa phần tốt nhất trong đời sống bạn, hãy dành nhiều thì giờ hơn với Ngài. Điều đó có thể chỉ đơn giản như là trò chuyện với Ngài trong công việc hằng ngày của bạn. Hãy cảm tạ Ngài vì từng ơn phước nhỏ Ngài ban cho bạn. Trong mỗi quyết định, dầu nhỏ hay lớn, hãy cầu hỏi ý Ngài điều Ngài muốn bạn phải làm. Hãy ao ước làm đẹp lòng Ngài, thậm chí trong những chi tiết nhỏ trong đời sống bạn. Khi làm vậy, mối tương giao thân mật của bạn với Chúa sẽ lớn lên và bạn cho phép Chúa giữ vị trí ưu tiên trong đời sống bạn.

“Bạn có lòng ghét bỏ tội lỗi và điều ác chăng?” Đức Chúa Trời gớm ghét tội lỗi. Kinh Thánh phán rằng: “Chớ khôn ngoan theo mắt mình; hãy kính sợ Đức Giêhôva và lìa khỏi sự ác: như vậy, cuống rốn con sẽ được mạnh khỏe, và xương cốt con được mát mẻ.”

Bạn có thái độ thế nào đối với sự gian ác, tội lỗi và điều dữ? Bạn có thấy mình nhân nhượng những điều đó chăng? Bạn có xem những điều đó như là không tồi tệ lắm – nhất là tội mà bạn thường phạm – không?

Đức Chúa Trời mong đợi chúng ta chống nghịch lại những điều mà Ngài chống nghịch. Một luật lợi ích để tuân theo là hãy yêu điều Chúa yêu và ghét điều Chúa ghét. Hãy đánh giá đời sống bạn để xem có thể điều bạn đang ấp ủ lại điều mà Chúa gớm ghét. Có thể đó là một thái độ bề trên đối với những người khác biệt. Hoặc có thể bạn đang yêu một điều gì đó như là tiền bạc, một chiếc xe hơi, hoặc địa vị của bạn, hơn là tình yêu bạn dành cho Chúa. Mỗi một chúng ta đều có các lãnh vực gây khó khăn cho chúng ta. Hãy xin Chúa giúp bạn nhìn thấy tội lỗi trong đời sống mình để biết đó là tội gì, và để giúp bạn đoạn tuyệt những lối ác ấy. Đây là một quá trình cả đời người. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ thánh tín để giải cứu bạn khỏi mọi tội lỗi.

Nhưng trên hết, hãy dành thì giờ trong Lời Chúa để thấy cách Giôsép, Đavít, Đaniên, Mari, Phaolô và những người khác đã bày tỏ lòng kính sợ đúng mực đối với Chúa như thế nào. Hãy nhớ lời hứa của Ngài: “Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu thì lòng thương xót Ngài đối với kẻ kính sợ Ngài càng lớn bấy nhiêu.”

Một khi chúng ta đã bắt đầu nuôi dưỡng một thái độ kính sợ Chúa đúng mực, chúng ta sẽ thấy những thay đổi lạ lùng trong đời sống mình. Chúa sẽ bắt đầu làm những điều mà chúng ta không bao giờ dám mơ tưởng. Mối tương giao thân mật với Chúa sẽ biến đổi đời sống của chúng ta!

 

(Nguồn: vietchristian.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan