Kinh thánh: Thánh Thi 103: 2; 139: 14; I Ti-mô-thê 4: 4 (*)
“Cảm ơn” là một từ khá phổ biến ở hầu hết các dân tộc trên thế gian nầy. Hầu như không có dân tộc nào mà không chú trọng đến lời cảm ơn. Từ “cảm ơn” thể hiện sự tôn trọng người khác một cách đúng đắn và phải lẽ khi người ta giúp mình một điều gì đó.
Khi có ai giúp mình một việc gì, dù nhỏ đến đâu, mình cũng cần phải biết nói lời “cảm ơn”.
Nếu có ai đó được một người nào đó giúp cho một việc gì mà người ấy lại không nói lời “cảm ơn” người đã giúp mình thì người đã có hành động giúp đỡ đó tự nhiên cảm thấy như có cái gì đó…hụt hẫng trong lòng vậy.
Người Mỹ thường rất hay dùng từ “cảm ơn” trong mọi lúc, mọi nơi. Có thể nói từ “cảm ơn” luôn luôn ở trên môi của người Mỹ.
Khi người Mỹ giúp đỡ cho mình một việc gì đó, mà mình nói lời “cảm ơn” thì họ thường nói “không có chi!” (You’ re welcome!), cũng giống như người Việt mình vậy. Nhưng nếu mình không nói chi thì họ…buồn vô kể. Đó cũng là…chuyện lạ. Nói “cảm ơn” thì nói “không có chi”, còn không nói “cảm ơn” thì lại…buồn. Nhưng đó là…văn hóa của Mỹ cũng như của nhiều dân tộc khác.
Nói về chuyện “cảm ơn”, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện tôi đọc đâu đó trên báo chí đã lâu về nhà văn Lep Tonstoi, tác giả bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình” nổi tiếng, đại ý như sau:
“Một hôm, có một phụ nữ đến gặp nhà văn và nhờ giúp đỡ một công việc gì đó. Nhà văn sẵn sàng giúp đỡ cho bà một cách vô tư, không tính toán gì cả. Sau khi hoàn thành công việc, bà này đứng dậy ra về một cách tự nhiên,…quên nói lời “cảm ơn” nhà văn.
Đợi cho bà ra đến ngoài cổng, nhà văn mới nói với theo:
“Thưa bà, bà vừa nói gì đó?”
Người phụ nữ trả lời: “Thưa ông, tôi đâu có nói gì đâu?”
Nhà văn liền đáp: “Cơ khổ, thế mà tôi tưởng bà nói lời “cảm ơn” tôi cơ chứ?”
Đúng là cách nhà văn hỏi có khác người thường chúng ta phải không bạn?
Một câu hỏi khá…lạ và khá…độc đáo!
Mỗi khi tôi…lỡ quên nói lời “cảm ơn” ai đó là tôi lại nhớ đến câu chuyện nầy của nhà văn Lep Tonstoi để tự nhắc nhở mình đừng quên nói lời “cảm ơn” người khác.
Trong Kinh thánh cũng có câu chuyện đề cập đến trường hợp …vô ơn của con người.
Sách Lu-ca, chương 17, câu 11-19 ghi lại câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành mười người phung như sau:
“Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua miền giáp ranh giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Khi Ngài vào một làng kia, có mười người phung ra đón. Họ đứng đàng xa, lên tiếng kêu xin: “Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng con!” Thấy vậy, Ngài bảo: “Hãy đi trình diện với các thầy tế lễ!” Khi họ đang đi, thì được sạch bệnh phung. Một người trong nhóm thấy mình được chữa lành, quay lại, lớn tiếng tôn vinh Đức Chúa Trời, rồi sấp mặt nơi chân Đức Giê-su mà cảm tạ Ngài; đó là một người Sa-ma-ri. Đức Giê-su hỏi: “Không phải tất cả mười người đều được lành sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai quay lại tôn vinh Đức Chúa Trời, chỉ có người ngoại quốc này thôi sao?” Rồi Ngài bảo người ấy: “Con hãy đứng dậy, về đi! Đức tin con đã chữa lành con!”
Đọc xong câu chuyện về quyền năng chữa bịnh kỳ diệu này của Chúa Giê-su, chúng ta cảm phục về quyền năng của Chúa bao nhiêu, chúng ta lại càng thất vọng về tấm lòng vô ơn của con người tội lỗi chúng ta bấy nhiêu. Có đến mười người được chữa lành, nhưng sao lại chỉ có …một người quay lại cảm tạ và tôn vinh Chúa Giê-su? Mà người đó lại là người Sa-ma-ri là người mà bị người Do-thái ghét bỏ, coi khinh mới…ngược đời chứ? Đó là câu hỏi chúng ta thường hỏi mỗi khi đọc câu chuyện nầy? Tôi thường…trách chín con người vô ơn kia là sao lại vô ơn đến thế??? Sao lại…vô tâm đến thế??? Bạn có…trách họ như tôi không?
Nếu cứ theo tỷ lệ…vô ơn và…biết ơn trong câu chuyện nầy mà tính, thì tỷ lệ người …vô ơn lên đến…chín phần mười, còn tỷ lệ người …biết ơn làchỉ …một phần mười mà thôi. Một tỷ lệ thật…bất ngờ và vô cùng…sững sốt phải không bạn? Nhưng đó là một …thực tế phủ phàng trong cuộc đời con người tội lỗi chúng ta. Người ta thường gọi đó là…thói đời.
Ngẫm xem lại chính bản thân mình, tôi thấy mình cũng không hơn những người…vô ơn đó là bao, nếu không muốn nói là mình…cũng như họ thôi. Đã biết bao lần, tôi cầu xin Chúa ban cho điều nầy điều kia, cầu xin Chúa cho tôi làm việc nầy việc nọ được tốt đẹp, đi đến nơi nầy nơi kia được bình an…nhưng rồi sau khi đạt được những điều đó, tôi thường…quên nói lời tạ ơn Chúa.
Không biết bạn có như tôi không? Có khi nào, bạn cầu xin ông Trời ban cho mình điều nầy điều kia, cái nầy cái nọ, và một khi đạt được những điều mình cầu xin rồi, thì mình…không còn nhớ đến ông Trời nữa không? Tôi tin rằng nếu nói thật với lòng mình, bạn sẽ…đồng ý với tôi điều đó. Rất nhiều lần, bạn và tôi…quên ơn Trời phải không?
Ca dao Việt Nam có câu:
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…”
Nhưng một khi đã có nước uống, đã cày được ruộng, đã đầy bát cơm và dư rơm đun bếp rồi, thì…quên mất ơn ông Trời đã ban cho mưa xuống. Đúng ra phải tạ ơn Trời, nhưng chúng ta lại đi lạy ông…Thần Nông, Quan Công hay Thổ Địa nào đó. Thật đáng buồn và đáng trách biết bao! Vậy mà, ông Trời vẫn cứ tiếp tục ban nắng, làm mưa xuống cho chúng ta. Thật đúng là không có ai…chơi đẹp, không có ai có lòng rộng lượng và khoan dung như ông Trời phải không bạn?
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp nhiều người vô ơn, bội ơn hơn là gặp người biết ơn và nhớ ơn. Dầu vậy, chúng ta vẫn cứ phải nên là người hay làm ơn thì chúng ta sẽ chất chứa cho mình một cái nền tốt và vững bền về sau. Đừng vì có quá nhiều người hay vô ơn và quên ơn mà chúng ta dừng lại việc làm ơn của mình. Khi chúng ta hay làm ơn thì không sớm thì muộn, ông Trời cũng cho chúng ta gặp được những người biết ơn và nhớ ơn, và người đó sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên về thái độ đang yêu của họ dành cho chúng ta, giống như người Sa-ma-ri được Chúa Giê-su chữa lành bịnh phung trong câu chuyện kể trên.
Lạy Chúa, xin Ngài tha thứ cho con nhiều và rất nhiều những lần…vô ơn đó trong đời sống của con. Và xin Chúa giúp cho con luôn luôn biết ơn Ngài trong cuộc sống nầy.
Xin cho con biết nói như vua Đa-vít ngày xưa rằng: “Tôi cảm tạ CHÚA vì tôi đã được tạo nên một cách đáng sợ và diệu kỳ.” (Sách Thánh Thi 139, câu 14)
Bạn có thấy Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên bạn với một thân thể thật lạ lùng không? Và bạn có cảm tạ Chúa về điều đó không?
Mỗi ngày khi bạn và gia đình bạn quay quần bên mâm cơm, bạn và gia đình bạn có cảm ơn ông Trời đã ban cho mình có thức ăn không? Hay là bạn nghĩ cơm gạo và thức ăn mà bạn có đó là do “bày tay ta làm ra tất cả”, chứ không có ông Trời nào ban cho? Vâng, cơm gạo và thức ăn bạn có đó có công sức của bạn trong đó, nhưng nếu ông Trời không ban cho mưa thuận gió hòa, không cho nắng mưa đúng thì tiết, như ông bà ta đã nói “Ơn Trời mưa nắng phải thì”, thì bạn có thể có được cơm gạo và thức ăn để ăn không? Nếu bạn bình tâm suy nghĩ một chút, bạn sẽ thấy rằng nếu ông Trời không ban cho , chúng ta sẽ không có được bất cứ điều gì.
Tôi được Kinh thánh dạy rằng trước mỗi khi ăn vật gì, hãy cảm ơn Chúa rồi mới ăn, mới nhận lãnh. Lời Kinh thánh chép: “Tất cả những gì Đức Chúa Trời tạo ra đều tốt đẹp, không có gì đáng bỏ cả, nhưng chúng ta phải biết nhận lãnh với lòng biết ơn.” (Sách I Ti-mô-thê, chương 4, câu 4). Và theo lời Kinh thánh dạy, tôi đã làm điều đó từ bao nhiêu năm qua, nghĩa là trước khi nhận lãnh thức ăn mỗi bữa, tôi đều cầu nguyện cảm ơn Chúa.
Bạn có làm điều đó trước mỗi bữa ăn như tôi chưa? Nếu chưa, tôi xin mời bạn hãy bắt đầu làm điều đó từ hôm nay đi, bạn sẽ thấy lòng mình được vui thỏa thật sự, vì mình đã không phải là người…vô ơn với ông Trời. Chữ Nho có câu “Nhơn hữu thiện nguyện, Thiên tất tùng chi” (nghĩa là: Người có lòng thành, ông Trời ắt lắng nghe) vậy.
Nhân Lễ Tạ Ơn, xin tản mạn vài điều về chuyện…cảm ơn để hàn huyên với mọi người cho thêm vui cửa, vui nhà.
Nói về chuyện…cảm ơn mà kết thúc bài viết nầy, không nói lời cảm ơn chân tình với quý vị đã bỏ thì giờ quý báu đọc hoặc nghe chuyện tản mạn nầy là điều không thể chấp nhận được.
Cho nên, tôi xin cảm ơn quý vị một cách sâu xa nơi đây.
Vua Đa-vít của người Do-thái ngày xưa đã nói với lòng mình rằng: “Hỡi linh hồn ta, hãy ca tụng CHÚA. Chớ quên tất cả các ân huệ Ngài.” (Sách Thánh Thi, chương 103, câu 2)
Học theo tấm lòng biết ơn Chúa đó, tôi đặc biệt nói lời Tạ Ơn Đức Chúa Trời đã ban cho tôi còn sống, còn có trí óc ổn định để có thể viết bài hầu chuyện quý độc giả, thính giả gần xa của Vietchristian.com trong thời gian qua.
Cũng không quên có lời cảm ơn Vietchristian.com đã có lòng…ưu ái dành “đất” cho người…nhiều chuyện nầy đăng bài hằng tuần.
Cầu xin Đức Chúa Trời ban nhiều niềm vui và phước hạnh cho hết thảy mỗi một chúng ta trong mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.
Kính cảm ơn và kính chào toàn thể quý vị!
California, Lễ Tạ Ơn 2019
Mục sư Nguyễn – Đình – Liễu.
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)
(Nguồn: vietchristian.com)