Ba Chiều Kích Của Sự Ngợi Khen – P.27

Share

27. Ra Đời Sau Nửa Đêm 

 

Giữa vòng những Cơ Đốc nhân có tâm trí phấn hưng, tôi nghe nói một câu, “Các cơn phấn hưng ra đời sau nửa đêm.” Đây là một trong những câu cách ngôn, mặc dù theo nghĩa đen thì không đúng lắm, nhưng hình ảnh đó nói lên một điều rất trung thực

Nếu chúng ta hiểu câu nói “Các cơn phấn hưng ra đời sau nửa đêm” mang ý nghĩa là vào ban ngày Đức Chúa Trời không lắng nghe lời cầu xin phấn hưng của chúng ta, thì đương nhiên là không đúng. Và nếu chúng ta gượng gạo cho rằng lời cầu nguyện chúng ta trình dâng lên trong khi mệt mỏi và kiệt sức có quyền năng hơn lời cầu nguyện chúng ta dâng lên lúc đang nghỉ ngơi và khỏe khoắn, thì một lần nữa, nó lại không đúng.

Nếu Đức Chúa Trời chỉ nhậm lời cầu xin của con cái Ngài trong sự đau khổ, khốn cùng của họ mà thôi, thì chắc Ngài phải là một Đấng khắc khổ lắm mới đòi hỏi chúng ta biến lời cầu xin của mình thành sự hành xác, để Ngài vui thích khi xem thấy chúng ta tự trừng phạt bản thân bằng sự cầu nguyện. Những dấu ấn của quan điểm “khắc khổ trong sự cầu thay” đó vẫn tồn tại trong vòng một số Cơ Đốc Nhân Tin Lành. Tâm linh của họ bị ràng buộc tại vì vô tình họ đã gán cho Đức Chúa Trời một bản tính tàn bạo vô giá trị của những con người bị sa ngã.

Nhưng có một lẽ thật đáng lưu tâm ẩn chứa bên trong ý tưởng cho rằng “những cơn phấn hưng ra đời sau nửa đêm”, vì các cơn phấn hưng (hay những ân tứ và các ân điển thuộc linh khác) chỉ đến với những người thật sự mong muốn nó. Chúng ta có thể nói một cách quả quyết rằng mọi người đều được nên thánh và đầy dẫy Thánh Linh nếu như người đó mong muốn như vậy. Một con cái Chúa có thể không được trọn vẹn như những gì người khác đòi hỏi, nhưng chắc chắn có thể được trọn vẹn theo như điều mình mong muốn.

Chúa chúng ta đã đề cập đến vấn đề không cần bàn cãi này khi Ngài phán, “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!” (Ma-thi-ơ 5:6). Đói và khát là các cảm giác thuộc thể, trong giai đoạn kịch liệt, chúng có thể trở thành nỗi đau thực sự. Kinh nghiệm của vô số những người tìm cầu Đức Chúa Trời chính là khi những khao khát của họ trở nên nỗi đau thực sự, thì thình lình họ được đầy dẫy cách rất diệu kỳ. Vấn đề không phải là thuyết phục Đức Chúa Trời đổ đầy trên chúng ta, nhưng là khao khát Đức Chúa Trời đủ để cho phép Ngài làm điều đó. Một Cơ Đốc nhân bình thường quá nguội lạnh và quá thỏa mãn với tình trạng tồi tệ của mình đến độ không có lấy một chút khoảng trống nào của sự khao khát, để Thánh Linh có thể đến và lấp đầy khoảng trống đó.

Thỉnh thoảng lại xuất hiện một người có những khao khát thuộc linh chưa được thỏa mãn, nỗi khao khát này ngày càng lớn hơn và trở nên quan trọng hơn trong cuộc đời, cho đến độ tống khứ tất cả những sở thích khác ra ngoài. Ðó là hình ảnh của một người không thỏa mãn thỏa lòng với những lời cầu nguyện đơn thuần và theo tập tục. Sự khao khát của người nầy thường tạo sự ngăn cách đối với người khác và trở nên một cái gì đó khó chịu cho những người chung quanh. Có thể những người bạn Cơ Đốc của người bạn nầy bối rối lắc đầu và nhìn nhau với những cái nhìn đầy ẩn ý, giống như người mù (Ba-ti-mê) kêu gào cho sự sáng của mình và bị các sứ đồ quở trách, và càng quở trách anh “kêu gào thật nhiều”. Và nếu anh ta chưa đạt được các điều kiện hay còn một cái gì đó ngăn trở sự đáp lời cầu xin của anh, anh sẽ tiếp tục cầu nguyện vào những thì giờ muộn hơn. Vì thến cho nên thì giờ của đêm tối không phải là điều quyết định thời điểm anh được thăm viếng, bèn là trạng thái của tấm lòng. Đối với anh, việc phấn hưng đến sau nửa đêm quả thật rất phù hợp.

Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng những lời cầu nguyện thâu đêm và những tiếng khóc nức nở và nước mắt trong sự cầu nguyện không phải là những hành động đáng tưởng thưởng. Ơn phước tuôn chảy ra từ sự nhơn từ của Đức Chúa Trời giống như từ một dòng suối mát. Tất cả mọi sự đều bởi và thuộc về sự nhơn từ và ân điển tối cao của Đức Chúa Trời.

Cô Julian tóm tắt một cách hơi khác lạ như sau, “Công việc chúng ta trung tín cầu xin đến từ sự nhơn từ của Đức Chúa Trời. Khi đến gần ân điển với sự thông biết thật qua sự bền chặt của tình yêu thương thì những điều đó còn có ý nghĩa quan trọng hơn là dâng sự vinh quang lên cho Chúa, còn hơn cả niềm khoái cảm, còn hơn cả việc chúng ta dùng mọi phương tiện tấm lòng để nghĩ ra. Nếu chúng ta chỉ dùng mọi phương tiện để đến với Chúa thì là quá ít và không đủ để dâng vinh quang lên cho Đức Chúa Trời. Sự nhơn từ của Ngài là tất cả… “Nhận được sự Nhân Từ Của Ðức Chúa Trời Ban Cho” là lời cầu xin được nhậm cao nhất của chúng ta, vì Ngài ban sự nhơn từ đó đến con người vào nơi thầm kín nhất trong nhu cầu của thể xác và tâm linh.”

Vì ý muốn Đức Chúa Trời luôn luôn là tốt lành cho loài người, nên Ngài không thể đáp ứng mọi khao khát của lòng chúng ta cho đến khi mọi khao khát đó rút gọn lại thành một khối. Khi con người đã giải quyết xong các tham vọng xác thịt, giày đạp bản tánh ích kỷ dưới chân và thực sự nhận biết mình đã chết về tội lỗi, thì khi đó Đức Chúa Trời mới đưa chúng ta vào đời sống mới và đầy dẫy Thánh Linh và ơn phước của Ngài.

Thật dễ khi học một giáo lý về sự phấn hưng cá nhân và sống đắc thắng; nhưng việc vác thập giá mình và lê bước hướng về ngọn đồi đen tối, cay đắng để tự bỏ mình đi là một việc hoàn toàn khác. Tại nơi đây, nhiều người đã được gọi, song ít người được chọn. Có rất nhiều người đã thực sự vượt qua để bước vào Đất Hứa, và cũng có rất nhiều người khác còn đứng đó chần chừ, họ nhìn qua con sông, lòng rất thiết tha, nhưng rồi lại quay đầu trở lại sự an toàn tạm bợ của vùng đất cát hoang vắng của đời sống cũ.

Ðúng vậy! việc cầu nguyện vào những thì giờ muộn hơn không có chút công trạng nào hết, nhưng nó đòi hỏi một tâm trí nghiêm túc, một tấm lòng kiên định để cầu nguyện, vượt qua cái bình thường để đến cái khác thường.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan