5 Ảnh Hưởng Của Sự Giảng Giải Kinh Trong Hội Thánh

Share

Rao truyền Lời Chúa cho mọi người là một hành động thờ phượng (2 Ti-mô-thê 2:15), chúng ta cần phải giao trọng trách này cho một người trung tín. Dưới đây là 5 tác động mà giảng giải Kinh tô điểm cho nàng dâu của Đấng Christ.

1. Giảng giải Kinh dạy tín hữu Hội thánh biết cách giải nghĩa Kinh Thánh.

Khi thường xuyên ngồi nghe sứ điệp giảng giải Kinh, các tín hữu học được những kỹ năng giải nghĩa quan trọng. Họ lắng nghe mục sư nói những điều như thế này:

“Thưa ông bà anh chị em, hãy nhìn vào bản văn. Mấy từ này nghĩa là gì? “Bối cảnh của bản văn có giúp chúng ta không?” “Từ ‘Vậy’ để làm gì?” “Ý định của trước giả là gì?” “Dân Y-sơ-ra-ên đã tiếp nhận lời lẽ này ra sao?” “Tại sao Đức Thánh Linh cảm động trước giả phải lặp lại từ này đến bốn lần trong bản văn?” “Chúng ta có thấy chủ đề Đức Chúa Trời cứu rỗi dân sự bằng sự phán xét xảy ra thêm lần nữa trong chương tám tuần rồi không?”

Khi chúng ta nghiên cứu một bản văn, chúng ta rèn luyện hội chúng của mình biết đưa ra những câu hỏi đúng. Các tín hữu của chúng ta sẽ biết rằng đôi khi muốn hiểu đúng một phân đoạn cần phải đọc cả một đoạn hoặc cả sách. Họ sẽ học được những quy tắc giải nghĩa các thể loại văn chương trong Kinh Thánh.

Chúng ta sẽ dạy họ biết rằng muốn hiểu và áp dụng bất kỳ bản văn nào, họ phải nhờ cậy Đấng Christ, Ngài là tâm điểm của cả Kinh Thánh. Chúng ta muốn họ có tư duy Cơ Đốc khi đối diện với bản văn, bởi vì chúng ta không chỉ muốn người ta vâng lời không thôi, mà chúng ta muốn họ vâng lời bằng đức tin. Giống như Scott Swain đã viết rằng: “Không ai áp dụng Kinh Thánh cách đúng đắn cho được nếu không liên tục tiếp nhận Đấng Christ mà Phúc Âm đã rao truyền cho chúng ta”.1

Truyền đạo như thế cũng làm cho các tín hữu của chúng ta trở thành các nhà truyền giáo tốt hơn. Họ có thêm lòng tin quyết trong việc vận dụng Lời Chúa khi trò chuyện với người chưa tin Chúa. Điều này cũng khiến họ trở thành các nhà biện giáo tốt hơn bởi vì bây giờ họ đã biết ăn thịt heo không sao cả, nhưng đối với dân Y-sơ-ra-ên thì không được. Họ có thể giải thích vì sao Đức Chúa Trời sử dụng dân Y-sơ-ra-ên để càng quét thành Giê-ri-cô, nhưng tại sao người tin Chúa không được làm hại người khác dưới danh nghĩa thiêng liêng nào đó.

Khi chúng ta giảng giải Kinh, chúng ta dạy người khác biết cách tự nghiên cứu Kinh Thánh.

2. Giảng giải Kinh dạy cho hội chúng biết thẩm quyền chân chính là như thế nào.

Tín điều Mười luận đề Berne của người Thụy Sĩ vào thế kỷ 16 bắt đầu thế này: “Hội thánh Cơ Đốc chỉ có Đấng Christ là đầu, được lập nên bởi Lời của Đức Chúa Trời, ở trong Đức Chúa Trời, và không lắng nghe tiếng của người lạ”. Vậy, Chúa Jêsus phán rằng: “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta” (Giăng 10:27). Khi chúng ta nắm bắt được ý định của bản văn và áp dụng chân lý đời đời của Đức Chúa Trời vào lòng các tín hữu, thì họ sẽ lắng nghe chúng ta giống như chúng ta đang nói bằng uy quyền của Đấng Chăn Chiên hiền lành.

Gần đây, tôi chia sẻ từ 1 Cô-rinh-tô 7:4 chép rằng: “Vợ không có quyền trên thân thể mình, mà là chồng. Chồng cũng không có quyền trên thân thể mình, mà là vợ”. Tôi đã nói trong bài giảng của mình rằng: “Đây là việc Chúa làm . . . Ấy không phải là ý riêng của tôi – mà là những gì bản văn nói”. Tín hữu của tôi đều nhìn xuống Kinh Thánh của họ, giống như Hội thánh Bê-rê ngày xưa, rồi gật đầu. Điều này không xảy ra giống như vậy khi giảng luận theo chủ đề.

Chúng ta muốn tín hữu của mình đặt niềm tin vào quyền phép của Đức Chúa Trời khi họ đã hiểu bản văn theo đúng bối cảnh của chúng. Họ được thêm lòng tin quyết vì biết rằng mình đang nghe từ Đức Chúa Trời.

Thưa các mục sư, trong thời đại mà chủ nghĩa độc tài và sự lạm dụng thường xuyên thò cái đầu xấu xí của chúng ra, thì chúng ta cần phải càng hạ mình làm gương như Đấng Christ bằng cách thường xuyên đầu phục thẩm quyền của Kinh Thánh. Một Hội thánh thường xuyên ngồi nghe giảng giải Kinh sẽ phân biện được thẩm quyền thực sự là như thế nào.

3. Giảng giải Kinh có hệ thống môn đồ hóa tâm trí của mục sư.

Giảng luận qua các sách trong Kinh Thánh đã khiến tôi thấy được bề sâu và bề rộng của Kinh Thánh, thêm lòng kinh sợ trước bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời ở trên lịch sử cứu rỗi, và nhìn thấy ý định của Ngài được bày ra và ứng nghiệm trong Đấng Christ. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa phải là tất cả. Điều này còn khiến tôi tiếp cận những bản văn khó mà tôi sẽ không bao giờ chọn để chia sẻ một bài giảng theo chủ đề. Giảng luận xuyên suốt sách Sáng thế ký buộc chúng ta phải đối phó với các đoạn như Sáng thế ký 34, trong đó mô tả sự hãm hiếp con gái của Gia-cốp là Đi-na ở thành Shechem và cần phải trả lời những câu hỏi như: “Tại sao lại có phân đoạn này? Phân đoạn này dạy chúng ta điều gì về Đức Chúa Trời?”

Giảng giải Kinh giúp chúng ta dạy hội chúng về ân điển diệu kỳ của Đức Chúa Trời tỏa sáng ngay cả trong những bản văn khó nhất và nhờ đó mà cả Kinh Thánh có ích cho việc dạy dỗ trong sự công bình.

Vì vậy, hãy đào sâu bản văn và cầu xin Chúa mở mắt chúng ta để nhìn thấy những điều tuyệt vời qua Lời của Ngài. Các bài giảng giải Kinh sẽ không chỉ bảo vệ chúng ta khỏi việc bỏ qua các phân đoạn khó, mà còn ngăn cản chúng ta giảng dạy các đề tài ưa thích của mình. John Stott nói trong quyển sách Chân dung nhà truyền đạo của mình rằng: “Một cách để thoát khỏi những thái cực của sự lơ là và nhấn mạnh quá mức đó là đều đặn nghiên cứu các sách trong Kinh Thánh hoặc ít nhất là toàn bộ các đoạn trong Kinh Thánh, phơi bày ra mọi thứ, không né tránh điều gì cả”.2

4. Giảng giải Kinh xây dựng hệ thống miễn dịch thần học của hội chúng.

Qua việc thường xuyên lắng nghe sự giải Kinh, các tín hữu của tôi đã phát triển khả năng này: khi họ nghe thấy giáo lý sai lệch, áp dụng không đúng Lời Chúa và thậm chí các hướng thực hành truyền giáo và cơ cấu lạ, họ sẽ nói rằng: “Nghe có vẻ không đúng!”

Hãy suy nghĩ về điều này: một trong những lý do khiến các diễn giả chia sẻ Phúc Âm thịnh vượng đang dạy là vì họ không biết cách giảng luận Cựu Ước. Nhưng nếu chúng ta đã trung thành giải Kinh Cựu Ước và giúp tín hữu củamình hiểu được cách áp dụng Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo, thì Tin Lành thịnh vượng sẽ là dị giáo đối với họ và chính họ sẽ từ chối sứ điệp như thế.

Gần đây, tôi đã chia sẻ về 1 Cô-rinh-tô 9:1–27 và giải thích ý nghĩa của câu 22: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào”. Lập luận của sứ đồ Phao-lô bắt đầu từ chương trước đó khi ông đề cập đến một số tín hữu đang ăn thịt từ của lễ dâng lên các hình tượng ở trong đền thờ. Một số tín hữu đã không xét kỹ hành động của mình đối với những anh em yếu đuối hơn.

Có rất nhiều học giả và các nhà truyền giáo lỗi lạc đã lấy câu 22 ra khỏi ngữ cảnh để dạy rằng: chúng ta phải đóng gói lại các chân lý của Tin Lành sao cho văn hóa đương thời có thể hiểu rõ và chấp nhận. Nhưng nếu đã giảng luận sách này, chúng ta biết rằng ngược lại với mọi điều sứ đồ Phao-lô đã nói về sự khôn ngoan của thập tự giá, thì đó là sự dại dột đối với thế gian bị hư mất (1 Cô-rinh-tô 1:18). Đó là một tai tiếng đối với dân Do Thái và dại dột đối với dân ngoại (1 Cô-rinh-tô 1:23). Sứ điệp này đã được định sẵn là sự khó chịu đối với mọi nền văn hóa, hầu cho hễ người nào được cứu, thì Đức Chúa Trời sẽ được tất cả vinh hiển. Một khi chúng ta hiểu được thập tự giá là trọng tâm ở trong 1 Cô-rinh-tô, thì chúng ta mới thấy trở nên mọi cách cho mọi người là từ bỏ quyền lợi của mình để được nghe Phúc Âm này và không sửa đổi thông điệp ấy, vì làm vậy sẽ phế bỏ mọi quyền phép cứu rỗi của Phúc Âm (1 Cô-rinh-tô 1:17).

Bây giờ đây là những gì đã làm cho hệ thống miễn dịch thần học của hội thánh của tôi: nếu bây giờ có ai đến hội thánh của tôi và dạy các nguyên tắc của phong trào nội gián hoặc một vài chiến lược về ngữ cảnh mới dựa trên điều này, thì hội chúng của tôi sẽ nói rằng: “Điều đó nghe có vẻ không đúng!” 

5. Giảng giải Kinh là cách tự nhiên nhất để đối phó với tư duy văn hóa.

Hầu hết các tín hữu của tôi xuất thân từ bối cảnh châu Á hoặc châu Phi nơi mà sự độc thân bị xem nhẹ. Nhưng trong 1 Cô-rinh-tô 7, sứ đồ Phao-lô có một góc nhìn cao hơn về sự độc thân và ông cũng nói lên những ưu điểm của nó. Đàn ông hoặc phụ nữ Cơ Đốc có thể sống sống độc thân vì vinh hiển của Đức Chúa Trời. Văn hóa đã môn đồ hóa chúng ta đến nỗi xem thường những ai chưa kết hôn, giống như họ là tín đồ Cơ Đốc thứ yếu, hoặc họ chưa được hoàn thiện.

Bây giờ, thay vì cô lập vấn đề này và giải quyết nó, thì tôi sẽ giải quyết vấn đề này tự nhiên hơn sau khi giảng xong 1 Cô-rinh-tô 6 và hội chúng cũng nghe được câu này: “Anh em cũng không còn thuộc về chính mình nữa, vì anh em đã được mua bằng giá rất cao. Vậy, hãy dùng thân thể anh em mà tôn vinh Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 6:20). Chúng ta nên xử lý tư duy văn hóa sau khi họ đã nghe 1 Cô-rinh-tô 3:19 nói rằng sự khôn ngoan của đời này là sự dại dột đối với Đức Chúa Trời. Tôi thấy việc giảng luận toàn bộ một sách là cách tốt hơn để khuyến khích các tín hữu từ bỏ những niềm tin theo văn hóa và khuyên dỗ họ đặt lòng tin lẫn tuân theo Lời của Đấng Christ.

Kết luận

Hãy nhớ là Lời Đức Chúa Trời có sức mạnh để biến đổi. Hỡi anh em, hãy rao truyền Lời của Đức Chúa Trời. Nguyện xin vinh hiển của Ðức Chúa Trời chiếu sáng mặt của Ðức Chúa Jêsus Christ ở trên những con chiên đã được chuộc bằng huyết của Ngài. Hãy để Lời Chúa thực hiện công tác cứu rỗi thông qua sự giảng giải Kinh Thánh cách trung thành của chúng ta, và sự cứu rỗi  đầy khôn ngoan của Đức Chúa Trời sẽ được bày tỏ cho thế gian đang hư mất.

pastedGraphic_1.png

[1] Scott Swain, Ba Ngôi, Mặc khải và Đọc (T&T Clark), trang 135.
[2] John Stott, Chân  dung Nhà truyền đạo (Eerdmans), trang 26.

9Marks bắt đầu vào năm 1994 khi Mark Dever trở thành mục sư quản nhiệm của Hội thánh Báp-tít Capitol Hill. Ông đã thành lập Trung tâm Hội thánh Cải chánh vào năm 1998, sau này đã trở thành 9Marks. Mục tiêu của 9Marks là nhìn thấy các Hội thánh được trau dồi chín đặc điểm của một Hội thánh lành mạnh theo Kinh Thánh. Để làm được điều nầy, 9Marks đã tạo ra nguồn tài liệu phong phú gồm có sách báo, các bài góc nhìn, các kênh phát thanh podcast, đánh giá sách, và tạp chí hàng quý. 9Marks còn hỗ trợ các Hội thánh trên toàn cầu để chuyển ngữ tài liệu Cơ Đốc sang nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.

 

(Nguồn: tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan