Ai đã từng đổ nước mắt hằng đêm vì những đứa con…
Ai đã từng đau đớn khi thấy con mình mỗi ngày một hao mòn bởi cái chết trắng.
Người đó sẽ hiểu nổi lòng của người mẹ tên Điểm sống tại Vương Thừa Vũ – Hà Nội.
Gia đình là Đảng viên, bản thân cô là một phụ nữ chịu thương chịu khó. Sau bao năm vất vả làm ăn ở xứ người, những tưởng sẽ đem lại cho chồng con một cuộc sống như ý… Nào ngờ, ngày trở về của cô lại là những ngày tháng khổ tâm không sao tả xiết. Cô bàng hoàng nhận ra cả hai đứa con trai – niềm hy vọng và hãnh diện của cô – nay đều trở thành con nghiện.
Trong những ngày tháng khổ tâm ấy, với tất cả nghị lực, cô chèo chống mọi cách để mong con mình có thể kết thúc những năm đại học.
Làm sao nói hết những nỗi quặn thắt trong khi cô phải ngồi chia từng liều “thuốc quái quỉ” cho các con, để chúng không mệt mỏi, vật vã khi đến lớp.
Làm sao có thể quên những ngày nắng gắt gao, những chiều lạnh như cắt, cô kiên trì chờ con ở cổng trường để cố giữ nó không tiếp tục chạy theo những lôi cuốn xấu xa.
Nhưng rồi đêm xuống, cô thao thức gạt nước mắt nhận ra sự thật đớn đau: Mọi cố gắng của mình đều chẳng cải thiện được gì!!! Cái ma lực ghê gớm của ma túy đã thật sự kéo những đứa con trai của cô đến bờ vực.
Đức Trung của mẹ Điểm lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học. Khi nhắc đến Bố là kỹ sư, Mẹ là cán bộ quản lý kho… có điều gì rất đỗi tự hào trong giọng nói. Thế nhưng bản thân Trung lại phá hỏng tất cả.
Ở lứa tuổi 14, 15… nề nếp gia đình trở nên thật nhàm chán. Trung thích vượt ra khỏi khuôn mẫu đó để được đối diện với những cảm giác căng thẳng đầy hào hứng của một chú ngựa non – “Đi ăn cắp cái gì đấy cho người ta rượt đuổi… cũng hay!” Từ suy nghĩ đến hành động của Trung chỉ là một bước ngắn, cực kỳ nhẹ nhàng và đơn giản. Trung đã bước qua cái ranh giới nhỏ bé ấy!
Tháng ngày bố mẹ bận bịu với công việc thì Trung cũng bận bịu với đám bạn lêu lỏng, khi thì bàn chuyện đánh nhau, lúc thì rủ rê cướp giật… Và những lúc cạn trò phá phách thì cờ bạc lại là thú tiêu khiển đầy sức hút.
Cứ thế, Trung để mỗi ngày đi qua không áy náy cũng chẳng hối tiếc gì…
Cho đến khi cơn bão ma túy tràn vào miền Bắc. Với hiểu biết non kém mà sự tò mò háo hức lại sục sôi… Trung và biết bao bạn bè đồng trang lứa đã đón nhận nó như một món ăn béo bở. Trung kể lại: “Vẫn biết ma túy là xấu nhưng chúng em không thể nào lường hết những tác hại ghê gớm của nó… Bọn em rủ nhau, cái gì người ta càng cấm thì mình càng dùng, cái gì người ta càng lên án thì mình càng muốn thử nó xem sao?”… Và Trung lao vào con đường ma túy với tâm trạng như thế.
Rồi mỗi ngày đi qua… mỗi tháng đi qua… mỗi năm đi qua… những giấc mơ đẹp đẽ, nhưng hoài bão lớn lao dường như chẳng còn tồn tại. Giờ đây, mọi suy nghĩ chỉ là làm sao có đủ “thuốc” để đáp ứng cho cơn nghiện mỗi ngày. Và cánh cửa đến tương lai là một cái gì thật xa xôi, không tưởng… đã đóng lại trước mắt.
Là người nghị lực, trong tuyệt vọng cô Điểm vẫn quay quắt suy nghĩ tìm mọi cách “tháo gỡ” cho con mình. Một mặt cô lo tìm đến bác sĩ để được tư vấn về tình trạng của con, mặt khác lại lặn lội từ Yên Bái đến Lạng Sơn, bất kể xa gần… nơi nào cô nghe có thầy, có chùa linh thiêng là cô đều đến để cầu khẩn… Thậm chí cô còn bán khoáng chúng cho chùa những mong nó được thay đổi. Nhưng rồi mọi nỗ lực của cô chỉ là vô ích!
Thời gian dài khiến một người mạnh mẽ cũng phải suy sụp (từ 1997-2005). Đồ đạc trong nhà lần lượt ra đi, chẳng còn thứ gì quí giá, thậm chí cái tô, cái bát cũng bị con đem đổi lấy một lần “phê”. Cô phải bỏ cả công việc làm ăn, dành thời gian chú tâm vào việc cứu vãn cuộc sống cho con, ước ao duy nhất là đem chúng ra khỏi đời sống nghiện ngập. Sau bao ngày tháng xoay trở đủ mọi cách nhưng đều thất bại, cuối cùng cô phải nhốt hai đứa con vào phòng, khóa cửa lại. Chính cô là người hàng ngày lo cơm nước, cả lo việc vệ sinh cho con… nhọc nhằn kể sao thấu! Khi chúng tỉnh táo, cô nên cạnh nhỏ to khuyên nhủ; khi chúng vật vã, cô chốt cửa phòng lại, rồi ngồi bên ngoài lặng lẽ… đớn đau.
Người ta thường nói “Một cổ đôi tròng” để diễn tả cái khổ. Còn cô, đôi tròng đã là phước!
Từ ngày lo cho hai đứa con nghiện, cô không còn tâm trí nào mà chăm sóc chồng, cũng chẳng có thời giờ nào mà ngó ngàng đến nhu cầu của đứa con trai út đang độ tuổi thiếu niên. Cô nào ngờ chính vì đó mà nhà mình phải mang thêm bao nhiêu cái tròng đau khổ vào cổ: Quan hệ vợ chồng trở nên lạnh nhạt, đứa con còn lại cũng bỏ nhà ra đi… mà gia đình thì lâm vào cảnh kiệt quệ.
Nhiều đêm, ngồi cô đơn giữa góc tối của tầng trệt, cô thấy mình hoàn toàn suy sụp. Nước mắt tuôn trào, cô tự hỏi, cha mẹ mình cũng là người hiền đức, còn mình đâu có làm gì sai trái… sao cứ phải đắm chìm trong khổ đau?
Trung và anh trai đều thương mẹ, nhưng không thể nào cưỡng lại sức mạnh của ma túy. Biết bao lần đói thuốc, lê thân đi kiếm chát thứ gì đó nhưng không được, mệt mỏi, rã rời… trở về đập phá, kiếm chát ngay trong chính nhà mình.
Nào là những đêm bứt rứt vật vã không chịu nổi, ba giờ sáng giữa cái rét run của Hà Nội, Trung dắt mẹ đi lòng vòng qua những con phố để tìm mua ma túy.
… Làm sao có thể dững dưng trước những giọt nước mắt phiền muộn chảy dài trên gương mặt mệt mỏi của mẹ (?). Cũng bức rức, khổ tâm… Trung đã từng thật lòng hứa với mẹ sẽ cai nghiện đến mấy chục lần… nhưng vẫn bất lực!
Có còn hy vọng nào cho mình nữa đâu… Bạn bè có những đứa vừa nói chuyện rôm rả với nhau sáng nay thì chiều đến đã hay tin nó chết. Có đứa thì tối nay còn cùng nhau góp chung tiền bạc để mua thứ thuốc giết người ấy… nhưng sáng ra đã hay tin nó nằm im, úp mặt trên vỉa hè. Có đứa khác thì được bố mẹ lôi xác ra từ một nhà vệ sinh công cộng. Lại có những bạn rất trẻ nhưng vĩnh viễn không bao giờ còn gặp. Một số kéo lê cuộc sống vật vờ vì mang trên mình bản án tử hình của căn bệnh HIV. Còn may mắn hơn một chút… là bị lùa vào phía sau song sắt của nhà tù. Trung gục đầu nhận ra mình bị nhận chìm trong bóng đêm… với cái chết thật gần mà không sao thoát ra được!!!
Bất chợt một ngày trong tâm trạng rối bời, cô Điểm nhớ đến một chị bạn cũng có con nghiện. Với ý định hỏi thăm con của chị ta còn sống hay đã chết mà lâu quá không thấy?
Bên kia đầu dây điện thoại, giọng chị ấy thật vui mừng, vồn vã hỏi:
— Cô Điểm đấy à? Hai con trai cô thế nào rồi?
— Dạ… chúng nó vẫn thế chị ạ?
–Thế thì cô Điểm đến tôi đi!
Chẳng hiểu vì sao chỉ qua câu nói ngắn gọn ấy… mà lại khiến lòng cô tràn ngập hy vọng. Cô nóng lòng hỏi:
— Khi nào em đến chị được?
— Tối thứ năm nhé! Giọng nói của chị ấy sao nghe bình an quá, thật khác với cách nói u sầu chán chường của một bà mẹ nuôi con nghiện.
Thế rồi trong sự sắp đặt lạ lùng của Chúa, đến ngày hẹn, Dũng – đứa con trai út từng bỏ nhà ra đi, nay đã trở về, chở cô đến gặp người bạn ấy. Không ngờ đó là buổi nhóm của những bà có con nghiện.
Trong những giây phút đầu, ngồi nghe các chị em làm chứng về tình yêu của Chúa và chia sẻ những ơn phước Chúa đã ban… Người này có con đã hết nghiện được mấy tháng… người kia thì có con được hết nghiện mấy năm… chỉ có mỗi mình cô là con chưa được giải cứu khỏi ma túy. Lòng khát khao, cô thầm nghĩ: “Đây rồi, đây chính là nơi dành cho mình”. Ở đây cô tìm thấy tiếng nói chung, đây là nơi cô có thể giải bày, chia sẻ và nhận được sự an ủi, cảm thông… Nhưng trên hết, có lẽ nơi đây là nơi cô có thể thắp sáng lên niềm hy vọng cho hai đứa con đang bị nghiện ngập của mình!
Ngay buổi tối hôm ấy, cô và đứa con trai út đã bằng lòng tiếp nhận Chúa.
Lâu nay, cô vẫn thường khấn vái trước bàn thờ, nhưng từ ngày tin Chúa, cô cầu nguyện dâng trình nan đề mình lên cho Ngài và nhận ra một sự khác biệt lớn lao… đó là sự bình an, thanh thản mà chưa một lần nào cô có được trong đời. Từng ngày một, đức tin cô lớn lên như “cây trồng gần dòng nước”… Cô chia sẻ về Chúa cho con mình.
Lần đầu tiên, Trung được đưa đến với Hội Thánh, đó là nơi mẹ Điểm thường nhắc, cũng chính là nơi mà những đứa bạn nghiện của Trung đã được thay đổi. Trung cảm nhận một bầu không khí thật gần gũi, thật thân thương mà lâu lắm rồi Trung không còn bắt gặp những tình cảm như thế. Thường thì con nghiện đi đến đâu người ta cũng né, nhưng ở đây thì lạ lắm, anh em đến với mình, người hoạt bát thì hỏi han chuyện trò, còn người ít nói thì một ánh mắt, một nụ cười, hoặc một cái vỗ vai… khiến Trung không cảm thấy ngượng, có cái gì thật đơn sơ, chân tình mà ấm áp.
Kể từ đấy Trung bắt gặp trong mình nỗi khát khao vươn lên. Lần đầu tiên sau nhiều năm, một điều gì dường như rất xa lạ được thức tỉnh trong lòng… Chưa bao giờ ước ao rũ bỏ cuộc sống tối tăm lại cháy bỏng đến thế. Nhìn những bạn bè đã bước ra khỏi xiềng xích của ma túy, Trung thèm thuồng được một phần của họ. Trung dâng lời cầu xin của mình cho Chúa. Thật lạ lùng, ở một nơi không xa, Chúa nghe thấy tấm lòng chân thành đó, Ngài không chỉ ban cho Trung một phần nhỏ nhoi mà Trung ao ước, nhưng Chúa đã làm trỗi hơn những gì Trung mong đợi.
Đập tan một căn nhà cũ để dựng lên nơi đó một căn nhà mới chẳng phải là việc trở ban tay. Và làm mới lại một con người cũng không phải là chuyện một sớm một chiều. Nhưng Chúa đã làm điều đó trên cuộc đời của Trung cách nhẹ nhàng, đơn giản và lạ lùng lắm!
Sau một năm được học Lời Chúa và cách ly khỏi những điều xấu. Trung tiếp tục theo đuổi việc học và đã tốt nghiệp đại học. Cũng chẳng phải trăn trở để tìm cho mình một hướng đi, vì Trung đã quyết định dâng đời sống mình và trở thành nhân chứng sống cho Chúa. Trung nói về Chúa cho bạn bè bằng chính đời sống của mình và qua đời sống được thay đổi của Trung, nhiều người được thu hút đến với Chúa.
Trung đã lập gia đình với một thiếu nữ yêu mến Chúa và hiện nay đang chuẩn bị làm bố của đứa con thứ hai. Trung cũng là người dìu dắt các bạn trẻ trong Hội Thánh mang tên Ê-xê-chi-ên – một Hội thánh với nhiều con người mà nếu không được biết Chúa… chẳng biết số phận họ sẽ ra thể nào (?).
Mĩm cười hạnh phúc, cô Điểm nói: “Chúa thương xót gia đình tôi lắm, thật Ngợi khen Chúa vì Ngài đã đem chúng tôi ra khỏi những ngày tháng cực kỳ u ám! Giờ đây ngồi nghĩ lại… tôi thấy mình thật như đang ở trong mơ…”
Nguồn: Đình Trân (viết theo lời kể của cô Điểm và con là Đức Trung), Hạt Muối 8/2010.