9 Điều Bạn Nên Biết Về Những Cuộc Phục Hưng Ở Mỹ

Share

Những gì đã được lên kế hoạch như một buổi cầu nguyện kéo dài một giờ vào thứ Tư tuần trước đã trở thành một cơn phục hưng kéo dài nhiều ngày tại Đại học Asbury. Cơn phục hưng xảy ra tại trường Đại Học Cơ đốc ở Wilmore, Kentucky đã thu hút nhiều người từ khắp nước Mỹ. Phó Chủ tịch Đại Học Asbury Mark Whitworth nói rằng giống như một buổi thờ phượng trong nhà nguyện, sự phục hưng bao gồm việc đọc Kinh Thánh, các sứ điệp và ca ngợi, cũng như cầu nguyện một-một giữa hai người và cầu nguyện nhóm nhỏ.

Sau đây là chín điều bạn nên biết về sự phục hưng và lịch sử của những cuộc phục hưng ở Mỹ.

1. Kinh thánh không có “chữ” phục hưng nhưng có khải thị một khuôn mẫu phục hưng.

Cựu Ước ghi lại một số lần khi Đức Chúa Trời phục hưng đời sống thuộc linh của dân Ngài (ví dụ: 2 Sa-mu-ên 6:2; Sử ký 29, E-xơ-ra 9–10). Mặc dù không có một từ Hê-bơ-rơ nào nói đến sự phục hưng, nhưng Cựu Ước bày tỏ những điều có thể được gọi là “mô hình phục hưng”. Như Collin Hansen và John D. Woodbridge chỉ ra trong cuốn sách của họ, “A God-Sized Vision: Revival Stories that Stretch and Stir,” khuôn mẫu được tiết lộ là: “Sau một giai đoạn sa sút thuộc linh, có một người nào đó bước tới để thừa nhận việc không sống theo luật pháp tốt lành và ân sủng của Đức Chúa Trời. Những người khác bắt đầu nhận ra vấn đề và họ từ bỏ con đường phản nghịch Chúa của mình. Đức Chúa Trời nghe lời kêu cầu của họ và đáp trả lời kêu cầu của họ bằng sự phục hưng.”

2. Không có sự đồng thuận về cách định nghĩa sự phục hưng.

Vì Kinh thánh không định nghĩa rõ ràng những điều gì tạo nên sự phục hưng nên rất nhiều định nghĩa đã được đề xuất. Ví dụ, J. I. Packer định nghĩa phục hưng là “việc Đức Chúa Trời tăng tốc việc Ngài đến “thăm” dân sự của Ngài, làm cảm động lòng của họ và đào sâu công việc ân sủng của Ngài trong đời sống họ.” Trong Evangelical Dictionary of World Missions, Earle Cairns định nghĩa đó là “công việc của Đức Thánh Linh phục hồi dân Chúa về một đời sống thuộc linh thiết yếu trở nên sống động hơn, làm chứng và làm việc bằng sự cầu nguyện và Lời Chúa sau khi họ ăn năn trong cơn khủng hoảng gây ra bởi sự sa sút thuộc linh của họ. .” Như Hansen và Woodbridge nói, “Có thể là với những điều mà chúng ta phân loại là phục hưng thì các sứ đồ đã hiểu chúng như là những gì mà Đức Chúa Trời mong đợi của hội thánh của Ngài đến với Ngài, đến với nhau và đến với thế giới xung quanh. Nếu đúng như vậy, thì chúng ta có thể hiểu những cuộc phục hưng là những thời điểm mà các Cơ đốc nhân ghi nhớ và đón nhận sự kêu gọi bởi ân sủng của Đức Chúa Trời và quyền năng của Đức Thánh Linh.”

3. Phục hưng dẫn đến sự làm mới lại, các phong trào và sự tỉnh thức.

Sự nhầm lẫn về việc sử dụng thuật ngữ phục hưng làm loan ra các thuật ngữ khác liên quan đến chủ nghĩa phục hưng, chẳng hạn như “thức tỉnh” (ví dụ: Cuộc Đại Tỉnh Thức), “làm mới lại” (ví dụ: Làm Mới Lại Ân Tứ) và “phong trào” (ví dụ: Phong Trào Chúa Giê-su). Một điểm khác biệt hữu ích giúp phân biệt những từ này là sự đổi mới xảy ra khi Đức Chúa Trời chạm đến trái tim của một cá nhân, sự phục hưng xảy ra khi Đức Chúa Trời chạm đến một cộng đồng đức tin, và sự thức tỉnh xảy ra khi xã hội rộng lớn hơn bên ngoài hội thánh bị tác động (một phong trào có thể được coi là một thức tỉnh có ảnh hưởng hẹp hơn).

4. Cuộc đại thức tỉnh đầu tiên đã khai sinh ra Hệ Cơ Đốc Tin lành Mỹ.

Cuộc Đại Tỉnh Thức chỉ đến những thay đổi về tôn giáo và văn hóa xảy ra ở thuộc địa Mỹ giữa những thập niên 1730 và 1760. Một loạt các cuộc phục hưng lan rộng khắp thuộc địa Mỹ và mang lại những biến động xã hội quan trọng nhất xảy ra trước Cuộc Cách Mạng Mỹ. Cuộc Đại Tỉnh Thức, như nhà sử học Thomas Kidd ghi chú, đã khai sinh ra Hệ Cơ Đốc Tin Lành Mỹ. Các cuộc phục hưng đã giúp nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều sinh ra là tội nhân, rằng tội lỗi không có sự cứu rỗi sẽ đưa một người xuống hỏa ngục, rằng tất cả mọi người đều có thể được cứu nếu họ xưng nhận tội với Đức Chúa Trời, và sự cải đạo cá nhân là một sự kiện cần thiết đến từ việc tìm kiếm sự tha thứ và đón nhận ân sủng của Đức Chúa Trời.

5. Cuộc Đại Tỉnh Thức Lần Thứ 2 dẫn đến những cải cách xã hội và những phong trào tôn giáo mới.

Thời kỳ được gọi là Đại Tỉnh Thức Lần Thứ 2 bắt đầu khoảng 50 năm sau khi Đại Tỉnh Thức (Lần thứ 1) kết thúc. Những Cơ đốc nhân Giám lý và Báp-tít đã đi đầu trong việc sử dụng các cuộc phục hưng để mở loan truyền Cơ đốc giáo vào các vùng biên giới của nước Mỹ đang được khai phá. Thật vậy, sự thức tỉnh này đã dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể trong phong trào Giám Lý, từ khoảng 20 hội thánh vào năm 1776 lên đến hơn 19.000 vào thời điểm Nội Chiến, khiến họ trở thành giáo phái Tin lành lớn nhất ở Hoa Kỳ. Cuộc Đại Tỉnh Thức Lần 2 cũng làm bừng cháy lên những cải cách xã hội (cải cách chế độ nhà tù, nếp sống tiết độ, giữ ngày thờ phượng Chúa Nhật “Sa-bát”, nữ quyền vv) và dẫn đến việc tạo ra các phong trào tôn giáo khác như phong trào Cơ đốc Phục lâm, phong trào Thánh Khiết, phong trào Phục Hồi và giáo phái Mormon.

6. Cầu nguyện giữa các doanh nhân dẫn đến cơn phục hưng đổi mới đất nước.

Năm 1857, nhân sự truyền giáo Jeremiah Calvin Lanphier bắt đầu tổ chức một buổi cầu nguyện vào giờ ăn trưa ở thành phố New York. Chỉ có sáu doanh gia đến dự vào ngày đầu tiên. Nhưng đến năm sau, 10.000 người đã cầu nguyện hàng ngày tại sự kiện được gọi là Phong Trào Phục Hưng Doanh Nhân năm 1857-1858. Cuộc phục hưng lan rộng khắp đất nước và dẫn đến ước tính có khoảng một triệu tín hữu được thêm vào hội thánh.

7. Một cuộc phục hưng ở Los Angeles đã khai sinh ra phong trào Ngũ Tuần.

Cuộc Phục Hưng Khu Azusa là một loạt các cuộc phục hưng ở Los Angeles bắt đầu vào ngày 9 tháng 4 năm 1906 và tiếp tục cho đến khoảng năm 1915. Những cuộc phục hưng này đã bị nhiều hệ phái truyền thống lâu năm khinh thường nhưng lại khiến nhiều người bị “thuyết Ngũ Tuần” mới này thu hút để thành lập hội thánh của riêng họ và các mối kết nối các hội thánh đó. Nó thậm chí còn dẫn đến việc thành lập Assemblies of God, Hội Thánh Ngũ Tuần lớn nhất thế giới.

8. Phong Trào Chúa Giê-xu hòa trong phong trào văn hóa đối trọng với Văn Hóa Tin Lành Truyền Thống.

Sự kết hợp giữa phong trào đối trọng văn hóa vào cuối thập niên 1960 và sự làm mới lại trong giới trẻ Mỹ (vốn vẫn chịu ảnh hưởng văn hóa Cơ Đốc – LND) đã hình thành nên Phong Trào Chúa Giê-xu. Phong trào, lên đến đỉnh điểm vào giữa những thập niên 1970, đã thu hút những người bên lề xã hội, chẳng hạn như giới trẻ hippie và những “kẻ lập dị của Chúa Giê-su” khác. Larry Eskridge cho biết trong God’s Forever Family: The Jesus People Movement in America, phong trào bắt đầu kết hợp văn hóa thanh niên vào các hội thánh Tin lành. Điều này dẫn đến việc hình thành một hiện tượng như Âm nhạc Cơ đốc đương đại (Contemporary Christian Music – CCM), sự ca ngợi và thờ phượng đổi mới, cũng như các xu hướng như ăn mặc trang trọng trong nhà thờ và ưu tiên ngày càng tăng của mục vụ giới trẻ.

9. Các trường đại học là những địa điểm chính cho các cuộc phục hưng.

Trong suốt lịch sử nước Mỹ, những cuộc phục hưng thường xảy ra trong giới trẻ và đặc biệt thường xuyên xảy ra trong khuôn viên các trường đại học. Chẳng hạn, một cuộc phục hưng tại Đại Học Yale vào năm 1802 đã dẫn đến một phần ba tổng số sinh viên, lúc bấy giờ là 230, tuyên xưng đức tin mới trong Đấng Christ. Gần 150 năm sau, một cuộc phục hưng vào năm 1950 tại nhà nguyện của Đại học Wheaton đã thu hút sự chú ý của Tạp Chí Time, tạp chí này đã quan sát thấy “một làn sóng sôi nổi của sự xưng tội xảy ra khắp giảng đường”. Và cuộc phấn hưng gần đây tại Asbury là cuộc phục hưng mới nhất trong một loạt các cuộc phục hưng tại nhà nguyện của trường đại học. Như trường đại học cho biết, “Đã từng có một số thời điểm khi những sự vận hành quan trọng của Đức Thánh Linh đã quét qua khuôn viên trường và lan rộng ra toàn quốc.” Những cuộc phục hưng đã xảy ra trong khuôn viên Đại Học Asbury vào năm 1905, 1908, 1921, 1950, 1958, 1970, 1992 và 2006.

 

Ngọc Nga & Ánh Dương

(Lược dịch theo: thegospelcoalition.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan