Ban Biên Tập trân trọng giới thiệu sách “Kinh Ngạc Bởi Quyền Năng Của Thánh Linh,” nguyên tác “Surprised by The Power of The Spirit” do Eliezer David Paul lược dịch một số chương. Đây là một cuốn sách rất giá trị của Tiến Sỹ Jack Deer, nguyên Giáo sư Cựu Ước của Viện Thần Học Dallas (Dallas Theological Seminary).
Jack Deer theo dòng thần học cho rằng các phép lạ và các ân tứ Thánh Linh siêu nhiên đã hầu như là chấm dứt sau khi toàn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân ước đã được hình thành. Với quan điểm này, ông càng không thể chấp nhận những vấn đề sâu xa hơn nữa như là đầy dẫy Thánh Linh và báp-tem Thánh Linh của dòng thần học ân tứ (Charismatic Theology).
Nhưng có một biến động sâu xa xảy ra trong đời sống của ông khi ông bắt đầu suy gẫm Kinh Thánh với một cái nhìn tươi mới. Ông khám phá ra rằng những lập luận của ông chống lại những ân tứ siêu nhiên đã dựa trên những thiên kiến và sự thiếu vắng những kinh nghiệm cá nhân hơn là dựa trên Kinh Thánh. Ngay khi ông chuyển đổi thái độ từ nghi ngờ sang tìm kiếm, Đức Thánh Linh tỏ bày cho ông biết về Ngài trong những cách tươi mới và kinh ngạc.
Trong cuốn sách này, ông cung ứng những điều Kinh Thánh bày tỏ bảo vệ mạnh mẽ về lời của Đức Thánh Linh và mục vụ cầu nguyện chữa lành cho ngày nay. Ông diễn tả một số trường hợp chữa lành kỳ diệu hoặc nhận tiếng phán của Chúa một cách lạ lùng. Ông cũng đưa ra những lời khuyên về sự sử dụng các ân tứ Thánh Linh trong hội thánh.
Sách giúp chúng ta:
1. Khám phá lý do thật khiến nhiều Cơ đốc nhân không tin vào những ân tứ có tính phép lạ,
2. Đối phó với những sự lạm dụng các ân tứ,
3. Đối thoại với quan điểm cho rằng các phép lạ chỉ là tạm thời trong một khoảnh không gian nào đó.
4. Hiểu được tại sao Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục chữa lành.
Sách được viết bằng một lối văn cho quần chúng, với sự cẩn trọng của một ‘học giả,’ nhưng thật sống động với những kinh nghiệm cá nhân.
Ban Biên Tập sẽ phối hợp với những người dịch để đưa từng phần của sách này lên mục “Lẽ Đạo Và Niềm Tin” của trang mạng.
(tiếp theo)
Ông ta là một bác sĩ tâm thần mà, tôi suy luận trong đầu tôi. Có thể ông ta dùng cái từ “sự chữa lành” chỉ để nói đến một thứ tâm liệu pháp nào đó. Thành ra tôi hỏi ông, “Bác sĩ không có nói về việc chữa lành thân thể vật lý, phải không bác sĩ.”
“Vâng, tôi sẽ không giới hạn không muốn nói đến việc chữa lành thân thể vật lý,” ông bình tĩnh đáp lời, “nhưng tôi sẽ trình bày luôn việc chữa lành thân thể vật lý.”
“Bác sĩ nói đùa đấy à! Chắc hẳn ông biết rằng Đức Chúa Trời không còn chữa lành nữa và tất cả những ân tứ diệu kỳ của Thánh Linh đã qua đi khi vị sứ đồ cuối cùng đã qua đời. Chắc hẳn ông biết điều đó chứ, phải không bác sĩ?” Tôi chưa bao giờ gặp người nào mà tôi xem là thông minh mà lại không biết những điều này.
Tới đây, bác sĩ John White đã không đáp lại chi cả.
Tôi nghĩ, Vâng, có thể ông ta hơi yếu về lãnh vực này; cuối cùng ông ta không phải là một thần học gia được huấn luyện, ông ta chỉ là một bác sĩ tâm thần. Tôi xem sự im lặng của ông có nghĩa là ông chờ tôi chứng minh cho ông từ Kinh Thánh rằng những sự này đã không còn hiện hữu nữa.
Vậy là tôi bảo ông, “Chúng ta biết rằng ân tứ chữa lành đã qua đi khi chúng ta nhìn vào (quan sát) mục vụ chữa lành của các sứ đồ thì chúng ta thấy rằng họ đã chữa lành được tức thời, hoàn toàn, và bệnh không tái lại, và mỗi một người họ cầu nguyện cho đều được chữa lành. Ngày nay chúng ta không thấy thứ chữa lành này xảy ra nữa trong bất cứ trào lưu nào hay là nhóm nào bảo rằng họ có năng quyền chữa lành. Thay vào đó, cái điều chúng ta thấy từ những nhóm này là những sự chữa lành lần hồi, những sự chữa lành một phần, và những sự chữa lành đôi khi chính chúng nó tái phát lại – và chúng ta thấy rằng có nhiều người không được chữa lành gì cả. Thành ra, chúng ta biết cái thứ chữa lành đang xảy ra ngày hôm nay không phải cùng là một thứ chữa lành đã xảy ra trong Kinh Thánh.”
“Anh nghĩ rằng mỗi một lúc các sứ đồ cầu nguyện cho người nào đó đều được ghi nhận lại trong Kinh thánh sao?” Bác sĩ John White hỏi tôi.
Tôi suy nghĩ một phút và nói, “Tất nhiên là không. Chúng ta chỉ có một phần rất nhỏ mục vụ của họ và mục vụ của Chúa Giê-su đã được ghi nhận lại trên những trang giấy của Tân Ước.”
“Vậy thì có lẽ nào lại không có một trường hợp các sứ đồ cầu nguyện cho một số người nào đó, và họ đã không thấy lành bịnh, và trường hợp đó đơn thuần là đã không được ghi nhận lại trong Kinh Thánh?”
Tôi phải thừa nhận rằng ông ta nói đúng vì cớ Kinh Thánh đã không ghi nhận mỗi một lúc các sứ đồ cầu nguyện cho người ta. Có thể lắm có những lúc khi họ cầu nguyện cho người đau, và người đau đã không được lành bệnh.
Tôi nhận biết rằng bác sĩ John White đã nắm bắt được tôi trong một sai lạc về diễn dịch Kinh Thánh. Tôi đã xử dụng cái lý lẽ dựa trên sự im lặng trong Kinh Thánh. Đó là điều gì đó tôi đã cẩn thận dạy các học viên của tôi rằng đừng xử dụng cái lý lẽ này. Khi đề tài các ân tứ của Thánh Linh được đề cập đến, một sinh viên có thể bảo, “Bạn không cần phải nói tiếng lạ thì mới là thiêng liêng bởi vì Chúa Giê-su Christ chẳng bao giờ nói tiếng lạ cả.” Tôi có thể hỏi, “Làm sao mà bạn biết Đấng Christ đã chẳng bao giờ nói tiếng lạ?” Sinh viên đó có thể đáp lại, “Bởi vì Kinh Thánh chẳng bao giờ nói cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su đã nói tiếng lạ.” Tôi sẽ có thể lập tức chỉnh sửa sinh viên đó, nhắc cho anh ta biết rằng bạn không thể dùng cái sự Kinh Thánh không có nói như là bằng cớ cho cái quan điểm của bạn. Ví dụ, Kinh Thánh không có bảo cho chúng ta biết rằng Phi-e-rơ có con, nhưng chúng ta không thể cho mình là đúng khi kết luận dựa trên sự im lặng của Kinh Thánh về điểm này mà bảo rằng Phi-e-rơ không có con. Lý lẽ dựa trên sự im lặng của Kinh Thánh là như vậy đó.
Dầu vậy tôi vừa mới xử dụng cái lý lẽ dựa trên sự im lặng của Kinh Thánh với bác sĩ John White, và tôi cảm thấy thật ngượng nghịu.
Tuy nhiên, tôi vẫn cứ khá vững tin rằng mình đúng. Tôi có thêm bốn cái lý lẽ từ Kinh Thánh xếp hàng chờ được dùng để biện minh, nhưng tôi nghĩ lần này tôi phải cẩn thận hơn. Tôi không muốn bị vướng vào một lỗi lầm khác.
Cái lý lẽ kế của tôi sẽ là: Cuối cuộc đời của Phao-lô, ông đã không thể chữa lành cho Ép-ba-phô-đích (Phi-líp 2:25-27), ông cũng không thể chữa lành cho Trô-phim (2 Tim 4:20), Phao-lô cũng không thể chữa lành cho chứng bịnh mà Ti-mô-thê thường hay mắc phải (1 Tim 5:23). Tôi nghĩ điều này chứng mình rằng ân tứ chữa bịnh đã rời khỏi Phao-lô, hay là đang trong tiến trình rời khỏi ông. Nhưng bây giờ tôi nghĩ, Tôi sẽ phải nói gì với cái lý lẽ nếu tôi đồng ý với quan điểm của bác sĩ John White? Tôi chỉ có thể bảo rằng ba trường hợp này chứng tỏ rằng không phải mỗi người đã được các sứ đồ cầu nguyện cho đều được chữa lành đâu! Điều đó đánh vào tôi như một đầu đạn của khẩu súng magnum 44 ly. Cái dẫn chứng thứ nhì của tôi thật sự đã không chứng minh được gì cả!
Khi tôi nhanh chóng xem lại ba cái lý lẽ kế mà tôi sắp sửa dùng, tôi thấy có điều gì sai trật trong mỗi lý lẽ đó. Trong hầu hết những cuộc tranh luận thần học tôi phải đặt mình vào phía của đối phương và cẩn thận tra xem tất cả những lý lẽ của tôi từ cách nhìn của đối thủ của để tìm những kẽ hở hay là những điểm yếu. Nhưng điều tôi tin rằng các ân tứ diệu kỳ đã ngưng chưa bao giờ bị thách thức một cách nghiêm trọng trước đây. Tôi chưa bao giờ cần phải xem xét những lý lẽ này một cách tỉ mỉ như vậy vì cớ mỗi người trong nhóm của tôi đều chấp nhận lý lẽ này là thật.
Tôi vẫn cứ nghĩ rằng mình đúng, nhưng tôi chỉ thấy bực mình khi tìm thấy có gì điều gì sai trật trong mỗi một lý lẽ của tôi. Thành ra tôi buột miệng miệng hỏi bác sĩ John White, “Vâng, thế thì bác sĩ đã bao giờ thấy có ai được chữa lành chưa?”
“Ồ, có chứ,” ông đáp lời với một giọng nói trầm tĩnh, nhẹ nhàng. Bác sĩ không có tranh cãi với tôi. Ông chẳng có gì cần phải bán cho tôi cả. Thực tế, tôi là người đang cố gắng thuyết phục ông đến chia sẻ cho Hội Thánh chúng tôi. Ông chỉ đơn thuần bảo, “Ồ, có chứ,” và cũng chẳng nói gì thêm về những trường hợp được chữa lành.
Tôi lại cảm thấy bị xúc phạm nữa và nói, “Ông hãy kể cho tôi nghe về sự chữa lành tuyệt vời gần đây nhất mà ông từng trải.”
“Tôi không biết ý anh nói tuyệt vời có nghĩa là gì, nhưng để tôi kể cho anh nghe hai trường hợp được chữa lành gần đây mà tôi thấy được cảm kích.”
Rồi ông kể cho tôi nghe về một đứa bé ở Mã-Lai, em đó bị chứng Ếch-zê-ma chàm (ghẻ ngứa) từ đầu đến chân. Chứng ghẻ ngứa ở nhiều chỗ còn mới và đang rỉ mủ. Đứa bé thật khó chịu đến nỗi nó làm cho ba mẹ nó phải thức suốt ba mươi sáu tiếng đồng hồ trước đó. Đứa bé thật hoang loạn đến nỗi họ phải chạy kiếm ông để mà cầu nguyện cho nó.
Vừa khi bác sĩ John White và bà Lorrie, vợ ông, đặt tay trên đứa nhỏ, thì cháu bé liền đi vào giấc ngủ. Trong vòng hai mươi phút sau khi họ cầu nghuyện cho cháu thì mủ không còn rỉ ra nữa và những đốm đỏ cũng bắt đầu lặn dần. Khoảng sáng hôm sau, da của đứa bé đã trở lại bình thường và đã hoàn toàn được chữa lành. Bác sĩ John White kể cho tôi nghe một trường hợp được chữa lành tuyệt vời thứ nhì, đó là xương của một người nào đó bị dị dạng đã thực sự được thay đổi dưới hai tay của ông trong khi ông cầu nguyện cho người này.
Sau khi tôi được nghe những điều này thì tôi nghĩ, Chỉ có hai điều. Hoặc là bác sĩ John White đã nói sự thật cho tôi, hay là ông ấy đã nói dối tôi. Nhưng ông ta đã không bị đánh lừa. Ông là một bác sĩ y khoa. Thực tiễn, ông từng là phó giáo sư của khoa Bệnh Tâm thần trong suốt mười ba năm. Ông từng viết về những trường hợp bị ảo giác. Ông biết cái khác nhau giữa những chứng bịnh hữu cơ và những chứng bịnh thuộc tinh thần cơ thể. Ông ta không bị đánh lừa. Hoặc là ông ta đang nói sự thật với tôi hoặc là ông ta đang cố ý đánh lừa tôi.
Tôi thoáng suy nghĩ về điều đó. Ông ta được lợi lộc gì nếu đánh lừa tôi? Ông đâu có xin đến Hội Thánh của tôi để giảng dạy đâu; tôi là người muốn mời ông ta đến. Xa hơn nữa, mọi hành vi cử chỉ của ông đều phản ảnh Linh của Chúa Giê-su. Tôi được thuyết phục rằng ông ta nói sự thật. Tôi được thuyết phục rằng Đức Chúa Trời đã chữa lành bệnh cho hai người mà ông nói đến. Nhưng tôi cũng vẫn còn được thuyết phục rằng Đức Chúa Trời không còn ban phát những ân tứ Thánh Linh nữa và chắc hẳn phải có một cách giải thích khác cho những trường hợp được chữa lành.
Vậy thì tôi bảo, “Vâng, bác sĩ John White, tôi tin những gì ông nói với tôi là thật, và tôi muốn mời ông đến Hội Thánh của tôi và chia sẻ bốn bài, ngay cả một bài về sự chữa lành.”
“Còn một điều nữa chúng ta cần phải thảo lận, anh Jack. Nếu tôi đến Hội Thánh của anh, tôi không chỉ muốn nói về sự chữa lành, tôi cũng muốn cầu nguyện cho người đau nữa.”
“Cầu nguyện cho người đau à! Ông muốn nói cầu nguyện cho người đau tại Hội Thánh?” Tôi lặng người đi vì kinh ngạc. Tâm trí tôi nghĩ mau đến những chước cách khác để làm cái điều ông yêu cầu. “Có thể nào chúng ta nào đem một người què hay một người mù ra một cái phòng phía sau mà không ai biết gì về điều này cả và cầu nguyện cho họ ở đó?” Tôi chắc chắn rằng nếu chúng ta cầu nguyện cho một vài người đau trước một Hội Thánh, lỡ họ không được lành, thì điều đó sẽ huỷ phá đức tin của mọi người.
“Vâng, chúng ta có thể bàn chi tiết về điều đó khi tôi đến,” ông đáp lời, “nhưng tôi không muốn chỉ đơn thuần nói về sự chữa lành mà lại không thể cầu nguyện cho vài người đau trong Hội Thánh.” Ông ta bảo điều này một cách rất nhẹ nhàng, nhưng tôi biết rằng nếu chúng tôi không để cho ông cầu nguyện cho kẻ đau trong Hội Thánh của chúng tôi thì ông ta sẽ không muốn đến.
Tôi hít một hơi thật sâu và bảo, “Vâng, bác sĩ John White, tôi thiệt tình muốn ông đến và chia sẻ bốn bài, và ngay cả ông có thể cầu nguyện cho kẻ đau trong Hội Thánh của tôi, nhưng không phải tôi là người duy nhất có thể quyết định việc này. Những vị mục sư khác và các trưởng lão phải đồng ý với nhau về điều này trước khi chúng tôi có thể chính thức mời ông. Tôi không biết chắc họ sẽ phản ứng thế nào cho lời đề nghị này.”
“Ồ, tôi hiểu mà, anh Jack. Tôi hiểu những nỗi lo sợ của anh, và tôi hiểu những nỗi lo sợ của họ. Nếu sau khi bàn bạc với nhau, hết thảy quý vị quyết định rút lại lời mời, tôi sẽ không thấy bị xúc phạm chút nào. Tôi sẽ coi đó như là ý muốn của Chúa.”
Chúng tôi chào tạm biệt nhau, và sau cuộc nói chuyện đó tôi lập tức triệu tập một buổi họp với các trưởng lão.
Bắt đầu buổi họp, tôi liền thông báo cho các trưởng lão và các mục sư khác rằng tôi có một tin vui và một tin buồn. Tin vui là bác sĩ John White đã suy nghĩ về lời mời của chúng ta về hội đồng Thánh Kinh mùa xuân và đã nhận lời. Mọi người đều vui vẻ với cái tin đó. “Còn tin buồn là gì?” họ hỏi.
“Tin buồn là ông ta muốn thuyết giảng một số điều về sự chữa lành và muốn cầu nguyện cho kẻ đau trong Hội Thánh của chúng ta.”
“Ông nói giỡn chơi hoài!!”
“Đó là điều ông ta bảo với tôi.”
Suốt hai tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi bàn tới bàn lui về những điều bác sĩ John White nên làm hay không nên làm trong kỳ hội đồng này của Hội Thánh chúng tôi. Cuối cuộc thảo luận, khi mỗi người chúng tôi đưa ra những ý kiến cuối cùng của mình, một người trong vòng chúng tôi bảo, “Hội đồng này có thể sẽ phân rẽ Hội Thánh của chúng ta.”
Lời nói cuối cùng của tôi cho việc này là, “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải có cái hội đồng này ngay cả nó có thể phân rẽ Hội Thánh của chúng ta. Quý vị hãy nhìn vấn đề như vầy. Chúng ta đã mở Hội Thánh này với một số rất ít người. Nếu Hội Thánh của chúng ta bị phân chia ra, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn có thể bắt đầu một Hội Thánh khác với một số ít người nếu chúng ta thấy cần làm điều đó.” Như điều đã xảy ra, Chúa đã xử dụng ngay cả cái thứ thiếu bén nhạy kiêu ngạo của tôi để hoàn thành nhiều mục đích của Ngài trong cuộc đời của chúng ta.
Cuộc nói chuyện với bác sĩ John White và buổi họp với các trưởng lão sau đó xảy ra vào tháng Giêng của năm 1986. Chúng tôi đã nhất trí quyết định là sẽ mời bác sĩ John White và tổ chức hội đồng vào tháng Tư, ngay cả khi chúng tôi biết chắc rằng các ân tứ diệu kỳ của Đức Thánh Linh đã ngưng hiệu lực từ lâu rồi.
Tôi đã dành nhiều thì giờ từ tháng Giêng đến tháng Tư cho việc nghiên cứu Kinh Thánh hầu khám phá xem Kinh Thánh nói gì về sự chữa lành và các ân tứ của Thánh Linh. Đây là lần đầu tiên tôi nghiên cứu Kinh Thánh về những đề tài này, và tôi đã không nghiên cứu những đề tài này với một tâm trí mở rộng. Những Cơ-dốc nhân tin kính và sáng suốt đã nói với tôi rằng Kinh Thánh dạy rằng những ân tứ của Thánh Linh đã qua rồi, không còn hiện hữu sau cái chết của vị sứ đồ cuối cùng và ngày nay Đức Chúa Trời chỉ còn phán với chúng ta qua Lời thành văn tự của Ngài mà thôi. Bằng rất nhiều lời, họ đã không bảo tôi rằng Đức Chúa Trời không còn chữa bịnh nữa, như họ khiến tôi tin rằng sự chữa lành là điều hiếm có và nó là một phần không đáng kể trong mục vụ của Hội Thánh ngày nay.
Thành ra, khi tôi nghiên cứu Kinh Thánh, tôi tra xem Kinh Thánh thật sự không phải để khám phá xem Kinh Thánh dạy gì về các ân tứ của Thánh Linh hay là Kinh Thánh dạy gì về sự chữa lành, nhưng bèn là để thu thập những nguyên nhân tại sao Đức Chúa Trời không còn chữa lành nữa trong thời nay. Nhưng từ tháng Giêng cho đến tháng Tư năm 1986, dưới ánh sáng của sự dạy dỗ từ Thánh Kinh, tôi đã nghi vấn hết thảy những lý lẽ của tôi về việc ‘các ân tứ đã ngưng.’ Lần này tôi cố gắng giữ thái độ khách quan như tôi đã biết làm thể nào để có được thái độ đó.
Gần khoảng thời gian hội đồng xảy ra vào tháng Tư, đã có một sự đảo ngược tận gốc rễ trong sự suy nghĩ của tôi. Việc nghiên cứu Kinh Thánh của tôi đã thuyết phục tôi rằng Đức Chúa Trời vẫn còn chữa bịnh và việc chữa lành phải là một phần đáng kể trong các mục vụ của Hội Thánh. Tôi cũng được thuyết phục rằng Kinh Thánh đã không dạy rằng các ân tứ của Thánh Linh đã qua rồi. Không có lý lẽ nào của lập luận ‘Các ân tứ đã ngưng’ còn có thể thuyết phục tôi được nữa. Lúc đó tôi vẫn còn chưa biết phải chăng các ân tứ của Thánh Linh vẫn còn cho ngày nay, nhưng tôi vững tin rằng bạn không thể dùng Kinh Thánh để chứng minh rằng những ân tứ đó đã qua rồi. Tôi cũng đã bắt đầu tin rằng Đức Chúa Trời có thể phán nhiều điều ở ngoài Kinh Thánh, nhưng những điều Ngài phán không bao giờ đi ngược lại với Kinh Thánh.
Đó là những chuyển đổi lớn trong sự hiểu biết của tôi. Nhưng sự suy nghĩ của tôi đã không thay đổi vì cớ tôi đã được thấy một phép lạ hay là đã được nghe Chúa phán với tôi trong một cách siêu nhiên nào đó. Tôi không có những trải nghiệm như thế. Tôi đã không có những giấc mơ, không có những khải tượng, hay những trạng thái hôn mê, hay bất cứ sự gì mà tôi có thể xác định được là siêu nhiên ngoài cái từng trải được biến đổi sau khi tin Chúa. Sự chuyển đổi này trong sự suy nghĩ của tôi không phải là kết quả của một trải nghiệm với bất cứ thứ hiện tượng siêu nhiên nào. Sự chuyển đổi đó là kết quả của việc nhẫn nhục và nồng nhiệt nghiên cứu KinhThánh.
Gần như là đi ngược lại ý muốn của tôi, bây giờ tôi tin rằng Đức Chúa Trời còn chữa bệnh ngày hôm nay và còn phán với chúng ta ngày hôm nay. Tôi vẫn còn thật là ghê tởm cái ân tứ tiếng lạ. Ngay cả nếu ân tứ đó còn được xử dụng ngày nay thì tôi cũng không muốn có cái ân tứ đó chút nào! Và tôi không muốn bất cứ điều gì mà tôi nghĩ là những lạm dụng phổ thông trong các trào lưu của nhóm ân tứ hay Ngũ Tuần.
Vậy thì tôi cảm thấy rằng tôi tin một điều trong trí của tôi, nhưng trong lòng tôi tôi lại không chắc rằng đây có phải là những điều tôi muốn trong cuộc đời của tôi hay là trong đời sống của Hội Thánh tôi hay không. Dầu vậy, tôi biết rằng nếu Kinh Thánh dạy rằng sự chữa lành từ Đức Chúa Trời và sự phán bảo của Ngài phải là điều đáng kể trong đời sống của Hội Thánh, thì chúng ta phải theo đuổi nó ngay cả nếu chúng ta không khao khát nó. Tôi đã đi đến những kết luận này khi gần đến Tháng Tư và hội đồng của chúng tôi sắp khai mạc.
(còn tiếp)