Khi chúng ta khen con cái tức là chúng ta khích lệ chúng tiến gần đến mức độ khả năng mà chúng ta phỏng định chúng có. Chúng ta phát triển điều tốt trong mỗi người chúng ta.
Khi ta khen hay yêu thương một đứa trẻ thì không phải chúng ta yêu mến và khen ngợi điều hiện có, nhưng là điều chúng ta trông mong. – J. W. Goethe
Những lời khen của kẻ khác có thể hữu ích cho chúng ta không phải ở chỗ chúng ta hiện như thế nào, nhưng ở chỗ chúng ta phải trở nên như thế nào – August W. Hare
Lời khen thật sự cần thiết để sưởi ấm đứa trẻ, khiến nó thấy dễ chịu trong cuộc sống y như những hành động tử tế, trìu mến. Lời khen sáng suốt đối với con trẻ cũng giống như ánh mặt trời chiếu trên các bông hoa. – Christian Nestell Bovee.
Seneca kể lại chuyện bà Cornelia giới thiệu các con trai mình cho một người đàn bà khác vừa đem khoe các món nữ trang của mình hỏi thăm Cornelia về nữ trang của bà ta như sau:
“Cornelia cứ để bà ta nói cho đến khi các con bà đi học về, rồi mới lên tiếng” ‘Và đây là nữ trang của tôi.”
Tôi có thể sống hai tháng nhờ vào một lời khen tốt – Mark Twain
Không ai, dù là vĩ đại hay vô danh tiểu tốt, mà không cảm kích trước những lời khen chân chính. Chúng ta có một nhu cầu hai mặt: Được khen tặng và biết cách khen tặng. – Fulton Oursler.
Thật là một lỗi lầm lớn khi con người thôi khen ngợi, vì khi họ ngưng nói những lời duyên dáng thì họ cũng ngừng suy nghĩ những gì thú vị. – Oscar Wilde.
TRẺ CON CẦN ĐƯỢC KHEN
Benjamin West kể lại thể nào ông đã trở thành một họa sĩ. Một ngày nọ, mẹ ông để ông chơi với chị là Sally. Ông tìm thấy một số lọ mực màu và quyết định vẽ chân dung chị Sally. Trong khi vẽ, ông bày bừa cả nhà bếp. Khi mẹ ông về, bà chẳng nói gì về nhà bếp cả. Vừa lượm tờ giấy ông đang vẽ, bà thốt lên: “Đúng là Sally rồi!” Và bà thưởng cho ông một cái hôn. West nói: “Cái hôn của mẹ tôi ngày đó đã khiến tôi trở thành họa sĩ.”
William James viết: “Nguyên tắc sâu xa nhất trong bản chất con người khát vọng được khen.” Khi vui vẻ vì mình đã làm hài lòng người khác, hết thảy chúng ta đều muốn làm cho họ hài lòng thêm nữa. Tiến sĩ George W. Crane, một tác giả đồng thời cũng là nhà tâm lý học, đã nói: “Nghệ thuật khen ngợi là khởi đầu của nghệ thuật làm hài lòng.”
Không khen con cái là một lỗi lầm thông thường của cha mẹ. Nhiều đứa trẻ hiếm khi nghe một lời khen. Tuy nhiên chúng lại bị mắng nếu chúng làm sai. Rất dễ quở mắng, chê trách và lên án con cái, tập trung chú ý vào những thất bại và hành vi khó ưa, cũng như vào những gì chúng không làm. Thử nghĩ đến hành vi tốt đẹp hơn cũng như niềm vui trọn vẹn mà rất có thể có được nếu chúng ta khen con cái chúng ta ngang bằng hoặc vượt trội những lời chỉ trích chê bai.
Trong một cuộc khảo sát do Viện Nghiên Cứu Các Mối liên hệ Gia Đình Hoa Kỳ (American Institute of Family Relations) báo cáo, các bà mẹ được yêu cầu ghi nhận số lần họ đưa ra những lời bình phẩm tiêu cực lẫn tích cực đối với các con mình. Họ phát hiện rằng họ chê bai chỉ trích nhiều gấp mười lần khen ngợi. Một kết luận của cuộc nghiên cứu này là phải bốn lời tích cực mới bù đắp lại được hậu quả của một lời nói tiêu cực đối với một đứa trẻ.
Đứa trẻ nào không nhận được sự khen ngợi và tán dương bình thường thì nó sẽ tìm kiếm lời khen tặng bằng những phương cách kỳ quặc, đôi khi gây thương tổn nữa. Một chút khen ngợi có thể làm nên chuyện hơn cả khối lời chỉ trích. Và nếu chịu tìm kiếm thì ta có thể thấy được một điều gì đó đáng khen trong mỗi đứa trẻ.
Martin Luther nói: “Thương con cho roi cho vọt – điều đó đúng. Nhưng bên cạnh cây roi, hãy chuẩn bị sẵn một trái táo để cho con khi nó đã sửa đổi.”
Một bé gái kia ngày nào đến lớp cũng dơ bẩn. Giáo viên nghĩ dường như cô bé chẳng tắm rửa gì hết ngày này sang ngày khác. Với lòng nhân từ và thông cảm, cô giáo không muốn làm cho cô bé bị tổn thương hoặc lúng túng. Cô biết được rằng đứa bé không được chăm sóc kỹ lưỡng trong gia đình. Có thể cha mẹ nó không quan tâm, nhưng cô giáo này đã để ý.
Một ngày nọ, cô giáo bảo đứa trẻ: “Em có đôi tay xinh xắn lắm. Vậy sao em không vào nhà vệ sinh rửa tay để người ta thấy đôi tay thật dễ thương của em?”
Sung sướng, cô bé đi rửa tay và trở ra với bộ mặt tươi cười rạng rỡ. Cô bé giơ tay lên cách hãnh diện cho cô giáo thấy.
“Ồ, tay em đẹp quá! Xem này, một chút xà bông với nước làm tay em trông khác hẳn đấy.” cô giáo bảo với em khi cô ôm ghì em vào lòng.
Sau đó, mỗi ngày em này đến trường với dáng vẻ sạch sẽ hơn một chút. Cuối cùng em trở nên một trong những học sinh sạch sẽ gọn gàng nhất trong trường.
Tại sao cô bé ấy thay đổi nhiều như vậy? Bởi vì có người khen em. Do những ưu điểm của mình được khen ngợi, cô đã trở nên tốt hơn.
Con người ít khi thay đổi khi chúng ta chỉ ra lỗi lầm của họ. Họ cũng sẽ không yêu mến chúng ta vì cớ chúng ta làm như thế. Họ rất có khả năng hờn giận với chúng ta. Nếu chúng ta muốn giúp kẻ khác thành người tốt thì chúng ta nên thực hiện điều ấy qua những lời khen tặng và khích lệ. Lời khen chân thật đem lại cho chúng ta sự ấm áp và êm ái mà hết thảy chúng ta đều cần để trở nên tốt đẹp hơn.
Nếu chúng ta nghĩ lại thì sẽ thấy rằng chính những lời khích lệ tử tế của cha mẹ, thầy cô hoặc bạn bè đã đem lại cho chúng ta sự tự tin cũng như một hình ảnh tốt mà chúng ta có được về chính mình. Còn chính lời chỉ trích mà chúng ta nhận khiến chúng ta thắc mắc về con người thật của chúng ta.
Trong cuốn sách nổi tiếng nhan đề “Những cuộc phiêu lưu trong cuộc đời làm cha mẹ” (Adventures in Parenthood), W. Talia-ferro Thompson chia sẻ kinh nghiệm như sau: “Ở gia đình tôi qui định là khi đứa con nào muốn đi chơi vào sáng thứ bảy thì phải xếp giường và lau dọn phòng của mình trước đã. Cửa phòng đứa con trai 11 tuổi của chúng tôi nằm ngay đầu cầu thang. Cửa thường mở và tôi thường nhìn vào phòng khi đi ngang qua. Nếu nó không xếp đặt mọi thứ đúng chỗ tôi sẽ bước vào phòng và rầy nó.
“Một buổi sáng nọ, khi tôi đến xuống giữa cầu thang, tôi nhận ra rằng phòng của con tôi đã được sắp xếp rất ngăn nắp; tôi đã tiếc nhìn thấy điều này khi đi ngang qua phòng và đã lưu ý. Nếu như phòng nó ở trong tình trạng bừa bộn thì hẳn tôi đã đi vào và đã bắt đầu kết tội nó.
Hơi xấu hổ, tôi bước lùi trở lên, vào phòng và xem xét giường đứa con cách cẩn thận. Giường được xếp đặt rất đẹp mắt. Rồi tôi đã thành thật khen con tôi về việc này. Tôi nói: ‘Chà, phòng này hẳn đã làm hài lòng nhân viên kiểm tra nghiêm khắc nhất trong trại. Phòng này đã qua được đợt kiểm tra tại trường West Point…’
Bạn đã thấy một con chó mới lớn khởi sự uốn éo mình khi bạn vỗ nhẹ nó hoặc nói với nó bằng giọng thân thiện thế nào, thì con trai tôi cũng bị tác động y như vậy. Tôi ngạc nhiên trước sự đáp ứng nhanh của con tôi. Nó nói: ‘Bố ơi, con sẽ đi lấy thư cho bố.’ Bộ phận thư nằm ở cuối khu đại học. ‘Xong, con sẽ đi hớt tóc.’ Chúng tôi đã nói về tình trạng tóc tai của nó nhiều lần trong tuần, mà chẳng hiệu quả tí nào cả. ‘Rồi khi trở về, có lẽ con sẽ rửa xe.’
Tôi đã cho nó lời khen xứng đáng, nên đối với nó có Đức Chúa Trời ở trên trời, và mọi sự trong thế giới này đều tốt đẹp. Vậy mà suýt chút nữa tôi đã bỏ đi luôn xuống cầu thang, không hề nói một lời khen về một thành quả mà con tôi đã tốn thì giờ và công sức cũng như vận dụng tài khéo léo với óc mỹ thuật.
Khen con không làm con hư hỏng. Đứa trẻ nào không nhận được lời khen tặng về một việc tốt khi nó đáng được, thì chính đứa trẻ đó sẽ tìm kiếm sự khen tặng bằng những cách kỳ quái. Thế nên khi một băng đảng khen một đứa trẻ về hành động lừa đảo hoặc ăn cắp thì tự nhiên đứa trẻ sẽ cố gắng để trở nên một chuyên gia ăn cắp hoặc lừa đảo.
Những Nguyên Tắc Khi Khen
1. Hãy khen công việc trẻ làm, đừng khen nhân cách của chúng. Chúng ta nên khen ngợi về thành quả của con thay vì khen nhân cách. Sau một lời khen tặng về nhân cách, chẳng hạn như: “Con đã là một cậu bé tốt thật sự,” đứa bé thường đáp ứng bằng hành vi xấu. Tại sao? Đứa trẻ có thể lo sợ rằng mình không thể sống theo như tiêu chuẩn tốt được mong đợi. Đứa trẻ cảm thấy rằng nó phải, bằng một phương cách nào đó, chối bỏ điều mà nó cảm biết là không đúng.
Một gia đình nọ kể lại chuyến đi của họ. Hết nửa ngày rồi mà cậu con trai của họ ở ghế sau vẫn ngoan ngoãn ngồi yên, đến nỗi cuối cùng người mẹ quay lại bảo: “Billy, sáng nay con là một đứa bé ngoan thật sự đấy.” Lời khen này vừa dứt có những rắc rối xảy đến. Cậu bé đổ tàn thuốc lên ghế. Cậu làm ồn ào và ném vứt đồ đạc lung tung. Lý do tại sao? Trong lúc yên lặng cậu tự thấy bực bội với mọi người trong xe, vừa tức giận vì đã phải rời nhà lúc cậu và các bạn mình vừa mới lập kế hoạch hấp dẫn cho tuần lễ ấy. Khi người mẹ bảo rằng cậu “ngoan” thì cậu biết rõ hơn bà và thấy cần phủ nhận những gì bà nói.
Thay vì nhận định về nhân cách, lời khen nên công nhận những công việc mà trẻ đã hoàn thành tốt, những hành động ân cần của trẻ dành cho người khác, tính đáng tin cậy và tính chân thật. Cha mẹ nên khen đứa con khi nó đang nỗ lực cao để sống tốt, ngay cả khi nó không hoàn toàn thành công. Lời khen phải chỉ ra sự tiến bộ.
2. Hãy khen con về những gì mà chúng chịu trách nhiệm thực hiện thay vì những gì mà Thượng đế cho. Thí dụ trẻ không thể tự tạo có mái tóc đẹp hoặc cặp mắt xanh. Khen một đứa con về những điều như thế có thể khiến nó kiêu ngạo và tự phụ. Nhưng khen ngợi con về những hành động tử tế hoặc quảng đại không làm cho nó hư hỏng hoặc khiến nó trở nên kiêu ngạo. Đứa trẻ cần những sự tán thành như thế để nhận biết giá trị của mình. Đứa trẻ nào nhận được sự tán thành của kẻ khác có khả năng trở nên khiêm nhường. Còn một đứa trẻ kiêu ngạo hoặc ưa khoe khoang thiếu đi sự nhận biết về giá trị của cá nhân nó.
3. Đứa trẻ đặc biệt cần những người được nó xem là quan trọng khen nó. Cha mẹ là những người quan trọng nhất trên đời đối với đứa con. Thế giới của con trẻ thì nhỏ bé. Cha mẹ là trung tâm của thế giới ấy. Và khi cha mẹ khen đứa con thì nó cảm thấy được yêu thương và an tâm. Như một cậu con trai nhận định: “Những gì mà người khác nói không quan trọng. Nó chỉ có tác dụng chút ít. Nhưng khi bố của em nói: ‘Việc đó tốt đấy.’ thì thế giới của em đổi khác.”
Khen một thiếu niên sẽ giúp nó thắng hơn tính rụt rè và phát triển tính độc lập. Sự khen ngợi làm phát triển tính quảng đại, óc sáng kiến và tinh thần hợp tác.
Không được người khác quan tâm khiến đứa trẻ cảm thấy mình thừa thải, không quan trọng, và nó có cảm tưởng mình là một tai ách. Điều này không phải chỉ đúng trong quan hệ cha mẹ – con cái, mà còn đúng cho các mối liên hệ khác ở trường, nơi sở làm hoặc chỗ vui chơi. Một trường nọ gặp rắc rối vì có tỉ lệ học sinh bỏ học cao khác thường. Cần phải làm một điều gì đó. Một người sáng suốt đề nghị rằng các thầy cô giáo cởi mở hơn. Ông đề nghị giáo viên nên nói chuyện với sinh viên tại sảnh đường, gọi đích danh sinh viên nếu có thể được. Chẳng bao lâu trường này đạt được tỉ lệ sinh viên bỏ học đặc biệt thấp.
4. Hãy khen cách thành thật. Trẻ con biết khi nào bạn nói thật. Chúng không thể bị lừa. Sự khen ngợi không thể làm mạo được. Lời tâng bốc sẽ không đem lại kết quả mong muốn. Thái độ thành thật dạy cho trẻ biết chấp nhận lời chúc mừng với sự thoải mái cũng như đón nhận những vinh dự một cách khiêm nhường.
5. Hãy khen con cái về những gì chúng tự ý làm. Làm một điều xứng đáng mà không do ai sai bảo là điều rất đáng khích lệ. Sự khen giúp trẻ càng tự lực và tự tin nhiều hơn nữa.
Điều này cũng có nghĩa là cha mẹ phải nhanh chóng khen con mình khi nó thua cuộc nữa. Trong một cuộc chạy đua, tất cả đều thua, chỉ trừ một người. Thái độ cũng như thành quả đều đáng được khen ngợi. Khen ngợi một đứa trẻ đã cố gắng nhưng chưa thành công đem lại cho nó lòng can đảm để tiếp tục cố gắng và động cơ phấn đấu cho những lúc gian nan mà ai cũng phải gặp. Alta Mae Erb trong cuốn “Những Cơ Đốc nuôi dạy con cái” (Christian Nurture of Children) đã viết: “Một đứa trẻ cũng có thể ngã lòng mất tự tin nếu chúng ta giao cho nó một công việc quá khó đối với khả năng của nó và rồi cố gắng giữ nó ở một mức độ thành đạt cao. Những lời nhận xét về chiếc bánh đầu tiên do một em bé làm quan trọng hơn vị ngon ngọt của chiếc bánh.”
6. Hãy nhớ rằng lời khen đến càng sớm càng tốt. Nếu cha mẹ có mặt khi con thành công, thì đó là điều hay. Khi đứa con cố gắng nhưng chưa thành công nếu cha mẹ có ngay lúc ấy và khuyến khích thì lại càng tốt hơn.
7. Hãy nhớ rằng thái độ của cha mẹ cũng quan trọng y như lời nói khích lệ của họ. Cách mà cha mẹ ngừng lại để lắng nghe, cách mà cha mẹ sẻ chia thành công hay thất bại, giọng nói của cha mẹ – hết thảy những điều này đều tạo ra bầu không khí khích lệ hoặc làm nản lòng đứa con.
Nếu một đứa con sống với sự ngợi khen thì nó sẽ học biết cách khen. Một người trưởng thành có thể tiến bộ mà không cần lời khen hằng ngày. Nhưng một đứa trẻ thì không thể được. Đứa trẻ phải được lời khen để phát triển. Đứa trẻ sẽ khô héo nếu thiếu đi lời khen. Thật may mắn cho đứa trẻ nào nhận được sự khen ngợi chân chính và thành thật.
Will Sessions khi bàn luận về đề tài “Nếu Tôi Có Con Ở Tuổi Thiếu Niên” (If I Had a Teenager) nói rằng: “Tôi sẽ khen con tôi. Nếu đứa con thổi kèn, tôi sẽ cố gắng tìm ra một nốt nhạc mà tôi nghe hay, và tôi sẽ nói lên một lời khen thành thật về nốt nhạc ấy. Nếu bài luận văn ở trường làm tôi hài lòng thì tôi sẽ cho con tôi biết như thế, hy vọng rằng con tôi sẽ được điểm tốt khi nộp bài. Nếu nó chọn cái áo hay chiếc cà vạt, đôi vớ hoặc giày, hoặc bất kỳ thứ gì khác hợp ý thích của tôi thì tôi sẽ khen.”
Có lẽ không điều gì khác khích lệ đứa con yêu cuộc sống, tìm kiếm thành quả và có được lòng tự tin rằng lời khen thành thật, thích đáng – không phải là lời tâng bốc, mà là những lời chân thành khi đứa con đạt thành quả tốt.
BÀI TRẮC NGHIỆM DÀNH CHO CÁC BẬC PHỤ HUYNH
Đánh dấu câu trả lời vào cột thích hợp: Đúng (Đ), Sai (S) hoặc Thường xuyên (T)
Đ S T | |
1. Tôi tán thưởng và khen ngợi con cách tự nhiên.
2. Khi con tôi nói chuyện với tôi thì tôi chú ý lắng nghe, như khi nghe một người lớn nói. 3. Tôi tin rằng con tôi biết tôi coi trọng nó – người cha/mẹ – hiểu biết và đánh giá cao. 4. Con tôi biết ơn tôi (appreciation) về những gì tôi làm hoặc nói. 5. Tôi khen con mình về những việc nó làm hơn là khen nhân cách. 6. Tôi khen con khi nó là người thua cuộc cũng như khi nó thắng cuộc. 7. Tôi cảm nhận rằng bầu không khí trong gia đình là bầu không khí khích lệ. |
PHẦN THẢO LUẬN
1. Hãy ghi lại trong một hoặc hai ngày số lần bạn khen tặng, cũng như số lần bạn chê bai hoặc phê phán con mình.
2. Hãy nhớ lại những trường hợp về cách con cái bạn đáp ứng trước sự khen ngợi. Chúng đã hành động thế nào? Chúng đã làm gì?
3. Bạn có nhớ được những thay đổi nào đã xảy ra nơi con cái khi bị phê phán không?
4. Hãy thảo luận sự khác nhau giữa lời chỉ trích, đả phá với sự phê bình xây dựng.
5. Hãy kể lại những lần mà một lời khen ngợi hoặc khích lệ đã giúp bạn có được sự tự tin và thỏa lòng. Những người bạn đó là ai?
6. Hãy thảo luận xem điều gì xảy ra cho đứa con nếu như cha mẹ thất vọng khi nó bị thua cuộc trong một cuộc thi đấu thể thao hoặc một nỗ lực nào đó.
7. Bạn đề nghị thêm những nguyên tắc nào nữa liên hệ đến sự khen tặng?
8. Hãy thảo luận câu nói: “Trẻ con thường sống theo những lời khen chê của người khác.”
9. Khi làm cha mẹ, niềm vui chính mà bạn nhận được là gì?
10. Bạn có cho rằng cha mẹ có thể khen con mình nhiều quá không?
(Nguồn: Bảy Điều Cần Cho Con Em Chúng Ta, Mục sư John M. Drescher)