Ai có thể cắt bỏ mọi đám mây u ám trên cuộc đời tôi ngoài Chúa? Đây là niềm vui và sự bình an mà tôi chưa bao giờ cảm nhận, nó đến trên cuộc đời không phải là một ngày… một tuần… một tháng… mà là hơn hai mươi năm qua.
Tôi lớn lên trong một gia đình đông anh em, mẹ mất sớm. Những năm khó khăn chung của đất nước đang trong giai đoạn đổi thay – người khổ nhiều hơn người sướng, mà có lẽ tôi lại là người khổ hơn cả. Nỗi bất an trong tôi còn cao hơn núi, có điều gì khiến lòng tôi lo lắng chẳng thôi… và đôi mắt tôi đã nói lên tất cả. “Sao em mày có đôi mắt buồn quá.” Một người bạn của chị tôi đã thốt lên như thế khi gặp tôi lần đầu.
Ở độ tuổi đôi mươi, người ta thường lạc quan yêu đời, thế nhưng tôi thì khác, tôi như người mò mẫm trong bóng đêm giữa bốn bức tường để tìm cho mình một lối ra nhưng chẳng có gì ngoài sự thất vọng. Tâm trí tôi là nỗi lo triền miên cho cuộc sống bấp bênh của gia đình – sẽ sống thế nào đây khi không hộ khẩu, các em không được đến trường… Tương lai rối bời mà lối thoát duy nhất tôi có thể nghĩ đến là con đường vượt biên rủi nhiều hơn may!
Để tìm cho mình sự bình yên trong tâm hồn, sau giờ làm việc tôi lên chùa, tôi mong đây là nơi thanh tịnh sẽ làm cho sóng gió bất an trong lòng tôi thôi gào thét. Tôi xách nước, chùi lư, lượm củi, phơi củi, quét là cho chùa, ước gì những công đức này giúp tôi vơi đi những nỗi khổ đang đè nặng trong lòng ở kiếp này và cả kiếp sau nữa.
Ngày qua ngày – đi làm lên chùa – về nhà – đi làm – lên chùa… cứ thế cho đến ngày tôi qui y được thầy đặt tên pháp danh là Huyền Phúc. Cuộc sống chẳng có gì thay đổi mà nỗi trăn trở trong lòng lại càng lớn hơn: sao thầy đặt tên mình là Huyền Phúc? – Huyền là đen, còn Phúc thì lâu nay tìm mãi vẫn chưa thấy!?… Nay ngẫu nhiên được thầy gán cho pháp danh này, chẳng lẽ quẩn quanh không bao giờ mình có thể thoát ra khỏi cái đen đủi của trần gian?
Cái lo cho kiếp này cũng đủ khổ cho một đời, nhưng cái lo cho kiếp sau như một nỗi ám ảnh không thôi càng làm cho tôi khủng hoảng. Trong vô vọng, tôi thầm nghĩ: Sống khổ quá, thà chết sướng hơn! Đã bao lần tôi tần ngần trước gói thuốc chuột rồi tự nói với mình: Can đảm lên, chết là khỏe! Thế nhưng tôi đã không đủ can đảm.
Tôi còn nhớ mãi một buổi trưa nắng gắt, đạp xe một mình trên con đường Nguyễn Du vắng lặng. Phía trên là bầu trời mênh mông, trước mặt là con đường chói chang trải dài… Nhìn lại sao thấy mình đơn độc và nhỏ bé giữa đất trời. Bàn chân vô định chán nản tôi đạp từng vòng xe quay, đều đều, buồn bã như vòng đời của thân phận mình. Nước mắt tủi thân tuôn ra, giữa cái nắng chang chang tôi ngước đôi mắt đong đầy nước lên trời, thành khẩn mà tha thiết: “Trời ơi! Nếu Trời có thật… xin cứu con! Con khổ quá!” Đạp xe mà nước mắt cứ tuôn luôn…
Thật không hiểu nổi, tại sao hàng ngày mình lên chùa mà khổ không kêu phật lại kêu Trời? Và chính lúc này tôi mới nhận ra rằng những lời to nhỏ tôi nghe được từ cô bạn hàng xóm đã ít nhiều ảnh hưởng trong tôi – Đã bao lần cô nói về Chúa cho tôi nghe nhưng bấy nhiêu lần tôi bực dọc thầm nghĩ: Bộ không còn gì khác để nói hay sao mà tối ngày Chúa…Chúa…? Lòng tự hào về niềm tin của mình khiến tôi chẳng những không muốn nghe mà thậm chí còn ghét!
Nhưng giờ đây trong tột cùng cô đơn và vô vọng, đạp xe giữa con đường vắng người nhiều nắng với nước mắt đầm đìa, tôi đã bật lên tiếng nói từ đáy lòng mình: “Trời ơi…” Tôi cảm thấy có cái gì như tan vỡ trong hồn.
Sau biết bao trăn trở, tôi tự tìm đến cô bạn hàng xóm mà tôi đã nhiều lần lánh mặt. Kìm nén thổn thức trong lòng, tôi nói:
— Thủy ơi, sao thấy khổ quá… Chúa nhật này cho tui đi nhà thờ với ông nghe!
Có thể thấy sự vui mừng trong mắt bạn tôi. Người bạn trai của cô ân cần nói:
— Cô Phước ơi, tui thấy cô bất an quá, trong Kinh Thánh Chúa có nói: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghĩ.”
Tôi sửng sốt hỏi:
— Bộ có cái câu đó thiệt sao?
Tôi thầm nghĩ, “mệt mỏi và gánh nặng” đúng là tâm trạng của mình.
Đêm đó tôi miên man suy nghĩ, trên đời này hễ thấy ai khổ thì người ta nhìn rồi chép miệng nói “tội nghiệp quá”… chớ thấy có ai đưa vai mà mang giùm! Vậy mà Kinh Thánh lại nói hãy đem gánh nặng đến để được yên nghỉ… (?) sao lạ quá! Tôi mong ngóng, khoắc khoải rồi chờ đợi cho mau đến ngày Chúa Nhật để đến nhà thờ.
Thật tạ ơn Chúa, đó là ngày tôi thật sự được đặt “gánh nặng” của mình xuống. Dù đã hơn hai mươi năm trôi qua, nhưng ấn tượng lần đầu được đặt chân đến ngôi nhà thờ Tuy Lý Vương vẫn còn rõ nét trong tôi. Đó là những gương mặt cười chào thân thiện, đó là tiếng đàn Piano thánh thót, đó là không khí nhẹ nhàng thật tương phản với khung cảnh nhang khói nghi ngút mà tôi bắt gặp mỗi ngày. Phía sau bục giảng là hàng chữ lớn: “GIÊ-XU – NGÀI LÀ AI?” Tôi thầm thì lập lại… Giê-xu – Ngài là ai? như nói lên thắc mắc trong lòng mình.
Đó là ngày đặc biệt trong đời tôi, ngày mà tôi được biết Giê-xu là Con Trời đã bằng lòng xuống thế gian, sẵn sàng hy sinh chịu chết vì tội lỗi của con người trong đó có tôi và không ai yêu tôi hơn Ngài. Như con đê vỡ bờ, nước mắt tôi cứ tuôn không sao kìm lại được, thật diệu kỳ quá… những giọt nước mắt trước đây làm lòng tôi nặng nề thì giờ đây những giọt nước mắt như gột rửa những phiều ưu.
Ai có thể cắt bỏ mọi đám mây u ám trên cuộc đời tôi ngoài Chúa? Đây là niềm vui và sự bình an mà tôi chưa bao giờ cảm nhận, nó đến trên cuộc đời không phải là một ngày… một tuần… một tháng… mà là hơn hai mươi năm qua.” Chẳng phải Chúa đem tôi ra khỏi cảnh cũ, chung quanh tôi vẫn thế nhưng Ngài biến đổi tấm lòng tôi từ buồn thảm ra vui mừng. Tôi không còn nghĩ vượt biên là lối thoát của cuộc đời mình. Tôi đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống và Chúa còn ban cho tôi niềm vui lớn hơn, đó là được chia sẻ Tin Lành của Ngài cho người khác. Ông Giám Đốc nơi tôi làm việc gọi tôi lên hỏi: “Cô đến đây để làm hay truyền đạo?” Tôi cười và nói: “Dạ… cả hai!”
Nếu tôi không gặp được Chúa thì tôi đã chết mất trong đau khổ đời này lẫn đời sau. Đó là lý do tôi luôn muốn nói về Chúa cho người khác và nếu không nói được, thật như có lửa đốt ở trong lòng.
Rồi ngày tháng đi qua thật nhau, Chúa cho tôi đặc ân được học lời Chúa, được hầu việc Ngài. Tôi nhìn lại và đếm… thật biết bao niềm vui lẫn phước hạnh.
Dù vậy, đã từ lâu tôi trình dâng cho Chúa điều lòng tôi ao ước, tôi thường thưa với Chúa: “Chúa ơi, ‘một nửa kia’ của con ở đâu?” Rồi tôi mong mỏi và chờ đợi. Mỗi lần có ai đó gửi cho tôi tấm thiệp cưới, tôi cầm trong tay rồi lại hỏi Chúa: “Chừng nào mới tới ngày con gửi thiệp của mình cho mọi người đây Chúa?” Mỗi năm trôi qua, tuổi càng nhiều nhưng hy vọng trong tôi chẳng hề suy giảm, ai hỏi tôi có an đề gì cần cầu thay? Chẳng ngại ngần tôi nói: “Hãy xin Chúa cho tôi gặp được một nửa của mình.” Tôi thật lòng nói với Chúa và với những bạn thân điều ước ao thầm kín của mình. Tuy cũng có lúc sờn lòng vì chờ đợi, tôi trải lòng trên những trang giấy như lời tâm sự:
“Mọi loài có cặp có đôi.
Một nửa hiện có nửa kìa ở đâu?
Chúa ơi chờ đợi quá lâu,
con lo tóc sẽ từ xanh trổ màu.
Nhưng rồi ngẫm nghĩ… không sao!
Cha từ ái sẽ làm thành ước ao.
Mười lăm năm chờ đợi quả là dài, nhưng tôi vẫn kiên trì trông đợi, câu chuyện “Đám cưới tại Ca-na” tiệc tàn thì rượu càng ngon. Tôi tin Chúa để tôi chờ đợi càng lâu thì sự ban cho của Chúa càng đáng giá. "Thật chẳng ai trông cậy Đức Giê-hô-va mà lại bị hổ thẹn" (Thi Thiên 25.3).
Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã yêu tôi, cứu tôi, và còn làm trổi hơn những điều thầm kín mà tôi ao ước, Ngài đã chọn cho tôi một tín hữu người Úc, rất yêu mến Chúa ở cách xa đến hàng bao nhiêu dặm. Mới nghe tưởng chừng thật cách trở, dù vậy những khác biệt về ngôn ngữ, chiều cao, cân nặng… không còn là vấn đề khi Chúa đem chúng tôi đến với nhau. Tình yêu sâu đậm mà anh dành cho tôi là điều tôi cảm ơn Chúa mỗi ngày. Những gì Chúa làm thật là lạ lùng mà tôi không thể nói hết nhưng qua cuộc hôn nhân mà Chúa đã để cho tôi chờ đợi quá lâu, tôi lại học được một điều. Chúa luôn có thời điểm của Ngài, chẳng có gì là khó quá cho Chúa và Ngài biết điều nào tốt nhất cho cuộc đời tôi. Tôi thật sự thỏa lòng trong vòng tay yêu thương của Ngài.
(Nguồn: Trần Thị Phước, Hạt Muối 4/2010)