Tôi không viết điều này cho những ai nghĩ rằng mình gặp ít vấn đề về tội lỗi. Nếu ai cho rằng mình đạt điểm 9,5 hoặc ít nhất là 6,5 điểm về sự nên thánh, thì chắc hẳn người đó sẽ không đồng cảm với những gì tôi sắp nói.
Tôi viết cho Cơ đốc nhân đang đọc bài nầy sau khi sa vào tội tình dục. Tôi đang nghĩ đến vị chấp sự vừa nỗi giận với con cái của mình. Hoặc một lãnh đạo mục vụ sinh viên đã từng nhập học với mong muốn theo Chúa Jêsus, nhưng giờ đây lại tỉnh giấc sau cơn say và không thể nhớ nổi mình đã làm gì vào đêm hôm trước. Tôi đang viết cho mục sư, người đã nói dối trong buổi họp trưởng lão tối qua. Hoặc vị trưởng ban nghiên cứu Kinh thánh, đã trở nên giống như Phi-e-rơ – kẻ chối Chúa, khi được hàng xóm thuộc tầng lớp thượng lưu hỏi rằng: cô nghĩ là ai không tin Chúa đều sẽ xuống địa ngục phải không!
Đối với ai đang mệt mỏi tranh chiến với tội lỗi, tôi mong rằng chúng ta có thể đối diện với thất bại của mình mà không chìm trong tuyệt vọng.
Cảm giác mặc cảm tội lỗi
Hãy để tôi nói về cảm giác mặc cảm tội lỗi. John Piper là người đầu tiên giới thiệu với tôi về khái niệm nầy — bài giảng của ông đã duy trì và củng cố tôi trong hơn một phần tư thế kỷ bị “cám dỗ, cố gắng và đôi khi thất bại”. Piper đã tìm thấy một ví dụ về “cảm giác mặc cảm tội lỗi, tấm lòng tan vỡ, sự đau thương thống hối” trong lời của tiên tri Mi-chê, ông sẽ dạy chúng ta biết cách phấn đấu cho dù chúng ta đã vấp ngã.
Nhưng ta, ta sẽ nhìn xem Đức Giê-hô-va, chờ đợi Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi ta; Đức Chúa Trời ta sẽ nghe ta. Hỡi kẻ thù ta, chớ vui mừng vì cớ ta. Ta dầu bị ngã, sẽ lại dậy; dầu ngồi trong nơi tối tăm, Đức Giê-hô-va sẽ làm sự sáng cho ta. Ta chịu lấy sự thạnh nộ của Đức Giê-hô-va vì ta đã phạm tội nghịch cùng Ngài, cho đến chừng Ngài đã binh vực lẽ ta và phán xét cho ta, thì Ngài sẽ dắt ta đến sự sáng và ta sẽ thấy sự công bình của Ngài. Kẻ thù ta sẽ thấy sự ấy và sẽ bị xấu hổ. Nó là kẻ đã bảo ta rằng: Chớ nào Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ở đâu? Mắt ta sẽ thấy sự ta ước ao xuống trên nó; nay nó sẽ bị giày đạp như bùn ngoài đường. (Mi-chê 7:7-10)
Đừng trì hoãn
Nghe có vẻ ngược đời khi phạm tội rồi lập tức quỳ gối cầu nguyện: “Chúa ơi, xin Ngài thương xót, con là kẻ có tội.” Đâu đó trong tấm lòng của chúng ta ẩn chứa một niềm tin sai trật rằng: chúng ta phải trả giá cho tội lỗi của mình dù chỉ một chút thôi.
Nhưng sự ăn năn không thể bị trì hoãn. Chúng ta ăn năn khi đồng ý với Đức Chúa Trời rằng: tội lỗi của chúng ta là điều ác và chạy đến cùng Ngài là Đấng duy nhất có thể làm điều lành cho tội nhân đã bất lực. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu sau khi phạm tội, chúng ta không trì hoãn việc ăn năn trong một tuần, mà đến ngay với Chúa Cứu thế, là Đấng “đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (1 Ti-mô-thê 1:15)?
Tiên tri Mi-chê cho chúng ta thấy ngay cả trong tình trạng tồi tệ nhất, chúng ta vẫn có một Đức Chúa Trời, là Đấng chẳng từ chối tội nhân nào biết ăn năn. “Nhìn xem Ngài,” Mi-chê nói – “càng sớm càng tốt!”
Quỷ Sa-tan thích cám dỗ, gài bẫy, rồi chế nhạo chúng ta bằng cảm giác mặc cảm tội lỗi. Hắn thích nhìn thấy chúng ta bị chìm sâu trong vũng lầy khốn khổ. Hắn muốn chúng ta coi sự thất bại là thân phận của chúng ta. Tiên tri Mi-chê nói: “Đừng nghe những lời dối trá đó. Hãy kêu cầu Chúa. Đừng chậm trễ. Dẫu vấp ngã, hãy tiếp tục chiến đấu”. Ông chỉ ra cách để chiến đấu trong câu 8–10.
Nói thẳng với Kẻ thù rằng:
Hỡi kẻ thù ta, chớ vui mừng vì cớ ta. Ta dầu bị ngã, sẽ lại dậy; dầu ngồi trong nơi tối tăm, Đức Giê-hô-va sẽ làm sự sáng cho ta. (Mi-chê 7:8)
Đây là lời bác bỏ kịch liệt trước sự tố cáo của quỷ Sa-tan — làm đảo lộn chiến lược buộc tội của hắn. Lòng tin quyết bất chấp nỗi tuyệt vọng. Đức tin cự tuyệt ý nghĩ: tội lỗi là kết cục mà Đức Chúa Trời muốn ban cho cuộc đời của chúng ta.
Kẻ cám dỗ là một tên bạo chúa tàn ác, hắn muốn chúng ta phải khiếp sợ trước sự khổng lồ của tội lỗi. Hãy học cách dùng chính vũ khí của hắn để nghịch lại hắn, như Martin Luther đã làm:
Khi ngươi nói ta là tội nhân, thì ngươi trao cho ta áo giáp và vũ khí để nghịch cùng ngươi, ta sẽ dùng chính lưỡi gươm của ngươi để cắt cổ ngươi và giày đạp ngươi dưới chân ta, vì Ðấng Christ đã chịu chết thay cho tội nhân rồi. Ngươi buộc tội ta càng nhiều, thì ta càng nhớ rằng Đấng Christ, là Cứu Chúa, đã gánh thay tội lỗi của ta ở trên vai Ngài. Vì vậy, khi ngươi nói ta là tội nhân, ngươi không làm ta sợ đâu, nhưng an ủi ta rất nhiều.
Đầu phục sự kỷ luật của Đức Chúa Trời
Ta chịu lấy sự thạnh nộ của Đức Giê-hô-va vì ta đã phạm tội nghịch cùng Ngài, cho đến chừng Ngài đã binh vực lẽ ta và phán xét cho ta, thì Ngài sẽ dắt ta đến sự sáng và ta sẽ thấy sự công bình của Ngài. (Mi-chê 7:9)
Cảm giác mặc cảm tội lỗi không làm giảm bớt hậu quả thực tế của việc phạm tội. Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời thánh khiết đoán xét tội lỗi của chúng ta đã bị cất đi tại thập tự giá, nhưng sự nóng giận của Cha thiên thượng trước những vi phạm của chúng ta là dấu hiệu cho thấy chúng ta được nhận làm con nuôi trong gia đình của Ngài. Khi Đức Chúa Trời kỷ luật chúng ta, Ngài xem chúng ta như con trai, con gái của Ngài (Hê-bơ-rơ 12:7). Sự nóng giận của Ngài thấm nhuần tình yêu thương, nhằm để phục hồi và làm điều lành cho chúng ta.
Sự kỷ luật của Đức Chúa Trời cũng chỉ là tạm thời. Hãy lưu ý mấy từ “cho đến chừng” trong Mi-chê 7:9 chép rằng: “cho đến chừng Ngài đã binh vực lẽ ta”. Đây là chỗ mà thần học của quỷ Sa-tan và Phúc âm xung đột nhau. Quỷ Sa-tan nói rằng: “Hãy để ý cách Đức Chúa Trời kỷ luật ngươi mà xem. Điều đó chứng tỏ Ngài đang nghịch cùng ngươi”. Còn Phúc âm thì nói rằng: “Ngài sẽ binh vực lẽ ta và phán xét cho ta. Ngài sẽ dắt ta đến sự sáng; Ta sẽ thấy sự cứu rỗi của Ngài”.
Đúng là Đức Chúa Trời có thể giữ cho chúng ta khỏi bị vấp ngã khi chúng ta cầu xin sức lực của Ngài để đối diện với cám dỗ. Nhưng khi chúng ta vấp ngã, Ngài vẫn có thể khiến sự vấp ngã ấy không hủy hoại chúng ta. Ngài sẽ “khiến anh em đứng trước vinh quang Ngài một cách không tì vết và vui mừng” (Giu-đe 1:24).
Cuối cùng, kẻ thù sẽ chứng kiến sự bênh vực của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài, là những kê đã được chuộc bằng huyết Ngài. Bởi ân điển, nhờ đức tin, chúng ta sẽ nên công chính và chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình (Ma-thi-ơ 13:43). Chúng ta sẽ nhìn vào mặt kẻ thù nghịch của linh hồn, thấy chúng bị giày đạp như bùn ngoài đường — chẳng có kết cục nào bi thảm hơn thế. Đó là số phận của quỷ Sa-tan (Mi-chê 7:10).
Ai là Đức Chúa Trời giống như Ngài, tha thứ sự gian ác, và bỏ qua sự phạm pháp của dân sót của sản nghiệp Ngài? Ngài không cưu giận đời đời, vì Ngài lấy sự nhân từ làm vui thích. Ngài sẽ còn thương xót chúng tôi, dập sự gian ác chúng tôi dưới chân Ngài; và ném hết thảy tội lỗi chúng nó xuống đáy biển. (Mi-chê 7:18-19)
Khi vấp ngã, hãy đầu phục Chúa. Ngài không phiền khi chúng ta liên tục đến trước ngôi thương xót của Ngài. Ngài không thở dài hay bực dọc khi thấy chúng ta run rẩy ở dưới bệ chân của Ngài. Chúa lấy làm vui mà bày tỏ lòng nhân từ. Như Richard Sibbes đã viết rằng:
“Chúa sẵn sàng tha thứ nhiều hơn là chúng ta muốn phạm tội; nếu sự gian ác ở trong chúng ta như dòng sông lai láng, thì sự nhân từ ở trong Đức Chúa Trời còn láng lai hơn nhiều”.
Hãy thử tưởng tượng chúng ta đang ở với Môi-se và đoàn dân Y-sơ-ra-ên tại phía bên kia của biển Đỏ. Chứng kiến Pharaoh và cả đạo binh biến mất dưới đáy biển sâu, không còn làm khổ chúng ta được nữa. Một ngày nào đó, điều tương tự cũng sẽ xảy ra với tội lỗi của chúng ta.
Dưới đáy biển sâu không đáy không bờ, tội nay càng nhiều, tình Chúa càng hơn. (“Tình Chúa còn hoài”)
Nhiều diễn giả từng lặp lại câu nói đáng nhớ sau — khi chúng ta vấp ngã, hãy giảng điều này cho chính mình nữa: Khi Đức Chúa Trời quăng xa tội lỗi của chúng ta vào đại dương quên lãng, Ngài cũng treo tại đó một tấm biển: “Cấm câu cá”.
(Nguồn: tienphong.org)