Ba Điều Giúp Vượt Qua Sự Lo Lắng

Share

Một trong những cuốn sách yêu thích của tôi là “Hành Trình Tìm Thành Phố Thiên Đàng –  The Pilgrim’s Progress.” Đó là câu chuyện về một nhân vật tên là Cơ đốc nhân rời khỏi thành phố “Hủy diệt” để tìm kiếm sự cứu rỗi chỉ có ở thành phố thiên thượng, là biểu tượng của thiên đàng. Câu chuyện ngụ ngôn này mô tả hình ảnh của đời sống Cơ-đốc nhân trong suốt hành trình.

Trong một cảnh của hành trình hai nhân vật có tên là “Cơ đốc nhân” và “Hy vọng” đang đi trong hành trình của mình và mặt đường trở nên gồ ghề và cứng dưới chân họ. Họ nhận ra có một con đường song song ở phía bên kia hàng rào có vẻ dễ chịu hơn, nhiều cỏ hơn và có ít ổ gà hơn. Họ quyết định nhảy qua hàng rào và đi trên con đường đó vì nó dường như cũng dẫn đến thành phố thiên đàng.

Nhưng khi một cơn bão xảy ra, họ trở nên mất phương hướng và phát hiện ra rằng con đường không dẫn đến thành phố thiên đàng mà là con đường dẫn đến sự hủy diệt. Vì vậy, họ tìm nơi trú ẩn và chìm vào giấc ngủ chỉ để bị đánh thức bởi một người khổng lồ tên là “Tuyệt vọng”, kẻ đã bắt họ, đưa họ đến lâu đài “Nghi ngờ” và nhốt họ trong ngục tối.

Đối phó với sự lo lắng

Bạn có thể nói, “Tôi đã từng bị như thế.” Bạn nhớ rất rõ bàn tay lạnh giá của sự tuyệt vọng đặt trên vai bạn. Mọi chuyện đang ổn thì bỗng nhiên một cơn bão ập đến cuộc đời bạn và bạn phải tìm nơi trú ẩn.

Đó có thể là cơn bão khủng hoảng tài chính, mối quan hệ bất ổn, các vấn đề trong gia đình,

những biến động ở nơi làm việc hoặc việc nhận biết rõ ý muốn của Chúa. “Sự Tuyệt Vọng”

khổng lồ chiếm lấy bạn và kéo bạn đến lâu đài của sự nghi ngờ và giam cầm.

Trong những thời mùa như thế này, chúng ta có thể đặt ra một số câu hỏi khó trả lời: “Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục giữ đức tin khi cảm thấy lo lắng? Có những cách nào để tin cậy  Chúa ngay trong khi ở giữa cơn bão?”

Tôi có một số tin lành cho bạn. Dưới đây là ba bí quyết để chiến đấu với sự lo lắng theo Phi-líp 4:6-7.

Đừng Lo Lắng

Chúng ta thắng hơn sự lo lắng bằng cách không nhượng bộ sự lo lắng.

Phao-lô có sự phủ quyết—một mệnh lệnh đừng lo lắng! Lo lắng xảy đến khi chúng ta quay lưng lại với Chúa. Sự lo lắng chuyển gánh nặng cuộc sống sang cho bản thân và làm cho chúng ta có tư duy rằng tôi cô đơn trong việc này và Chúa ở xa tôi!  Chúa không bao giờ có ý định cho chúng ta sống đơn độc.

Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rằng Phao-lô viết lá thư này khi ông đang ở trong tù, ông ở trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Nói theo cách của con người, ông có mọi lý do để cảm thấy bị sụp bẫy trong sự lo lắng của chính mình! Thế nhưng, rõ ràng trong thư Phi-líp, ông nói rằng chúng ta phải thắng hơn sự lo lắng và bất an.

Nhưng trong mọi sự hãy cầu nguyện.

Chúng ta thắng hơn sự lo lắng bằng cách cầu nguyện với Chúa trong mọi sự.

Phao-lô đưa ra một phương thuốc để giải quyết nỗi lo lắng—hãy trình dâng mọi sự cho Chúa qua lời cầu nguyện. Cầu nguyện về mọi sự là điều ngược lại với việc không lo lắng gì cả. Đó là lý do tại sao chúng ta có từ “nhưng” ở đầu câu 6.

Tôi yêu thích bài thánh ca xưa, “Chúa Giê-su là bạn thật.”

Ôi Giê-xu Chúa ta là bạn thật,
Bằng lòng gánh tội lỗi chúng ta;
Ban ơn chúng ta hôm mai thân mật,
Trình cho Chúa ban tâm sự ta;
Bao lần ta bối rối ngập sầu tư,
Lắm lúc tâm hồn bổng bồi hồi,
Nguyên do chúng ta chẳng đem tâm sự,

Trình ra trước Giê-xu mà thôi.

Có điều gì đang khiến bạn lo lắng? Đôi khi những điều khiến chúng ta lo lắng nhất lại là những điều chúng ta ít nói với Chúa nhất.

Khi đối mặt với nỗi sợ hãi, Cơ đốc nhân phải đưa ra những yêu cầu cụ thể với lòng tạ ơn trước mặt Chúa.

Sự bình an của Chúa sẽ giữ gìn bạn.

Chúng ta thắng hơn sự lo lắng khi thấy trước sự bình an của Chúa sẽ đến.

Phao-lô bảo đảm với các tín hữu rằng Đức Chúa Trời đã hứa ban bình an cho họ. Sự bình an vượt trên mọi sự hiểu biết của con người chúng ta sẽ “gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Giê-xu” (c. 7). Sự bình an của Đức Chúa Trời chỉ được tìm thấy nơi Chúa Giê-xu Christ. Ngài có thể không thay đổi hoàn cảnh của bạn, nhưng Ngài sẽ ban cho bạn sự bình an trong lúc khó khăn, đúng như Ngài đã hứa.

Hãy trao mọi lo lắng của bạn cho Chúa Giê-xu.

Điều tôi nhận thấy trong 10 năm mục vụ vừa qua là sự lo lắng của tôi thường xuất phát từ việc tôi thiếu đức tin vào Chúa Giêsu. Kết quả là sự vô tín của tôi chiếm thế thượng phong trong lòng tôi.

Chúa Giê-xu nói: Nhiều lo âu đến từ việc ít đức tin. Rất nhiều lo lắng của chúng ta xuất phát từ cái nhìn hạn hẹp của chúng ta về Chúa.

Kinh Thánh hứa với những người tuyệt vọng rằng: “Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi” (2 Cô-rinh-tô 12:9). Như giáo sư chủng viện của tôi, Tiến sĩ Stuart Scott đã nói rất hay: “Hy vọng không được định nghĩa bằng việc không có khó khăn. Đúng hơn, niềm hy vọng được tìm thấy nơi ân sủng của Đức Chúa Trời ở ngay giữa lúc khó khăn. Niềm hy vọng được tìm thấy trong lời hứa của Ngài là ban cho chúng ta một tương lai.”

Tại sao Chúa cho phép nỗi sợ hãi xâm nhập vào cuộc sống của chúng ta? Cuối cùng, đó là mang lại sự  vinh hiển cho Đức Chúa Cha bằng cách cứu chuộc dân Ngài khỏi sự nguyền rủa của tội lỗi.

Trong sự bất toàn của thế giới tan vỡ này, chúng ta cần được nhắc nhở về cái chết và sự phục sinh của Đấng Cứu Chuộc, Chúa Giê-xu Christ. Tình yêu hoàn hảo, chung thủy, kiên định và bất diệt của Ngài trở thành sức mạnh cho hôm nay và niềm hy vọng cho ngày mai.

 

 

 

Lược dịch:  Nguyễn Trọng (BBT)

Nguồn: Jonathan Hayasi, Three Tips To Overcome Anxiety, thomasnelsonbibles.com

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan