Ba Chiều Kích Của Sự Ngợi Khen – P.34

Share

34.Thánh Linh Dạy Hay Thánh Kinh Dạy

Nếu chúng ta nói rằng có sự khác biệt giữa việc được Thánh Kinh dạy và được Thánh Linh dạy thì có thể gây chấn động cho nhiều tín hữu phải không? Tuy nhiên, quả thật là có sự khác biệt như vậy.

Ðiều này hoàn toàn có thể: được dạy dỗ về những nguyên lý cơ bản của đức tin nhưng vẫn không thực sự hiểu toàn bộ sự việc. Và việc trở thành chuyên viên về các giáo lý Thánh Kinh mà không có sự khai sáng thuộc linh, với hậu quả là bức màn vẫn còn trên tâm trí, che đậy nó khỏi sự thấu hiểu lẽ thật trong bản chất thuộc linh cũng là điều hoàn toàn có thể.

Hầu hết trong chúng ta quen với việc các Hội Thánh dạy Kinh Thánh cho trẻ em từ khi chúng còn rất nhỏ, mang đến cho chúng những hướng dẫn dài dòng trong các sách giáo lý đại cương, kéo chúng đến những lớp học của mục sư, mà vẫn không tạo nên trong chúng một lối sống Cơ Ðốc hay một lòng tin kính mạnh mẽ. Những thành viên của họ không cho thấy chút nào bằng cớ của sự biến đổi tâm linh từ sự chết sang sự sống. Giữa vòng họ không thể tìm thấy một dấu hiệu riêng nào của sự cứu rỗi được trình bày rõ ràng trong Kinh Thánh. Ðời sống tôn giáo của họ xét về phương diện đạo đức thì đúng và hợp lý, nhưng hoàn toàn máy móc và thiếu đi ánh hào quang. Họ mặc lấy đức tin của mình như những người đau buồn một lần mặc áo tang màu đen để thể hiện lòng yêu mến và tôn trọng của mình đối với người đã khuất.

Những người đó không thể coi là những kẻ giả hình. Nhiều người trong số họ rất nghiêm túc về vấn đề này. Chỉ đơn giản là họ mù. Từ chỗ thiếu vắng Thánh Linh sự sống, họ bị buộc phải ở trong cái vỏ bọc của đức tin, trong khi lúc nào tấm lòng sâu thẳm của họ cũng đói khát thực thể thuộc linh, và họ không biết mình sai chuyện gì.

Sự khác biệt giữa tôn giáo của tín điều và tôn giáo của Thánh Linh được Thomas đề cập đến trong lời cầu nguyện ông dâng lên Chúa: “Con cháu Y-sơ-ra-ên trong quá khứ đã nói với Môi-se rằng, ‘Chính mình người hãy nói cùng chúng tôi thì chúng tôi sẽ nghe; nhưng cầu xin Ðức Chúa Trời chớ phán cùng, e chúng tôi phải chết chăng.’ Không phải như vậy, Chúa ôi, không phải vậy, con cầu xin Ngài; như tiên tri Sa-mu-ên, con hạ mình xuống mà khẩn nài, ‘Hỡi Ðức Giê-hô-va, xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đương nghe!’ Xin đừng để Môi-se hay bất cứ tiên tri nào khác nói với con, nhưng chính Ngài hãy phán, lạy Chúa, Ngài là Ðấng linh ứng, là Ðấng soi sáng của mọi tiên tri; vì chỉ mình Ngài thôi, không cần họ, cũng có thể dạy dỗ con, nhưng nếu họ không có Ngài, cũng chẳng làm được gì. Họ có thể thốt nên lời, nhưng họ không thể đem quyền năng đến cho lời đó. Dù họ có nói hay đến thế nào, nhưng nếu Ngài im lặng, lời đó chẳng chạm được cõi lòng nào. Họ dạy từng chữ, nhưng Ngài mở lòng ra; họ đem đến những bí mật, nhưng Ngài mở ra ý nghĩa của những điều đã được đóng ấn… Họ làm việc bên ngoài, nhưng Ngài dạy dỗ và soi sáng tấm lòng… Họ lớn tiếng kêu gào, nhưng Ngài truyền đạt sự thấu hiểu cho người nghe.”

Thật khó mà tóm gọn tốt hơn như vậy. Nhiều người khác cũng nói như thế; tuy nhiên, câu nói quen thuộc nhất có lẽ là, “Muốn hiểu được Kinh Thánh thì phải đọc Kinh Thánh với sự linh ứng và soi sáng của Thánh Linh.” Không ai phủ nhận điều này, nhưng ngay cả một lời khẳng định như thế cũng không thể đi vào đầu óc người nghe trừ phi Ðức Thánh Linh cảm động tấm lòng.

Lời buộc tội mà những người theo chủ nghĩa tự do thường dùng để chống lại chúng ta là: “Những người tôn sùng Kinh Thánh”, có lẽ không đúng như ý của những người chống đối chúng ta; nhưng tính thật thà và sự tự phân tích sẽ buộc chúng ta thừa nhận rằng thường có quá nhiều cái đúng trong lời buộc tội của họ.

Giữa vòng những người theo tôn giáo chính thống có rất ít thắc mắc về việc thỉnh thoảng tìm thấy một lòng tin vô tri vô giác vào nghĩa đen trong Thánh Kinh mà không hề có một sự thấu hiểu nào trong ý nghĩa thật của nó. Sự thật đó xét về bản chất thuộc linh phải luôn được ghi nhớ trong tâm trí nếu chúng ta muốn biết lẽ thật thực sự. Chính Ðức Chúa Jêsus Christ là Lẽ Thật, và Ngài không thể bị hạn chế trong văn tự Thánh Kinh mặc dù chúng ta tin tuyệt đối đó là Lời Đức Chúa Trời. Thuộc tính của Thánh Linh không thể chỉ gói gọn trong mực in hay giấy. Ðiều tốt nhất một cuốn sách có thể làm là đem đến cho chúng ta lời của lẽ thật. Ngài bày tỏ chính mình Ngài qua các từ ngữ đó. Nếu chúng ta đã từng nhận lãnh sức sống và những sự ban cho thuộc linh khác ngoài những giờ đọc và nghiên cứu Thánh Kinh, thì chắc chắn là Ðức Thánh Linh là Ðấng đã ban những điều đó.

Giữa vòng những con người đói khát thuộc linh, thì nhu cầu lớn của thời đại này có hai mặt:

  1. Một là biết Kinh Thánh, ngoài ra không có một lẽ thật cứu rỗi nào khác được ban bố ngoài Cứu Chúa của chúng ta.
  2. Hai là được Thánh Linh soi sáng, Ðấng mà nếu không có Ngài thì không thể hiểu Kinh Thánh được.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan