Ba Chiều Kích Của Sự Ngợi Khen – P.4

Share

4. Lòng Can Đảm Với Sự Tiết Độ

 

Tội lỗi đã thực hiện một công việc tàn phá chúng ta khá thành công, và quá trình phục hồi vừa lâu dài lại vừa chậm chạp. Các công việc của ân điển trong đời sống mỗi cá nhân có thể chưa một lần nào được thể hiện cách sáng sủa và rõ ràng (trong kinh nghiệm của cá nhân đó, và của người khác – ND), nhưng chúng thực sự là công việc của Đức Chúa Trời: Đem tấm lòng đã một lần sa ngã trở lại sự giống với những điều thiêng liêng. Điều này thể hiện rõ trong khó khăn lớn mà chúng ta phải trải qua để đạt được sự cân đối thuộc linh trong đời sống mình. Sự bất lực, ngay cả của những linh hồn có mức độ tận hiến nhiều nhất, để thể hiện những đức tính Cơ Đốc trong tỉ lệ cân bằng và không có sự trộn lẫn (admixture) với những đức tính không giống Đấng Christ đã trở thành nguyên nhân nỗi đau buồn cho nhiều người là dân sự Đức Chúa Trời.

Các đức tính trước mắt chúng ta, lòng can đảm và sự tiết độ, khi được giữ ở đúng tỉ lệ, dẫn đến một đời sống cân bằng và là một trong những điều hữu ích lớn nhất cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Bất cứ nơi nào một trong hai điều đó bị mất đi hay còn đó nhưng chỉ ở một mức độ thấp kém, hậu quả sẽ là một đời sống mất cân bằng và sức mạnh bị lãng phí. Nếu xem xét kỹ lưỡng, thì ta sẽ tìm thấy được tính chất tự truyện trong Hầu như bất cứ tác phẩm chân thật nào. Chúng ta biết rõ nhất những gì chúng ta đã kinh nghiệm. Bài báo này cũng không là một ngoại lệ. Tôi cũng có thể thừa nhận cách thẳng thắn là nó cũng mang tính tự truyện, vì một độc giả sáng suốt sẽ khám phá được sự thật cho dù tôi có cố gắng che đậy nó đến đâu đi nữa.

Nói một cách ngắn gọn, tôi hiếm khi bị gọi là một kẻ hèn nhát, ngay cả bởi những kẻ thù căm hờn tôi nhất, nhưng sự đòi hỏi sự tiết độ của tôi đôi lúc khiến cho những người bạn thân nhất của tôi buồn. Một đức tính hàng đầu không phải dễ mà có được, dù trải qua luyện tập nhiều, và sự cám dỗ đưa đến những phương pháp khắt khe, thái quá làm trợ cụ cho Đức Chúa Trời là một điều không dễ dàng gì kháng cự lại. Sự cám dỗ đó càng được làm cho mạnh thêm bởi tri thức đến độ nó ở sát bên những điều bất khả đại loại như là bắt buộc một diễn giả ngồi xuống và khiến ông rút lui ý kiến, rồi tự nhận là mình sai. Có một sự miễn thứ chức vụ (ministerial immunity) được chấp nhận bởi người của Đức Chúa Trời vốn có thể đưa Boanergers vào trong một ngôn ngữ ngông cuồng và vô trách nhiệm trừ phi anh ta dùng những phương cách quả cảm để đưa bản chất của mình vào trong sự cai trị yêu thương của Đức Thánh Linh. Điều này tôi cũng đã đôi lần thất bại, và luôn luôn đưa đến nỗi đau buồn thực sự của riêng tôi.

Tại đây, một lần nữa sự tương phản giữa đường lối Đức Chúa Trời và đường lối con người lại được thấy rõ. Ngoài sự hiểu biết đó ra, như kinh nghiệm đau đớn có thể đem lại, chúng ta có khuynh hướng cố gắng bảo vệ các mục đích của mình bằng sự tấn công trực tiếp, xông lên và chiến thắng bằng vũ lực. Đó là phương cách của Sam-sôn, và nó có hiệu quả ngoại trừ một việc nhỏ bị lãng quên: Nó kéo kẻ chiến thắng chết chung với kẻ chiến bại! Tấn công từ phía bên hông thật là khôn ngoan, nhưng sự khôn ngoan đó là cái mà một tâm linh thiếu suy nghĩ (hay hấp tấp) có khuynh hướng chối từ.

Đấng Christ được nói đến như sau: “Người sẽ chẳng cãi lẫy, chẳng kêu la, và chẳng ai nghe được tiếng người ngoài đường cái. Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến chừng nào người khiến sự công bình được thắng” (Ma-thi-ơ 12:19-20). Ngài đạt được những mục đích lớn lao của mình mà không cần sức mạnh vật lý quá đáng và nhìn chung không có bạo lực. Cả cuộc đời của Ngài được đánh dấu bằng sự tiết độ; nhưng trước hết Ngài là một trong số những con người can đảm nhất. Ngài đã nhắn gởi những lời này với Hê-rốt, kẻ đe dọa Ngài, “Hãy đi nói với con chồn cáo ấy rằng: Ngày nay, ngày mai, ta đuổi quỷ chữa bệnh, đến ngày thứ ba, thì đời ta sẽ xong rồi” (Lu-ca 13:32). Có một sự can đảm tột bực ở đây, nhưng không phải là sự thách thức, không có dấu hiệu gì của sự khinh rẻ, không có sự thái quá của lời nói và hành động. Ngài có lòng can đảm và sự tiết độ.

Thất bại để đạt được sự cân bằng giữa hai đức tính này đã tạo nên nhiều điều xấu trong Hội Thánh trải qua nhiều năm, và vết thương còn lớn hơn khi những nhà lãnh đạo Hội Thánh có dính dáng vào. Thiếu sự can đảm là một thiếu sót trầm trọng và có thể là một tội thật sự khi nó dẫn đến sự thỏa hiệp trong giáo lý hay thực hành. Ngồi lại vì cớ lợi ích của sự hòa bình và cho phép kẻ thù chiếm đoạt những cái bình thánh khỏi đền thờ không bao giờ có thể là một phần của một con người thật sự thuộc về Đức Chúa Trời. Sự tiết độ đến mức đầu hàng nơi mà những điều thiêng liêng có liên quan đến chắc chắn không phải là một đức tính tốt; song thói hiếu chiến lại chẳng bao giờ chiến thắng khi mà trận chiến thuộc về cõi thiên thượng. Sự giận dữ của con người chẳng bao giờ có thể tôn cao sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Có một cách đúng đắn để làm những việc đó, và nó không bao giờ là phương cách có tính chất bạo lực. Người Hy Lạp có một câu nói nổi tiếng: “Tiết độ là tốt nhất”; và câu cách ngôn trong gia đình của những người nông dân Mỹ là, “Cái nào dễ, làm nó đi,” cũng chứa đựng bên trong một triết lý sâu sắc.

Đức Chúa Trời đã dùng, và hoàn toàn không có gì nghi ngờ việc Ngài sẽ dùng con người bất luận sự thất bại trong việc giữ những đức tính này ở trạng thái cân bằng hoàn hảo của họ. Ê-li là một con người dũng cảm; không ai có thể nghi ngờ điều đó, nhưng cũng không ai là quá vội vàng khi tuyên bố rằng ông cũng là một người kiên nhẫn hay tiết độ. Ông thắng lợi bằng sự tấn công, bằng hiệu lệnh, chứ không phải bằng sự mỉa mai, và lạm dụng khi ông nghĩ nó sẽ giúp nhiều; song khi kẻ thù thất bại, ông bị cuốn vào vòng xoáy và chìm sâu vào tuyệt vọng. Đó là phương cách của bản chất cực đoan, của con người có lòng can đảm mà không có sự tiết độ.

Hê-li, về mặt khác, là một con người tiết độ. Ông không thể nói “không” ngay cả với gia đình mình. Ông yêu mến một sự hòa bình mong manh, và một bi kịch ảm đạm là cái giá ông phải trả cho sự hèn nhát của mình. Cả hai người đều là những người tốt, nhưng họ đã không thể tìm được một phương cách tốt hơn. Về cả hai, Ê-li nóng cháy chắc chắn là người vĩ đại hơn. Thật là đau đớn khi nghĩ đến những gì Hê-li có lẽ sẽ làm trong những hoàn cảnh của Ê-li. Và tôi có thể thương xót ngay cả với Hốp-ni và Phi-lê-a nếu như Ê-li đã là cha của họ!

Một cách logic, điều này đưa chúng ta đến chỗ suy nghĩ về sứ đồ Phao-lô. Đây là một người mà chúng ta không được xem thường. Ông có một lòng can đảm gần như hoàn hảo cùng với tính kiên nhẫn và tính chịu đựng thực sự giống Chúa. Ngoài ân điển ra, việc ông đã từng là người như thế nào được tìm thấy trong một lời mô tả ngắn gọn về ông trước sự cải đạo. Sau khi ông giúp ném đá Ê-tiên đến chết, ông đi ra và săn đuổi Cơ Đốc nhân, “hằng ngăm đe và chém giết” (Công vụ 9:1). Ngay cả sau khi cải đạo rồi, ông vẫn còn có thể đưa ra lời nhận xét khi ông cảm nhận mạnh mẽ một vấn đề nào đó. Sự từ chối cụt ngủn của ông đối với Mác sau khi Mác bỏ dở công việc là một thí dụ cho phương cách ngắn gọn ông dùng để cư xử với những người mà ông không tin tưởng. Nhưng thời gian, sự chịu đựng gian khổ và sự giống Cứu Chúa nhẫn nại của ông càng gia tăng dường như đã chữa ông khỏi sai lầm này, sai lầm bên trong một con người của Đức Chúa Trời. Những ngày sau đó của ông rất ngọt ngào với tình yêu thương và thơm ngát bởi sự nhịn nhục cũng như lòng nhân đức. Điều này cũng nên như vậy đối với tất cả chúng ta.

Việc Kinh Thánh không ghi lại cho chúng ta một ví dụ nào cho thấy một người hèn nhát được chữa khỏi thói hư của mình là một điều rất có ý nghĩa. Không có “linh hồn nhút nhát” nào đã từng lớn lên thành một con người can đảm. Phi-e-rơ đôi lúc bị nêu ra như là một ngoại lệ, nhưng không có sự gì trong cuộc đời ông chứng tỏ ông là một con người hèn nhát, trước cũng như sau Lễ Ngũ Tuần. Ông đã chạm đến lằn ranh một hay hai lần, điều này là thật, nhưng hầu hết phần còn lại, ông là một con người can đảm hết mực đến độ ông cứ mãi gặp vấn đề với sự can đảm của mình.

Việc Hội Thánh ngày nay thực sự cần những con người can đảm như thế nào là một điều mà mọi người đều biết, không cần phải lập lại. Sự sợ hãi ấp ủ trên Hội Thánh giống như một lời nguyền cổ xưa. Sợ cho sự sống còn của chúng ta, sợ cho công việc của chúng ta, sợ đánh mất danh tiếng, sợ lẫn nhau: đây là những bóng ma lảnglảng vảng quanh những con người ngày nay đứng trong những vị trí của sự lãnh đạo Hội Thánh. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã có được danh tiếng vì sự can đảm lập lại những gì an toàn và được mong đợi với một sự táo bạo đến tức cười.

Nhưng sự can đảm tự có không phải là phương thuốc. Vun xới thói quen “nói toạc móng heo” có thể chỉ kết quả trong việc chúng ta tự làm cho mình trở thành điều phiền toái cho người khác và đem đến rất nhiều nguy hại cho cả tiến trình. Điều lý tưởng dường như là một sự can đảm thầm lặng đến độ không nhận biết được sự tồn tại của nó. Nó lôi kéo sức mạnh của mình từ Thánh Linh và hiếm khi cái tôi biết được sự tồn tại của nó. Sự can đảm đó sẽ là kiên nhẫn và cân bằng cũng như an toàn khỏi hai thái cực. Xin Chúa ban cho chúng ta một phép Báp-tem của lòng can đảm đó.

 

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan