Mục Sư Phan Đình Liệu Và “Hội Thánh Tù”

Share

pastedGraphic.png
Cụ Mục sư Phan Đình Liệu (https://httlvn.org/nhung-cau-chuyen-cu-bi-bat-vi-danh-chua.html) 

Tuổi trẻ phong lưu và ơn cứu chuộc lạ lùng

Phan Đình Liệu chào đời năm 1888 tại Cẩm Sa, Điện Bàn, Quãng Nam – Đà Nẵng trong một gia đình trung lưu gia giáo. Từ nhỏ đã được cha mẹ cho ăn học và được giáo dục chu đáo theo con đường cử nghiệp văn hay chữ tốt Nho học. Chàng thanh niên Phan Đình Liệu là người thông minh, chí khí, tài năng thiên phú nên mau chóng thành tài. Tứ thư, Ngũ Kinh, các sách văn chương cổ, khoa truyện chàng đều làu thông. Sau khi “có tên trên bản vàng”, Ông Liệu được bổ chức Giáo học Trường Thanh Xuân, Cẩm Sa. Các phụ huynh thời ấy biết tiếng tài năng của ông, nên thúc giục con em mình kéo đến theo đòi bút nghiên với ông giáo Liệu.

Tuổi thanh niên ra đời thuận tiện, học hành đỗ đạt, kiếm tiền dễ dàng trước cửa đời rộng mở, nên chàng Liệu chẳng mấy chốc đã sa ngã vào con đường nghiện ngập, chơi bời. Thầy giáo vì quá ham mê mùi đời nên bỏ nghề dạy học, lăn xả vào lối mòn tửu, sắc, tài, khí; nhất là thích điệu hát dân ca “hò khoan”, gái trai hò hẹn gặp gỡ nhau, lấy khẩu tài xướng họa, trí thông minh ứng đối mà thử tài và dò ý, gợi tình nhau.

Trên con đường trơn trợt của tội lỗi, linh hồn của ông Liệu đã xuống hố sâu; nếu lúc ấy ông qua đời thì phải trầm luân ở địa ngục muôn đời. Nhưng tình thương yêu của Đức Chúa Trời thật rộng lớn, bao la, Ngài đã ban cho ông có một dịp tiện “quý hơn vàng” để nghe làm chứng và đọc sách Đạo Tin Lành – một quyển Phúc Âm lẻ. Nhờ đó ông cảm biết mình là một đại tội nhân nên liền ăn năn tiếp nhận Giê-xu Christ làm Cứu Chúa của mình. Ông hối tiếc về những tháng năm hoang phí cho xác thịt, thế gian và làm tôi mọi cho ma quỉ. Ông khóc lóc, đắng cay xưng tội lỗi mình với Chúa nhiều đêm. Một đầy tớ của Chúa đã cầu nguyện cho ông tin Chúa năm 1920. Đi theo Chúa, lòng ông được tái sanh, trở nên người hoàn toàn đổi mới.

Tận hiến trong chức vụ

Ông Phan Đình Liệu ngày càng học biết về Chúa nhờ lời Ngài, ông được Chúa kêu gọi, sau khi chịu Lễ Báp-têm ở biển Mỹ Khê vào năm 1920, ông dâng đời sống mình cho Ngài và được vào học Trường Kinh Thánh Đà Nẵng năm 1921. Như vậy ông là một trong những học viên đầu tiên của trường này. Ông Liệu tốt nghiệp năm 1927.

Trong chức vụ, ông đã từng hầu việc Chúa ở nhiều Hội Thánh như Hội An (Faifo) năm 1923. Cùng năm đó ông được điều đến Hội Thánh Tân Châu, Châu Đốc; năm 1924 đến Sa đéc. Năm 1925 ông đến Cần Thơ, Long Xuyên, rồi đi giảng ở nhiều nơi như Rạch Giá, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Ông hết lòng sốt sắng giảng Tin Lành, và nhiều người qua chức vụ tận tụy của ông đã được cứu. Ông cũng đã thành lập được các Hội Thánh ở Phong Điền, Đông Phú, Trà Ôn, Cáo Con, Phước Long…

Thính giả không biết chán khi nghe Mục sư Liệu công bố Đạo Chúa ngoài trời rất hấp dẫn. Ông được tấn phong Thánh chức Mục sư năm 1929. Có thể đời sống và chức vụ của Mục sư Liệu sẽ là bình thường nếu không có những tháng năm Cụ từng trải những nỗi khốn khổ, bắt bớ, tù tội; và điều này sử sách lưu lại rõ ràng, nhiều người biết.

Tháng 12 năm 1927, Hội Thánh Tin Lành ở Khánh Hòa, Thành phố Nha Trang có thuê một căn nhà tại thị tứ Ninh Hòa để giảng truyền Tin Lành. Khi Mục sư Liệu và các tín đồ đang hội họp thờ kính Chúa thì có một “ông Cò” (dạng Công an, Cảnh sát ngày nay. Ngày xưa các “ông Cò” rất có uy thế nên nhà thơ Tú Xương đã có câu thơ “Hà nam danh giá nhất ông Cò…”. Ông Cò nầy xuất thân từ một viện mồ côi Công giáo) tay lăm lăm cầm gậy đập bàn giảng và đánh đuổi ông Liệu cùng các tín đồ ra khỏi nhà.

Đầu năm 1928, khi đang lưu giảng Đạo Chúa ở Phan Rí (thuộc tỉnh Bình Thuận) thì ông đồn trưởng người Pháp bắt ông Liệu còng tay giao về Phan Thiết xét xử. Hai lên lính tập đã rút dây nịt quấn vào đầu, vào cổ ông Liệu. Sau đó thì ông bị trục xuất về Nha Trang.

Mùa hè năm 1928, quan huyện Vĩnh Xương (Khánh Hòa) bắt ông Mục sư Liệu phải hạ tấm bảng “Hội Thánh Tin Lành” xuống, Ông bất tuân lệnh này thì bị tống lao. Trong chốn cùm kẹp, ông Liệu cứ hát Thơ Thánh, cầu nguyện kêu vang Chúa cứu, nước mắt sa dầm dề. Quan chức huyện ấy cảm động rồi tha cho ông đi về.

Giữa năm đó, ông Liệu đi vào Phan Rang truyền giảng. Một quan Công sứ Pháp gọi ông vào văn phòng và cho biết rằng ông ta là người thờ Chúa ở một nhánh khác, không bắt bớ Tin Lành làm chi, và quan này khuyên ông Liệu nên vào Nam mà giảng vì ông Nguyễn Hữu Bài ở viện cơ mật Huế có sắc lệnh cấm giảng Tin Lành ở miền Trung bấy giờ.

Sau khi về thì ông Liệu lại vào chợ Phan Rang công bố đạo Chúa. Thình lình tỉnh sai tiểu đội lính đến vây bắt, dùng roi mây để đánh Mục sư và tín đồ, nhưng không đánh ông bà giáo sĩ Travis vì họ là người ngoại quốc… Rồi giải về nhà giam. Sau đó quan tỉnh cắt hai tên lính áp giải cụ về nguyên quán là Quãng Nam Đà nẵng.

Một tháng sau ông Liệu và các Mục sư Giáo sĩ bấy giờ trên đường đi dự Hội đồng ở Miền Nam có ghé lại Nha Trang góp phần giảng Tin lành. Lính ở đâu ập đến bắt tất cả. Nhưng sau đó đã tha những người kia và giữ ông Liệu lại (vì đã có tiền sự ở hồ sơ lưu). Và cảnh lao tù của ông lần này ở tại Nha Trang diễn ra khá êm xuôi đối với một đầy tớ trung kiên của Đức Chúa Trời. Các quan tỉnh muốn tống Cụ xuống nhà lao chính để cho tên cai tù người Thượng nổi tiếng hung ác hành hạ ông cho bỏ ghét vì “Tội ngoan cố” rao giảng Tin lành! Nhưng Mục sư Liệu cũng cứ vui mừng làm chứng cho Ngài, Chúa đã dùng ông cứu 12 phạm nhân ở đó.

Một lần nữa Mục sư Liệu đi làm chứng và thăm tín đồ tại Nha Trang – Thành (Khánh Hòa) viên tuần vũ cho lính bắt và cũng giải về Quãng Nam. Tại đó trước những lời cáo gian của hai chính quyền Việt – Pháp, ông Liệu đã mạnh dạn tự bào chữa cho mình. Ông tuyên bố công khai rõ ràng chỉ vì thương yêu linh hồn tội nhân hư mất mà đi ra làm chứng Tin Lành cứu rỗi cho họ. Thấy không đủ yếu tố và lý do buộc tội hay kết án được ông, nên họ phải thả ông ra với lời đe dọa “không được giảng Đạo nữa!”.

Nhưng khi về lại Nha trang Cụ cứ tiếp tục hoạt động hăng say với mục đích như trước. Nhà đương cục lúc bấy giờ rất căm tức, và tên tuần vũ trước kia lại bắt giam Cụ vào lao xá với bản án 6 tháng tù vì vi lệnh. Tại đó họ đối xử với Mục sư Liệu rất tệ bạc cốt để hạ nhục Cụ. Nhưng Mục sư này chẳng phiền rầu chi cả. Nhưng cái tin “một Mục sư Annam (tên gọi Việt Nam thời ấy) bị kết án 6 tháng tù” chẳng những gây hoang mang cho tín giáo Tin Lành tại bổn quốc, mà còn làm xôn xao dư luận tín đồ Tin Lành ở Pháp nữa.

“Hội Thánh Tù”

Trong khi đang nếm chịu cảnh lao lý khổ nhục vì Danh Chúa, Mục sư Liệu không tỏ vẻ gì sợ hãi, đau buồn, lo lắng chi cả; Cụ lại rất sung sướng kể là mình được dự phần trong sự thương khó của Chúa. “Trâu cày, ngựa cỡi”, và Mục sư dầu ở trong nhà giam đi nữa, nếu có cơ hội là rao giảng Tin Lành. Cụ Mục sư Liệu trong thời này đã minh chứng cho lập luận khá hùng biện đó. Do công khó trung kiên và hy sinh của Cụ, tại lao tù lúc đó kết quả có 14 linh hồn tội nhân đồng tù với Cụ tin Chúa. Thế là Cụ đã có một Hội Thánh nho nhỏ ngay trong nhà ngục.

Mỗi trưa Chúa Nhật Cụ giảng một bài, buổi chiều học Phúc Âm Yếu Chỉ. Mỗi buổi trưa hằng ngày họp nhau lại học Thánh Kinh, mỗi buổi tối trước khi tù phạm tra chân vào cùm thì hiệp nhau cầu nguyện, làm chứng cho những người khác về tình thương cứu rỗi của Chúa. Lại một điều lạ, người đề lao hung dữ ngày nào đã tỏ ra tử tế và ưu đãi người đầy tớ của Chúa là việc mới đáng nói chứ! Dầu bị cực nhọc, lao tù, làm việc vất vả (đầy rulô nện đường cho công chánh giao thông), lại ăn uống kham khổ; song khi nghĩ đến ân sủng, tình thương, sự săn sóc kỳ diệu của Chúa, Cụ Mục sư Liệu cũng dư thừa tinh thần hoan hỉ với hồn thơ dào dạt, nên Cụ đã cảm tác mấy vần thơ sau đây:

“Tra xem lịch sử trải ngàn thu,
Mới thấy trong lao Hội Thánh tù.
Bãi sở lui về ăn dưới cỏ,
Ngủ rồi thức dậy tiểu trong lu.
Cùm săn chân cứng vừa in khít,
Cơm vắt Trời nuôi cũng mập ù.
Cánh cửa lao lung dù khóa chặt,
Khôn ngăn lòng đến Chúa Giê-xu”

Tính ra trong đời hầu việc Chúa của mình, Cụ Mục sư Phan Đình Liệu đã “được” ở tù 5 lần – Nhưng không khi nào lung lạc được đức tin, cũng chẳng lay chuyển được ý chí cương quyết hết lòng vì Danh Chúa truyền bá Tin Lành cho bao nhiêu linh hồn hư mất. 

Ơn giảng dạy và truyền giảng của Cụ Mục sư Phan Đình Liệu được Cụ Giáo sỹ/Mục sư Thomas Stebbins – Tôn Thất Bình (1933-2018) cho biết đã là một phần nung đúc nên ơn giảng dạy và truyền giảng của ông.    

Để trở thành một nhà truyền giảng Phúc Âm cho người Việt, Giáo sĩ Thomas Stebbins đã tìm cách học hỏi phương thức giảng của các mục sư người Việt có ơn Chúa.  Khi biết được Mục sư Phan Đình Liệu – một mục sư Việt Nam đã về hưu – là một mục sư có ơn Chúa trong việc truyền giảng cho công chúng, Giáo sĩ Thomas Stebbins đã tổ chức một chương trình truyền giảng kéo dài suốt một tháng và mời Mục sư Phan Đình Liệu đến giảng.  Kết quả của chương trình truyền giảng kéo dài suốt một tháng này đã có một trăm người tin Chúa và hai hội thánh mới được thành lập.

Giáo sĩ Thomas Stebbins cho biết trong suốt một tháng đó, ông ngồi dưới chân Mục sư Phan Đình Liệu, theo dõi cách Mục sư Phan Đình Liệu thu hút sự chú ý của thính giả như thế nào, cách ông dùng Kinh Thánh ra sao, cách ông minh họa sứ điệp thế nào, cách ông tiếp xúc với người quan tâm tìm hiểu đạo Chúa ra sao, và cách ông “kéo lưới” như thế nào.   Giáo sĩ Thomas Stebbins cho biết tháng đó là tháng vô cùng quý giá cho ông vì ông đã học được từ một nhà truyền giảng Việt Nam hàng đầu – một người được xức dầu của Chúa – về cách giới thiệu Phúc Âm của Chúa cho người Việt trong bối cảnh văn hóa của người Việt, với một phương thức rất chinh phục.

Cụ Mục sư Liệu cũng là một nhà thơ tài hoa, có thiên khiếu thi cam, “xuất khẩu thành thơ”. Cụ không xuất bản một tập thơ nào, chỉ đăng rải rác trên các tạp chí của Giáo Hội Tin Lành mà thôi. Nhưng ân tứ thơ ca của Cụ rất có hồn, ý nghĩa thâm trầm. Khi ở trong chốn lao lý, Cụ cũng đã làm mấy bài thơ và được phổ nhạc trong Thánh Ca, số 68, 69, 329, 352 (Thánh Ca Việt Nam). Trước đây nhà sách Ánh Sáng của Hội Thánh Tin Lành Tuy Hòa (Tỉnh Phú Yên) đã cho ra mắt Tuyển tập thơ của Cụ, tựa đề là “Lửa Sống”. Ngoài ra còn có Tập “Phúc Âm Diễn Ca”.

Cụ MS Phan Đình Liệu về với Chúa tại Đà-lạt vào ngày 19/12/1979, hưởng thọ 91 tuổi.

 

(Nguồn: hoithanh.comhuongdionline.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan