Ban Biên Tập trân trọng giới thiệu sách “Kinh Ngạc Bởi Quyền Năng Của Thánh Linh,” nguyên tác “Surprised by The Power of The Spirit” do Eliezer David Paul lược dịch một số chương. Đây là một cuốn sách rất giá trị của Tiến Sỹ Jack Deer, nguyên Giáo sư Cựu Ước của Viện Thần Học Dallas (Dallas Theological Seminary).
Jack Deer theo dòng thần học cho rằng các phép lạ và các ân tứ Thánh Linh siêu nhiên đã hầu như là chấm dứt sau khi toàn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân ước đã được hình thành. Với quan điểm này, ông càng không thể chấp nhận những vấn đề sâu xa hơn nữa như là đầy dẫy Thánh Linh và báp-tem Thánh Linh của dòng thần học ân tứ (Charismatic Theology).
Nhưng có một biến động sâu xa xảy ra trong đời sống của ông khi ông bắt đầu suy gẫm Kinh Thánh với một cái nhìn tươi mới. Ông khám phá ra rằng những lập luận của ông chống lại những ân tứ siêu nhiên đã dựa trên những thiên kiến và sự thiếu vắng những kinh nghiệm cá nhân hơn là dựa trên Kinh Thánh. Ngay khi ông chuyển đổi thái độ từ nghi ngờ sang tìm kiếm, Đức Thánh Linh tỏ bày cho ông biết về Ngài trong những cách tươi mới và kinh ngạc.
Trong cuốn sách này, ông cung ứng những điều Kinh Thánh bày tỏ bảo vệ mạnh mẽ về lời của Đức Thánh Linh và mục vụ cầu nguyện chữa lành cho ngày nay. Ông diễn tả một số trường hợp chữa lành kỳ diệu hoặc nhận tiếng phán của Chúa một cách lạ lùng. Ông cũng đưa ra những lời khuyên về sự sử dụng các ân tứ Thánh Linh trong hội thánh.
Sách giúp chúng ta:
1. Khám phá lý do thật khiến nhiều Cơ đốc nhân không tin vào những ân tứ có tính phép lạ,
2. Đối phó với những sự lạm dụng các ân tứ,
3. Đối thoại với quan điểm cho rằng các phép lạ chỉ là tạm thời trong một khoảnh không gian nào đó.
4. Hiểu được tại sao Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục chữa lành.
Sách được viết bằng một lối văn cho quần chúng, với sự cẩn trọng của một ‘học giả,’ nhưng thật sống động với những kinh nghiệm cá nhân.
Ban Biên Tập sẽ phối hợp với những người dịch để đưa từng phần của sách này lên mục “Lẽ Đạo Và Niềm Tin” của trang mạng.
(tiếp theo phần 4)
Chương 3
Những Dấu lạ & Wimbers
Lần đầu tiên khi tôi liên lạc với Tiến sĩ White, tôi không biết rằng bảy tháng trước đó, ông đã sống ở Anaheim, California, và tham dự nhóm tại hội thánh của John Wimber. John Wimber là mục sư của Hiệp Hội Cơ-đốc Vineyard ở Anaheim và là lãnh đạo của “phong trào Vineyard.” Sau cuộc nói chuyện đầu tiên của tôi với Tiến sĩ White, ông đã nói với tôi tất cả những điều này.
Nhưng những điều ấy không có ý nghĩa gì đối với tôi vào lúc đó bởi vì tôi chưa bao giờ nghe nói về John Wimber hay Vineyard. Trong bảy năm tôi đã không được đọc bất kỳ tạp chí Cơ-đốc phổ biến nào, là những tạp chí có những báo cáo về Wimber và Vineyard, và cũng không có ai thảo luận về ông ta trước mặt tôi.
Tiến sĩ White nói với tôi về Wimber, và dường như ông ấy rất thích Wimber. Ông ấy nói với tôi rằng nếu tôi có cơ hội, tôi nên cố gắng để gặp Wimber và nói chuyện với ông về đề tài chữa bệnh. Tiến sĩ White nói rằng ông có thể xác minh một số phép lạ chữa lành đáng kể đã xảy ra trong chức vụ của Wimber. Sau khi tiến sĩ White rời khỏi hội thánh của chúng tôi, tôi nghe nói rằng Wimber sẽ đến Fort Worth trong vòng hai tuần tới. Ông sẽ giảng tại Lake Country Baptist vùng Viễn Tây của Fort Worth.
Tôi quyết định đi nghe ông ấy giảng vào tối thứ Năm, nhưng tôi cảm thấy không thoải mái khi đến một hội thánh Baptist mà hội thánh này lại đang xuôi dòng với một phong trào mới gọi là “Làn sóng Thứ Ba”. Một số bạn bè của tôi cũng đã cảnh báo tôi về John Wimber. Họ nghe nói rằng có một số điều rất lạ đã xảy ra trong các buổi nhóm của ông ta. Để đảm bảo an toàn, tôi đã dẫn theo khoảng mười người từ hội thánh của tôi. Bằng cách đó, nếu mọi thứ thực sự trở nên kỳ lạ, tôi sẽ có một số nhân chứng có thể xác nhận rằng tôi chỉ đơn thuần đến đó để quan sát chứ không tham gia.
Chúng tôi đến muộn và ngồi ở hàng ghế sau, ngay bên cạnh cửa (chỉ để đảm bảo an toàn). Mọi người đã bắt đầu thờ phượng. Họ ca hát, và một số người giơ tay lên, nhưng không có gì bất thường xảy ra. Sau khoảng ba mươi phút ca hát, mục sư Jim Hylton, một diễn giả nổi tiếng và đang được ưa thích trong số những người Southern Baptist, đã giới thiệu John Wimber. Wimber thông báo rằng ông sẽ nói về vương quốc của Đức Chúa Trời. Tôi tự nhủ, Tôi sẽ theo sát mọi lời ông nói và dùng Kinh Thánh để đánh giá chúng.
Sau hai mươi phút lắng nghe sứ điệp của ông ấy, tôi thấy mình đồng ý với mọi điều ông nói về vương quốc. Thực ra, tôi có thể đã giảng cùng một bài giảng như vậy cho một trong những lớp học của tôi tại chủng viện, và không ai ngạc nhiên gì cả. Hơn nữa, tôi thấy mình thực sự thích người đàn ông này. Những gì ông nói là đúng, và ông đã nói theo một cách hài hước. Ông cũng rất thành thật về những sai sót của mình. Hầu như không có chút giả vờ nào trong ông ta. Sau một giờ đồng hồ hoặc hơn một giờ gì đó, ông đã hoàn thành bài giảng của mình và thông báo rằng đã đến “giờ chữa bệnh.”
Tôi nghĩ, giờ chữa bệnh ư? Oh, đây chính là chổ rất lạ đây. Wimber đã thông báo rằng ông sẽ cầu xin Chúa chỉ cho ông thấy những gì Đức Thánh Linh muốn làm trong phần còn lại của buổi nhóm này.
“Bây giờ tôi không biết hướng chúng ta cần phải tiến hành, nhưng tôi tin Chúa sẽ cho chúng ta thấy những gì Ngài muốn làm tối nay. Tôi sẽ cầu xin Thánh Linh đến ngay bây giờ,” ông ấy nói,
Cầu xin Thánh Linh đến? Lời cầu nguyện đó ở đâu trong Kinh thánh nhỉ? Tôi tự hỏi.
Tôi cảm thấy khó chịu khi Wimber tuyên bố rằng ông sẽ sử dụng một lời cầu nguyện mà không có trong Kinh Thánh. Nhưng tôi không cảm thấy khó chịu khi tôi dùng lời cầu nguyện không có trong Kinh Thánh. Nhưng dường như có gì đó không ổn với ông Wimber này. Tôi cảm thấy ông không nên cầu nguyện với Đức Thánh Linh như vậy. Ông ấy nên cầu nguyện với Chúa Cha qua Chúa Giê-xu bởi Chúa Thánh Linh. Ít nhất đó là công thức mà một số người tin đó là phương cách duy nhất của Kinh Thánh để cầu nguyện.
Hoặc có lẽ tôi tự hỏi làm thế nào mà ông ấy có thể cầu xin một Thánh Linh toàn tại “đến”. Tuy nhiên, những tác giả Thi thiên cũng thường cầu xin Chúa “đến”. Tôi không thực sự biết lý do tại sao; Điều này khiến tôi thấy khó chịu.
Hoặc có lẽ ai đó đã làm phiền tôi – một ý nghĩ đáng sợ! Tôi đã cố gắng loại bỏ ý tưởng đó bằng cách nói với chính mình rằng Đức Thánh Linh là một Đấng lịch thiệp Ngài không đi nơi này nơi kia để nhát con cái của Chúa Cha, đặc biệt là những người có một nền thần học hoàn mỹ.
Tôi vẫn còn bận tâm.
Rõ ràng những người khác cũng cảm thấy khó chịu với lời cầu nguyện đơn giản “Đức Thánh Linh xin hãy đến”, bởi vì ngay cả John Wimber cũng cảm thấy một sự bất an chung chung giữa vòng hội chúng. Ông đã tạm ngưng “giờ chữa bệnh” lại mình để trấn an hội chúng.
“Hãy lắng nghe, tôi sẽ cầu xin Đức Thánh Linh đến. Quý vị không cần phải sợ tà linh hoặc ma quỷ đến. Khi chúng ta cầu xin Cha trên trời ban cho Đức Thánh Linh, Ngài không cho rắn hay bọ cạp.”
Mọi người dường như được bình tĩnh và yên tâm bởi những lời đó.
Sau đó, Wimber nói thêm, những con quỷ duy nhất sẽ tự biểu lộ chính nó là những con quỷ mà quý vị mang theo với bạn đến đây.
Với câu nói đùa cuối cùng đó, mọi người dường như thấy bất ổn một lần nữa, ngay cả với những người có một nền thần học hoàn mỹ.
Cuối cùng ông đã cầu xin Đức Thánh Linh đến, và rồi ông im lặng. Hội chúng cũng yên lặng.
Khoảng một phút sau, ông nhìn lên và nói, “O.K. Tôi nghĩ rằng tôi biết những gì Chúa muốn làm tối nay. Ngài đã ban cho tôi vài lời tri thức để chữa bệnh.”
Có lẽ điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời đang phán với Wimber rằng Ngài sẽ chữa lành một số người giữa vòng hội chúng vào buổi tối đó. Tôi chưa bao giờ có mặt trong một buổi nhóm như thế, và tôi không biết điều này đến từ đâu.
Wimber nói rằng Chúa muốn chữa lành những người bị đau lưng. Một số người đã xuống phía trước bục giảng để được cầu nguyện qua các nhóm cầu nguyện của hội thánh chứ không phải qua Wimber. Sau một vài phút ông nói, “Có một phụ nữ ở đây đang bị đau lưng nặng nhưng chưa chịu tiến lên phía trước. Hãy tiến về phía trước; Tôi tin Chúa sẽ chữa lành cho cô ngay bây giờ.”
Khi tôi nghe những lời này tôi nghĩ, đó là điều không thể tin nỗi. Mãi cho đến giờ phút này, việc nghiên cứu Kinh Thánh của tôi đã cho phép tôi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ phán với chúng ta để chúng ta có những lời cảnh báo, chỉ dẫn và hướng đi, nhưng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ ai bên ngoài Kinh thánh nhận được điều gì cụ thể đến từ Đức Chúa Trời.
Bây giờ, tôi biết rằng Wimber chỉ đơn thuần minh hoạ trong I Cô-rinh-tô 14:24-26:
Nhưng nếu tất cả đều nói tiên tri, mà có người không tin và người bình thường bước vào, thì họ sẽ bị thuyết phục và phán xét bởi tất cả các lời tiên tri. Những điều ẩn giấu trong lòng họ được phơi bày, họ sẽ sấp mình xuống thờ lạy Đức Chúa Trời, và tuyên bố rằng: “Đức Chúa Trời thật đang ở giữa anh em.”
Thưa anh em, phải làm như thế nào đây? Khi anh em nhóm lại, người thì có bài thánh ca, người thì có lời dạy dỗ, người thì có sự mạc khải, người thì có tiếng lạ, người thì có sự thông dịch tiếng lạ. Hãy thực hiện tất cả để xây dựng Hội Thánh.
Đức Chúa Trời đã ban cho Wimber một mặc khải về một người nào đó giữa vòng hội chúng mà Ngài muốn chữa lành, để không chỉ người đó có thể được đụng chạm, mà cả thân thể Chúa có thể được gây dựng. Tôi nghĩ rằng, Điều này là không thể tin nỗi. Nhưng đây là cách mà Phao-lô nói hội thánh phải biểu lộ.
Nhưng không ai bước lên.
Tôi nghĩ, thật tội cho John Wimber. Ông ấy đã làm rất tốt khi nói về vương quốc. Giá như ông ta không thêm vào phần chữa bệnh này, thì buổi nhóm đêm nay đã thành công rồi. Tôi cảm thấy xấu hổ thay cho ông ta và cũng thất vọng nữa.
Wimber dường như không chia sẻ sự xấu hổ hay sự thất vọng của tôi. Ông đã thông báo một sự kiện thứ hai về người phụ nữ này. Ông nói, “Cô đã đi bác sĩ vài ngày trước, cô đã bị chứng đau này trong nhiều năm. Hãy tiến lên phía trước.”
Đây là một trong những điều đáng kinh ngạc nhất mà tôi từng nghe. Nó giống như một trong những lời tiên tri mang tính tiên đoán của Cựu Ước.
Nhưng không có một phụ nữ nào đứng dậy và tiến lên. Bây giờ sự căng thẳng trong phòng nhóm gia tăng đáng kể.
Wimber dường như đang cầu nguyện trong vài giây. Rồi ông nhìn lên khán giả và nói, “Tên cô là Margaret.” Rồi với một nụ cười, ông nói thêm, “Nào Margaret, cô đứng dậy và tiến lên đây ngay bây giờ.” Khoảng nửa đường đến khu vực trung tâm hội trường, bên cạnh lối đi, Margaret đứng dậy và bắt đầu bước khá ngượng ngùng tiến về phía trước.
Tôi nghĩ rằng đây là điều lạ lùng nhất mà tôi từng thấy. Đây là cách mà sứ đồ Phao-lô nói cần phải có trong chức vụ. Có một nỗi sợ hãi và sự bắt phục trong phòng nhóm. Nhưng trước khi Margaret bước xuống phía trước bục giảng, một làn sóng hoài nghi và phẫn nộ đã đến với tôi. Tôi tự nhủ: Còn nếu ông ta trả trả tiền cho cô ấy làm như thế thì sao. Nếu cô ấy là Margaret vào tối thứ Năm ở Fort Worth Texas, nhưng vào tối thứ bảy ở một thành phố khác, cô ấy là Mabel MacClutchbut, bước xuống phía trước bục giảng mang theo một phong bì với hai khối u ác tính cô ho lên thì sao? Và tôi tự nói với mình, tôi không tin điều này là thật.
Và cùng lúc tôi bắt đầu nghi ngờ toàn bộ quá trình này, người đàn ông ngồi cạnh tôi, người mà tôi đã biết từ mười lăm năm nay và cũng là người trong hội thánh của tôi, kêu lên: “Đó là Margaret, chị vợ tôi.”
Chị gái của Mike Pinkston, Margaret Pinkston, đã đi xuống phía trước bục giảng vào tối hôm đó sau khi được John Wimber gọi đặc biệt. Và khi một vài người cầu nguyện cho cô ấy, cô ấy đã được chữa lành khỏi tình trạng cô đã trải qua trong nhiều năm. Tôi biết gia đình đó, và tôi biết rằng không có gì giả mạo về việc chữa lành đó. Đây thực sự là một minh họa cho đời sống Hội Thánh thời Tân Ước như đã được sứ đồ Phao lô tiết lộ trong 1 Cô-rinh-tô 14.
Người dịch: David Tô