Báp-têm Bằng Lửa

Share

Kinh Thánh cho chúng ta biết có nhiều lý do Chúa Giê-su đến thế gian như: 

  • Chúa Giê-su đến để bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời, bằng cách “làm sinh tế hy sinh chuộc tội lỗi chúng ta” (1 Giăng 4:10).
  • Chúa Giê-su  “đến để phục vụ và hiến mạng sống mình cứu chuộc nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:28)
  • Chúa Giê-su “đến để những ai tin Ta không còn ở trong tối tăm nữa!” (Giăng 12:46)
  • Chúa Giê-su “đến, tìm và cứu kẻ bị hư mất” (Lu-ca 19:10)
  • Chúa Giê-su “đến để kêu gọi những người tội lỗi ăn năn” (Lu-ca 5:32)
  • Chúa Giê-su  “đến để chiên được sống và sống sung mãn” (Giăng 10:10)
  • Chúa Giê-su đến để rao giảng Nước Thiên Đàng (Mác 1:38)

Nhưng Chúa Giê-su đã nói đến một điều Ngài đến để làm, khi làm xong rồi Ngài không còn mong ước gì hơn nữa.  Điều này là gì?  Trong Lu-ca 12:49-50, Chúa Giê-su phán : “Ta đã đến để nhen lửa (ném lửa, làm cháy bùng lên) trên đất. Nếu lửa cháy lên rồi, Ta còn mong ước gì nữa? 

Giăng Báp-tít người dọn đường Chúa, Ông rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sau đó làm phép Báp-tem bằng nước cho họ.  Ông nói:  “Ta làm phép báp-tem cho các người bằng nước để ăn năn tội. Nhưng Đấng đến sau ta, vĩ đại hơn ta, ta không đáng xách dép cho Ngài. Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các người bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. Tay Ngài cầm sàng rê sạch sân đạp lúa mình, chứa lúa vào kho, nhưng thiêu đốt trấu trong lửa không hề tắt.” (Ma-thi-ơ 3:11-12)

Phao-lô nói trong Ê-phê-sô 4:5, “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem”. Qua các câu Kinh Thánh và lời nói của Giăng Báp-tít, chúng ta thấy có 1 phép Báp-tem nhưng có 3 phần: Nước, Thánh Linh và bằng lửa. Cũng như có 1 Đức Chúa Trời, nhưng có 3 ngôi: Cha, Con và Thánh Linh; Đền thờ có 3 phần: hành lang, nơi thánh và nơi chí thánh; thân thể gồm có 3 phần: xác, hồn và linh.

Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ khảo sát qua những đặc tính riêng và sự hài hòa giữa 3 phần của một phép báp-tem: Báp-tem bằng nước, Báp-tem bằng Đức Thánh Linh và Báp-tem bằng lửa

1. Báp-tem bằng nước 

Báp-tem bằng nước nói về sự ăn năn tội (Ma-thi-ơ 28:19,20; Mác 16:16; Công vụ 2:38), sự tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của người chịu báp-tem và kết quả đồng chết và sống lại với Chúa Giê-su (Rô-ma 6:3-6).

Báp-tem bằng nước là mặc lấy Đấng Christ, bước vào gia đình Đức Chúa Trời, có địa vị làm con Ngài, không phân biệt chủng tộc, màu da hay địa vị trong xã hội (Ga-la-ti 3:26-27).

Báp-tem bằng nước do các môn đệ Chúa Giê-su, ngày nay thường là các mục sư, làm cho người mới tin.  Họ nhân Danh Cha, Con và Thánh Linh làm Báp-tem (Ma-thi-ơ 28:18,19). 

2. Báp-tem bằng Thánh Linh  

Chúa Giê-su vốn có bản thể Đức Chúa Trời; nhưng chính Ngài tự bỏ địa vị và mọi uy quyền Ngài có.  Tự Ngài làm cho mình không có gì cả, để trở nên và sống giống như loài người (Phi-líp 2:6-7). Sau khi kiêng ăn 40 ngày, Chúa Giê-su đói.  Satan đến cám dỗ Ngài, nó kêu Ngài dùng quyền năng sáng tạo của Con Đức Chúa Trời hóa đá thành bánh để thỏa mãn cơn đói.  Nhưng Chúa Giê-su đã khước từ. Ngài trả lời trong vị trí là con người, “Con người sống không phải chỉ nhờ bánh, nhưng cũng nhờ mọi lời phán của Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 4:1-4).

Từ khi sinh ra đến năm 30 tuổi, Chúa Giê-su sống và làm việc như một người bình thường cho đến khi Ngài chịu Báp-tem nước và khi bước lên khỏi nước thì, “bầu trời mở ra, Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời giáng xuống như chim bồ câu đậu trên Ngài” (Ma-thi-ơ 3:16).

Sau khi Đức Thánh Linh giáng và ngự trên Ngài, hay sau khi được Báp-tem bởi Thánh Linh, Chúa Giê-su về quê mình là Na-xa-rét vào nhà hội, Ngài đọc Ê-sai 61:1,2 “Thần Chúa ngự trên Ta; Vì Ngài đã xức dầu cho Ta; Để truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ, Ngài đã sai Ta công bố cho kẻ bị tù được phóng thích; Cho kẻ mù lòa được sáng mắt; Cho người bị áp bức được giải thoát”… Đọc xong Ngài  nói: “Hôm nay, lời Kinh Thánh các người vừa nghe đó đã được ứng nghiệm!” (Lu-ca 4:18,21) . 

Từ khi Đức Thánh Linh giáng xuống và ngự trên Chúa Giê-su, Kinh Thánh ghi nhận Ngài đầy dẫy Thánh Linh và đầy dẫy quyền năng của Thánh Linh (Lu-ca 4:1,14).  Chúa Giê-su chữa bịnh, đuổi quỉ, làm phép lạ, hoá bánh cho nhiều người ăn, khiến người chết sống lại, quở bảo tố im lặng… không với cương vị là Con Đức Chúa Trời, nhưng là con người 100%.  Ngài thường tự xưng mình là Con Người. Chúa Giê-su đã làm những việc siêu nhiên này để làm gương cho chúng ta, là bất cứ người tín hữu nào đều có thể làm việc siêu nhiên khi có Đức Thánh Linh giáng và tiếp tục ngự trên họ. Do đó, tất cả tín hữu cần được Báp-tem bằng Thánh Linh. 

Giăng Báp-tít nói đến Chúa Giê-su sẽ làm báp-tem bằng Thánh Linh (Ma-thi-ơ 3:11).  Đây là điều Đức Chúa Cha đã hứa ban cho các môn đệ để họ được mặc lấy quyền phép từ trên cao để rao giảng Tin Lành bằng quyền năng (Lu-ca 24:49; Công vụ 1:8).  Điều này đã xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần khi Đức Thánh Linh giáng lâm.  “Tất cả đều đầy dẫy Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác theo như Thánh Linh cho họ nói” (Công vụ 2:4). Những người có mặt tại Giê-ru-sa-lem ngạc nhiên khi chứng kiến những sự lạ lùng xảy ra.  Phê-rơ dạn dĩ rao giảng kêu gọi mọi người “Hãy ăn năn, và mỗi người phải nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-su mà chịu báp-tem (bằng nước) để tội lỗi quý vị được tha thứ, rồi sẽ nhận được ân tứ Thánh Linh (‘món quà của Thánh Linh’).  Các bản dịch tiếng Anh dịch sát với nguyên bản Hy-lạp là “you will receive the gift of the Holy Spirit”.  Có nghĩa là họ sẽ nhận Báp-tem bằng Thánh Linh rồi nhận ân tứ Thánh Linh.  Phê-rơ nhấn mạnh:  “Vì lời hứa đó dành sẵn cho quý vị, con cái quý vị và tất cả những người ở xa xôi, tức là những người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta kêu gọi.” (Công vụ 2:38,39).

Khi nhà truyền giáo Phi-líp đến thành Sa-ma-ri rao giảng có nhiều người tin Chúa, nhưng sau đó sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng đến đặt tay cho họ nhận lãnh Thánh Linh.  Nếu họ đã tin nhận Chúa Giê-su chịu Báp-tem bằng nước và ngay trong lúc đó đã nhận lãnh báp-tem bằng Thánh Linh rồi thì tại sao cần đợi đến Phi-e-rơ và Giăng đến đặt tay để nhận lãnh Thánh Linh? (Công vụ 8:14-18)    

Khi sứ đồ Phao-lô đến thành Ê-phê-sô trong Công vụ 19:3-6, Ông hỏi những môn đồ tại đây: “Vậy anh em chịu phép báp-tem nào?” Họ đáp: “Phép báp-tem của Giăng. Phao-lô nói: “Giăng làm phép báp-tem ăn năn tội, nhưng ông đã bảo dân chúng phải tin Đấng đến sau mình, nghĩa là tin Đức Giê-su.” Nghe vậy, họ đều chịu báp-tem nhân danh Chúa Giê-su. Khi Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Linh giáng xuống trên các môn đệ đó, họ nói các tiếng lạ và lời tiên tri”. 

Cầu nguyện tiếng mới không phải là Báp-tem trong Thánh Linh, nhưng là một phần của món quà và là dấu hiệu của sự Báp-tem trong Thánh Linh. Báp-tem trong Thánh Linh rất cần thiết giúp chúng ta đi vào chiều kích tâm linh được tương giao với Chúa nhiều hơn bằng ngôn ngữ tiếng mới cầu nguyện trong sự huyền nhiệm, nhận lãnh và sử dụng các ân tứ Thánh Linh để gây dựng Hội Thánh và mở mang vương quốc Chúa, và hiểu những điều huyền nhiệm trong Lời Chúa và lãnh vực thuộc linh như các sứ đồ hiểu những điều được dấu kín từ các đời trước (1Cô-rinh-tô 2:10-15; 14:1,3-5; Ê-phê-sô 3:5).

Báp-tem bằng Thánh Linh là do Chúa Giê-su làm.  Mỗi tín hữu có thể đến xin Chúa Giê-su làm Báp-tem bằng Thánh Linh cho mình với lòng khao khát được Đức Thánh Linh tác động trong và trên mình.  Ngoài ra Chúa Giê-su cũng dùng những con người đã nhận Báp-tem Thánh Linh và được Ngài xức dầu để đặt tay cầu nguyện cho người tín hữu khác nhận được Báp-tem bằng Thánh Linh.  

3. Báp-tem bằng lửa 

Chúng ta cần hiểu rõ là những người nhận Báp-tem bằng Thánh Linh có ân tứ Thánh Linh bước đi trong quyền năng, không hẳn là những người sống thánh khiết toàn vẹn “không chỗ trách được”.  Hội Thánh Cô-rinh-tô là một Hội thánh có nhiều tín hữu được Báp-tem bằng nước, bằng Thánh Linh.  Họ cầu nguyện tiếng mới rất nhiều, có nhiều ân tứ Thánh Linh, nhưng vẫn có nhiều người sống chia rẻ, bè phái và phạm nhiều tội lỗi.  Họ cũng như Hội Thánh chúng ta ngày nay cần sự thánh khiết, cần mua vàng tinh luyện bằng lửa của Chúa Giê-su (Khải huyền 3:18) – Cần được Chúa Giê-su Báp-tem bằng lửa.

Lửa tượng trưng cho những điều như sau:

Đức Chúa Trời là tình yêu thương nhưng Ngài cũng là ngọn lửa thiêu đốt, Ngài hiện diện trong lửa, nói cách khác lửa là dấu hiệu sự hiện diện của Chúa (Hê-bơ-rơ 12:28; Xuất-ê-díp-tô 3:1-6; 19:18)

Lửa là sự đoán phạt hủy diệt đời đời cho những người không tin và không vâng phục (Giu-đe 7; 2Tê-sa 1:7-9)  

  • Lửa bao phủ, bảo vệ dẫn dắt (Xuất hành 13:21-22)
  • Lửa thiêu đốt đồn lũy (A-mốt 1:12)
  • Lửa thanh tẩy tinh luyện tấm lòng, lời nói, đời sống và công việc chúng ta làm khiến chúng ta trở nên thánh khiết (Thi thiên 66:10; Châm ngôn 17:3; Ma-la-chi 3:2-3; I-sa 6:6-7; 1Cô-rinh-tô 3:12-15) 
  • Lửa của sứ mạng – khiến chúng ta nóng cháy về lời Chúa và rao giảng cho Chúa (Lu-ca 24:32; Giê-rê-mi 20:9)   

Lửa được kể là quyền năng như tiên tri Ê-li thách thức thần Ba-anh (1Các vua 18:38)

Chúa Giê-su báp-tem bằng lửa – Ngài phán  49 “Ta đã đến để nhen lửa (ném lửa, làm cháy bùng lên) trên đất. Nếu lửa cháy lên rồi, Ta còn mong ước gì nữa? 50 Có một phép báp-tem mà Ta phải chịu; Ta khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất (Lu-ca 12:49).  Chúa Giê-su từ bỏ tất cả trên thiên đàng, trở thành một con người 100%.  Ngài chịu Báp-tem nước, Thánh Linh và lửa để làm trọn mọi quy lệ công chính (Ma-thi-ơ 3:15). Do đó Ngài có thể đem lửa trên đất. “Vì Ngài thế nào thì chúng ta cũng như vậy trong thế gian này (1 Giăng 4:17). Tất cả con cái Chúa chúng ta cần trải qua 3 kinh nghiệm, Báp-tem, nước, Thánh Linh và lửa.  Báp-tem lửa của Chúa Giê-su nói đến thập tự giá và sự chết Ngài chịu để cứu chúng ta.  Báp-tem lửa sẽ đến trên 2 phương diện như sau:

a)  Chúa dùng lửa như hoạn nạn, thử thách, bắt bớ để rèn thử và tinh luyện, thánh hóa con dân Ngài. 

“Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các người bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. 12 Tay Ngài cầm sàng rê sạch sân đạp lúa mình, chứa lúa vào kho, nhưng thiêu đốt trấu trong lửa không hề tắt” (Ma-thi-ơ 3:11-12). Chúa Giê-su sẽ dùng lửa để phân biệt và loại ra những thứ không giá trị. Ngài sàn sẩy làm rúng động những gì tạm thời để phải bị loại bỏ và giử lại những gì có giá trị đời đời.  Do đó chúng ta “Phải thận trọng, đừng để hụt mất ân sủng.., phải thận trọng, đừng dâm dục như Ê-sau vì sau này không còn cơ hội ăn năn (Hê-bơ-rơ 12:15-28)

Kinh Thánh dạy khi gặp thử thách thì “6 Hãy vui mừng về việc này, mặc dù hiện nay anh chị em phải đau buồn vì bị thử thách nhiều bề trong ít lâu. 7 Mục đích là để chứng tỏ đức tin anh chị em quý hơn vàng, là vật có thể bị hủy diệt được thử trong lửa, để nhờ đó anh chị em được ngợi khen, vinh quang và tôn trọng khi Chúa Cứu Thế Giê-su hiện đến” (1Phi-e-rơ 1:6,7)

b).  Khi đối diện Chúa thì chúng ta bị lửa thiêu đốt, tác động và biến đổi.

Vì Chúa là ngọn lửa hừng, khi những người đối diện Chúa, lửa của Chúa tác động dù chỉ một lần, nhưng có ảnh hưởng lớn lao, khiến họ làm những việc vĩ đại và tồn tại lâu dài. Kinh Thánh cho chúng ta những con người khi đối diện với Chúa như sau:

Khi Môi-se thấy Chúa nơi bụi gai cháy, ông trở thành con người của sứ mạng dẫn dân Y-sơ-ra-ên đang bị bắt làm nô lệ, rời đế quốc Ai cập với tất cả tài sản của người Ai cập mà không vũ khí trong tay.  Ông được Chúa dùng viết 5 sách đầu tiên trong Kinh Thánh.  Ông mặc lấy quyền phép của Thánh Linh làm những việc mà mà từ trước và mãi về sau không có ai so được (Phục truyền 34:10-12).

Lửa của Thánh Linh có thể khiến một dân tộc Y-sơ-ra-ên từ bỏ nếp sống thuộc linh đi hai hàng, vừa theo Chúa và theo tà thần.  Chỉ trong phút chốc sau khi thấy “lửa của CHÚA giáng xuống, thiêu rụi của lễ thiêu, củi, đá, bụi đất, và làm khô hết nước trong mương, …họ liền sấp mặt xuống đất và nói: “CHÚA quả thật là Đức Chúa Trời! CHÚA quả thật là Đức Chúa Trời!” (1Các vua 18:38,39)

Khi tiên tri Ê-sai thấy Chúa và lửa nơi bàn thờ ông thấy ngay mình ô uế, có môi miệng dơ dáy.  Nhưng ngay sau khi được Chúa dùng lửa thanh tẩy, ông trở thành tiên tri lớn của dân Y-sơ-ra-ên.

