Mấy ngày gần đây, các sự kiện từ sách Ê-xơ-tê đã trở thành hiện thực đối với chúng tôi ở Ukraine. Giống như sắc lệnh đã được ban hành, còn Ha-man đã được phép tiêu diệt toàn bộ dân tộc. Giá treo cổ đã sẵn sàng. Ukraine chỉ còn chờ đợi mà thôi.
Bạn có thể hình dung tâm trạng của một xã hội từ ngày nầy sang ngày khác cho đến nhiều tháng tới, hệ thống truyền thông của thế giới liên tục nói rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi? Máu sẽ phải đổ ra?
Những tuần gần đây, hầu như tất cả giáo sĩ đã được thông báo phải rời khỏi Ukraine. Các quốc gia Tây phương đã sơ tán các đại sứ quán và công dân của họ. Giao thông ở thủ đô Kyiv đang biến mất. Mọi người đi đâu hết rồi? Oligarchs, là một nhà kinh doanh, và những người không đủ khả năng để rời khỏi nước, đang cố bảo vệ gia đình của họ khỏi khả năng chiến tranh sẽ xảy ra. Chúng ta có nên làm giống như họ chăng?
Những Câu Hỏi Dành Cho Gia Đình.
Vợ chồng tôi đã quyết định ở lại thành phố gần Kyiv. Chúng tôi muốn phục vụ người dân ở đây cùng với Hội thánh Irpin Bible là nơi tôi đã phục vụ ở trong ban mục sư từ năm 2016. Để đề phòng cho thảm họa sắp xảy ra, chúng tôi đã mua đồ ăn, thuốc men, nhiên liệu dự phòng để có thể giúp đỡ những ai gặp khó khăn hơn là trở thành gánh nặng cho họ.
Gia đình chúng tôi có sáu người. Chúng tôi đang có bốn đứa con gái. Tôi lo lắng nhất là đứa con gái 16 tuổi đang phải đến trường cao đẳng mỗi ngày chừng một tiếng rưỡi đồng hồ bằng phương tiện công cộng một chiều. Truyền thông cảnh báo là nếu Nga lấn chiếm, thì hệ thống mạng di động sẽ bị cắt, và phương tiện công cộng sẽ không hoạt động nữa. May mắn thay, các buổi học của nó được chuyển thành trực tuyến.
Kể từ khi biên giới với Belarus chỉ cách Kyiv khoảng 150 ki-lô-mét (92 dặm), một trong những lựa chọn khả thi nhất để kẻ thù tấn công là thông qua Belarus. Truyền thông địa phương đang khuyên chúng tôi phải chuẩn bị hành lý cho trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra. Tôi nói với mấy đứa con của mình là: “Hãy chuẩn bị ba-lô. Chỉ chuẩn bị đủ cho ba ngày thôi”.
Trong quá khứ, nói đến việc gói ghém đồ đạc có nghĩa là chúng tôi sẽ đi nghỉ dưỡng hay là đi chơi xa. Vì thế, mấy đứa nhỏ tầm 6 đến 8 tuổi cứ hỏi chúng tôi là: “Bố ơi, chúng ta sẽ đi đâu?” Lúc đầu, tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi nói với chúng là chúng ta không đi đâu cả.
Phản Ứng Từ Hội Thánh.
Hội thánh nên phản ứng thế nào khi tin đồn về chiến tranh liên tục leo thang? Khi sợ hãi rình rập trong xã hội? Tôi tin rằng nếu Hội thánh không can thiệp vào thời kỳ khủng hoảng, thì Hội thánh cũng chẳng làm gì trong thời kỳ bình ổn.
Hội thánh có thể không hành động như nhà nước, nhưng chúng ta vẫn tin rằng mình có một vai trò trong cơn khốn khó nầy.
Đối với cả nước, chúng tôi đã trải qua điều nầy vào năm 2014. Lúc ấy, rất nhiều Hội thánh đã chủ động ủng hộ phe nổi dậy chống lại sự tham nhũng và hình thức cai trị độc đoán của Viktor Yanukovych. Có một lều cầu nguyện được mở ra ở Quảng trường Độc lập. Cơ Đốc nhân phát đồ ăn nóng và trà nóng. Các Hội thánh mở cửa nhà thờ làm nơi trú thân cho phe biểu tình bị lực lượng an ninh đàn áp.
Trong lúc ấy, có nhiều Hội thánh đã ủng hộ sự cai trị của kẻ độc tài và chỉ trích những người biểu tình một cách công khai. Các Hội thánh khác phớt lờ những gì đang xảy ra. Họ giữ im lặng và sống như mọi thứ vẫn bình thường.
Cuối cùng, các Hội thánh đã giữ khoảng cách với những vấn đề xã hội và những người ủng hộ các lãnh đạo tham nhũng đã đánh mất sự uy tín của mình trước người dân Ukraine. Ngược lại, các Hội thánh đã cùng người dân vượt qua cơn thử thách thì nhận được sự tin tưởng từ xã hội.
Cuộc Đấu Tranh Vì Tổ Quốc
Chúng tôi tin Hội thánh có một vị thế trong cuộc đấu tranh thuộc linh. Khi căng thẳng leo thang, Hội thánh của chúng tôi tuyên bố sẽ kiêng ăn và cầu nguyện một tuần, nhóm lại vào mỗi tối để dâng nan đề lên cho Chúa. Trong ba ngày liên tục, thành phố tắt hết đèn đóm. Chúng tôi buộc phải gặp nhau trong bóng tối, khiến buổi cầu nguyện cho sự bình yên càng thêm trang trọng.
Nếu Hội thánh không can thiệp vào thời kỳ khủng hoảng, thì Hội thánh cũng chẳng làm gì trong thời kỳ bình ổn.
Đến cuối tuần, những khoảnh khắc ấy tạo nên trong chúng tôi nội lực để kiên trì. Qua những buổi cầu nguyện, chúng tôi có thêm sự tự tin và bình an. Chúng tôi tin Đức Chúa Trời đang ở cùng và đó là điều quan trọng nhất.
Trong thời khắc quan trọng nầy, Hội thánh của chúng tôi có khoảng 1000 tín hữu thường nhóm lại vào Chúa Nhật, cũng là nơi dùng để phục vụ. Mới đây chúng tôi vừa tổ chức vài buổi huấn luyện sơ cứu. Mọi người học cách cầm máu, băng vết thương và hô hấp nhân tạo. Những tín hữu bình dân nầy sẽ không trở thành bác sĩ liền, nhưng sự việc nầy khiến họ thêm tự tin để chăm sóc cho người lân cận của mình khi cần.
Kỳ thực, khi tôi thông báo về buổi huấn luyện sơ cứu, một người đã nói với tôi là: “Bây giờ tôi biết tại sao mình cần phải ở lại Ukraine”. Anh ấy đã dự định ra đi. Anh biết mình không phải là người lính. Anh không thể cầm súng và chiến đấu. Nhưng bây giờ anh muốn ở lại, để giúp người bị thương, và để cứu nhiều cuộc đời.
Chúng tôi đã quyết định ở lại với tư cách là một gia đình và với tư cách là một Hội thánh. Khi chuyện nầy kết thúc, người dân Kyiv sẽ nhớ đến Cơ Đốc nhân đã đáp ứng nhu cầu của họ khi cần.
Nếu cần, ngôi nhà thờ của Hội thánh có thể dùng làm nơi ở tạm. Chúng tôi có một tầng hầm còn rất tốt. Chúng tôi sẵn sàng lắp đặt hệ thống sưởi, cũng như tạo điều kiện cho lực lượng y tế của quân đội có chỗ đóng quân. Để làm được điều nầy, chúng tôi tạo ra các đội phản ứng nhanh. Nếu thiết quân luật được ban hành, họ sẵn sàng chiến lược tiếp tế nhiên liệu, thức ăn, và dụng cụ để chăm sóc vết thương. Chúng tôi còn thu thập thông tin về những người làm nghề bác sĩ, kỹ sư máy móc, thợ sửa ống nước ở trong Hội thánh — ngay cả những người có nguồn lực để đề phòng tình trạng thiếu nước.
Ở Lại Và Cầu Nguyện
Chúng tôi đã quyết định ở lại với tư cách là một gia đình và với tư cách là một Hội thánh. Khi chuyện nầy qua đi, người dân Kyiv sẽ nhớ đến Cơ Đốc nhân đã đáp ứng nhu cầu của họ khi cần.
Trong khi Hội thánh không đấu tranh như nhà nước, chúng tôi vẫn tin mình có một vị thế trong cuộc chiến nầy. Chúng tôi sẽ che chở kẻ yếu đuối, phục vụ người bị thương và rịt lành người tan vỡ. Khi làm điều đó, chúng tôi đem đến hy vọng chắc chắn của Đấng Christ và Phúc âm của Ngài. Trong khi chúng tôi cảm thấy không biết phải làm gì trong cơn khủng hoảng nầy, chúng tôi có thể cầu nguyện giống như Ê-xơ-tê. Ukraine không phải là dân giao ước của Đức Chúa Trời, nhưng giống như dân Y-sơ-ra-ên, chúng tôi hy vọng là Chúa sẽ cất đi sự nguy hiểm như Ngài đã làm cho dân sự ngày xưa. Còn như chúng tôi ở lại, chúng tôi sẽ cầu thay cho Hội thánh ở Ukraine luôn tin cậy Chúa và phục vụ người lân cận của họ thật trung tín.
(Nguồn: tienphong.org)