Người được gọi là Lê-vi ở đầu đoạn này, cũng chính là người được gọi là Ma-thi-ơ, tên của sách đầu tiên trong bốn sách Phúc Âm. Chúng ta đừng quên điều này. Ông không kém gì một sứ đồ và một nhà truyền giáo, cho dù xuất thân ban đầu của ông có như thế nào trong phân đoạn này.
Quyền phép của Đấng Christ kêu gọi mọi người làm môn đồ của Ngài
Đầu tiên, các câu Kinh Thánh này cho biết, quyền phép của Đấng Christ kêu gọi mọi người ra khỏi thế gian và khiến họ trở thành môn đồ của Ngài. Chúng ta đọc thấy Chúa phán cùng Lê-vi, khi ông “đương ngồi tại sở thâu thuế” (câu 14) rằng: “Hãy theo ta”. Ngay lập tức, ông “đứng dậy theo Ngài”. Từ một người thâu thuế trở thành một sứ đồ, trước giả của sách đầu tiên trong Tân Ước, mà ngày nay cả thế giới đều biết.
Đây là một sự thật có tầm quan trọng sâu sắc. Nếu Chúa không gọi thì không ai được cứu. Hết thảy chúng ta đều chìm đắm trong tội lỗi, yêu thích thế gian, đến nỗi không bao giờ trở về với Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự cứu rỗi, trừ khi Chúa chủ động kêu gọi chúng ta bởi ân điển của Ngài. Đức Chúa Trời phải phán với tấm lòng của chúng ta qua Thánh Linh của Ngài trước khi chúng ta đáp ứng với Ngài. Hễ ai là con cái của Đức Chúa Trời, theo Điều 17 trong Tín điều của Giáo hội Anh quốc, đều được “Đức Thánh Linh gọi đúng kỳ định theo ý muốn của Đức Chúa Trời”. Vì thế, thật phước thay khi biết rằng sự kêu gọi tội nhân này tùy thuộc vào Chúa Cứu Thế nhân từ là Đấng Christ!
Khi Chúa Jêsus kêu gọi một tội nhân trở thành tôi tớ của Ngài, Chúa làm điều này bằng quyền tối thượng, nhưng Ngài cũng làm điều đó bằng lòng thương xót giới hạn. Chúa thường chọn người nào không làm theo ý muốn của Ngài và cách xa vương quốc của Ngài nhất. Chúa kéo họ đến cùng Ngài bằng sự toàn năng, bẻ gãy xiềng xích trói buộc họ vào những thói quen cũ, khiến họ trở thành những tạo vật mới. Như nam châm hút sắt và gió nóng làm tan chảy băng giá thế nào, thì sự kêu gọi tội nhân của Đấng Christ ra khỏi thế gian và đổi lòng bằng đá ra lòng bằng thịt cũng thế ấy. Tiếng Chúa phán thật quyền năng. Phước cho người nào, đã nghe tiếng phán của Ngài, không còn cứng lòng nữa!
Chúng ta cũng đừng bao giờ bị nản lòng về sự cứu rỗi của bất kỳ ai sau khi đã đọc phân đoạn Kinh Thánh này. Chúa, đã gọi Lê-vi, là Đấng hằng sống và vẫn đang hành động. Thời đại của những phép lạ vẫn chưa kết thúc. Lòng tham tiền bạc là một thành trì kiên cố, nhưng tiếng gọi của Đấng Christ còn quyền năng hơn. Chúng ta cũng đừng nản lòng về những người đang ngồi trong sở thâu thuế và đang sống sung túc với các vật tốt của thế gian. Tiếng phán cùng Lê-vi là “Hãy theo ta!” có lẽ vẫn chưa chạm đến tấm lòng của họ. Nhưng chúng ta sẽ thấy họ sống lại và vác thập tự giá của mình đi theo Đấng Christ. Chúng ta hãy tiếp tục hy vọng và cầu thay cho những người khác. Ai có thể nói trước được Đức Chúa Trời sẽ làm gì cho những người đang ở xung quanh chúng ta đây? Không ai xấu xa đến nỗi Đức Chúa Trời không thể gọi họ trở về. Chúng ta hãy cầu thay cho tất cả mọi người.
Đấng Christ như Bác sĩ
Điều thứ hai, chúng ta học được từ mấy câu Kinh Thánh này: một trong những chức vụ chính yếu của Đấng Christ là Bác sĩ Đại tài. Các thầy dạy luật và người Pha-ri-si đã buộc tội Chúa ăn uống cùng bọn thâu thuế và kẻ có tội. Nhưng Đức Chúa Jêsus nghe vậy, bèn phán cùng họ rằng: Chẳng phải kẻ mạnh khỏe cần thầy thuốc đâu, nhưng là kẻ có bịnh.
Đức Chúa Jêsus đã không đến thế gian, như vài người tưởng, để ban luật pháp, làm vua, làm giáo sư và làm gương. Nếu Chúa đến vì những lý do trên, thì loài người chẳng được yên ủi gì mấy. Chế độ ăn kiêng và rèn luyện sức khỏe đều rất tốt cho việc nghỉ dưỡng, nhưng không phù hợp với người đàn ông đang sống với căn bệnh hiểm nghèo. Một giáo sư và một tấm gương chỉ đủ cho một người sa ngã như A-đam ở trong vườn Ê-đen. Nhưng tội nhân sa ngã như chúng ta trước tiên cần được chữa bệnh, rồi chúng ta mới biết tôn trọng những quy tắc.
Đức Chúa Jêsus đến thế gian để làm bác sĩ cũng như làm giáo sư. Chúa biết rõ những điều cần thiết mà loài người cần. Chúa thấy đạo đức của chúng ta đều mắc bệnh, bị tội lỗi chi phối và chết dần mỗi ngày. Chúa thương xót và ban cho chúng ta phương thuốc cứu chữa. Ngài đến ban sự sống và cứu chúng ta khỏi sự chết, để rịt lành tấm lòng tan vỡ và ban sức khỏe cho kẻ yếu đuối. Không có tội nhân nào cách xa Chúa đến nỗi không thể quay đầu. Chúa được vinh hiển khi Ngài chữa lành và ban sự sống cho những người tuyệt vọng nhất. Nếu nói đến quyền năng vô hạn, tình yêu không vơi cạn, thấu hiểu tình trạng thuộc linh của loài người, thì không ai sánh bằng Bác sĩ Đại tài. Chẳng có ai như Ngài.
Nhưng chúng ta biết gì về chức vụ đặc biệt này của Đấng Christ? Chúng ta có được Ngài chữa trị cho căn bệnh thuộc linh của mình chưa? Chúng ta không bao giờ được công bình ở trước mặt Đức Chúa Trời cho tới khi đến với Chúa. Chúng ta không biết đạo thật ở đâu nếu chúng ta nghĩ sự mặc cảm tội lỗi đang kéo chúng ta ra xa Đấng Christ. Nhận biết tội lỗi và căn bệnh của mình là khởi đầu của Cơ Đốc Giáo thật. Nhận biết sự băng hoại và gớm ghiếc tội lỗi là dấu hiệu đầu tiên của sự khỏe mạnh thuộc linh. Thật hạnh phúc thay cho người nào tìm ra căn bệnh của linh hồn mình! Hãy giúp họ biết rằng Đấng Christ là vị bác sĩ mà họ cần và khuyên họ đừng chần chừ mà hãy đến với Ngài.
Trộn lẫn mọi thứ vốn khác nhau trong tôn giáo còn tồi tệ hơn cả sự vô ích
Điều thứ ba, chúng ta học được trong phần cuối của mấy câu Kinh Thánh này rằng trộn lẫn mọi thứ vốn khác nhau ở trong tôn giáo còn tồi tệ hơn cả sự vô ích. Chúa phán cùng người Pha-ri-si rằng: “Không ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ”, “không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ”. Tất nhiên, chúng ta thấy mấy câu này là ẩn dụ. Chúng đặc biệt trả lời cho câu hỏi của người Pha-ri-si: “Bởi cớ nào môn đồ của Giăng và môn đồ của người Pha-ri-si đều kiêng ăn, còn môn đồ của thầy không kiêng ăn?”
Câu trả lời của Chúa rõ ràng muốn nói rằng, bắt các môn đồ của Ngài kiêng ăn là không thiết thực và không đúng kỳ. Bầy nhỏ của Ngài còn non nớt trong ân điển và yếu đuối trong đức tin, hiểu biết và kinh nghiệm. Họ phải được dìu dắt cách mềm mại và không chịu nổi những đòi hỏi quá sức mình. Hơn nữa, kiêng ăn là điều phù hợp cho các môn đồ của Giăng, chỉ là bạn của Chàng Rể, sống trong đồng vắng, rao giảng phép báp-tem ăn năn, mặc áo bằng lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng. Nhưng kiêng ăn không phù hợp với các môn đồ của Ngài, chính là Chàng Rể, đã làm cho tội nhân vui cười hạnh phúc và sống ở giữa mọi người. Tóm lại, yêu cầu các môn đồ của Ngài kiêng ăn lúc này sẽ giống như đổ rượu mới vào bầu da cũ. Tức là trộn lẫn và hợp nhất mấy thứ vốn khác nhau.
Nguyên tắc được nhìn thấy ở trong hai ẩn dụ rất ngắn này là một trong những điều rất quan trọng. Đó là một cách nói khôn khéo và được công nhận khắp mọi nơi. Bỏ qua điều này đã gây ra tai hại lớn trong Hội Thánh. Những nan đề xuất phát từ việc vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ và đổ rượu mới vào bầu da cũ là không ít và cũng không nhỏ tí nào.
Hội Thánh Ga-la-ti thì sao? Thư tín của Phao-lô đã ghi chép lại. Tín hữu trong Hội Thánh ấy muốn trộn lẫn Do Thái Giáo và Cơ Đốc Giáo, phép cắt bì cũng như phép báp-tem. Họ đã cố gắng giữ các lễ nghi và phép tắc ở trong luật pháp, rồi đặt ngang bằng với Phúc Âm của Đấng Christ. Thật ra, họ đã vui lòng đổ rượu mới vào bầu da cũ. Khi làm vậy, họ đã mắc sai lầm trầm trọng. Hội Thánh Cơ Đốc đầu tiên đã phát triển thế nào sau khi các sứ đồ qua đời? Chúng ta đã ghi chép lại thành nhiều trang sử về Hội Thánh. Vài người cố gắng làm cho Phúc Âm dễ hòa nhập hơn bằng những triết lý của loài người. Vài người đã lao nhọc chia sẻ với người chưa tin Chúa bằng những hình thức vay mượn, nghi thức trang trọng và các bộ lễ phục từ các đền chùa của thần tượng ngoại giáo. Tóm lại, họ đã vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ. Khi làm vậy, họ đã rải rác mầm móng tội lỗi khắp nơi! Họ đã lát đường cho sự bội đạo của người La Mã!
Đối với nhiều người gọi mình là Cơ Đốc Nhân ngày hôm nay thì sao? Chúng ta chỉ cần nhìn qua nhìn lại cũng thấy. Có đến hàng ngàn người cố gắng trộn lẫn sự hầu việc Chúa và việc làm của thế gian, mang danh Cơ Đốc Nhân mà sống cách vô đạo, miệt mài trong hoan lạc và tội lỗi mà vẫn là môn đồ của Chúa Jêsus đã bị đóng đinh. Nói tóm lại, họ đang muốn uống rượu mới bằng bầu da cũ. Một ngày nào đó, họ sẽ biết rằng việc làm của mình chẳng có kết quả!
Chúng ta hãy kết thúc phân đoạn này bằng sự tra xét bản thân cách nghiêm túc. Một phân đoạn đáng lý phải khiến mọi người ngày nay tra xét kỹ tấm lòng của mình. Chúng ta chưa đọc Kinh Thánh hay sao? “Chẳng ai được làm tôi hai chủ”.“Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa”. Hãy đặt hai câu Kinh Thánh này cạnh nhau rồi kết luận bằng câu Kinh Thánh trong phân đoạn này rằng:“Rượu mới phải đổ vào bầu mới” (Lu-ca 5:38).
(Nguồn:https://tienphong.org)