Để ứng nghiệm lời tiên tri của Giăng Báp-tít nói về Chúa Giê-su đến Báp-tem bằng lửa, trong ngày lễ Ngũ Tuần, lửa Thánh Linh đến như lưỡi bằng lửa đậu trên 120 môn đệ. Ngọn lửa này khiến cho các môn đệ từ những người sợ hãi ẩn núp vì sợ bị bắt bớ, trở thành người dạn dĩ rao giảng tin lành, không sợ bị bỏ tù, hay bị giết chết. Ngọn lửa trong ngày Lễ Ngũ Tuần này lan ra bên ngoài.  Có 3000 người đàn ông chưa kể phụ nữ và trẻ em, sau khi nghe Phi-e-rơ giảng, được Thánh Linh tác động lòng họ bị đau nhói, họ tin Chúa Giê-su và chịu Báp-tem ngay ngày hôm ấy. Lửa Thánh Linh có thể thay đổi không khí thuộc linh của thành phố Giê-ru-sa-lem chỉ trong một ngày.

Nhà truyền giáo Phi-líp khi được Báp-tem Thánh Linh và bằng lửa chỉ mình ông có thể chinh phục cả thành phố Sa-ma-ri một nơi đầy tà thuật cho Chúa Giê-su.  Ông đem sự chữa lành, giải cứu và sự vui mừng cho cả thành. 

Khi đối diện với Chúa, lửa Thánh Linh sẽ thiêu đốt tất cả các đồn lủy như: những ý tưởng, giận hờn, sợ hãi, cay đắng ô uế trong tâm trí chúng ta. Lửa của Chúa có thể khiến chúng ta kính sợ Chúa và trọn lòng theo Ngài. Lửa Chúa sẽ bẻ gảy xiềng xích, gông cùm ma quỉ trói buộc chúng ta, gia đình, Hội Thánh, thành phố và quốc gia chúng ta sống. 

Báp-tem bằng lửa là do Chúa Giê-su làm qua sự tác động của Đức Thánh Linh. Người tín hữu có thể khao khát xin Chúa Giê-su làm Báp-tem cho mình, hay nhờ người đã có lửa Thánh Linh cầu nguyện khai phóng cho mình qua danh Chúa Giê-su.

Suy Niệm Và Đáp Ứng

Báp-tem bằng nước không chỉ là Báp-tem duy nhất của người tín hữu Đấng Christ. Chúng ta cần phải đi xa đến những điều tuyệt vời hơn nữa mà Đức Chúa Trời dành cho mình đó là Báp-tem Thánh Linh và bằng lửa.  Nếu ai trong chúng ta chỉ được Báp-tem bằng nước, hãy khao khát sự Báp-tem bằng Thánh Linh để bước vào lãnh vực sâu nhiệm với Chúa. Mặc lấy quyền phép và các ân tứ Thánh Linh để phục vụ Chúa trong Hội Thánh và mở mang vương quốc Ngài. Hơn thế nữa, ngày nay trước khi trở lại Chúa Giê-su muốn Báp-tem Hội Thánh Ngài bằng lửa để thanh tẩy đời sống con cái Ngài từ lời nói, suy nghĩ và hành động, để Hội Thánh được thức tỉnh  trở nên nàng dâu không tì vết. Ngài muốn ban cho chúng ta lòng nhiệt thành để phục vụ Ngài và rao giảng Tin Lành.  Chúa Giê-su cần những sứ giả đầy lửa, mang lửa phục hưng nơi nơi.  Chúng ta hãy đáp ứng sự kêu gọi của Chúa như những công nhân đáp ứng sự kêu gọi của chủ, khi ông cần người làm việc lúc 5 giờ chiều cuối ngày (Ma-thi-ơ 20:6,7).  Hãy trở thành con gặt cho mùa gặt vĩ đại và cuối cùng trước khi Chúa Giê-su trở lại.

Nếu bạn khao khát có đời sống thánh khiết, sống nhiệt thành đầy quyền năng để phục vụ Chúa.  Bạn muốn mình là  một con người mang lửa phục hưng thì hãy kêu cầu Chúa. “Chúa Giê-su ơi! Chúa Giê-su ơi! Con khao khát sống thành khiết đẹp lòng Ngài! Con khao khát có quyền năng Chúa để phục vụ Ngài.  Xin tha thứ mọi tội lỗi con, xin phục hưng con.  Con muốn trở nên giống Ngài, con muốn làm những việc Ngài từng làm và những việc Cha muốn con làm.  Xin Chúa Giê-su hãy Báp-tem con bằng Thánh Linh và bằng lửa”.

(Các câu Kinh Thánh trích dẫn từ Bản Dịch Mới 2002)

 

Người dọn đường

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan