Lời mở đầu:
Ðấng Christ đối với dân sự Ngài là rất tuyệt vời và Ngài mang đến cho họ những lợi ích phong phú mà tâm trí không thể hiểu nổi, cả đến tấm lòng cũng không biết phải dùng từ gì để diễn tả.
Những kho báu này vừa có ở hiện tại, và cũng sẽ có ở tương lai. Thần Lẽ Thật, qua Phao-lô, bảo đảm với chúng ta rằng Ðức Chúa Trời đã chúc phước cho chúng ta với mọi thứ phước thiêng liêng trong Ðấng Christ. Những phước hạnh đó là của chúng ta, là con của sự sáng tạo mới và luôn sẵn có cho chúng ta ngay bây giờ bởi sự vâng phục của đức tin.
Phi-e-rơ, cũng được cảm động bởi chính Thần Lẽ Thật đó, nói với chúng ta về sự thừa kế được bảo đảm cho chúng ta bởi sự sống lại của Ðấng Christ, một sự thừa kế không thể mất đi, không có một chút ô uế, không hề phai tàn, đã được sắm sẵn cho chúng ta trên thiên đàng.
Không có gì mâu thuẫn ở đây cả, vì một sứ đồ nói về những ích lợi hiện tại và người kia thì nói về những món quà sẽ được ban tặng khi Ðấng Christ tái lâm. Và cả hai đều vượt quá mọi lời lẽ của con người, để ca ngợi về quá nhiều những phước lành mà chúng ta đã nhận lãnh rồi.
Có lẽ chúng ta sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta tưởng tượng chính mình như một con cá trong một dòng sông rộng lớn, lập tức được hưởng trọn dòng chảy của con sông, nhớ lại với lòng biết ơn dòng nước đã chảy qua và chờ đợi trong sự biết trước về sự đầy trọn đang tuôn chảy trên chúng ta từ nơi thượng nguồn. Ðây là một hình ảnh thi vị bất toàn; nhưng điều này là thật, chúng ta, những người tin cậy nơi Ðấng Christ, được sinh ra trong ân điển hiện tại, và khi chúng ta nhớ lại, với lòng tạ ơn Chúa về sự nhân từ mà chúng ta đã tận hưởng trong những ngày đã qua và với niềm hy vọng phước hạnh, chúng ta trông đợi ân điển và sự nhân từ đang chờ chúng ta ở phía trước.
Bernard ở Clairvaux từng nói về một loại “hương thơm được hình thành từ những phước hạnh của Ðức Chúa Trời được (con cái Chúa) ghi nhớ.” Thức hương đó rất hiếm. Mỗi người theo Chúa phải toát ra mùi hương đó; không phải những gì chúng ta đã nhận lãnh từ lòng tốt của Ðức Chúa Trời nhiều hơn điều mà chúng ta có thể tưởng tượng, trước khi chúng ta biết Ngài và tự chúng ta đã khám phá ra Ngài giàu có và rộng rãi như thế nào, hay sao?
Chúng ta đã nhận lãnh sự đầy trọn của ân điển Ngài vì ân điển là điều mà không ai chối từ; nhưng hương thơm không đến từ sự nhận ơn; nó đến từ sự biết ơn, một điều hoàn toàn khác biệt. Mười người phung được chữa lành; đó là ơn phước. Một người trở lại tạ ơn Ðấng ban phước cho mình; đó là thức hương. Những ơn phước bị lãng quên, giống như những con ruồi chết, có thể khiến cho thứ dầu xức bốc mùi khủng khiếp.
Những ơn phước được ghi nhớ, sự tạ ơn vì những đặc ân hiện tại và sự ngợi khen vì ân điển đã được ứng hứa hòa trộn vào nhau như nhũ hương, một dược để tạo nên một hương thơm quý hiếm cho những bộ trang phục của các thánh nhân. Với thức hương này, Ða-vít cũng đã thoa lên cây đàn của mình và những bài thánh ca của thời đại đó đã trở nên ngọt ngào với nó.
Có lẽ cần phải có một đức tin thuần khiết hơn để ngợi khen Ðức Chúa Trời vì những ơn phước chúng ta nhận lãnh được mà chúng ta không nhận biết hơn là những cái mà chúng ta đã hưởng hay hiện đang được vui hưởng. Vậy mà nhiều người đã lên đến đỉnh cao chan hòa ánh sáng đó, như Anna Waring đã viết,
Vinh hiển thuộc về Ngài vì tất cả mọi ân điển
mà con chưa từng nếm trải…
Khi chúng ta bước vào sự hiểu biết cá nhân sâu nhiệm hơn với Ðức Chúa Trời Ba Ngôi, tôi nghĩ trọng tâm của đời sống chúng ta sẽ chuyển từ cái quá khứ và hiện tại sang cái tương lai. Lần hồi chúng ta sẽ trở thành những người con của một hy vọng sống và là con của một tương lai chắc chắn. Lòng chúng ta sẽ trân trọng những kỷ niệm của quá khứ và đời sống chúng ta sẽ ngọt ngào với lòng biết ơn Ðức Chúa Trời vì con đường vững chắc mà chúng ta đi tới; nhưng đôi mắt chúng ta sẽ ngày càng hướng về hy vọng phước hạnh của ngày mai.
Phần lớn Kinh Thánh chứa đựng những lời tiên tri. Không có điều gì mà Ðức Chúa Trời đã làm cho chúng ta lại có thể so sánh với tất cả những gì được viết trong lời tiên tri chắc chắn đó. Và không có gì Ngài đã làm hay có thể còn làm cho chúng ta có thể so sánh với việc Ngài là gì và sẽ là gì đối với chúng ta. Có lẽ một soạn giả thánh ca đã nghĩ đến điều này trong tâm trí mình khi cô hát:
Con có một di sản của niềm vui
Là cái mà con không cần phải thấy;
Bàn tay đã tuôn huyết để biến nó thành của con
Ðang gìn giữ nó cho con.
Có thể nào “di sản của niềm vui” đó lại kém hơn Khải Tượng Hạnh Phúc sao?
1. Bài Báo Cáo Của Người Quan Sát
Nếu có một người quan sát hay một thánh nhân nào đó từ thế giới chói sáng bên trên đến giữa vòng chúng ta trong một khoảng thời gian nào đó với khả năng chẩn đoán những bệnh tật thuộc linh của các thành viên trong Hội Thánh, có một ghi nhận mà tôi chắc chắn là sẽ xuất hiện trên phần lớn những bản báo cáo của ông: Dấu hiệu rõ ràng của chứng mệt mỏi thuộc linh kinh niên; mức độ nhiệt thành đạo đức cực kỳ thấp.
Ðiều khiến cho tình trạng này đặc biệt có ý nghĩa là những người Mỹ cố nhiên không phải là những người không nhiệt tình. Thực ra họ nổi tiếng khắp thế giới vì họ là những người sống trái ngược với điều đó. Các du khách đến những bờ biển của chúng ta từ nhiều quốc gia khác nhau mà chẳng bao giờ ngạc nhiên trước sức mạnh và nghị lực chúng ta dùng để tấn công những vấn đề của mình. Cuộc sống chúng ta giống như cơn sốt, và dù chúng ta đang xây dựng nhà cao tầng, mở đường cao tốc, tổ chức các cuộc thi điền kinh, kỷ niệm những ngày đặc biệt hay chào mừng những người anh hùng trở về, chúng ta luôn luôn làm nó với vẻ hoa mỹ vốn đã được phóng đại lên. Các tòa nhà của chúng ta sẽ cao hơn, đường cao tốc của chúng ta sẽ rộng hơn, các cuộc thi điền kinh sẽ nhiều màu sắc hơn, những buổi lễ kỷ niệm sẽ được trau chuốt hơn, tốn kém hơn bất cứ nơi nào khác trên trái đất. Chúng ta đi bộ nhanh hơn, lái xe nhanh hơn, kiếm và tiêu xài tiền nhiều hơn, rồi huyết áp cũng cao hơn bất kỳ dân tộc nào khác trên thế giới.
Duy chỉ trong một lĩnh vực ích lợi cho con người là chúng ta chậm chạp và thờ ơ: Ðó là lĩnh vực tôn giáo của mỗi cá nhân. Ở đó, vì một vài lý do lạ lùng, lòng nhiệt tình của chúng ta lùi lại đằng sau. Các thành viên trong Hội Thánh thường xuyên đối diện với vấn đề mối tương giao cá nhân giữa họ với Ðức Chúa Trời trong sự thờ ơ, không thật tâm, chẳng chút nhiệt tình; một phương cách hoàn toàn khác hẳn với tính khí chung của họ và hoàn toàn mâu thuẫn với tầm quan trọng của vấn đề.
Quả thật là có khá nhiều hoạt động tôn giáo giữa vòng chúng ta. Các cuộc thi đấu bóng rổ liên Hội Thánh, những buổi tiệc tôn giáo hấp dẫn tiếp sau buổi cầu nguyện, những chuyến dã ngoại cuối tuần có phần đố Kinh Thánh quanh đống lửa, những cuộc picnic do ban Trường Chúa Nhật tổ chức, gây quỹ để làm một công việc nào đó và những bữa điểm tâm mục vụ… đang vây quanh chúng ta với một con số không thể tin được, và chúng được thực hiện với sự thích thú đặc trưng kiểu Mỹ. Chính ngay khi chúng ta bước vào vùng Thánh địa của tôn giáo cá nhân trong lòng, thình lình chúng ta mất hết mọi nhiệt huyết.
Thế là chúng ta đã hiểu tình trạng lạ kỳ và trái ngược này rồi: Một thế giới ồn ào, hoạt động tôn giáo hấp dẫn được tiến hành mà không có chút năng lực đạo đức hay sự hăng hái thuộc linh nào. Trong một năm đi chu du khắp các Hội Thánh, một người hiếm khi tìm được tín hữu nào có huyết áp bình thường và thân nhiệt đúng tiêu chuẩn. Sự tươi trẻ và phấn khích của linh hồn trong tình yêu thay vì phải được tìm kiếm trong Thánh Kinh Tân Ước hay trong tiểu sử của các thánh nhân; thì chúng ta lại tìm kiếm chúng trong sự tự phụ giữa vòng những người tự nhận mình đi theo Ðấng Christ trong thời đại của chúng ta.
Bây giờ nếu có bất cứ thực tại nào trong toàn bộ kinh nghiệm của con người mà bởi bản chất tự nhiên của nó xứng đáng để thách thức tâm trí, mê hoặc tấm lòng và đưa cả đời sống đến điểm nóng cháy, thì đó là thực tại xoay quanh Thân Vị của Ðấng Christ. Nếu Ngài thật là Ðấng và là Ðiều mà sứ điệp Cơ Ðốc tuyên bố, thì tư tưởng về Ngài chắc chắn là tư tưởng thú vị nhất, hào hứng nhất, để thâm nhập vào tâm trí con người. Thật không khó để hiểu vì sao Phao-lô lại có thể liên kết rượu nho với Thánh Linh trong một câu Kinh Thánh: “Ðừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Ðức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18). Khi Thánh Linh bày tỏ Ðấng Christ cho tầm nhìn bên trong của chúng ta, điều đó tạo nên một tác dụng làm cho linh hồn chúng ta phấn chấn, cũng như tác dụng của rượu trên thân thể. Người đầy dẫy Thánh Linh có thể sống trong một trạng thái hăng hái thuộc linh đến mức độ của một cơn say nhẹ, thuần khiết.
Ðức Chúa Trời ngự trị trong một trạng thái mà lòng nhiệt thành không bao giờ dứt. Ngài vui mừng với tất cả những điều tốt và lo lắng về mọi điều xấu. Ngài luôn theo đuổi những công việc của mình với cả tấm lòng sốt sắng thánh khiết. Không có gì lạ khi Thánh Linh đến trong Lễ Ngũ Tuần như tiếng gió thổi ào ào và đặt lưỡi bằng lửa lên đầu mỗi người. Làm như vậy, Ngài hành động giống như một trong Ba Ngôi của Ðức Chúa Trời Hạnh Phước.
Trong những điều khác đã xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần, có một điều mà người quan sát vô tình nhất cũng Trong những điều khác đã xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần, có một điều mà người quan sát vô tình nhất cũng bên trong không tàn lụi. Họ hăng hái đến độ hoàn toàn từ bỏ mọi sự.
Thi hào Dante, trong chuyến hành trình tưởng tượng của mình xuống địa ngục, tình cờ gặp một nhóm linh hồn hư mất đang liên tục thở dài và rên rỉ khi họ di chuyển vu vơ trong bầu không khí đầy bụi bặm. Virgil, người dẫn đường của ông, giải thích rằng họ là “những người độc ác”, những người “gần như không có linh hồn”, những người mà khi họ còn sống trên đất đã không có đủ năng lực đạo đức để hoặc làm người tốt hoặc làm người xấu. Họ chẳng kiếm được một lời khen cũng như một lời khiển trách nào. Cùng chia sẻ một hình phạt với họ là những thiên thần cũng đã không lựa chọn đứng bên nào, hoặc Ðức Chúa Trời hoặc Sa-tan. Sự trừng phạt của tất cả những người yếu đuối và hay lưỡng lự sẽ treo lơ lửng mãi như thế giữa một địa ngục coi rẻ họ và một thiên đàng vốn sẽ không bao giờ chấp nhận sự hiện diện dơ bẩn của họ. Ngay cả tên họ cũng chẳng một lần được nhắc đến trên thiên đàng, ở trần gian, hoặc dưới địa ngục. “Hãy xem kìa,” người dẫn đường nói, “và đi qua.”
Có phải Dante đang nói theo cách của mình điều mà Chúa chúng ta đã phán từ lâu với Hội Thánh Lao-đi-xê: “Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay! Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta”?
Mức độ lòng nhiệt thành đạo đức thấp kém giữa vòng chúng ta có thể có một ý nghĩa còn sâu xa hơn những gì mà chúng ta đang muốn tin.
Tác giả: A. W. Tozer