Bạn có buồn khi sự tăng trưởng thuộc linh bị suy giảm không? Bạn có muốn được trở nên giống như Đấng Christ chăng? Nếu bạn trả lời một cách quả quyết, thì quyển sách này dành cho bạn. Tuy nhiên, bạn cần biết là sẽ không có câu trả lời dễ dãi hoặc giải pháp chữa cháy nào cả cho đời sống thuộc linh của bạn qua tài liệu này, bạn cũng chẳng tìm được điều gì mới mẻ đâu. Bạn sẽ chỉ tìm thấy một toa thuốc lâu đời cho vấn đề lâu đời mà thôi. Một toa thuốc khó chịu sẽ được kê ra cho bạn mà hầu hết đều bỏ qua để tìm kiếm thần dược khác thoải mái hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đã quá mệt mỏi với việc mắc bệnh, nếu bạn đã lang thang đủ lâu ở dưới chân núi và sẵn sàng chinh phục đoạn đường khó khăn lên đỉnh núi, thì những điều này sẽ giúp ích cho bạn – có vài công cụ sẽ giúp bạn tăng trưởng hơn tình trạng hiện tại của mình!
Có một cụm từ thần học rất quan trọng trong tiếng La-tinh mà Cơ Đốc Nhân dù nói bất kỳ ngôn ngữ nào cũng phải biết và áp dụng vào đời sống của mình. Cụm từ đó là media gratia, còn tiếng Việt dịch là công cụ của ân điển. Hàng thế kỷ qua, Hội Thánh đã vận dụng cụm từ này để mô tả những công cụ hay món quà mà Đức Chúa Jêsus Christ đã ban cho Hội Thánh để tăng trưởng trong sự nên thánh hay sự thánh khiết. Những công cụ đáng chú ý và cần thiết nhất là: học Kinh Thánh, hết lòng cầu nguyện và dự phần vào sinh hoạt lẫn mục vụ của Hội Thánh địa phương. Những công cụ này không phải là việc làm để được cứu rỗi, nhưng là những món quà mà Đức Chúa Trời đã ban cho người tin Chúa để lớn lên trong sự cứu rỗi, họ đã nhận được những món quà ấy chỉ bởi ân điển nhờ đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ mà thôi. Sứ đồ Phao-lô viết rằng: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9).
Kinh Thánh chứng minh hết lần này đến lần khác rằng sự cứu rỗi là duy thần tái sinh [monergistic] – tức là việc làm của một người. Đức Chúa Trời là tác giả và là Đấng làm ra sự cứu rỗi của chúng ta, còn chúng ta là mục tiêu cho công tác cứu rỗi của Ngài. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng đồng thời nhấn mạnh rằng sự nên thánh của chúng ta là sự đồng tác [synergistic] – tức là việc làm chung của hai hay nhiều người. Điều này được mô tả rất hay trong lời khuyên dỗ của sứ đồ Phao-lô gửi cho Hội Thánh tại Phi-líp: “Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:12-13).
Hãy để ý đến sự cân bằng rất hoàn hảo trong câu Kinh Thánh trên. Vì Đức Chúa Trời là Đấng hành động ở trong lòng để chúng ta vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài, thì chúng ta cũng phải làm nên sự cứu chuộc của mình bằng lòng sợ sệt và run rẩy – tức là bằng sự kính sợ Đức Chúa Trời và sự nghiêm túc nhất đối với công tác này. Cơ Đốc Giáo theo Kinh Thánh không chứa chấp sự hờ hững, thiếu kỷ luật, hay thái độ “tới đâu Chúa lo tới đó”.
Để hiểu cặn kẽ cụm từ media gratiae, chúng ta có thể thêm tính từ ordinarious hay là từ thông thường trong tiếng La-tinh vào. Media gratiae ám chỉ đến những công cụ thông thường của ân điển, hay là đường lối quen thuộc mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy, để Cơ Đốc Nhân trở nên giống như Đấng Christ. Chúng ta đang sống trong thời đại mà tín hữu Hội Thánh mong chờ sự phi thường xảy ra – một sự vận hành của Đức Thánh Linh sẽ giải quyết hết những nan đề thuộc linh trong tích tắc mà chúng ta không phải đổ mồ hôi hay trả giá gì cả. Mặc dù sự phấn hưng rất phi thường ấy có thể xảy ra và cũng là một mong ước tốt đẹp, nhưng đó không phải là công cụ thông thường mà Đức Chúa Trời dùng để tăng trưởng Hội Thánh của Ngài. Mong ước một sự phi thường nào đó không nên khiến chúng ta từ bỏ những công cụ thông thường mà Đức Chúa Trời đã ban cho để giúp chúng ta lớn lên. Thật thế, Đức Chúa Trời sẽ không làm việc phi thường nào cả cho đến khi dân sự của Ngài đã tận dụng hết những công cụ thông thường mà chính Ngài đã ban cho họ.
Nói như trên đây, dường như Hội Thánh ngày nay, hay là mỗi Cơ Đốc Nhân, chưa hoàn toàn tận dụng hết những công cụ thông thường của ân điển – có nghĩa là chúng ta đã học hết những gì Kinh Thánh muốn nói chưa? Chúng ta đã nhờ cậy tất cả lời hứa khi cầu nguyện chưa? Mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh có đủ mật thiết đến nỗi không thể mật thiết hơn nữa chăng? Hay là chúng ta đã gặt hái được những ích lợi trong mối thông công với Hội Thánh địa phương chưa? Nhiều khi chúng ta cũng chẳng biết, hoặc thiếu để ý, thậm chí còn lười biếng, trước những công cụ thông thường mà cần thiết của ân điển có phải không? Chúng ta phải cẩn thận không nên khinh dể ngày của những điều nhỏ mọn (Xa-cha-ri 4:10). Thật vậy, Chúa Jêsus đã dạy rằng: “Hãy cẩn thận về điều mình nghe. Người ta sẽ đong cho các ngươi bằng lường các ngươi đã đong cho, và thêm vào đó nữa” (Mác 4:24). Ngài còn phán rằng: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn” (Lu-ca 4:24). Người nào tin Chúa mà khinh dể sự thông thường sẽ hiếm khi chứng kiến một sự phi thường nào xảy ra!
Mặc dù cụm từ media gratiae gần như không được nhiều người Tin Lành ngày nay biết đến, ấy chỉ vì chúng ta không biết nhiều sự thật về lịch sử của Cơ Đốc Giáo theo Kinh Thánh đã từng củng cố và thanh tẩy Hội Thánh của Đấng Christ. Đã từng có thời điểm cụm từ media gratiae hay“công cụ của ân điển” là một phần trong từ vựng của Cơ Đốc Nhân. Điều này được chứng minh bởi câu hỏi thứ 88 trong Giáo lý Vấn đáp Westminster đã được dùng để dạy các em thiếu nhi và người mới tin Chúa về những điều căn bản trong Cơ Đốc Giáo:
Câu hỏi: Đấng Christ thường dùng những công cụ nào để truyền dạy chúng ta biết ích lợi của sự cứu rỗi?
Trả lời: Những công cụ thông thường mà Đấng Christ dùng để truyền dạy chúng ta biết những ích lợi của sự cứu rỗi là: điều răn của Ngài, đặc biệt là Lời Chúa, các nghi lễ, và sự cầu nguyện;1 tất cả đều mang đến ích lợi cho người được cứu rỗi.2
Điều quan trọng nữa cần lưu ý đó là việc nhấn mạnh hay ưu tiên những “công cụ của ân điển” không bị giới hạn trong hệ phái Trưởng lão hay được làm cách nghiêm ngặt trong các Hội Thánh Cải chánh, nhưng điều này được các nhà Báp-tít hay các nhà Tin Lành khác dạy dỗ rất rộng rãi. Câu hỏi thứ 95 trong Giáo lý Vấn đáp của Báp-tít, được một nhà Báp-tít nổi tiếng tên là Benjamin Keach (1640 – 1704) viết ra, bám sát từng chữ trong phần định nghĩa của Giáo lý Vấn đáp Westminster về những công cụ của ân điển.
Chúng ta đang sống trong thời đại có quá nhiều người tin Chúa chân thành đến nỗi chỉ dựa dẫm vào những diễn giả trên mạng, các bài viết ảo, các dòng trạng thái, và những đoạn trích dẫn. Mặc dù có những điều hữu ích, nhưng không gì thay thế được những công cụ đơn sơ nhưng hiệu quả mà Chúa đã ban cho dân sự của Ngài để tăng trưởng. Chúng ta cần phải cất bước theo đường lối lâu đời3 trong Kinh Thánh, là con đường mà những người nam và người nữ trung tín đã đi trước chúng ta. Chúng ta hãy suy xét kỹ ba công cụ thông thường của ân điển mà Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi Cơ Đốc Nhân và toàn thể Hội Thánh, để đẩy mạnh sự tin kính muốn được nên giống như Đấng Christ là: Kinh Thánh, cầu nguyện, mục vụ và nghi lễ trong Hội Thánh địa phương.
Chú thích
- “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ,(g) 20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:19-20). ↩︎
- Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội Thánh. Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh (Công-vụ 2:41-42, 46-47). ↩︎
- Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hãy đứng trên các đường cái và nhìn xem; tra xét những đường lối cũ, xem thử đường tốt ở đâu: Hãy đi đường ấy, thì các ngươi sẽ được sự an nghỉ cho linh hồn mình. Nhưng chúng nó đáp rằng: Chúng tôi không khứng đi đường ấy (Giê-rê-mi 6:16). ↩︎
Nguồn: https://tienphong.org