Những Tác Động Hủy Phá
Một người kia nhớ rất rõ rằng khi khách đến nhà lúc anh ta còn bé, cha mẹ anh thường cho khách xem hình một người anh và nói: “Xem này, đứa bé mới đáng yêu làm sao!” Nhưng cha mẹ chẳng bao giờ đưa cho khách xem hình của anh ta cả. Anh của anh ta dường như làm gì cũng đúng, lại thông minh và có hình dung sáng sủa, trong khi chính anh thì dường như lúc nào cũng gặp rắc rối. Anh này cảm thấy hình như cha mẹ chỉ tìm kiếm mình khi có cái gì đó đổ bể trong nhà. Một đêm nọ, cha mẹ anh phát hiện anh đang khóc nức nở trên gác nhà vì cảm thấy chẳng ai yêu thương mình cả. Làm tổn thương lòng tự trọng của một đứa trẻ theo cách này còn khiến nó đau đớn hơn đòn roi và khiến nó mang thương tích suốt đời.
Một người cha nói với con trai mình rằng: “Ba chẳng biết lớn lên con làm được cái gì. Ba không thể tưởng nỗi ai sẽ thuê mướn con làm việc. Con sẽ chẳng bao giờ làm được thứ gì trong đời cả.” Nếu trẻ con cứ thường bị nghe rằng chúng sẽ chẳng làm gì ra trò thì chúng sẽ tin như vậy. Nếu chúng không thành công sau này thì lỗi không phải hoàn toàn do chúng. Phần lớn trách nhiệm là do bố mẹ chúng, những người khi tước đoạt lòng tự trọng của đứa bé, thì cũng tước mất đi một phẩm chất Chúa ban vốn là một trong những động lực lớn nhất thành nhân cách.
Cũng vậy, những lời chế giễu, châm biếm, khi dể và khinh miệt sẽ khiến trẻ có mặc cảm tự ti, nên ta cần phải tránh. Khi cha mẹ lên cơn giận, tâm trí của đứa trẻ có thể bị tổn hại và tình cảm cũng bị thương tích. Nếu bị dồn nén hoặc kìm chế, những cảm xúc này có thể sản sinh ra chứng rối loạn thần kinh, là điều có thể dẫn đến những bệnh nặng liên hệ đến tình cảm sau này trong cuộc đời.
Ngay cả khi cười nhạo một đứa trẻ khi nó phát âm sai một từ hoặc phạm một lỗi lầm nào đó cũng có thể khiến nó trở nên giả dối để khỏi bị cười chê.
Ý Thức Về Khả Năng, Ý Thức Về Bản Thân, và Giá Trị Cá Nhân
Ý thức về năng lực, sự tự nhận biết chính mình cũng như giá trị cá nhân được gói trọn trong nhu cầu cơ bản này, tức ý thức về tầm quan trọng. Quả là lý thú khi lưu ý cách thức những yếu tố này được hình thành.
Ý thức về năng lực bắt đầu rất sớm trong cuộc đời đứa trẻ. Chúng ta biết rằng ý thức về năng lực phần lớn được khích lệ bởi thái độ của cha đối với đứa con đồng phái tính. Con trai nhận thức về khả năng làm việc của mình chủ yếu do sự khẳng định, khuyến khích và thái độ của người cha. Con gái phát triển phần lớn ý thức về khả năng và thành quả của mình nhờ người mẹ. Qua sự tin cậy, khuyến khích và xác nhận của mẹ mà cô gái dần dần cảm biết rằng mình có thể làm việc giỏi và nỗ lực của mình có giá trị.
Ý thức về bản thân cũng bắt đầu rất sớm. Đứa con ý thức về mình là người độc nhất và mình có thể tự sống trong thế giới này là nhờ người cha hoặc mẹ khác phái với đứa con ấy. Mối tương quan của bà mẹ với người con trai ảnh hưởng nhiều đến nhận thức về bản thân của nó; còn mối tương quan của người cha với cô con gái lại có tầm quan trọng lớn lao đến việc cô sẽ nhận thức thế nào về bản thân mình.
Giá trị cá nhân phần lớn bắt nguồn từ ý thức sâu xa rằng “tôi được yêu thương”, “tôi được coi trọng” cũng như “tôi được thương yêu chỉ vì tôi là tôi.” Đứa con có được nhận thức này nhờ cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ cần yêu thương cách cởi mở đối với nhau cũng như đối với con mình nếu chúng ta muốn đứa trẻ phát triển nhận thức lành mạnh về giá trị của chính mình.
Sau đây là những đề nghị thiết thực có thể giúp chúng ta tìm được câu trả lời thực tiễn cho tất cả các vấn đề này.
Làm thế nào xây dựng cho trẻ ý thức rằng mình quan trọng?
Giờ đây chúng ta nói đến những yếu tố tích cực.
1. Là cha mẹ, thái độ của bạn đối với chính mình rất quan trọng và sẽ ảnh hưởng đến sự tự đánh giá của con bạn. Nếu trong cương vị của cha hoặc mẹ mà bạn có ý thức về giá trị của mình, thì bạn sẽ truyền lại ý thức về giá trị cho con mình.
2. Hãy để con bạn giúp làm việc nhà. Tăng trưởng có nghĩa là được người khác cần đến. “Để con làm cho” là câu nói bắt đầu rất sớm. Chúng ta thường bị cám dỗ bắt đứa trẻ đi chỗ khác và tự mình làm một việc nào đó. Nhưng đứa bé thích giúp đỡ và cần có những kinh nghiệm ý nghĩa để học biết tinh thần trách nhiệm. Còn cách nào khác cho trẻ học cách làm bánh, sơn hàng rào hoặc đóng đinh?
Khen ngợi con trẻ khi nó làm những việc nhỏ sẽ khiến nó tự nhận biết tầm quan trọng của mình. Sau đó, những việc làm hằng ngày đem lại cho nó nhận thức về thành quả tốt đẹp đều đặn. Bruno Betelheim viết: “Niềm tin về giá trị của một người chỉ đến từ sự cảm nhận rằng mình có những nhiệm vụ quan trọng và đã hoàn tất những nhiệm vụ ấy.” Vậy, hãy để cho con bạn giúp bạn. Hãy tránh nói câu đau lòng: “Ồ, con không làm được việc ấy đâu.”
3. Hãy giới thiệu con bạn với người khác. Một bạn của tôi làm chủ bút thường du hành khắp Bắc Mỹ để viết bài cho một tạp chí thiếu niên. Ông bảo rằng ông gần như có thể đoán trước được tình trạng tương quan giữa các thiếu niên với cha mẹ chúng bằng cách để ý xem các bậc cha mẹ này có giới thiệu với ông đích danh tên các con của họ hay không. Tên gọi của một người là vô cùng quan trọng, đối với một đứa trẻ cũng như một người lớn. Khi cha mẹ hoặc những người khác nghĩ rằng đứa trẻ xứng đáng được giới thiệu bằng tên, thì điều đó góp phần giúp trẻ ý thức về giá trị của mình.
4. Hãy để cho trẻ tự phát biểu. Chúng ta thường hạ thấp phẩm cách con cái bằng cách trả lời thay cho chúng. Cha mẹ thật bất lịch sự khi trả lời câu hỏi dành cho con mình. Thậm chí tôi có lần nghe một người hỏi một sinh viên đại học: “Việc học của cháu thế nào?” và rồi nghe tiếng cha, mẹ em trả lời: “Ồ, cháu đang học tốt đấy – cháu học giỏi nhất lớp đấy.” Hoặc “Cháu được chọn vào đội bóng đá.”
Một nhóm cố vấn thanh niên đã tỏ ý lo ngại khi một thanh niên được gọi phỏng vấn thì cha mẹ thường trả lời thay. Rõ ràng phần lớn đứa trẻ không ý thức được giá trị riêng của mình là vì cha mẹ.
Tại sao cha mẹ lại phát biểu thay cho con cái, làm phương hại lòng tự trọng cũng như hạ thấp tầm quan trọng của con? Bởi vì cha mẹ không tôn trọng con như một con người và muốn đề cao tầm quan trọng của chính mình. Khi làm như thế, họ tỏ ra rằng đứa con ấy không quan trọng và không đủ tư cách để phát biểu.
5. Hãy cho trẻ quyền lựa chọn và tôn trọng ý kiến của chúng bất cứ lúc nào có thể được. Nhân cách phát triển qua việc quyết định. Chúng ta nên cho con cái có cơ hội chọn lựa, và chúng cần học cách sống với kết quả do sự quyết định của mình.
Dĩ nhiên có các vấn đề đòi hỏi cha mẹ phải quyết định. Tuy nhiên có nhiều sự chọn lựa không liên hệ đạo đức hoặc không liên hệ đến đời sống. Khi chúng ta cho phép con cái lựa chọn, thì chúng ta giúp chúng có được một ý thức về giá trị của chính mình.
6. Hãy dành thì giờ với con bạn. Nếu cha mẹ không dành thì giờ cho con cái thì chúng sẽ tước đoạt thì giờ của cha mẹ bằng những cách thức gây phiền hà như nói lải nhải, đánh nhau, cũng như các lối cư xử phẫn nộ khác.
Một bé trai xem bố nó chùi bóng xe. Nó hỏi: “Bố ơi, xe hơi của bố đắt tiền lắm phải không?”
“Ừ,” cha nó đáp, “Xe hơi này giá nhiều tiền lắm. Chăm sóc nó rất có lợi. Khi nào bố đổi xe này lấy xe mới thì xe này sẽ được định cao giá hơn nếu bố giữ gìn cẩn thận.”
Sau một chút yên lặng, cậu bé nói: “Bố ơi, con nghĩ rằng con không đáng giá nhiều, phải không bố?”
Chúng ta xây dựng ý thức về giá trị bản thân cho trẻ khi chúng ta dành thì giờ lắng nghe điều quan tâm của con mình, khi chúng ta buông tờ báo xuống để nghe con nói, khi chúng ta nhìn vào mắt chúng lúc nói chuyện.
Một bé gái đến với cha nó lúc ông đang đọc báo. Cô bé chỉ cho bố xem vết trầy trên tay mình. Bực mình vì bị gián đoạn, bố cô bé vẫn dán mắt vào tờ báo và bảo: “Mà bố có làm gì được để giúp con đâu!”
Bé gái này đáp: “Được chứ bố. Lẽ ra bố có thể nói: ‘Chà, đau quá hả con?’
Một bà mẹ tâm sự rằng con trai bà có lần đến với bà, suốt hai ngày phàn nàn nhiều lần về một vết giộp trên bàn tay. Mỗi lần như thế bà đều bảo: “Con phải cẩn thận để khỏi làm đau tay nhé.” Nhưng bà chẳng nhìn vào tay nó. Trước khi để con ở lại với những người giữ trẻ để tham dự buổi nhóm cầu nguyện cũng như học hỏi về nan đề giữa cha mẹ và con cái, bà đã dừng lại nhìn vào tay nó. Bà thấy rằng bàn tay ấy cần được chăm sóc ngay lập tức vì có một cái giằm xóc gây cho nhiễm trùng. Lúc đó bà mới tiếc rằng lẽ ra bà đã phải dành thì giờ sớm hơn để giải quyết vấn đề của con mình cách nghiêm chỉnh.
7. Hãy khích lệ con cái nhận biết giá trị và tầm quan trọng của nó bằng cách thỉnh thoảng giao cho nó những việc có thể khiến nó ngạc nhiên. Cách đây ít lâu, em gái tôi cùng gia đình đến thăm chúng tôi. “Jerry đâu rồi?” hết thảy chúng tôi đều hỏi thăm. Jerry, đứa con 14 tuổi, không cùng đi với cha mẹ nó. Bố cháu đáp: “Chúng em để cháu ở nhà để tham dự một cuộc bán đấu giá một chiếc máy kéo.” Chúng tôi kinh ngạc. Nhưng bố mẹ của Jerry dường như hoàn toàn bình thản. Còn Jerry hẳn đã biết tầm quan trọng của mình như thế nào rồi.
Một gia đình nọ cho cả hai con trai mình, một em 13 tuổi và em kia 15, cùng đứng tên với cha mẹ trong sổ chi phiếu về tài khoản vãng lai của họ. Người cha nói: “Sao lại không nhi?” Không lẽ tôi tin cậy (phố tài chính) Wall Street hơn các con của tôi sao?”
Trẻ con trưởng thành về trách nhiệm cũng như thành quả khi chúng được tin cậy. Và đôi khi giao cho chúng những việc làm chúng ngạc nhiên có thể đem lại cho chúng sự khích lệ lớn lao trên bước đường nhận thức về giá trị bản thân, vốn là điều cơ bản trong suốt cuộc đời.
Dorothy Briggs kết luận trong cuốn “Con bạn với sự tự trọng: Bí quyết cho cuộc đời nó” (Your Child and Self-esteem: the Key to His Life) sau hai mươi năm làm việc tại bệnh viện: “Món quà lớn nhất mà bạn có thể tặng cho con mình là gì? Hãy giúp nó thích chính nó.”
BÀI TRẮC NGHIỆM DÀNH CHO CÁC BẬC PHỤ HUYNH
Đánh dấu câu trả lời vào cột thích hợp: đúng (Đ), sai (S), hoặc thường xuyên (T).
Đ S T
______1. Mỗi ngày khi ở nhà, tôi dành một ít thì giờ cho con tôi.
______2. Tôi giao cho con tôi những trách nhiệm đặc biệt để chứng tỏ tôi tin cậy nó.
______3. Tôi cố gắng tránh không buộc con tôi giữ những vai trò mà nó chưa sẵn sàng gánh lấy.
______4. Tôi giới thiệu con tôi với khách bằng tên của nó.
______5. Tôi tin rằng liên hệ vợ chồng của chúng tôi chiếm quyền ưu tiên hơn mối liên hệ giữa chúng tôi với con cái.
______6. Là cha mẹ, chúng tôi tỏ ra quí mến nhau trước mặt các con.
______7. Tôi để cho các con giúp tôi làm việc nhà.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
- Hãy thảo luận về những lần mà bạn nhớ là mình đã đặt mối quan hệ giữa mình với con cái lên trên các mối liên hệ chồng – vợ.
- Cha mẹ có thể bày tỏ sự quí mến nhau trước mặt con cái đến mức độ nào?
- Hãy nêu ra vài thí dụ từ kinh nghiệm của bạn về những lần bạn bắt con mình phải đóng những vai trò mà chúng chưa sẵn sàng gánh lấy.
- Hãy thảo luận câu: “Mặc cảm tự ti phát sinh từ ước muốn tự tôn.”
- Có bao giờ bạn nghĩ là mình có lý do chính đáng khi trả lời thay cho con mình không?
- Bạn có thể giao phó cho con mình những việc gì có thể khiến nó ngạc nhiên nhằm giúp nó phát triển lòng tự tin?
- Trẻ em thuộc các lứa tuổi khác nhau thường làm gì để được chú ý?
- Hãy thảo luận bài thơ của Gibran ở đầu chương này. Bạn đồng ý hay không đồng ý ở những điểm nào?
- Nếu có thể được, hãy đọc tác phẩm “Trốn hay tìm” (Hide or Seek) của James Dobson, do nhà Revell xuất bản.