Ba Chiều Kích Của Sự Ngợi Khen – P.14

Share

14. Đức chúa Trời Cần Được Yêu Mến

Ðức Chúa Trời là Ðấng mà Ngài là như vậy thì Ngài phải luôn được tìm kiếm vì chính Ngài, chứ đừng bao giờ xem Ngài như là một phương tiện để hướng về một cái gì đó khác hơn.

Bất kỳ ai tìm kiếm những mục đích khác hơn là Ðức Chúa Trời, thì anh ta phải tự mình làm lấy; anh ta có thể đạt được những mục đích đó nếu có đủ năng lực, nhưng sẽ chẳng bao giờ có Ðức Chúa Trời. Không thể nào tìm gặp Ðức Chúa Trời cách tình cờ được. “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng” (Giê-rê-mi 29:13).

Bất kỳ ai tìm kiếm Ðức Chúa Trời như là một phương tiện để hướng về những mục đích lòng mình khao khát sẽ không gặp được Ngài. Ðức Chúa Trời quyền năng, Ðấng dựng nên thiên đàng và trần gian, sẽ không phải là một trong nhiều kho báu, cũng không phải là kho báu lớn nhất so với mọi kho báu. Ngài là Mọi sự trong mọi sự hoặc Ngài không là gì cả. Ðức Chúa Trời không thể bị sử dụng. Sự nhân từ và ân điển của Ngài là vô hạn và sự hiểu biết, kiên nhẫn của Ngài vượt quá mọi sự đo lường, nhưng Ngài sẽ không giúp con người đạt được những mục đích vốn, khi đã đạt được, sẽ thay thế vị trí Ngài, xét về mọi quyền hạn, và bị nắm giữ trong sở thích và tình cảm của họ.

Nhưng Cơ Ðốc giáo phổ thông có một trong những đề tài hữu hiệu nhất để nói về ý niệm Ðức Chúa Trời tồn tại để giúp đỡ con người tiến bộ trong thế giới. Ðức Chúa Trời của người nghèo đã trở thành Ðức Chúa Trời của một xã hội giàu có. Ðấng Christ không còn từ chối làm một vị thẩm phán hay một người chia phần giữa những anh em đói khát tiền bạc. Bây giờ Ngài có thể bị thuyết phục để giúp một anh em đã tiếp nhận Ngài trở nên tốt hơn người anh em chưa làm điều đó.

Một ví dụ thô thiển của cái nỗ lực hiện tại để sử dụng Ðức Chúa Trời cho những mục đích ích kỷ là trường hợp người diễn viên hài kịch nổi tiếng, sau hàng loạt các thất bại, đã hứa với một ai đó mà anh ta gọi là Chúa rằng nếu Ngài giúp anh ta thành đạt trong thế giới giải trí, anh ta sẽ báo đáp lại Ngài bằng cách dâng hiến cách rời rộng để chăm sóc những đứa trẻ bệnh hoạn. Chẳng bao lâu sau đó anh vớ được những buổi diễn lớn trong các hộp đêm và trên truyền hình. Anh ta đã giữ lời mình và bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng những bệnh viện cho trẻ em. Anh ta cảm thấy những đóng góp từ thiện này là một cái giá thấp để trả cho sự thành công trong một trong những lĩnh vực nhớp nhúa nhất của nỗ lực con người.

Một ai đó có thể bào chữa cho hành động của người làm trò vui này như là một điều gì đó được mong đợi của một kẻ ngoại giáo thế kỷ hai mươi; nhưng việc một số đông những người theo Tin Lành ở Bắc Mỹ nên thực sự tin rằng Ðức Chúa Trời có liên quan gì đó đến toàn bộ công việc vốn là điều không dễ dàng bị xem nhẹ. Quan điểm thấp kém và sai lầm này về Ðức Chúa Trời là một lý do chính cho tính đại chúng rộng lớn mà Ðức Chúa Trời có được trong những ngày này giữa vòng những người phương Tây ăn sung mặc sướng.

Kinh Thánh dạy rằng chính Ðức Chúa Trời là mục đích con người đã được tạo dựng. “Ở trên trời tôi có ai trừ ra Chúa? Còn dưới đất tôi chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa,” tác giả Thi thiên đã thốt lên như thế (Thi thiên 73:25). Mạng lệnh đầu tiên và lớn nhất là yêu Chúa với trọn cả năng lực mà chúng ta có. Nơi nào tình yêu đó tồn tại, nơi đó không thể có một mục đích thứ hai nào khác. Nếu chúng ta yêu Chúa nhiều như điều chúng ta phải yêu thì chắc chắn một điều là chúng ta không thể mơ tưởng về một đối tượng yêu thích nào khác hơn là chính Ngài, điều mà Ngài có thể giúp chúng ta có được.

Bernard ở Clairfaux bắt đầu luận thuyết nhỏ bé nhưng sáng chói của mình về tình yêu của Ðức Chúa Trời với một câu hỏi và một lời đáp. Câu hỏi là: “Tại sao chúng ta phải yêu Chúa?” và lời đáp là: “Vì Ngài là Ðức Chúa Trời.” Ông phát triển ý tưởng đó thêm hơn, nhưng đối với một tấm lòng đã được khai sáng thì không cần nói thêm gì nữa cả. Chúng ta phải yêu mến Ðức Chúa Trời vì Ngài là Ðức Chúa Trời. Các thiên thần không thể nghĩ xa hơn điều này.

Là Ðấng vốn là như vậy (being who he is), Ðức Chúa Trời được yêu mến vì chính Ngài. Ngài là lý do để chúng ta yêu Ngài, cũng giống như Ngài là lý do của sự yêu thương Ngài dành cho chúng ta cùng với mọi việc khác Ngài đã thực hiện, đang và sẽ không ngừng thực hiện trên thế giới này. Lý do đầu tiên của Ðức Chúa Trời đối với mọi thứ là sự vui thích tốt lành của Ngài. Tìm kiếm những lý do thứ nhì là một việc vô cớ và hầu như vô ích. Nó cung cấp việc làm cho các nhà thần học và làm dầy thêm những cuốn sách giáo lý, nhưng việc nó lật ngược bất cứ những sự giải thích đúng nào là điều đáng ngờ.

Nhưng bản chất của Ðức Chúa Trời là chia sẻ. Những hành động đầy quyền năng của sự sáng tạo và chuộc tội đã được thực hiện vì ý muốn tốt lành của Ngài, nhưng điều vui thích của Ngài vượt quá mọi thứ được tạo dựng. Một người nhìn xem đứa trẻ khỏe mạnh đang chơi đùa hay lắng nghe tiếng chim hót lúc hoàng hôn và anh ta sẽ biết rằng Ðức Chúa Trời muốn vũ trụ của Ngài là một chốn đầy dẫy niềm vui.

Những ai đã được sự ban cho thuộc linh để yêu Ðức Chúa Trời vì chính Ngài sẽ tìm thấy hàng ngàn suối nước tuôn ra từ ngai vàng lấp lánh sắc cầu vồng và đem đến vô số của báu vốn được nhận lãnh với sự tạ ơn hết lòng, giống như dòng chảy tình yêu của Ðức Chúa Trời luôn tuôn đổ ra cho con cái Ngài. Mỗi quà tặng là một phần thưởng của ân điển, cái có thể được thích thú thưởng thức mà không tổn hại gì cho linh hồn, bởi nó không được tìm kiếm vì chính nó. Những điều này bao gồm cả những phước hạnh đơn giản của sự sống chẳng hạn như sức khỏe, một căn nhà, gia đình, những người bạn hợp tính, đồ ăn, nơi nương dựa, những niềm vui thuần khiết của tự nhiên hay những thú vui có tính chất nhân tạo nhiều hơn như nhạc và họa.

Nỗ lực tìm kiếm những kho báu này bởi sự tìm kiếm trực tiếp trừ Ðức Chúa Trời ra đã là một hoạt động chính yếu của loài người xuyên suốt các thế kỷ; và điều này đã là gánh nặng cũng như nỗi phiền muộn của con người. Nỗ lực đạt được chúng như một động cơ kín đáo đằng sau việc tiếp nhận Ðấng Christ có thể là một cái gì đó mới dưới mặt trời; nhưng dù mới hay cũ, nó vẫn là một tội lỗi đưa đến sự đoán phạt vào giờ phút cuối cùng.

Ðức Chúa Trời muốn chúng ta yêu mến Ngài vì chính Ngài mà thôi, không vì những lý do kín giấu nào khác, tin cậy Ngài đối với tất cả chúng ta là cái mà bản chất chúng ta đòi hỏi. Chúa chúng ta đã phán một điều mà không còn gì sánh bằng: “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Ðức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33).

Để Đúng Phải Suy Nghĩ Đúng

Những gì chúng ta suy nghĩ khi chúng ta được tự do suy nghĩ theo ý muốn chính là cái mà chúng ta là như vậy hay sẽ sớm trở thành như vậy.

Kinh Thánh đã nói nhiều về những tư tưởng của chúng ta; thuyết Phúc Âm ngày nay không có gì thực tế hơn để nói về chúng. Lý do Kinh Thánh nói nhiều là vì những tư tưởng của chúng ta là cực kỳ quan trọng đối với chính mình; lý do thuyết Phúc Âm nói quá ít là vì chúng ta phản ứng quá mạnh trước sự sùng bái “tư tưởng”, chẳng hạn (trào lưu) Tư Tưởng Mới (New Thought), Hiệp Nhất (Unity), Khoa Học Cơ Đốc (Christian Science) và những cái tương tự như vậy. Những sự sùng bái này khiến tư tưởng chúng ta trở nên rất gần gũi với mọi sự vật và chúng ta đối đầu bằng cách xem chúng như không có gì cả. Cả hai vị trí đều sai trật.

Những tư tưởng tự nguyện của chúng ta không chỉ thể hiện chúng ta là gì, mà chúng còn tiên đoán chúng ta sẽ trở thành cái gì. Ngoại trừ những hành vi cơ bản phát xuất từ bản năng tự nhiên, tất cả các hành vi có ý thức đều đến trước và hình thành từ trong tư tưởng chúng ta. Ý chí có thể trở thành đầy tớ cho tư tưởng, và ở một mức độ rộng lớn hơn, ngay cả những tình cảm của chúng ta cũng đi theo điều chúng ta suy nghĩ. “Càng nghĩ về nó nhiều bao nhiêu thì tôi càng điên tiết hơn” là câu nói mà một con người bình thường hay phát ra, và việc làm đó không chỉ thể hiện chính xác các quá trình tư duy của cá nhân anh ta, nhưng cũng cống nạp một cách vô ý thức cho sức mạnh của tư tưởng. Tư tưởng khuấy động cảm xúc và cảm xúc làm phát sinh hành động. Đó là cách chúng ta đã được tạo dựng và chúng ta cũng chấp nhận nó.

Các sách văn thơ và tiên tri chứa đựng vô số lời đề cập đến sức mạnh của việc tư tưởng đúng đã đưa đến cảm xúc tôn giáo và thúc đẩy hành vi đúng đắn. “Tôi tư tưởng về đường lối tôi, bèn trở bước tôi về chứng cớ Chúa.” “Lòng tôi nóng nảy trong mình tôi, đương khi tôi suy gẫm, lửa cháy lên, bấy giờ lưỡi tôi nói.” Hết lần này lại lần khác, các tác giả trong Cựu Ước thúc đẩy chúng ta yên lặng và suy nghĩ về những điều cao cả, thánh khiết như là một bước mở đầu cho sự biến đổi đời sống trở nên tốt hơn hay một việc làm tốt hoặc một hành động can đảm.

Cựu Ước không hề cô đơn trong sự đề cao sức mạnh của tư tưởng con người, cái mà Đức Chúa Trời đã ban tặng. Đấng Christ dạy rằng con người làm ô uế chính mình bởi tư tưởng tội lỗi và thậm chí còn đi xa hơn đến chỗ đặt tư tưởng ngang bằng một hành động: “Hễ ai ngó đờn bà mà động tình tham muốn thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.” Phao-lô kể ra một loạt các đức tính sáng chói và truyền bảo: “Anh em phải nghĩ đến.”

Những trích dẫn này là bốn trong số hàng trăm chỗ khác Kinh Thánh viết về tư tưởng con người. Suy nghĩ về Đức Chúa Trời và những điều thánh khiết tạo nên một môi trường đạo đức thuận lợi cho sự tăng trưởng của đức tin, tình yêu thương, sự khiêm nhường và lòng kính sợ Chúa. Chúng ta không thể dùng tư tưởng để tái sanh tấm lòng, cất tội lỗi đi hay thay đổi tính nết của mình. Chúng ta cũng không thể dùng tư tưởng mà làm chúng ta cao thêm một chút, hay khiến cái xấu thành cái tốt, hóa đen ra trắng. Chủ trương như thế là xuyên tạc lẽ thật Thánh Kinh và dùng nó cho những việc làm sai trái của cá nhân chúng ta. Nhưng bởi tư tưởng do Thánh Linh cảm thúc, tâm trí chúng ta sẽ được thuần khiết và trở thành nơi thiêng liêng Đức Chúa Trời hài lòng khi ngự vào.

Trong một đoạn ở bên trên tôi có đề cập đến “tư tưởng tự nguyện” của chúng ta và tôi đã thận trọng khi dùng từ đó. Trong hành trình chúng ta băng qua thế giới tội lỗi và đầy căm thù này, nhiều tư tưởng sẽ xuất hiện trong đầu chúng ta mà chúng ta không thích và cũng là những tư tưởng chúng ta không có lấy một chút đồng tình nào về phương diện đạo đức. Sự cần thiết phải kiếm sống có thể ràng buộc chúng ta nhiều ngày liền vào sự tiếp nhận những tư tưởng mà không có tra xét. Nhận thức thông thường về các việc làm của những người chung quanh sẽ gieo các tư tưởng mâu thuẫn vào linh hồn Cơ Đốc nhân chúng ta. Những cái này ảnh hưởng chúng ta chút ít. Đối với những tư tưởng này, chúng ta không phải chịu trách nhiệm và chúng có thể lướt qua tâm trí chúng ta như con chim bay trong không khí, không để lại một dấu vết gì. Chúng không để lại ảnh hưởng lâu dài trên chúng ta vì chúng không phải là của chúng ta. Chúng là những kẻ xâm nhập không được hoan nghênh, những cái chúng ta không dành một chút tình cảm nào, và có thể thoát khỏi một cách nhanh chóng.

Bất kỳ ai muốn kiểm tra tình trạng thuộc linh thật của mình có thể kiểm tra bằng cách lưu ý xem những tư tưởng tự nguyện của mình trong những giờ qua hay những ngày qua là gì. Anh ta nghĩ gì khi được tự do để suy nghĩ về những điều làm mình vui lòng? Lòng anh hướng về điều gì khi nó được tự do để xoay về hướng mà nó muốn? Khi con chim tư tưởng được thả ra, nó bay lượn rồi đậu lên những cái xác trôi nổi như con quạ hay giống như con bồ câu lượn vòng rồi trở về chiếc thuyền của Đức Chúa Trời? Việc kiểm tra đó rất dễ, và nếu chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta có thể khám phá ra không chỉ việc chúng ta là gì mà cả việc chúng ta sẽ trở nên cái gì. Chúng ta sẽ sớm trở thành cái mà những tư tưởng tự nguyện của chúng ta hướng đến.

Khi tư tưởng khuấy động cảm xúc của chúng ta, và vì nó thế ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý chí, thì việc ý chí có thể là và nên là ông chủ của những tư tưởng là một điều cần lưu ý đến. Mỗi một con người có thể quyết định điều mà anh ta sẽ suy nghĩ đến. Dĩ nhiên một con người lo lắng hay đang bị cám dỗ sẽ thấy khó điều khiển tư tưởng và ngay cả khi tập trung vào một đề tài xứng đáng, những tư tưởng hoang dại và thoáng qua vẫn có thể xuất hiện trong tâm trí anh như một tia chớp nóng bỏng giữa đêm hè. Những cái này có khuynh hướng quấy nhiễu hơn là gây hại và trong cuộc chạy đường dài thì nó cũng không khác gì mấy.

Cách tốt nhất để điều khiển tư tưởng chúng ta là dâng tâm trí mình lên cho Đức Chúa Trời và hoàn toàn đầu phục Ngài. Đức Thánh Linh sẽ nhận lấy nó và điều khiển ngay lập tức, rồi sẽ rất dễ dàng khi suy nghĩ đến những điều thuộc linh, đặc biệt là nếu chúng ta huấn luyện tư tưởng mình bằng những khoảng thời gian dài trong sự cầu nguyện hàng ngày. Bài tập trong nghệ thuật cầu nguyện bằng tâm trí (tức là thưa chuyện với Đức Chúa Trời trong khi chúng ta làm việc hay đi lại) sẽ giúp chúng ta hình thành thói quen tư tưởng những điều thánh khiết.

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan