Lần đầu tiên tôi đến dự buổi “thông công Hội Thánh” vào lúc tôi mới mười ba tuổi, khi tôi mới trở thành một Cơ Đốc Nhân được vài tháng. Tôi thậm chí chưa bao giờ nghe thấy thuật ngữ “thông công” trước Chúa Nhật trước đó, khi những từ này xuất hiện trong bản tin của Hội Thánh chúng tôi. Tối Thứ Tư đó, tôi phát hiện ra rằng “thông công” là về ăn uống. . . và ăn uống . . . và ăn thêm một ít nữa. Một số đầu bếp giỏi nhất trong vùng đều ở trong Hội Thánh đó, và tôi luôn mong chờ lần tới chúng tôi sẽ có “thông công” với nhau.
Vài tháng sau, tôi vắng Hội Thánh liên tiếp vào các ngày Chủ nhật. Một thành viên Hội Thánh có lòng quan tâm đã gọi cho tôi và nhắc tôi rằng tôi cần phải đi nhóm lại. Ông cảnh báo: “Kinh Thánh bảo chúng ta đừng bỏ qua việc nhóm lại với nhau [Hê-bơ-rơ 10:25, BTTHĐ 2010]”. “Thêm vào đó, cậu cần sự thông công trong Hội Thánh để trở nên một tín hữu trung tín.” Vậy là tôi biết mình cần phải đi nhà thờ, nhưng tôi không chắc việc ăn uống với những người trong Hội Thánh sẽ giúp tôi sống trung tín hơn trước mặt Chúa như thế nào. Rõ ràng là cũng như nhiều tín hữu ngày nay, tôi đã bối rối về bản chất và mục đích của mối thông công Cơ đốc chân chính.
Sự thông công thật là về hỗ trợ lẫn nhau. Hãy nhìn vào hình ảnh thoáng qua của Hội Thánh đầu tiên trong sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ, mối thông công với anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.” (2:42). Những tín hữu này cam kết với koinonia, có nghĩa là “mối thông công” hoặc “mối quan hệ hoặc hiệp lại mật thiết.” Theo nghĩa đen, từ này gợi ý rằng các thành viên trong Hội Thánh chia sẻ chung mọi điều (2:44). Những người trong Hội Thánh hỗ trợ lẫn nhau bằng cách phân phát những phẩm vật, vật chất của họ cho những người có nhu cầu (2:44-45). Họ cũng chia sẻ thức ăn cùng nhau (2:42, 46), chủ yếu gặp nhau tại nhà để dùng bữa chung.
Cộng đồng Cơ Đốc Nhân non trẻ đã cùng nhau chia sẻ cuộc sống, duy trì với nhau như những chi thể trong thân thể Chúa Giê-xu Christ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ trong Hội Thánh không chỉ giới hạn ở việc chia sẻ những phẩm vật cần dùng và các bữa ăn. Sự thông công thật sự được minh chứng, khi tất cả các tín hữu vui mừng khi một chi thể được tôn trọng, và tất cả các tín hữu đau đớn, khi một chi thể bị tổn thương (1 Cô. 12:26). Các tín đồ thực sự trong sự thông công sẽ mang lấy gánh nặng cho nhau (Ga-la-ti 6:2).
Trong dạng hiệp một này, không một thành viên nào là không quan trọng, và tất cả các thành viên đều sẵn sàng cùng nhau chiến đấu trong các trận chiến thuộc linh. Sự thông công thật sự là xây dựng lẫn nhau trong đức tin. Trong mối thông công chân chính, các tín hữu cố gắng xây dựng lẫn nhau thay vì xé rách nhau.
Hãy đọc một số điều Phao-lô dạy về việc xây dựng thân thể Đấng Christ, và lưu ý rằng sự gây dựng không thể tách rời khỏi sự thông công của các mối quan hệ Cơ Đốc Nhân:
- “Vậy, chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại sự hòa thuận và xây dựng cho nhau.” (Rô-ma 14:9)
- “Mỗi người trong chúng ta nên làm vừa lòng người lân cận mình để giúp ích và xây dựng họ“. (Rô-ma 15:2)
- “15 Nhưng Ngài muốn chúng ta nói ra sự thật trong tình yêu thương, để chúng ta được tăng trưởng trong mọi phương diện hướng đến Đấng Christ, là đầu; 16 nhờ Ngài mà cả thân thể kết hợp và gắn chặt với nhau bởi những dây liên kết hỗ trợ. Khi mỗi phần hoạt động một cách thích hợp thì thân thể được tăng trưởng, và tự gây dựng trong tình yêu thương..” (Ê-phê-sô 4:15-16)
- “Chớ có một lời độc ác nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói, hãy nói những lời tốt đẹp, có tính xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe.” (Ê-phê-sô 4:29)
- “Vậy, anh em hãy khích lệ nhau và xây dựng nhau, như anh em vẫn làm.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11)
Một trong những mục tiêu của một Hội Thánh lành mạnh là “trình diện mọi người cách toàn hảo trong Đấng Christ.” (Cô-lô-se 1:28), và sự thông công chân chính dẫn đến mục tiêu đó. Những tín hữu được khẳng định, khuyến khích, yêu thương và hỗ trợ sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng trong sự trung tín Cơ đốc khi kẻ thù tấn công.
Thông công chân chính là khuyến khích nhau yêu thương người khác và làm những việc lành. Hê-bơ-rơ 10:25 nói nhiều điều hơn là “bạn chỉ cần ở trong nhà thờ.” Đúng hơn, bản văn phải được hiểu dưới ánh sáng của những câu trước kêu gọi các tín hữu “giữ vững” và “khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành.” (10:23-24).
Tác giả Hê-bơ-rơ mong đợi các tín đồ phải có trách nhiệm với nhau trong đời sống Cơ Đốc Nhân, đặc biệt là trước ngày phán xét sắp đến (c. 25). Một trong những lý do khiến các Cơ Đốc Nhân nhóm họp với nhau là để thúc đẩy nhau hướng tới lối sống Cơ Đốc Nhân trung tín, đặc biệt là khi họ phải đối diện với sự bắt bớ (xem Hê-bơ-rơ 10:32-39, 12:4).
Những tín đồ bỏ bê các buổi nhóm, đã bỏ lỡ cơ hội nhận được sự hỗ trợ và động lực mà họ cần. Thật vậy, họ phải đối mặt với mối nguy hiểm lớn, nếu tiếp tục sống ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời, ngoài sự khuyến khích và trách nhiệm của Cơ Đốc Nhân.
Sự thông công thật sự không chỉ là đến nhà thờ; đó là việc khuyên nhủ nhau kiên trì trong đức tin. Như bạn có thể nhận ra, sự khuyên bảo và khích lệ từ anh chị em đồng đức tin là đặc biệt quan trọng khi chúng ta bị tấn công về thuộc linh.
Brad là một ví dụ về một Cơ Đốc Nhân mà mối thông công chân chính đã tạo nên sự khác biệt đối với họ. Anh ấy trở thành một tín đồ khi còn là một thiếu niên, nhưng thấy mình đã có những lựa chọn vô đạo đức vào giữa những năm 30 tuổi. Mục sư và các chấp sự của anh ấy yêu anh ấy đủ để đối đầu với anh ấy. Thực tế là họ thông báo với anh ấy rằng nhà thờ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật đối với anh ấy nếu anh ấy phớt lờ sự can thiệp của họ. Phản ứng đó đã đánh thức Brad về mức độ nghiêm trọng của những lựa chọn sai lầm của mình. Anh trở lại Hội Thánh, công khai xin họ tha thứ và đồng ý chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Ngày nay, Brad là một thành viên trung tín của Hội Thánh, được hỗ trợ bởi Hội Thánh địa phương của anh ấy và được khuyến khích hàng ngày để giữ gìn sự trung tín. Đó là sự thông công chân chính – loại thông công khiến kẻ thù phải báo động.
Ngọc Nga
(Lược dịch theo:https://www.thegospelcoalition.org)