Charles Haddon Spurgeon là một Mục sư, Giảng sư người Anh thuộc hệ phái Baptists. Ông từng được xem là “Quán quân của các nhà truyền đạo”. Spurgeon là tác giả phong phú của nhiều loại sách với các chủ đề như: giảng luận, cầu nguyện, đời sống tâm linh, phê bình, tiểu sử, tự truyện, tạp chí, thơ ca, bài hát … Vô số bài giảng của ông được ghi tốc ký, biên tập, xuất bản và được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Spurgeon sinh được năm 1834 tại Kelvedon, Essex, Anh quốc. Ngày 06 – 01 – 1850, khi đang trên đường đến một cuộc hẹn bị bão tuyết, ông phải tạm trú vào một nhà thờ Giám lý ở Colchester. Chính tại đây ông được Chúa cứu, ông viết như sau: “Thiên Chúa mở lòng tôi ra để tiếp nhận thông điệp cứu rỗi”. Câu Kinh Thánh đã cảm động lòng của Spurgeon trong sách Ê sai 45. 22, “Hỡi các ngươi hết thảy ở nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem ta và được cứu! Vì ngoài ta chẳng có Chúa nào khác”. Ngày 4 – 4 – 1850, Spurgeon gia nhập một nhà thờ tại Newmarket , chịu báp têm ngày 3 tháng 5 tại sông Lark, Isleham. Sau đó ông đến Cambridge. Spuegeon giảng lần đầu vào năm 1851, phong cách và khả năng hùng biện của ông bắt đầu được mọi người nhìn nhận, ông đến quản nhiệm một Hội thánh nhỏ thuộc giáo phái Baptists tại Waterbeach, Cambridgeshire. Cũng tại đây năm 1853, tiểu luận đầu tiên của ông “Gospel Tract” (Đường lối của Phúc âm) được ấn hành.
Tháng 4 năm 1854, sau bốn năm tin Chúa, Spurgeon 19 tuổi được mời đến quản nhiệm Nhà thờ New Park Street ở Southwark, một giáo đoàn danh tiếng tại London, tên tuổi của ông lập tức nổi như cồn khi những bài giảng của ông được in ấn ngay sau đó, hàng nghìn người kéo đến nghe ông giảng. Bài giảng của ông được phát hành mỗi tuần với số lượng lớn. Có một số tranh luận về thanh danh của Spurgeon, có những bài viết đả kích xuất hiện trên báo chí nhưng vẫn không làm tác động gì đến chức vụ kết quả của Spurgeon. Nhà thờ không còn đủ chỗ chứa tín hữu nên phải dời đến Exeter Hall rồi đến Surrey Music Hall. Lúc này, Spurgeon thường xuyên giảng cho cử tọa lên đến 10.000 người (lúc ấy chưa có các thiết bị tăng âm như ngày nay). Ở tuổi hai mươi, Spurgeon được xem là nhà giảng luận nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Chuyện kể rằng: Nơi nhóm của 10.000 người tấp nập người vào ra trong các hành lang như đàn ong lớn, nếu muốn có chỗ ngồi bạn phải đi sớm, sau một giờ rưỡi ổn định chỗ ngồi, Spurgeon bước lên tòa giảng, sựu náo nhiệt chấm dứt nhường chỗ cho sự háo hức và chăm chú … Một dòng điện chạm đến lòng mỗi người … lời nói của ông như buộc chặt cử tọa bằng sức mạnh của ngôn từ và lòng xác tín trong suốt hai giờ đồng hồ. Tiếng nói của ông vang vọng đến từng người trong Giáo đường. Lời lẽ không quá cao siêu cũng không quá bình dân nhưng rất hùng hồn, gần gũi và thuyết phục. Ông không quan tâm nhiều đến thần học Calvin hay giáo lý Baptists nhưng ông gay gắt quở trách lòng vô tín, đạo đức giả, kiêu ngạo và những tội lỗi kín giấu … ấn tượng lớn nhất ông để lại trong lòng người nghe là sự chân thành.
Năm 1856, Spurgeon kết hôn với Susannah Thompson, họ có hai con trai sinh đôi là Charles và Thomas.
Năm 1857, Spurgeon thành lập một học viện đào tạo Mục sư quản nhiệm về sau đổi tên là Đại Học Spurgeon (Spurgeon College) khi dời về South Norwood, London. Ngày 7 – 10 – 1857, ông giảng cho một cử tọa lên đến 23.654 người tại Crystal Palace, London. Chuyện kể rằng trước khi giảng tại Crystal Palace, Spurgeon đến đó để sắp đặt tòa giảng và kiểm tra hiệu quả truyền âm của tòa nhà, Spurgeon đọc to câu Kinh thánh: “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1: 29). Tình cờ lúc ấy có một công nhân đang làm việc nghe những lời này. Đối với người ấy đây là một thông điệp từ trời. Người ấy ra về và sau một thời gian tranh chấp tâm linh đã tin nhận Chúa. Nhiều năm sau, khi hấp hối, người ấy đã thuật câu chuyện này cho một người bạn đến thăm.
Spurgeon còn đóng góp cho công cuộc truyền giáo bằng cách phổ biến “The Wordless Book”, một loại dụng cụ có hình ảnh, màu sắc để trình bày Phúc âm cho trẻ em, người mù chữ dựa trên câu Kinh thánh: “Xin hãy rửa tôi thì tôi sẽ nên trắng hơn tuyết”. “The Wordless Book” được sử dụng nhiều nơi trên thế giới cho đến ngày nay. Spurgeon còn thông công với James Hudson Taylor, nhà sáng lập Hội truyền giáo nội địa Trung Hoa (China Inland Mission). Ông ủng hộ tài chính cũng như khuyến khích nhiều người đến Trung Hoa qua nỗ lực truyền giáo của Taylor.
Spurgeon còn noi gương George Muller, người mà ông rất ngưỡng mộ, Spurgeon thành lập Cô nhi viện Stockewll tiếp đón các bé trai và bé gái từ những năm 1867 đến 1879. Cô nhi viện vẫn tiếp tục hoạt động tại London cho đến khi bị bỏ bom trong Thế chiến thứ hai, sau đổi tên thành Spurgeon’s Child Care, vẫn còn hoạt động đến ngày nay. Ngoài bài giảng, Spurgeon còn biên soạn, sưu tập nhiều bài thánh ca và xuất bản một quyển cho các nhà thờ gọi là “Our Own Hymn Book” (Thánh ca của chúng tôi). Phần lớn các bài hát do Isaac Watts sáng tác, được John Rippon, người tiền nhiệm của Spurgeon tuyển chọn, chủ yếu là dòng nhạc Cappella, hát không cần bất kỳ sự khuyếch đại âm thanh nào … vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Vào cuối đời, Spurgeon mắc những căn bệnh như: cúm, thống phong và viêm thận. Ông thường đến nghỉ dưỡng tại Menton, gần Nice, nước Pháp. Tại đây Spurgeon từ trần ngày 31 tháng 1 năm 1892, để lại một bộ sưu tập thư viện đồ sộ với các tác phẩm, sách vở, bài giảng. Ông được an táng tại nghĩa trang West Norwood, London. Tom, con trai của ông trở thành Mục sư của Đại giáo đường Metropolitan Tabernacle sau khi ông mất.
Midwestern Baptist Theologycal Seminary đã mua bộ sưu tập 5.103 quyển sách của Spurgeon. Có nhiều quyển nổi tiếng như: Tự truyện của C. H. Spurgeon, Những phép lạ và ẩn dụ của Cứu Chúa chúng ta, Quyền năng của sự cầu nguyện, Bài giảng của Spurgeon, Lời sống hàng ngày (đã dịch ra Việt ngữ trước 1975), Lời Chúa và Thánh Linh, Sự nhập thể của Đấng Christ … Công trình của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng: A rạp, Acmenia, Bangali, Bungari, Trung quốc, Congo, Chezch, Đan mạch, Hà lan, Estonia, Pháp, Ý, Bồ đào nha, Hunggary, Nhật bản, Tây Ban nha, Nga, Thụy điển, Việt nam, Tamil, Telugu, Urdu … Có quyển được dịch ra chữ nổi Braille cho người mù, cùng vô số bài bình luận, phát biểu, các thể loại văn chương.
Trong suốt cuộc đời, người ta ước tính C. H. Spurgeon đã giảng cho hơn 10.000.000 người, trung bình giảng 10 lần một tuần tại nhiều nơi khác nhau. Ông đã giảng tại Metropolitan Tabernacle suốt 38 năm … Những di sản của Spurgeon có giá trị vượt thời gian cả về tinh thần hầu việc Chúa, tấm gương rao giảng mạnh mẽ uy quyền lẫn khối lượng sách vở khổng lồ của ông dành cho các thế hệ về sau. Spurgeon quả là chiếc bình lựa chọn của Thiên Chúa, là một ống dẫn hạnh phước cho Hội thánh không riêng của nước Anh./.
(Nguồn: thehemoi.blogspot.com)