Chúng Ta Không Phải Trọng Tâm Của Sự Thờ Phượng

Share

Những Điều Học Được Sau Nhiều Năm Hướng Dẫn Thờ Phượng

  Góc nhìn của The Gospel Coalition.  Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Vào năm 1997. Sau khi làm mục sư suốt 12 năm, tôi bắt đầu đảm nhận vai trò mới tại một Hội thánh lớn ở khu vực của Washington, D.C. Tôi sẽ ít làm công tác chăm sóc mà tập trung nhiều hơn vào âm nhạc và sự thờ phượng. Sau khi lấy bằng piano, lưu diễn với một ban nhạc Cơ Đốc, hướng dẫn hội chúng thờ phượng suốt hơn hai mươi năm và xuất bản một vài album thờ phượng, tôi tưởng mình đã trở nên chuyên nghiệp rồi.

Vài tháng sau khi đến Hội thánh mới, mục sư quản nhiệm C.J. Mahaney bước vào văn phòng mang theo ba quyển sách mà ông muốn tôi đọc. Một trong số đó là Đến gần Đức Chúa Trời: Một thần học theo Kinh Thánh về sự thờ phượng của David Peterson, một tác giả mà tôi chưa bao giờ nghe nói đến. Quyển sách trông có vẻ hàn lâm hơn hầu hết các sách về thờ phượng, còn Peterson dường như không phải là một nhạc sĩ. Nhưng tôi biết mục sư C.J. chỉ giới thiệu những quyển sách mà ông nghĩ sẽ có ích cho tôi. Thế là tôi lao vào đọc ngấu nghiến.

Đến trang thứ hai, tôi bắt gặp trích dẫn này:

Vậy thì, sự thờ phượng về cơ bản là kinh nghiệm hay cảm xúc? Chúng ta có nên đồng hóa sự thờ phượng với cảm xúc đặc biệt nào đó về sự hiện diện của Đức Chúa Trời, hoặc với trạng thái xuất thần nào đó, hoặc với biểu hiện hết sức hạ mình trước mặt Chúa? Chúng ta có những khoảnh khắc đặc biệt nào khi thực sự “thờ phượng” Đức Chúa Trời trong một buổi nhóm Cơ Đốc hay không? Các buổi nhóm thờ phượng có được đo lường bằng mức độ dự phần của mọi người vào những kinh nghiệm như vậy không? Cách tiếp cận chủ quan như vậy thường bị phản ánh trong các bình luận mà mọi người đưa ra về các buổi nhóm Cơ Đốc, nhưng lại ít liên quan đến những gì Kinh Thánh dạy về sự thờ phượng. (16)

Tôi viết nguệch ngoạc “câu hỏi hay” ở ngoài lề. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, tôi tiếp tục suy gẫm về đoạn trích dẫn đó, tôi càng thấy bất an hơn nữa trước lời kết luận của tác giả: “. . . nhưng lại ít liên quan đến những gì Kinh Thánh dạy về sự thờ phượng”.

Bên ngoài nơi chí thánh

Bấy giờ, tôi đã xem sự thờ phượng chủ yếu là một “khoảnh khắc đặc biệt trong buổi nhóm Cơ Đốc”. Giây phút ấy thường xảy ra sau khi chúng ta đã hát hai hoặc ba bài hát. Đột nhiên, chúng ta ý thức hơn rằng Đức Chúa Trời ở cùng mình. Chúng ta đã dâng hết cảm xúc và chắc hẳn một điều tự phát sắp xảy ra. Về mặt tâm trí, điều này tương ứng với mô hình đền thờ trong Cựu Ước. Chúng ta bắt đầu từ sân ngoài, đi vào sân trong, rồi cuối cùng là vào nơi Chí Thánh. Đối với một người hướng dẫn thờ phượng, tôi đã tìm cách dẫn dắt Hội thánh kinh nghiệm “nơi Chí Thánh” đó.

Đến 25 năm sau, tôi vẫn đánh giá cao và dự đoán những lúc Hội thánh nhận thức mạnh mẽ rằng Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên đang ở giữa chúng ta (Ê-sai 12:6), nhưng tôi không còn định nghĩa sự thờ phượng theo cách đó nữa. Bởi vì Kinh thánh không nói như vậy.

Câu trích dẫn của Peterson đã cho tôi đối mặt với thần học về sự thờ phượng kém cỏi của mình. Nếu sự thờ phượng không được định nghĩa bởi “nhận thức đặc biệt về sự hiện diện của Đức Chúa Trời, cảm giác ngây ngất, hoặc hết sức hạ mình trước mặt Chúa”, thì sự thờ phượng là gì? Qua nhiều năm, cũng nhờ ân điển của Chúa, tôi đã bắt đầu nhìn thấy rõ hơn những điều mình đang bỏ lỡ, bao gồm năm bài học quý giá sau đây.

  1. Sự thờ phượng không tập chú vào tôi

Theo như tôi biết thì sự thờ phượng tập chú vào Đức Chúa Trời, còn tôi đã xoay sở sao cho sự thờ phượng hướng về mình: tôi cảm thấy thế nào, tôi thích gì, tôi cảm nhận hoặc không cảm nhận điều gì. Nếu sự thờ phượng không hướng về tôi, thì sẽ hướng về chúng tôi. Tôi có xu hướng đo lường sự thờ phượng bằng kích cỡ, âm lượng, hoặc bao nhiêu cánh tay giơ lên. Tôi đã không còn giữ ước muốn, kế hoạch và hành động của mình là bản chất của sự thờ phượng nữa. Bản chất của sự thờ phượng đã vốn có từ cõi đời đời, đó là Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã tôn vinh hiển và lấy làm vui về chính Ngài (Giăng 17:5).

“Trong sự thờ phượng, Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta dự phần vào những việc Ngài đang làm”.

Trong sự thờ phượng, Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta dự phần vào những việc Ngài đang làm. Đáp ứng của chúng ta được Đức Chúa Trời thúc đẩy, lập nền ở trong công tác hòa giải của Đấng Christ và được Thánh Linh ban quyền phép (Giăng 4:23-24; Ê-phê-sô 2:18; Phi-líp 3:3). Như Peterson nói tiếp rằng: “Sự thờ phượng phải lẽ không bắt đầu bằng trực giác hay sự sáng tạo của con người, nhưng bằng hành động của Đức Chúa Trời” (26). Phần của chúng ta là dự phần cách vui vẻ vào sự thờ phượng trọn vẹn của Chúa Giê-xu là Đấng đã hy sinh một lần đủ cả để làm cho hết thảy của lễ của chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 2:5).

  1. Sự thờ phượng không được định nghĩa bởi một trải nghiệm âm nhạc

Cách đây nhiều năm, tôi hiểu rằng sự thờ phượng là lối sống, chứ không chỉ là ca hát. Nhưng vốn từ vựng của tôi đã tiết lộ (và đồng thời định hình) thần học của tôi. Những tuyên bố như: “Hội thánh đã thực sự thờ phượng trong bài hát cuối cùng” hoặc “Chúng ta sẽ trở lại thờ phượng sau bài giảng” hoặc “Nếu đến muộn, bạn sẽ bỏ lỡ sự thờ phượng” củng cố ý tưởng sai lầm rằng thờ phượng là một trải nghiệm thuộc linh trong âm nhạc mà Chúa bật tắt như vòi nước.

Đứng trước khuynh hướng đánh đồng sự thờ phượng với âm nhạc, thật hay làm sao khi Kinh Thánh hiếm khi gắn hai điều này lại với nhau. Khi Gióp nghe nói của cải của ông đã bị cướp và con cái ông đã chết, trước giả Kinh thánh nói rằng ông sấp mình xuống đất và thờ lạy (Gióp 1:20). Trong Giăng 4, khi Chúa Jêsus nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước, Ngài đã mô tả sự thờ phượng mà Đức Chúa Cha đang tìm kiếm không có đề cập về âm nhạc (Giăng 4:21-24). Các từ trong tiếng HyBá Lai và Hy Lạp khác nhau mà chúng ta dịch là thờ lạy hay thờ phượng trong Kinh Thánh có liên quan đến sự kính sợ, sự phục vụ, sự đầu phục và tôn kính – nhưng hiếm khi nhắc đến âm nhạc.

Nói cách khác, hát ngợi khen Chúa có thể là một phần trong sự thờ phượng, nhưng không bao giờ là trọng tâm của sự thờ phượng.

  1. Sự thờ phượng không có khởi đầu và kết thúc

Thật ra, chúng ta không bao giờ ngừng thờ phượng. Dù ở bất kỳ lúc nào, chúng ta đang hướng

tình cảm, sự chú ý và lòng trung thành của mình về phía Đức Chúa Trời chân thật duy nhất hoặc về phía những hình tượng không thể làm thỏa mãn, yên ủi hoặc giải cứu chúng ta. Điều này có nghĩa là mỗi khi nhóm lại vào ngày Chúa Nhật thì tôi bắt đầu thờ lạy điều gì đó. Tôi không cần phải đợi người ta đánh nhạc, ai đó phát biểu thật hay, hoặc tạo ra một “bầu không khí” phù hợp.

Sự thờ phượng không phải là “khoảnh khắc đặc biệt trong một buổi nhóm Cơ Đốc”, mà sự thờ phượng tôn kính Đức Chúa Trời là biểu hiện tự nhiên của tấm lòng khi chúng ta “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (1 Cô-rinh-tô 10:31). Tôi có thể thờ phượng Chúa bằng cách chào đón một tín hữu vào sáng Chúa Nhật và tiếp tục thờ phượng khi cất tiếng hát ngợi khen (Hê-bơ-rơ 13:15-16). Dâng phần mười cách vui mừng, chăm chú lắng nghe bài giảng và cầu nguyện cho một người bạn sau buổi nhóm đều là những hành động thờ phượng.

Hơn nữa, tôi có thể tiếp tục thờ phượng Chúa khi ăn trưa với ai đó, rồi dọn dẹp và nằm ngủ trưa. Sự thờ phượng của tôi không dừng lại khi tôi trung tín tìm cách tôn cao Đấng Christ ở nhà, công sở, trường học hoặc khu phố của mình bằng cách bày tỏ lòng biết ơn của một người đầy tớ đã được biến đổi bởi Phúc Âm.

Kinh Thánh nói về những hành động thờ phượng khác nhau (Thi thiên 29:2; Công vụ 13:2), nhưng tất cả xảy ra trong bối cảnh lớn hơn của lối sống “thờ phượng thuộc linh” suốt cả cuộc đời chúng ta (Rô-ma 12:1).

  1. Sự thờ phượng tập chú vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời

Mặc dù sự thờ phượng có thể không “có cùng khoảng khắc đặc biệt về sự hiện diện của Đức Chúa Trời”, nhưng sự thờ phượng vẫn tập chú nhiều về sự hiện diện của Đức Chúa Trời, dù chúng ta có cảm nhận hay không có cảm nhận.

Người nào đến gần ngôi của Đức Chúa Trời nhất chắc chắn ở trong trạng thái ngạc nhiên, biết ơn, kính sợ và thờ phượng (Ê-sai 6:3; Khải huyền 4:8; 5:13-14). Mặc dù chúng ta có thể không cảm thấy mình đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời tại bất kỳ thời điểm nào trong đời, nhưng Đức Chúa Trời đã đặt những kẻ tin cậy vào Đấng Christ “đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Ê-phê-sô 2:6). Trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã dẫn chúng ta “tới gần núi Si-ôn, gần thành của Đức Chúa Trời hằng sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên sứ nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 12:22). Sứ đồ Phao-lô hỏi các tín hữu Cô-rinh-tô, cũng như chúng ta, rằng: “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời?” (1 Cô-rinh-tô 6:19).

Chúng ta luôn ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và sống coram deo, trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tin cậy vào những lời hứa của Ngài ở cùng chúng ta (Ma-thi-ơ 28:20; Giăng 14:16; Hê-bơ-rơ 13:5). Nhưng khi chúng ta nhóm lại, Đức Chúa Trời tối thượng thường bày tỏ sự hiện diện của Ngài cách thực tiễn hơn (Công vụ 4:31; 1 Cô-rinh-tô 12:7; 1 Cô-rinh-tô 2:4; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5). Thật là mâu thuẫn với Kinh Thánh khi nói rằng sự thờ phượng ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, theo nghĩa rộng hay hẹp, không bao giờ làm rung động cảm xúc của chúng ta, khiến chúng ta “vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển (1 Phi-e-rơ 1:8), cáo trách tấm lòng của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 14:24-25), lèo lái chúng ta theo đuổi sự thánh khiết (2 Cô-rinh-tô 6:16–7:1), củng cố lòng tin quyết của chúng ta (Hê-bơ-rơ 13:5-6), hoặc gia tăng lòng yêu mến Chúa của chúng ta (1 Phi-e-rơ 1:8).

Thánh Linh của Đức Chúa Trời muốn hành động cách rõ ràng hơn khi chúng ta nhóm lại với nhau, chúng ta nên cầu nguyện và mong mỏi những lúc như thế. Nhưng đây không phải là lần duy nhất chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời!

  1. Sự thờ phượng sẽ không bao giờ kết thúc

Chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời khi làm bất cứ điều gì, “dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Cô-lô-se 3:17). Sự thờ phượng là đáp ứng liên tục theo sự cảm thúc của Thánh Linh trước sự mặc khải của Đức Chúa Trời để tôn vinh hiển của Ngài ở trong Đấng Christ một cách hết lòng, hết trí khôn, hết ý. Sự thờ phượng không cần phải có âm nhạc và không bị giới hạn về mặt cảm xúc (nhưng chắc chắn có liên quan đến cả hai!). Sự thờ phượng là phước hạnh của Cha trên trời ban cho chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta, hết lần này đến lần khác, để tìm thấy niềm vui lớn nhất của chúng ta ở trong Ngài. Bất cứ lúc nào. Bất cứ nơi nào.

Điều hay nhất đó là, dành cho người nào đã được tha tội bởi huyết của Đấng Christ, sự thờ phượng sẽ không bao giờ, không bao giờ kết thúc.

 ———-

 Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Nguồn: tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan