Ba Chiều Kích Của Sự Ngợi Khen – P.25

Share

25. Phép Lạ Theo Sau Cái Cày

 

Hãy vỡ đất mới! Vì là kỳ tìm kiếm Ðức Giê-hô-va, cho đến chừng nào Ngài đến và sa mưa công bình trên các ngươi.

— Ô-sê 10:12

Có hai loại đất: đất hoang hóa, và đất đã vỡ ra bởi cái cày.

Cánh đồng hoang: đất chai sạn, không thấm nước, cứng cỏi trước lưỡi cày và sự khuấy động của cái bừa. Một cánh đồng như thế, khi nó nằm đó hết năm này sang năm khác, trở thành chỗ vui chơi quen thuộc cho đám đông và những con chim giẻ cùi. Nếu nó có lý trí, có lẽ nó sẽ rất thỏa lòng vì danh tiếng của mình; nó bền chặt; thiên nhiên chấp nhận nó; có thể tin chắc rằng nó vẫn sẽ cứ mãi như vậy trong khi những cánh đồng xung quanh thay đổi từ màu nâu sang màu xanh và rồi trở lại màu nâu. An toàn và không bị quấy nhiễu, nó nằm ườn ra đó cách biếng nhác dưới ánh nắng; bức tranh về sự thỏa mãn thật là buồn ngủ. Nhưng nó đang trả một cái giá khủng khiếp cho sự thanh bình của mình: Nó sẽ chẳng bao giờ có thể thấy được phép lạ của sự phát triển; chẳng bao giờ nó cảm nhận được những xúc cảm của sự sống đang dâng lên, cũng không thấy được những kỳ quan của hạt giống khi chúng nứt ra hoặc vẻ đẹp của một vụ mùa chín mọng. Nó sẽ chẳng bao giờ biết đến bông trái vì nó sợ cái cày và cái bừa.

Trái ngược với điều này, một cánh đồng được canh tác đã cống hiến chính mình cho cuộc phiêu lưu của sự sống. Hàng rào bảo vệ đã được mở ra để tiếp nhận lưỡi cày, và lưỡi cày đã đến theo cách mà chúng luôn luôn đến như vậy, thực tế, dữ dội, giống như trong thương trường và vội vã. Sự thanh bình đã bị phá tan bởi người nông dân đang gào thét và tiếng ầm ì của máy móc. Cánh đồng đã cảm nhận được cố gắng khó nhọc của sự thay đổi; nó đã buồn, bị vỡ lên, thâm tím và nát bấy, nhưng những phần thưởng của nó thật nhiều vì công việc nặng nhọc nó phải chịu. Hạt giống mọc lên dưới ánh sáng ban ngày, trở thành một phép lạ của sự sống, tò mò, khám phá thế giới mới bên trên nó. Trên toàn bộ cánh đồng, bàn tay của Ðức Chúa Trời đang hành động trong công tác sáng tạo lâu đời, nhưng luôn luôn được làm cho tươi mới lại. Những thứ mới ra đời, lớn lên, chín muồi, và hoàn thành sự tiền định lớn lao tiềm tàng trong hạt giống khi nó mới rơi xuống đất. Những kỳ quan của thiên nhiên theo sau cái cày.

Cũng có hai loại đời sống: một loại còn hoang sơ, khô cằn, và một loại đã được cày xới. Về những ví dụ cho đời sống khô cằn, chúng ta chẳng cần phải nói nhiều. Chúng có khắp mọi nơi giữa vòng chúng ta.

Con người có đời sống khô cằn, cứng cỏi tự thỏa mãn với chính mình và bông trái mà mình đã từng một lần sản sinh. Anh ta không muốn bị quấy rầy. Anh mỉm cười trước những cơn phấn hưng, các kỳ kiêng ăn, sự tự tìm kiếm, và mọi khó nhọc của việc kết quả cũng như nỗi đau của việc tiến về phía trước. Tinh thần phiêu lưu mạo hiểm đã chết bên trong con người anh. Anh ta vững vàng, “thành tín”, luôn luôn ở trong nơi quen thuộc của mình (giống như cánh đồng cũ), bảo thủ, và là một cái gì đó giống như một cái mốc quan trọng trong một Hội Thánh nhỏ. Nhưng anh chẳng kết quả gì. Ðiều rủa sả của một đời sống như thế chính là ở chỗ nó bị định đoạt, cả về tầm thước vóc giạc lẫn nội dung. Cái là đã được thay thế thành cái trở thành. Ðiều tồi tệ nhất có thể nói về một người như thế là anh ta hiện là cái mà anh ta sẽ là như vậy. Anh đã tự rào chính mình lại, và cũng bởi hành động đó, anh khước từ Ðức Chúa Trời và phép lạ.

Ðời sống đã được cày xới là một đời sống, trong hành động ăn năn, đã phá vỡ hàng rào và để cho cái cày của sự xưng tội cày xới linh hồn mình. Sự thúc đẩy của Thánh Linh, áp lực của hoàn cảnh và sự căng thẳng của một đời sống không kết quả đã phối hợp lại với nhau làm cho tấm lòng hạ mình xuống. Ðời sống như thế đó đã dở bỏ hàng rào và đã từ bỏ sự an toàn chết chóc, thay vào đó là sự nguy hiểm của sự sống. Không thỏa lòng, khao khát, ăn năn, can đảm vâng phục ý muốn của Ðức Chúa Trời: tất cả những điều này tác động mạnh mẽ và đập vỡ những cục đất cứng cỏi, làm tơi ra cho đến khi nó sẵn sàng cho hạt giống. Và lúc nào cũng vậy, bông trái theo sau cái cày. Sự sống và sự tăng trưởng bắt đầu khi Ðức Chúa Trời “mưa sự công bình xuống.” Một người như thế có thể làm chứng rằng, “Tay Giê-hô-va Ðức Chúa Trời tôi phù trợ tôi” (E-xơ-ra 7:28).

Tương ứng với hai loại đời sống này, lịch sử tôn giáo đã cho ra hai cụm từ, năng động và thụ động.Những thời kỳ năng động là những thời kỳ anh hùng, khi dân sự của Ðức Chúa Trời khuấy động chính mình để làm theo mạng lệnh của Ngài và đi ra mà không có một chút sợ hãi nào để làm chứng cho khắp thế giới về chính Ngài. Họ đánh đổi sự an toàn của việc không làm gì cả lấy những nguy hiểm của cả tiến trình đã được Ðức Chúa Trời linh cảm. Lúc nào cũng vậy, quyền năng của Ðức Chúa Trời theo sau những hành động đó. Phép lạ của Ðức Chúa Trời đi đến khi và nơi nào dân sự Ngài đến; nó dừng lại nơi nào dân sự Ngài dừng lại.

Những thời kỳ thụ động là những giai đoạn khi mà dân sự của Ðức Chúa Trời mỏi mệt vì tranh chiến và quay sang tìm kiếm chút bình an và sự an toàn. Rồi thì họ làm cho chính mình bận rộn với việc cố gắng duy trì những gì đã làm được trong những khoảng thời gian đối đầu với nguy hiểm, lúc mà quyền năng của Ðức Chúa Trời vận hành qua họ.

Lịch sử Thánh Kinh có rất nhiều ví dụ. Áp-ra-ham bước đi trên cuộc phiêu lưu đức tin vĩ đại của mình, và Ðức Chúa Trời đi với ông. Những khải tượng, sự hiện ra của Chúa, quà tặng của xứ Pa-lét-tin, các giao ước và lời hứa ban phước dồi dào trong tương lai chính là kết quả. Rồi thì dân Y-sơ-ra-ên đi xuống Ai Cập, và những điều kỳ diệu dừng lại trong 400 năm. Vào cuối thời kỳ đó, Môi-se nghe tiếng gọi của Ðức Chúa Trời và đã bước ra để thách thức kẻ chống đối. Một cơn gió của quyền năng đi cùng với thách thức đó, và chẳng bao lâu sau Y-sơ-ra-ên bắt đầu diễu hành. Chừng nào dân tộc này còn dám diễu hành, Ðức Chúa Trời còn làm những phép lạ của Ngài để mở đường cho họ. Bất cứ khi nào Y-sơ-ra-ên nằm xuống giống như cánh đồng cằn cỗi, Ngài cất những ơn phước của Ngài và chờ đợi dân sự đứng lên trở lại để thi triển quyền năng đó.

Ðây là một nét phác thảo ngắn gọn nhưng rất đúng trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên và của cả Hội Thánh nữa. Chừng nào họ còn “đi ra giảng đạo khắp nơi”, Chúa “cùng làm với môn đồ, và lấy các phép lạ cặp theo.” Nhưng khi họ rút lui vào các tu viện hay miễn cưỡng xây dựng các thánh đường, sự giúp đỡ của Ðức Chúa Trời sẽ bị rút lại cho đến khi có một Luther hay Wesley đứng dậy để lại thách thức địa ngục một lần nữa. Và rồi thì lúc nào cũng thế, Ðức Chúa Trời tuôn đổ quyền năng của Ngài như trước.

Trong mỗi hệ phái, mỗi cánh đồng truyền giáo, mỗi Hội Thánh địa phương hay mỗi cá nhân Cơ Ðốc nhân, quy luật này đều vận hành. Ðức Chúa Trời hành động hễ chừng nào dân sự Ngài còn dám sống mạo hiểm: Ngài dừng lại khi họ không còn cần đến sự trợ giúp của Ngài nữa. Chừng nào chúng ta còn tìm kiếm sự bảo vệ ở bên ngoài Ðức Chúa Trời, chúng ta tìm thấy sự thất bại của chính mình. Chúng ta hãy cứ xây dựng một tường thành bảo vệ bằng những tài năng, bằng các luật lệ, uy tín, bằng những trụ sở rộng rãi cho những phái đoàn thuộc nhiệm vụ của chúng ta, và cứ ở trong tình trạng tê liệt, một tình trạng vốn chỉ có thể mang đến cái chết mà thôi.

Quyền năng của Ðức Chúa Trời chỉ đến nơi nào nó được gọi đến bởi cái cày. Nó được phóng thích vào Hội Thánh chỉ khi nào Hội Thánh đang làm một điều gì đó cần đến nó. Dùng từ “làm” ở đây, tôi không chỉ muốn nói đến sự hoạt động. Hội Thánh có vô số “công việc lăng xăng”, nhưng trong mọi hoạt động, Hội Thánh rất cẩn thận để không chạm đến mảnh đất cằn cỗi của chính mình. Hội Thánh cẩn thận hạn chế hoạt động của mình trong những ranh giới của sự lo sợ sẽ mất đi sự an toàn trọn vẹn. Ðó là lý do tại sao Hội Thánh không kết quả; Hội Thánh được an toàn, nhưng cằn cỗi.

Ngày nay, hãy nhìn quanh xem nơi nào các phép lạ của quyền năng đang diễn ra: Chẳng bao giờ trong những trường dòng, nơi mà mỗi tư tưởng đều được chuẩn bị cho học sinh để được tiếp nhận một cách không đau đớn và gián tiếp; chẳng bao giờ trong học viện tôn giáo nơi mà truyền thống và thói quen đã từ lâu khiến đức tin không còn cần thiết nữa; chẳng bao giờ trong Hội Thánh lâu đời, nơi mà những tấm thẻ ghi nhớ phủ đầy trên các mặt bàn chứa đựng những lời chứng câm lặng cho sự vinh hiển một lần đã từng ở đó. Lúc nào cũng vậy, nơi nào đức tin mạo hiểm đang tranh đấu để tiến lên chống lại những cái xem chừng như chẳng còn hy vọng gì, nơi đó Ðức Chúa Trời “từ nơi thánh sai ơn giúp đỡ.”

Trong cánh đồng truyền giáo, nơi mà tôi đã từng nhiều năm cộng tác, tôi chú ý một điều rằng quyền năng của Ðức Chúa Trời luôn luôn bay lượn trên các biên cương của chúng tôi. Những phép lạ luôn luôn đi cùng với bước tiến của chúng tôi và bị mất đi khi và ở nơi nào chúng tôi để cho chính mình trở nên thỏa mãn và không tiến bước nữa. Tín điều về quyền năng không thể cứu một phong trào khỏi sự cằn cỗi. Phải có công việc của phép lạ cặp theo.

Nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến tác động của lẽ thật này trên Hội Thánh địa phương và từng cá nhân. Hãy nhìn vào Hội Thánh nơi mà những bông trái đã từng là một cái gì đó xuất hiện rất thường xuyên và được mong đợi, nhưng bây giờ lại có ít, thậm chí chẳng có tí bông trái nào cả, và quyền năng của Ðức Chúa Trời dường như không còn nữa. Vấn đề là gì? Ðức Chúa Trời không thay đổi, mục đích của Ngài cho Hội Thánh đó cũng vậy, dù chỉ thay đổi một chút thôi cũng không. Không! Chính Hội Thánh đã thay đổi!

Tự kiểm tra một chút thôi cũng sẽ thấy được rằng Hội Thánh đó và những thành viên của mình đã trở nên cằn cỗi. Hội Thánh đã sống sót trước những khó khăn ban đầu và bây giờ đã đi đến chỗ chấp nhận một con đường dễ dàng hơn của sự sống. Hội Thánh thỏa mãn với việc cứ tiếp tục chương trình không gây đau đớn gì với đủ số tiền để trả các hóa đơn và một sổ hội viên đủ lớn để bảo đảm tương lai của mình. Các thành viên bây giờ nhìn vào sự an toàn của Hội Thánh hơn là sự hướng dẫn trong trận chiến giữa điều thiện và điều ác. Hội Thánh đã trở thành một trường học thay vì một trại lính. Những thành viên của Hội Thánh là các học sinh chứ không phải những người lính. Họ học những kinh nghiệm của người khác thay vì tìm kiếm những kinh nghiệm mới cho chính mình.

Con đường duy nhất để quyền năng quay trở lại với Hội Thánh là Hội Thánh phải ra khỏi nơi ẩn nấp của mình và một lần nữa lựa chọn con đường có muôn vàn nguy hiểm vây quanh của sự vâng lời. Sự an toàn của Hội Thánh chính là kẻ thù đáng gờm nhất. Hội Thánh nào lo sợ trước cái cày, Hội Thánh đó đang viết bia mộ cho mình, Hội Thánh nào sử dụng cái cày là Hội Thánh đang đi trên con đường phấn hưng.

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan