Đòi Hỏi Của Chúa Jêsus Về Sự Ăn Năn

Share

Đang khi nghỉ sa-bát ở Cambridge, nước Anh, tôi có viết một quyển sách với tựa đề dự kiến là “Chúa Jêsus đòi hỏi gì từ thế gian”. Trong sứ điệp của Chúa Jêsus, lời kêu gọi ăn năn được trình bày một cách đơn giản. Nó cơ bản không kém và gần như đồng nghĩa với mạng lịnh: “Các ngươi phải sanh lại” (Giăng 3:7). Một trong những điều tôi quan tâm là làm thế nào để truyền tải sự ăn năn mà Chúa muốn, không chỉ thay đổi hành vi, mà còn thay đổi tấm lòng để hướng tới một lối sống tôn cao Đấng Christ và tập trung vào Đức Chúa Trời. Dưới đây là một vài suy nghĩ có thể làm cho ý nghĩa của sự ăn năn trở nên rõ ràng hơn.

Từ lúc đó, Đức Chúa Jêsus khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần. (Ma-thi-ơ 4:17)

Ta không phải đến gọi kẻ công bình hối cải, song gọi kẻ có tội. (Lu-ca 5:32)

Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na! (Ma-thi-ơ 12:41)

Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy. (Lu-ca 13:3,5)

Đòi hỏi đầu tiên trong chức vụ công khai của Chúa Jêsus là: “Hãy ăn năn”. Ngài truyền mạng lịnh này khắp nơi cho người nào biết lắng nghe. Đó là lời kêu gọi thay đổi con người bề trong một cách triệt để trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời và người khác.

Có hai điều cho chúng ta thấy ăn năn là thay đổi tâm trí và tấm lòng, chứ không chỉ đơn thuần là đau buồn về tội lỗi hoặc cố gắng cải thiện hành vi. Đầu tiên, từ “ăn năn” (metanoeo) trong tiếng Hy-lạp có ý nghĩa như thế. Từ nầy có hai phần: meta và noeo. Phần thứ hai (noeo) nói về tâm trí và suy nghĩ, quan điểm và khuynh hướng, mục đích của tâm trí. Phần đầu tiên (meta) là một tiền tố thường có nghĩa là chuyển động hoặc thay đổi. Vì vậy, ý nghĩa cơ bản của sự ăn năn là kinh nghiệm sự thay đổi về nhận thức, quan điểm và mục đích của tâm trí.

Yếu tố khác chỉ ra ý nghĩa của sự ăn năn là cách mà Lu-ca 3:8 mô tả mối liên hệ giữa sự ăn năn và sự cải thiện hành vi. Kinh Thánh chép rằng: “Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn”. Kế đến, Kinh Thánh đưa ra những ví dụ về sự kết quả: “Ai có hai áo, hãy lấy một cái cho người không có; và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy” (Lu-ca 3:11). Điều này có nghĩa là sự ăn năn xảy ra trong lòng chúng ta và kết quả là sự cải thiện hành vi. Ăn năn không phải là có hành vi mới, mà là thay đổi con người bề trong đem lại kết quả qua việc thay đổi hành vi. Chúa Jêsus đang đòi hỏi chúng ta phải kinh nghiệm được sự thay đổi bề trong này.

Vì sao? Câu trả lời của Ngài là vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. “Ta không phải đến gọi kẻ công bình hối cải, song gọi kẻ có tội.” (Lu-ca 5:32). Quan điểm của Chúa Jêsus về tội lỗi là gì? Trong dụ ngôn về người con trai hoang đàng, Chúa Jêsus mô tả tội lỗi của người con trai như thế này: “người em tóm thâu hết, đi phương xa, ở đó, ăn chơi hoang đàng, tiêu sạch gia tài mình…với phường điếm đĩ” (Lu-ca 15:13, 30). Nhưng khi ăn năn, người con trai hoang đàng nói: “Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa.” Vậy, vứt bỏ đời sống của mình để ăn chơi hoang đàng và tiêu xài tiền bạc cho phường đĩ điếm không chỉ gây tổn thương về mặt con người; mà còn xúc phạm đến thiên đàng, tức là nghịch lại với Đức Chúa Trời. Đó là bản chất của tội lỗi. Phạm tội là nghịch cùng Đức Chúa Trời.

Chúng ta cũng thấy điều này trong cách Chúa Jêsus dạy các môn đồ cầu nguyện. Ngài phán với họ nên cầu nguyện rằng: “xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha kẻ mích lòng mình” (Lu-ca 11:4). Nói cách khác, những tội lỗi mà Đức Chúa Trời tha thứ được so sánh với lỗi lầm mà người khác đã gây ta cho chúng ta, được gọi là những món nợ. Vì vậy, dưới góc nhìn của Chúa Jêsus, thì tội lỗi làm ô danh Đức Chúa Trời và khiến chúng ta mắc nợ trong việc khôi phục danh dự thiêng liêng, mà chúng ta đã phỉ báng bởi hành vi hoặc thái độ coi thường Đức Chúa Trời của mình. Món nợ đó đã được Chúa Jêsus trả hết rồi. “Con người đã đến…để làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10:45). Nhưng để chúng ta có thể tiếp nhận món quà đó, Ngài phán rằng chúng ta phải ăn năn.

Ăn năn có nghĩa là kinh nghiệm sự thay đổi trong tâm trí để thấy Đức Chúa Trời là chân thật, đẹp đẽ và xứng đáng được chúng ta ca ngợi và vâng lời. Sự thay đổi tâm trí này cũng đòi hỏi chúng ta nhìn nhận Chúa Jêsus như cách chúng ta nhìn nhận Đức Chúa Trời. Chúng ta biết điều này bởi vì Chúa Jêsus phán rằng: “Ví bằng Đức Chúa Trời là Cha các ngươi thì các ngươi sẽ yêu ta, vì ta bởi Đức Chúa Trời mà ra và từ Ngài mà đến”. Nhìn nhận Đức Chúa Trời bằng tâm trí mới tức là cũng nhìn nhận Chúa Jêsus bằng một tâm trí mới như vậy.

Không một ai bị loại trừ khỏi điều Chúa Jêsus đòi hỏi là sự ăn năn. Chúa đã làm rõ điều này khi một nhóm người đến gặp Ngài để báo tin về hai tai họa. Những người vô tội đã bị giết từ cuộc thảm sát của Phi-lát và bị tháp Si-lô-ê ngã đè chết (Lu-ca 13:1-4). Chúa Jêsus đã nhân dịp này để cảnh báo ngay cả những người báo tin rằng: “nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy.” (Lu-ca 13:5). Nói cách khác, đừng nghĩ rằng người nào gặp phải tai họa mới là tội nhân cần phải ăn năn, còn những người khác thì không. Tất cả đều cần phải ăn năn. Cũng như tất cả đều cần phải sanh lại vì “hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt” (Giăng 3:6), vì thế cho nên tất cả mọi người phải ăn năn vì hết thảy là tội nhân.

Khi Chúa Jêsus phán: “Ta không phải đến gọi kẻ công bình hối cải, song gọi kẻ có tội.” (Lu-ca 5:32), Ngài không phán rằng có vài người tốt không cần phải ăn năn. Ý của Ngài là một số người tự cho mình là công bình (Lu-ca 18:9), một số khác đã ăn năn và đã được hòa thuận với Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, một thầy dạy luật trẻ muốn “xưng mình là công bình” (Lu-ca 10:29), trong khi “người thâu thuế…đấm ngực mà rằng: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!” (và) trở về nhà mình, được xưng công bình (bởi Đức Chúa Trời)” (Lu-ca 18: 13-14).

Do đó, không ai là ngoại lệ. Tất cả đều cần phải ăn năn. Nhu cầu này là cấp thiết. Chúa Jêsus phán rằng: “Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy”. Ý Ngài là gì khi phán về sự hư mất? Ngài muốn phán rằng sự phán xét cuối cùng của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống những ai không ăn năn. “Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na!” (Ma-thi-ơ 12:41). Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, đang cảnh báo mọi người về sự phán xét sắp đến, và nếu chúng ta ăn năn thì sẽ thoát khỏi sự đoán xét ấy. Nếu chúng ta không ăn năn, Chúa Jêsus chỉ có một lời dành cho chúng ta: “Khốn cho ngươi” (Ma-thi-ơ 11:21).

Đây là lý do khiến đòi hỏi của Chúa Jêsus về sự ăn năn là một phần trong sứ điệp chính của Ngài về Nước Đức Chúa Trời đã đến gần. “Giờ đã trọn, vương quốc Đức Chúa Trời đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn và tin nhận Tin Lành.”(Mác 1:15). Phúc âm là Đức Chúa Trời đã đến trong Chúa Jêsus để cứu tội nhân trước khi Ngài trở lại để phán xét. Vì vậy, đòi hỏi về sự ăn năn dựa vào lòng nhân từ sẵn sàng tha thứ, và dựa trên lời cảnh báo đầy ân điển rằng: một ngày nào đó, người nào từ chối lời đề nghị ăn năn này sẽ bị hư mất trong sự phán xét của Đức Chúa Trời.

Sau khi phục sinh, Chúa Jêsus đảm bảo rằng các sứ đồ của Ngài sẽ tiếp tục kêu gọi thế gian ăn năn. Ngài phán: “Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn, đến ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại; người ta phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho tất cả các nước về sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem.” (Lu-ca 24:46-47). Vì vậy, yêu cầu của Chúa Jêsus là: sự ăn năn sẽ được rao giảng cho các nước. Dù chúng ta là ai và đang ở đâu, chúng ta cũng phải ăn năn. Đó là đòi hỏi của Chúa Jêsus dành cho mỗi người: Hãy ăn năn. Hãy thay đổi từ trong ra ngoài. Hãy thay thế tất cả những điều làm ô danh Đức Chúa Trời và khinh thường Đấng Christ ở trong tâm trí của chúng ta bằng những quan điểm và mục đích để tôn vinh Ngài.


Desiring God bắt đầu từ năm 1994 khi John Piper giao lại mục vụ ghi âm cho trợ lý của ông là Jon Bloom. Từ những băng đĩa và một vài quyển sách của John Piper, mà Desiring God đã trở thành một mục vụ quốc tế ở trên mạng điện tử với hơn 12,000 tài liệu miễn phí và có khoảng 3,5 triệu người truy cập mỗi tháng. Hôm nay, John Piper vẫn là giáo sư lãnh đạo mục vụ nầy.

 

(Nguồn: https://tienphong.org/doi-hoi-cua-chua-jesus-ve-su-an-nan/)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan