Sự Bắt Bớ Hội Thánh

Share

Sự bắt bớ từ phía thế gian

   Sự bắt bớ có nhiều nguồn gốc, thể hiện trong nhiều hình thức khác nhau. Có thể đến từ phía chính quyền hoặc một số cá nhân đặc biệt hung hăng. Những điều luật không tin kính và một số thế lực núp dưới danh nghĩa chính quyền có thể dùng mọi cách để Tin Lành không được rao giảng. Thường thì họ không có khái niệm gì về Tin Lành và cũng chẳng thèm quan tâm xem Tin Lành là gì. Họ dồn tất cả các tôn giáo vào một đống và tấn công tất cả các tôn giáo.

   Đó là điều thường xảy ra ở các nước không dân chủ hoặc bị ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội. Kinh Thánh dạy chúng ta phải cầu nguyện cho chính quyền (I Ti-mô-thê 2:24) và điều này cực kỳ quan trọng. Trước hết là bởi vì những người giữ vị trí lãnh đạo chính quyền cũng cần phải được cứu. Bên cạnh đó, Hội Thánh cũng cần được tôn trọng và bình đẳng với các tổ chức xã hội khác. Vì thế chúng ta cũng cần phải cầu nguyện cho các phương tiện thông tin đại chúng do chính quyền kiểm soát và hay in ấn, phát hành những điều vu khống giả dối. Đồng thời, chúng ta cũng không run sợ trước bất kỳ một thế lực chính trị hay báo chí nào. Những vũ khí thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho Hội Thánh có sức mạnh hơn nhiều. Lời đến từ Đức Chúa Trời có thể xuyên thẳng tới văn phòng chính phủ và buộc họ phải có thái độ tôn trọng với tín đồ.

   Cũng như việc không muốn nói về sự bắt bớ, một số người giảng lời Chúa không muốn nói về thái độ cần có đối với chính quyền. Họ lẩn trốn trách nhiệm, viện cớ chúng ta phải giảng về Chúa Jê-sus và chỉ một mình Ngài mà thôi. Đúng là chúng ta rao giảng Chúa Jê-sus chứ không làm chính trị. Chúng ta đặt tình yêu và lẽ thật của Ngài lên hàng đầu, chứ không phải là lòng hận thù, ghen ghét. Song tình yêu của Đức Chua Trời không mềm yếu. Tình yêu mà Phao-lô rao giảng sẵn sàng đối kháng với chính quyền và chiến thắng chính quyền.

   Không thể giam mình trong bốn bức tường của nhà thờ trong khi ma quỷ đang cố gắng kiểm soát cả dân tộc. Ít ra thì đó cũng không phải là đường lối cho một Hội Thánh lớn mạnh và tấn công. Trước những điều luật không tin kính, cản trở sự tự do nhóm họp hoặc rao giảng Tin Lành, Hội Thánh cần phải cầu nguyện, nói tiên tri và lên tiếng phản đối. Đó là điều đã và đang diễn ra tại Nga. Ukraina và các nước Đông âu, để những nước này có thể có nền dân chủ thực sự và những điều luật chống đối Tin Lành bị bãi bỏ.

Sự bắt bớ từ giới lãnh đạo tôn giáo sa ngã

   Những người hoạt động tôn giáo sa ngã có thể là lý do của sự bắt bớ. Khi muốn đàn áp phấn hưng, chính quyền thường tìm kiếm lời khuyên của những người mang danh Cơ Đốc Nhân, song thực chất là những kẻ sa ngã và không có sự sống thuộc linh. Họ thường là đại diện của nhà thờ và tổ chức tôn giáo chết, song lại có nhiều điều kiện phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

   Sự chống đối từ giới tôn giáo thường lại dữ dội hơn từ phía thế gian. Tất cả những người đã sa ngã đều căm ghét sự phấn hưng đích thực. Ghét Chúa mà họ đã phản bội vì muốn làm bạn với thế gian. Thực chất, nó có bản chất tà dâm, luôn chống lại Đức Chúa Trời, bắt bớ và căm thù Hội Thánh sống động. Bề ngoài những người này có vẻ như đã được tái sinh và tin Chúa thật. Họ khoác áo tôn giáo, sống cuộc sống tôn giáo, cố gắng gây ảnh hưởng trên xã hội và chính quyền. Nhưng khi họ đối diện với những bài giảng Tin Lành đúng Kinh Thánh thì dứt khoát sẽ có sự đụng độ. Thần Đức Chúa Trời làm lộ rõ chân tướng của tinh thần theo thế gian dưới cái mặt nạ tôn giáo. Sự ích kỷ và vụ lợi giấu sau những lời nói đạo đức bị vạch trần trước tình yêu dâng hiến của Thượng Đế.

   Bản chất thế gian, cuộc sống tội lỗi và những ý tưởng giả dối của con người chống lại sự sống siêu nhiên và Tin Lành, là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu rỗi con người. Phao-lô đã đưa ra những ví dụ về A-ga và Sa-ra, Ích-ma-ên và Y-sác. “Nhưng, như bấy giờ, kẻ sinh ra theo xác thịt bắt bớ kẻ sinh ra theo Đức Thánh Linh, thì hiện nay cũng còn là thế ấy” (Ga-la-ti 4:29).

Sự chống đối và bắt bớ là đặc điểm của thời kỳ phấn hưng

   Bất kỳ cuộc phấn hưng nào cũng gặp phải những sự chống đối và bắt bớ. Có thể nói chúng là tiền đề và cũng là hệ quả của phấn hưng. Thí dụ khi Ê-li vạch trần tội lỗi của A-háp và chống lại sự đồi bại trong Y-sơ-ra-ên thì đó là tiền đề cho sự phấn hưng, còn khi các thành viên của hội trưởng lão bắt bớ Phi-e-rơ và Giăng thì đó là hệ quả của phấn hưng.

   Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sự phấn hưng và những cái mới có thể xảy ra mà không đụng chạm đến cái cũ. Song đó là điều không bao giờ có. Tôi không nói rằng thế hệ mới cần coi thường hoặc không hiểu thế hệ đi trước.

   Không có cái mới hay cái cũ nào bị chỉ trích chỉ vì nó mới hay cũ. Cái mà Đức Chúa Trời chống lại trong tất cả các cuộc phấn hưng là sự vô tín, tội lỗi và tin thần thế gian hoặc tôn giáo. Trước đây cũng như hiện nay, Đức Chúa Trời luôn chống lại những thứ đó. Ngài làm vậy để Hội Thánh được thánh sạch và mạnh mẽ. Bản chất tôn giáo không phải ở những bài hát hoặc những nề nếp cũ, song ở lối tư duy và hành động phi Kinh Thánh, không đi theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời mong chúng ta có sự tự do thuộc linh, để sống theo Thánh Linh và không sống theo xác thịt hoặc tôn giáo giả hình.

   Vào năm 1983 chúng tôi bị sự chống đối dữ dội. Từ đầu thế kỷ, khi cuộc phấn hưng Ngũ tuần bắt đầu, tại Bắc âu, chưa từng có sự bắt bớ dữ dội như vậy. Đức Chúa Trời thành tín đã gìn giữ Hội Thánh bởi quyền phép và vinh hiển ngài. Ngài có thể khiến tất cả các hình thức bắt bớ và thù nghịch thành lợi ích cho chúng ta. Thật là kỳ diệu khi chúng tôi nhìn thấy sự thay đổi trong không khí thuộc linh và trong thái độ của người Thụy Điển. Ngày nay người ta trở nên cởi mở với Tin Lành hơn bao giờ hết.

ULF EKMAN (Theo Hội Thánh Đức Chúa Trời Hằng Sống)

 

 

(Nguồn:https://vietchristian.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan