Mấy lời khó nghe “ghét” – Lu-ca 14:26

Share

Nếu ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa thì không thể làm môn đồ Ta (Lu-ca 14:26)

Đức Chúa Jêsus Christ phán cách thẳng thắn. Chúa luôn phán như vậy. Chúa không bao giờ cắt lời hoặc đi vòng vo. Chức vụ của Ngài hiếm khi gây tranh cãi vì bị hiểu lầm. Ngược lại thì đúng hơn. Rắc rối xảy ra vì Chúa đã phán cách rõ ràng. Lời lẽ của Ngài không khó hiểu – chỉ khó nghe mà thôi.

Những điều Chúa Jêsus phán với đám đông này dễ xếp vào hàng mấy lời khó nghe nhất từng thốt ra từ miệng của Ngài. Câu nói gây sửng sốt này là một trong những điều ấn tượng nhất mà Chúa từng phán. Lời khẳng định gay gắt này là một trong những điều khắt khe nhất mà Chúa từng đưa ra. Những lời lẽ khiêu khích này đòi hỏi người nghe phải chịu học hỏi thì mới tiếp nhận được. Khi Chúa Jêsus dừng lại để phán cùng đám đông, Chúa bắt đầu phán rằng: ‘Nếu ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa thì không thể làm môn đồ Ta’ (c.26). Đây là mấy lời nghiêm túc mà Chúa đã phán với đám đông ngày hôm đó.

Chúa Jêsus khẳng định rằng người nào theo Ngài phải ghét những người mà họ yêu thương nhất. Chúng ta có nghe thấy không? Chúa phán rằng muốn đi theo Ngài thì phải ghét những người đã sinh ra mình. Điều này có hợp lý không? Họ phải ghét chính người phối ngẫu mà họ đã cam kết hỗ trợ vô điều kiện. Họ phải ghét chính con cái vì chúng có nét giống họ. Chúa Jêsus có thực sự phán như vậy không? Sau đó, Chúa Jêsus còn đi thêm một bước nữa để đưa ra yêu cầu lớn hơn. Điều này càng thấm sâu vào linh hồn của họ. Chúa Jêsus phán nữa rằng hễ người nào muốn làm môn đồ của Ngài thì phải ghét chính mạng sống của mình.

Bạn đã đáp lại lời kêu gọi này của Đức Chúa Jêsus Christ chưa?

Nghĩa là sao?

Chúa Jêsus muốn phán điều gì khi Ngài thốt ra mấy lời gay gắt này? Điều này không mâu thuẫn với nhiều điều khác mà Chúa đã dạy sao? Không phải điều răn thứ năm nói rằng chúng ta phải hiếu kính cha mẹ (Xuất Ê-díp-tô ký 20:11) sao? Không phải Môi-se đã viết rằng chúng ta phải yêu người lân cận như mình (Lê-vi ký 19:18) sao? Không phải Chúa Jêsus đã truyền dạy chúng ta phải yêu kẻ thù mình (Ma-thi-ơ 22:39-40) sao? Không phải Chúa Jêsus đã chăm sóc mẹ của Ngài khi Chúa bị treo trên thập tự (Giăng 19:27) sao? Không phải sứ đồ Phao-lô đã từng dạy rằng chồng phải yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội thánh (Ê-phê-sô 5:25) sao? Không phải Kinh Thánh đã khẳng định rằng nếu người nào không chu cấp cho các thành viên trong gia đình của mình thì người đó còn tệ hơn kẻ ngoại đạo (1 Ti-mô-thê 5:8) sao?

Câu trả lời cho từng câu hỏi này là có. Không có chỗ cho sự mập mờ, Kinh Thánh đưa ra lời khẳng định rõ ràng và tích cực cho từng câu hỏi này.

Giải nghĩa đúng

Thử thách dành cho chúng ta là giải nghĩa đúng mấy lời khó nghe của Đấng Christ. Chúng ta phải làm gì để hài hòa lời tuyên bố này với các phần còn lại trong Kinh Thánh? Chúng ta phải làm gì để so sánh lời lẽ này với những điều Kinh Thánh dạy? Thoạt đầu, yêu cầu này của Chúa Jêsus dường như mâu thuẫn với phần còn lại của Kinh Thánh. Vậy, chúng ta phải hiểu mấy lời khó nghe của Chúa Jêsus như thế nào?

Tôi muốn bạn biết rằng sự mâu thuẫn này có thể được giải quyết. Sự khó hiểu có thể được giải mã. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy suy xét mấy lời khó nghe này.

Lời kêu gọi cho tất cả mọi người

Chúa Jêsus mở lời kêu gọi này khi phán rằng: “Nếu có ai đến theo ta” (c.26). Khi Chúa phán ‘nếu có ai”, thì Chúa đang đề nghị với mọi người trong đám đông. Đây là lời kêu gọi công khai mà Chúa phán với hết thảy mọi người có thể nghe tiếng của Ngài. Tiếng phán này dành cho tất cả mọi người trong ngày hôm đó, bất kể xuất thân của họ như thế nào. Tiếng phán này dành cho tất cả mọi người, bất kể có đạo hay không có đạo, có đạo đức hay vô đạo đức, có văn hóa hay thô lỗ. Đó là sứ điệp Phúc Âm miễn phí dành cho mọi người trong đám đông. Chúa Jêsus cũng phán “nếu có ai”. Không ai bị loại trừ khỏi lời mời sâu rộng này.

Qua nhiều thế kỷ, Đấng Christ vẫn đang đưa ra lời kêu gọi hãy đến với Ngài và đi theo Ngài ngày hôm nay. Lời kêu gọi ấy dành cho mỗi người ngay lúc này. Bạn đang được chính Chúa Jêsus mời gọi. Đấng Christ có lòng rộng rãi đến nỗi Chúa vẫn đang kêu gọi từng cá nhân từ gần tới xa hãy trở thành môn đồ của Ngài.

Cứu Chúa gọi

Lời kêu gọi hãy đến với Chúa Jêsus đòi hỏi mọi người trong đám đông phải quyết định bằng đức tin để đến cùng Ngài. Nói cách đơn giản là họ phải dâng trọn cuộc đời cho Ngài. Đến với Đấng Christ cũng giống như đặt niềm tin nơi Chúa vậy. Điều này có nghĩa là từ bỏ sự trông cậy vào sức riêng của họ mà tin cậy vào sự công bình của Đấng Christ để có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Trong một phân đoạn khác, “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát” (tôi nhấn mạnh, Giăng 6:35). Chúng ta thấy đến với Chúa Jêsus cũng giống như tin cậy Chúa vậy.

Khi Chúa Jêsus phán chúng ta phải “ghét” những người thân trong gia đình, thì Chúa đang phán rằng chúng ta phải yêu họ ít hơn yêu Ngài.

Một chỗ khác, Chúa Jêsus đã phán rằng: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống” (tôi nhấn mạnh, Giăng 7:37b). Người nào khát nước sẽ tự đưa nước lên miệng uống, Chúa Jêsus đã kêu gọi đám đông đến với Ngài để nhận được sự sống đời đời. Họ cần phải khao khát Chúa bằng đức tin và tiếp nhận Ngài vào tâm hồn của mình. Chỉ có Ngài mới làm thỏa mãn cơn khát sâu thẳm nhất trong tâm hồn của họ. Uống nước của Ngài sẽ thỏa mãn đời đời.

Kêu gọi tất cả

Vào một dịp khác, Chúa Jêsus đưa ra lời mời tương tự khi phán rằng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30). Lời kêu gọi này đòi hỏi người nào đến với Đấng Christ phải hạ mình xuống để gánh lấy ách của Ngài. Chúa đang phán bằng ẩn dụ. Giống như con bò nghe theo cái ách của chủ, thì người nào đến với Đấng Christ phải tôn Ngài là Chúa của mình.

Qua lời mời của Phúc Âm, Chúa Jêsus đã kêu gọi đám đông đổi gánh nặng của tội lỗi lấy ách nhẹ nhàng của ân điển Ngài. Chúa Jêsus đang cung ứng sự yên nghỉ thật cho tấm lòng mệt mỏi của họ. Chúa kêu gọi chúng ta đừng tìm kiếm sự cứu rỗi bằng sự công bình riêng của mình nữa. Chúa mời gọi chúng ta hãy đến và yên nghỉ trong công tác cứu rỗi mà Chúa đã làm thay cho chúng ta.

Đấng kêu gọi có những điều kiện để người ta đi theo Ngài. Không ai đến với Chúa Jêsus với điều kiện riêng của mình. Không ai tự cắt bỏ cam kết của họ với Đấng Christ. Không ai thương lượng những điều khoản thấp hơn với Chủ. Không có sự cho nhận giữa hai bên. Những điều khoản này có thể được chấp nhận hoặc từ chối – nhưng không bao giờ được thay đổi. Chính Chúa Jêsus đã lập ra yêu cầu này. 

Sự ghét mà Chúa Jêsus ưa thích

Trước sự ngạc nhiên của đám đông, Chúa Jêsus đưa ra những điều kiện hết sức rất cao. Đấng Christ nhấn mạnh rằng nếu ai đến với Ngài thì phải ghét những người mình yêu thương nhất. Từ ghét nổi bật hẳn lên mỗi khi tôi đọc đến chỗ này. Nghe có vẻ khắc nghiệt và xúc phạm. Những người nghe thấy lần đầu tiên chắc chắn đều bị sốc. Những lời khiêu khích này cần phải chú ý cách cẩn thận. Thành thật mà nói, mấy lời này mạnh mẽ đến nỗi không thể bỏ qua được. 

Nếu muốn theo Đấng Christ, thì Chúa phải là ưu tiên hàng đầu và là đam mê nhiệt thành nhất của chúng ta.

Bằng câu nói gây sửng sốt này, Chúa Jêsus đã đề cập đến những mối liên hệ cá nhân được trân trọng nhất. Chúa phán về sự ràng buộc tình cảm của loài người đang chứa đựng sự trung thành sâu sắc nhất. Chúa bắt đầu với những thành viên trong gia đình, những người có ý nghĩa nhất đối với họ. Chúa ám chỉ những người mà họ yêu thương nhất – cha mẹ, vợ chồng, con cái và anh chị em của họ. “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta”. Chúa Jêsus phán gì vậy?

Sự phóng đại có chủ ý

Khi Chúa Jêsus phán, Ngài đang sử dụng biện pháp tu từ gọi là nói quá. Đây là lời tuyên bố đã bị phóng đại nhằm mục đích nhấn mạnh một điều quan trọng. Trong trường hợp này, Chúa Jêsus cố tình đặt vấn đề yêu và ghét đối lập nhau. Chúa đặt chúng cạnh nhau như hai cực đối lập. Khi Chúa Jêsus phán chúng ta phải “ghét” những người thân trong gia đình, thì Chúa đang phán rằng chúng ta phải yêu họ ít hơn yêu Ngài. Chúa phán rằng hễ người nào muốn đi theo Ngài đều phải yêu Chúa hơn những người thân yêu nhất của họ. Chúng ta phải yêu Chúa hơn bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì trên đời này. Nếu chúng ta muốn trở thành môn đồ thật của Đấng Christ, thì tình cảm của chúng ta dành cho người khác phải bị coi là căm ghét khi so sánh với sự tận hiến mà chúng ta dành cho Ngài.

Kinh Thánh giải nghĩa Kinh Thánh

Sự hiểu biết này được xác nhận khi chúng ta dùng Kinh Thánh để giải nghĩa Kinh Thánh. Chính Đức Chúa Jêsus Christ đã làm sáng tỏ câu nói khó hiểu này ở chỗ khác khi Chúa phán rằng: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta” (Ma-thi-ơ 10:37). Trong câu này, lời lẽ của Đấng Christ trở nên rõ ràng như pha lê. Chúng ta phải yêu Chúa Jêsus hơn là yêu người khác. Điều này đòi hỏi người đó phải dâng trọn cuộc đời cho Ngài. Không có tình cảm nào có thể cạnh tranh với tình yêu của chúng ta dành cho Đấng Christ.

Nếu muốn theo Đấng Christ, thì Chúa phải là ưu tiên hàng đầu và là đam mê nhiệt thành nhất của chúng ta. Chúa Jêsus sẽ không đứng ở vị trí thứ hai trong cuộc đời của ai cả. Chúa phán rằng: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33). Mọi thứ khác trong cuộc đời đều là thứ yếu – Chúa Jêsus mới là tất cả.

Tâm trí, tình cảm và ý chí

Yêu mến Đức Chúa Jêsus Christ bắt đầu từ tâm trí của con người. Chúng ta không thể yêu người mà mình không biết. Chúng ta không thể yêu họ cho đến khi chúng ta biết về người đó. Yêu mến Đấng Christ bắt đầu bằng cách biết Chúa là ai, đặc tánh của Ngài là gì, Chúa đã, đang và sẽ làm gì. Chúng ta cần biết những điều Chúa đã phán dạy. Để yêu mến Đức Chúa Jêsus Christ, tâm trí của chúng ta phải đầy dẫy sự hiểu biết thực sự về Ngài. Tình yêu của chúng ta dành cho Đấng Christ không bao giờ thành hiện thực nếu không có sự hiểu biết. Tình yêu dành cho Ngài đều bắt đầu bằng sự hiểu biết sâu sắc hơn về Ngài.

Tiếng phán này dành cho tất cả mọi người, bất kể có đạo hay không có đạo, có đạo đức hay vô đạo đức, có văn hóa hay thô lỗ.

Hơn nữa, tình yêu dành cho Đức Chúa Jêsus Christ cũng đòi hỏi tấm lòng chúng ta phải có sự nóng cháy dành cho Ngài. Sự hiểu biết của chúng ta về Đấng Christ sẽ khơi dậy sự đam mê của chúng ta dành cho Ngài. Khi tìm hiểu về cuộc đời và công tác của Đức Chúa Jêsus Christ, tấm lòng của chúng ta phải nung nấu tình cảm sâu sắc dành cho Ngài. Sao lại không có được? Nhìn thấy sự thánh khiết hoàn hảo của Đấng Christ và chứng kiến tình yêu hy sinh của Ngài được thể hiện trên thập tự giá sẽ làm tan chảy tấm lòng của chúng ta. Không có người nào theo Chúa thật nhìn thấy cuộc đời vô tội và công tác cứu rỗi của Ngài mà không bị cảm động. Mối liên hệ của chúng ta với Chúa không thể nào có sự nguội lạnh, vô cảm hoặc thụ động. Chúng ta phải có tình yêu ban đầu dành cho Đấng Christ mạnh mẽ đến nỗi thúc đẩy chúng ta yêu mến Ngài.

Cuối cùng, tình yêu thật dành cho Đấng Christ sẽ thôi thúc ý chí của chúng ta. Chúa Jêsus phán rằng: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15). Nghĩa là tình yêu của chúng ta dành cho Đấng Christ phải sản sinh ra trong chúng ta sự vâng lời Chúa. Nơi nào có tình yêu chân thành dành cho Đấng Christ làm gốc rễ thì ở đó sẽ có sự vâng lời được thúc đẩy bởi ân điển.

Một cam kết trọn thời gian

Hôn nhân là sự phản ánh chính xác thực tế này. Khi tôi gặp vợ là Anne, ban đầu chúng tôi đã tìm hiểu nhau. Tôi biết nàng là ai. Tôi biết được những ưu tiên, mục tiêu và hoài bão của nàng. Tôi cũng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và sở thích riêng của cô ấy. Trong lòng tôi thấy rất vui khi biết nàng. Tôi bị cuốn hút và cảm thấy hạnh phúc khi ở bên nàng. Tình cảm của tôi dành cho nàng ngày càng sâu đậm đến nỗi tôi đã ngỏ lời cầu hôn cô ấy. Tôi đã cam kết sống trọn đời với nàng. Khi đứng trước mặt Hội thánh trong ngày thành hôn, tôi đã chọn gắn bó cuộc đời mình với nàng suốt quãng đời còn lại.

Đây là một hình ảnh mờ nhạt về việc trở thành môn đồ của Đấng Christ. Bạn đang tiến đến chỗ yêu mến Chúa hơn bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì trong cuộc sống. Bạn không chỉ dừng lại trong việc biết về Ngài. Bạn biết Chúa là ai và vì sao Chúa đến. Nghĩa là bạn kính mến và tôn thờ Ngài. Bạn đã dâng trọn cuộc đời cho Ngài.

Ghét chính sự sống mình

Chúa Jêsus còn đưa ra lời tuyên bố khác nữa về việc đi theo Ngài. Trong lời tuyên bố này, lời lẽ của Ngài đang cho thấy những đòi hỏi bắt buộc để đi theo Chúa. Đấng Christ cũng phán nữa rằng người đó phải ghét “chính sự sống mình” (c.26). Mấy từ này yêu cầu chúng ta phải yêu Đấng Christ nhiều hơn cả việc quan tâm đến sự sống của mình. Một người đi theo Đấng Christ phải giết chết lòng tự ái. Chúng ta không thể miệt mài tập chú vào bản thân, tự động viên và tự dựa vào bản thân hoài. Chúng ta phải yêu Chúa hơn yêu chính mình.

Chúa Jêsus khẳng định rằng người nào theo Ngài phải ghét những người mà họ yêu thương nhất. Chúng ta có nghe thấy không?

Sau đó, Chúa Jêsus đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ rằng: “không được làm môn đồ ta”. Một môn đồ thật của Đức Chúa Jêsus Christ không thể yêu cái tôi cách tột độ. Đối với người môn đồ thật, Đấng Christ phải chiếm vị trí số một về mặt tình cảm. Chúa đòi hỏi lòng trung thành cao nhất. Lòng trung thành cao nhất ở trong cuộc đời của một người môn đồ phải là Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta cần phải giữ mức độ cam kết này để trở thành môn đồ của Ngài. Chúa Jêsus không muốn đứng ở vị trí nào cũng được ở trong cuộc đời của chúng ta. Chúa muốn Ngài phải là tối thượng.

Những điều không thể thương lượng

Nếu chúng ta muốn trở thành môn đồ của Ngài, thì cam kết với Đấng Christ như đã nói ở trên là điều không thể thương lượng. Thật là dễ khi có mặt ở trong đám đông, bám theo Ngài. Thật là dễ khi bị cuốn vào cảm xúc cao độ của đám đông. Nhưng khi Chúa Jêsus ám chỉ vào đám đông, Chúa kêu gọi mỗi người phải cam kết bằng chính sự sống của họ. Nếu không, thì Chúa khẳng định rằng họ không thể là môn đồ của Ngài. Chúa Jêsus đã tuyên bố điều này cách tiêu cực để lời lẽ của Ngài có thật sắc bén ở trước mặt họ. Chúa muốn thu hút sự chú ý của họ và kích thích suy nghĩ của họ.

Ngày hôm nay, Chúa Jêsus tiếp tục kêu gọi nhiều cá nhân đến với Ngài cũng bằng chính những đòi hỏi này. Chúa vẫn đang kêu gọi chúng ta yêu mến Ngài hơn cha mẹ của mình. Chúa tiếp tục kêu gọi chúng ta phải yêu Ngài hơn anh chị em của mình. Chúa đang mời gọi chúng ta phải yêu Chúa hơn chính sự sống của mình.

Tôi muốn hỏi bạn rằng: bạn đã đáp lại lời kêu gọi này của Đức Chúa Jêsus Christ chưa? Bạn đã đến với Đấng Christ bằng đức tin chưa? Nếu chưa thì điều gì đang ngăn trở bạn? Điều gì có thể ngăn trở bạn yêu Chúa hơn tất cả mọi sự?

 

 

 

Nguồn: https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan